Bài thi viết "Cộng sản & Tôi": Tôi - một thế hệ mất gốc! - Dân Làm Báo

Bài thi viết "Cộng sản & Tôi": Tôi - một thế hệ mất gốc!

Nguyễn Việt (Danlambao) - Ngày tôi sinh ra đời, ba tôi không có ở nhà vì đã bị CS Bắc Việt tràn ngập chi khu trước đó một tuần. Ai đã làm vợ, làm mẹ thì sẽ hiểu cảnh khốn cùng của gia đình tôi lúc đó, nhưng chỉ có tôi không hiểu từ lúc sinh ra cho tới khi trưởng thành. Mẹ tôi kể về cuộc chạy loạn từ miền Trung về tới Sài Gòn. Ðã thấy qua bao nhiêu cảnh chết chóc, xác người và loạn lạc của dân. Những chi tiết này khi internet mở rộng thì tôi mới hình tượng được cảnh ghê rợn kinh hoàng lúc đó. Phước ông bà để lại, chúng tôi đã bình an về tới Sài Gòn mà không bị chết hay thất lạc ai! Ngày 28 tháng 4 1975, ông ngoại tôi ra bến Bạch Ðằng và nuối tiếc nhìn những đoàn người di tản bằng tàu, nhưng chúng tôi không đi. Vì thương con, ông ngoại tôi ở lại với con cháu vì vẫn còn hy vọng một ngày ba tôi trở về.

Sau 30 tháng 4 1975, gia đình chúng tôi lại bị một cú sét đánh, ông ngoại tôi đi trình diện theo lời kêu gọi tráo trở của CSVN: ông tôi không trở về vì là một sĩ quan cảnh sát trong ban quân nhạc (chẳng có nợ máu chúng nó). Chúng tôi còn lại là đàn bà và trẻ thơ, không biết làm gì, đi về đâu!!? Đó là những lời mẹ tôi đôi khi nhắc lại. Chúng tôi tá túc nhà này vài ngày, chạy qua nhà khác vài lúc, và những thứ bán được thì cũng đã bán. Cuối cùng thì phải chạy lên vùng kinh tế mới và cũng là bắt đầu một cuộc sống mới 1976.

Vào đầu năm 1976, nhà tôi có tin vui là ba tôi đã không chết, nhưng đã bị thương và là tù binh trong những ngày đầu chiến dịch mùa xuân của CSVN. Ba tôi đang ở nơi rừng thiêng nước độc tận ngoài cực bắc của VN, Sơn La. Dù gì nó cũng là một điều khích lệ để mẹ tôi còn tồn tại, chạy đông chạy tây, để nuôi một bầy con nhỏ, đứa lớn 7 tuổi đứa nhỏ còn nằm nôị. Chúng tôi "vô tư" lớn lên với những nhọc nhằn của mẹ. Phải cảm ơn những người cưỡng chiếm để chúng tôi nếm được mùi cùng khổ, và lam lũ của những nông dân. Chúng tôi tập làm nông dân từ hai bàn tay trắng. Nhờ những người nông dân chất phác, họ cảm thấy thương hại , lẫn thương cảm cho cả nhà chúng tôi, cho nên đã không ngại người ngoài chỉ dạy cho chúng tôi làm từ cái cuốc, con dao. Vâng, không phải nói làm là làm được. Mẹ tôi đã vượt qua nhờ sự giúp đỡ của những nông gia chân thật, và có cả những nông gia cách mạng. Dù vậy, lý lịch chúng tôi cả xóm đều biết : Vợ con của "Ngụy" đang đi tù cải tạo.

Tôi con của "Ngụy" đó là lần đầu tôi biết viết rạch ròi khi điền vào tờ giấy khai lý lịch. Tôi cũng chẳng biết ngụy là gì. Chỉ biết là con của ngụy, và oái ăm là ngụy làm sao mà oai quá trong bộ quân phục qua bức hình mẹ tôi còn giữ kỹ của ba tôi. Ðó là những từ tôi đã viết xuống khi làm bài văn tả về người ba của tôi. Thỉnh thoảng mẹ vẫn rủ tôi ngủ bằng bài hát Hòn Vọng Phu, chắc có lẽ là lúc mẹ tôi nhớ ba nhất. Cứ như thế chúng tôi sống và lớn lên ở tuổi con nít dại khờ không biết thứ gì ngoài ăn chơi và học hành. Chúng tôi chỉ biết tới trường làm cháu ngoan bá hù (lúc đó chẳng dám gọi khác hơn). Chúng tôi không biết thứ gì về quá khứ của chế độ "Cũ ", vì chả ai dám nhắc, hay nói đến ngoại trừ phim ảnh CSVN cho làm và chiếu mang hình tượng du kích đánh Mỹ Ngụy, tuyệt nhiên không có CSBV.

Khi tôi lên 8, ba tôi được chuyển vào PleiKu K3 . Thế là chúng tôi có cơ hội được đi thăm ba. Chúng tôi mang cho ba chẳng có thứ gì quí giá, ngoài những nông sản chế biến như là gạo rang, đậu rang, đường, và thịt ruốc (thịt heo sấy khô) tổng cộng không quá khoảng 10 kg. Lần đầu được gặp ba, tôi không biết nói gì. Chỉ ngồi trong lòng của ba và nghe ba mẹ nói chuyện trong 30 phút hay một giờ. Những điều tôi nhớ là dáng ba cao và gầy, đầu đội cái mũ may bằng vải bao bố, và nó cũng là món quà đầu tiên ba tôi cho tôi. Thế là xong một ngày thăm và một lần trong một năm. Chúng tôi lại trở về sinh hoạt hàng ngày, và tôi lại làm cháu ngoan bác hù. Lên trường phải gạo bài cho kỹ, cuối năm thì mới được học sinh tiên tiến. Nhìn qua nhìn lại, đa số học sinh giỏi đều là con ngụy cả (phản động thật).

Năm 1982, nếu tôi nhớ không lầm, là lúc ông Trần Văn Bá trở về từ Pháp, kháng chiến đánh VC, bị bắt, và bị xử bắn. Sự kiện này làm cho CSVN lo sợ và ra sức tuyên truyền khủng bố những người có dính líu tới "phản động mới" và răn đe "ngụy" của chế độ cũ. Những chiếc loa phóng thanh mở công xuất hết cở phát đi phát lại những lời miệt thị, chi tiết về "ông Trần Văn Bá và đồng bọn". Ðó là lý do tôi có thể nhớ cho tới bây giờ, vì nhiều đứa học chung lớp vẩn trêu ghẹo nhau: mày là ngụy hay là ba mày có tên giống phản động mới v.v… Trẻ con không có ác ý, nhưng nó vẩn là cái gì đó làm cho người ta in vào tâm khảm rồi một lúc nào đó, nó lại bật ra trong tiềm thức. 

Năm chìm bảy nổi cái ngày tôi lên 10, đang ngồi trong lớp, anh tôi chạy vào, xin phép cho tôi về nhà vì có chuyện gấp. Khi chúng tôi chạy về đến nhà thì cả nhà đang lao xao rôm rả, người cao lớn hiện ra trong mắt tôi, ba của tôi. Từ lúc đi thăm ba lần đầu cũng là lần cuối cho tới lúc này tôi mới lại nhìn thấy ba tôi. Tình cha con, tôi chẳng thấy xa lạ chút nào, và đã nhảy tới ôm lấy ba và ông đã nhấc bổng tôi lên quay một vòng. Tôi đã có ba thật sự. Ba tôi đã được tha tù… “cải tạo”!

Từ lúc có ba, tôi vui hẳn lên. Nói năng liên "mồm" và bám theo ba không muốn xa. Có điều ba tôi chỉ nói cười vài ngày và sau đó, chỉ im lặng, suy tư ít nói hơn. Chúng tôi trở lại cuộc sống bình thường, và giờ đây mẹ tôi đỡ vất vả hơn. Ba tôi trở thành người trụ cột gia đình. Ông "tiếp thu" mảnh ruộng và nương rẫỵ Ông tỏ ra e dè với hàng xóm, ít bắt chuyện và cũng trả lời qua loa. Ông rất hiếm đi qua nhà người khác và trả lời bâng quơ khi ai đó hỏi ông về những ngày trong tù. Mỗi tháng, ông phải trình diện xã với tờ viết tự kiểm. Bản thân tôi chẳng biết ông viết gì trong đó, nhưng một năm cũng đã trôi qua, ba tôi cũng chẳng buồn xin "trả quyền công dân". Ông dùng giấy ra trại (ra tù) làm giấy thông hành nếu có dịp đi đây đi đó.

Sau một năm quản chế, ba tôi đoạn tuyệt với xã hội chủ nghĩa bằng cách vào trong rẫy dựng một căn chòi và ở luôn trong đó. Chúng tôi còn đi học, có đứa lớn, có đứa nhỏ, nhưng vẫn vào phụ ba tôi làm ruộng, làm rẫy khi có thì giờ rảnh. Mùa hè, coi như chúng tôi ở miết trong rừng và có những ngày tháng vui buồn với nắng mưa. Ba tôi kèm cho chúng tôi về toán và chút tiếng Anh. Ngoài ra, thì không đá động tới những thứ khác. Ðôi lúc, ông chỉ cau mày khi tôi gạo bài, và thỉnh thoảng lẩm bẩm "tụi mày bị nhồi sọ rồi". Tôi thật tình lúc đó đâu có biết từ ngữ "nhồi sọ" là cái gì. Chỉ chưng hững nhìn khi Ba tôi quay lưng bỏ đi.

Thế rồi, cái gì đến nó cũng đến, người bạn tù tốt của ba tôi ở Sài Gòn viết thơ cho biết là có chương trình HO dành cho cựu tù chính trị (tù cải tạo). Ba tôi chỉ bán tín bán nghi, nhưng rốt cuộc thì cũng thử làm giấy tờ đi theo diện HO. Chúng tôi thật bất ngờ khi nhận được giấy mời đi sơ vấn không lâu sau đó (khoảng 6 tháng). Rồi thì ngày phải bỏ hết mọi thứ vất vả gầy dựng lại đến. Nhà thì hiến cho nhà thờ, đất thì cho không người ta. Ngoài nhà và đất, chúng tôi không có gì, và với hai bàn tay trắng, một lần nữa ra đi tìm cuộc sống mới.

Tôi vẫn còn nhỏ, tí ti tiếng Anh, và vẫn "vô tư" với cuộc sống mới, khi ba mẹ, anh phải làm lụng kiếm sống qua ngày. Tôi chẳng vô tư được bao lâu, khi phải đối đầu với môn lịch sử nước Mỹ. Những trang sử, đọc có khúc hiểu, có khúc không hiểu, và nó đã thôi thúc tôi tìm hiểu thêm từ thư viện. Mỗi tháng, mỗi năm tiếp theo, tôi không ngừng nghĩ tiếp thu những kiến thức, bằng chứng lịch sử chiến tranh VN qua tài liệu, phim ảnh, và sách vở. Từ đây, tôi hiểu thế nào là VC, thế nào là NVA và chính phủ VNCH , quân đội VNCH.

Những vụ thảm sát do lính Mỹ gây ra đều có trong sách sử của nhà trường hay thư viện ở Mỹ. Những vụ thảm sát do VC gây ra trong năm 1968 cho toàn dân miền Nam VN, và đặc biệt là Huế . Rồi thì tháng 4/1975 đã xảy ra, và vì sao nó như thế .Từ đó, trong tôi mới có cái khái niệm về CSVN như thế nào. Tôi đã hết "vô tư" và đã biết sự thật những gì đã xảy ra ở VN. Tôi đã hiểu được cái giá gia đình tôi hứng chịu. Những cay đắng mẹ tôi đã trải qua khó khăn như thế nào. Tuy nhiên, ba mẹ tôi không dạy tôi căm thù bất cứ ai.

Năm 1999 là điểm mốc tôi bắt đầu xông pha anh hùng bàn phím khi vụ án Trần Chuồng (Trường) gây náo loạn ở Orange County, California. Ðơn giản là chúng tôi, một nhóm trẻ cảm thấy CSVN cho người đi quậy phá tuyên truyền trên những trang điện tử lúc bấy giờ như Vietfun, Vietmedia, Vietland v.v… Vô tình chúng đã làm những gì ẩn chứa trong chúng tôi bật ra, và cuộc chiến trên internet xảy ra ngày đêm. Chúng tôi miệt mài như thế cho tới khi Mỹ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với VN. Ðiều này chúng tôi cảm thấy vô vị và cái gì xảy ra cho tương lai VN còn quá mịt mù. Chúng tôi đường ai nấy đi và hòa mình vào trong cuộc sống với người dân bản địa. Tôi, một thế hệ mất gốc, nhưng chúng tôi vẫn còn rễ của một niềm tự hào VNCH.



_______________________________________



...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 25/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo