Phạm Trần (Danlambao) - Những hành động mới cho thấy đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn biết sợ Trung Quốc là giải pháp tốt nhất để tồn tại. Chủ trương này xảy ra trong bối cảnh tàu Hải Dương 8 (HD-8), được nhiều tàu quân sự và hải giám Trung Quốc hộ tống, tiếp tục công tác tìm kiếm dầu khí, bắt đầu từ ngày 03/07/2019, ở bãi Tư Chính và vùng biển lân cận, bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 Hải lý (khoảng 370 cây số) của Việt Nam.
Phía Việt Nam cũng đã gửi một số tàu võ trang của Hải Quân và lực lượng Cảnh sát biển đến vùng Tư Chính để bảo vệ an ninh cho các giàn khoan dầu hỗn hợp giữa Việt Nam với Nga và Ấn Độ.
Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Việt Nam đều không thông tin về hoạt động của đôi bên, dường như là để che đậy về cường độ mâu thuẫn.
Nhưng sự thể phía Trung Quốc tiếp tục để HD-8 hoạt động sau 3 tháng có mặt và chưa có dấu hiệu rút lui là một thách thức mới cho quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Khác với năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở vị trí cách đảo Lý Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi, khoảng 120 Hải lý, hay lối 220 cây số, về hướng đông thì nó chỉ đứng nguyên ở đó từ ngày 01/05/2014 đến ngày rút lui 16/07/2014.
Ngược lại, nay bãi đá Chữ Thập ở phía bắc Tư Chính, bị Trung Quốc chiếm năm 1988, đã biến thành đảo nhân tạo với bến cảng kiên cố, sân bay và có quân lính bảo vệ nên HD-8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc đã sử dụng Chữ Thập làm trạm nghỉ ngơi và tiếp tế nên có thể hoạt động dài ngày.
Hành động của Trung Quốc ở vùng Tư Chính, cực nam trong hình lưỡi Bò (hay đường 9 Đoạn) tự vẽ để chiếm ¾ tổng diện tích trên 3 triệu cây số vuông Biển Đông, là nhằm chống hợp tác dầu khí giữa Việt Nam với nước khác, không phải là Trung Quốc. Bởi vì từ năm 1977, khi lãnh đạo Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình còn sống đã đưa ra đề nghị “gác tranh chấp để cùng khai thác”, với các nước có tranh chấp với Bắc Kinh gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và Brunei.
Từ đó đến nay, qua nhiều lãnh đạo kế vị Đặng Tiểu Bình, Trung Hoa vẫn không đạt được mục đích hợp thức hóa quyền chủ quyền không hề có của mình ở Biển Đông.
Nhưng đến thời Tập Cận Bình thì áp lực của Trung Hoa đối với 5 nước Đông Nam Á gia tăng rõ rệt, song song với kế hoạch dùng viện trợ kinh tế và kỹ thuật, trong chủ trương “Một vành đai, một con đường” (Nhất đới, Nhất lộ) để mua chuộc và thao túng.
Phi Luật Tân-Trung Quốc
Cho đến nay, mặc dù bị Tòa án hòa giải quốc tế bác quyền chủ quyền của Trung Quốc trong hình lưỡi Bò, trong phán quyết Phi Luật Tân kiện Trung Quốc ngày ngày 12 tháng 7 năm 2016, nhưng Bắc Kinh tuyên bố không công nhận phán quyết này.
Từ lâu, Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền ở vùng biển Tây Phi Luật Tân ở bãi cạn Scarborough, Đá Vành Khăn (Micchief) và bải Cỏ Mây (Second Thomas), nhưng bị Trung Hoa bác bỏ. Bắc Kinh đã đem quân đồn trú và thường xuyên đe dọa ngư dân Phi đánh bắt ở đây.
Do đó, trước áp lực và được nhiều viện trợ của Trung Hoa, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrido Duterte đã đồng ý hợp tác với Trung Hoa để tìm dầu khí chung với tỷ lệ ăn chia 60-40 nghiêng về Philippines.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối tháng 8/2019, ông Duterte đã công bố quyết định thành lập ban nghiên cứu giữa hai nước, sau cuộc họp với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình.
Theo Tân Hoa Xã của Trung Hoa thì họ Tập nói với Tổng thống Duterte: "Hai nước nên đặt tranh chấp qua một bên, loại trừ sự can thiệp từ bên ngoài, và có thể tiến một bước lớn hơn đối với việc phát triển dầu khí chung."
Vẫn thân thiện
Vậy liệu lãnh đạo Cộng sản Việt Nam có noi theo Phi Luật Tân, trong bối cảnh của Tư Chính không?
Chưa có dấu hiệu như thế, chỉ thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã không đưa ra bất kỳ lời tuyên bố nào làm phật lòng Tập Cận Bình từ khi xảy ra vụ HD-8.
Ngược lại, ông Trọng và Chính phủ CSVN vẫn tỏ ra thân thiện, trên giấy trắng mực đen với nhà cầm quyền Trung Quốc. Bằng chứng do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) đưa tin ngày 29/09 (2019: "Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1/10/1949 - 1/10/2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi điện mừng tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lật Chiến Thư."
VOV viết tiếp: "Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta chúc mừng những thành tựu to lớn của Trung Quốc trong 70 năm qua, đặc biệt sau hơn 40 năm cải cách mở cửa; chúc nhân dân Trung Quốc tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp cải cách mở cửa, sớm xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hoà và tươi đẹp, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới."
Điện mừng khẳng định: "Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, mong muốn cùng Trung Quốc tiếp tục củng cố truyền thống láng giềng hữu nghị, làm sâu sắc các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, kiểm soát và xử lý thỏa đáng các vấn đề tồn tại trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai nước và nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới, cùng hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc vào năm 2020."
Trong khi đó, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Nguyễn Phương Nga cũng đã nói trong buổi liên hoan mừng Quốc khánh Trung Hoa: "Việt Nam coi trọng cao độ quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc, và luôn mong thúc đẩy quan hệ hai nước không ngừng đi vào chiều sâu. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt-Trung sẽ tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ với bạn bè Trung Quốc, tổ chức càng nhiều hoạt động, tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước để chào đón 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước."
Phạm Bình Minh
Riêng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cố tình tránh không nói tên Trung Quốc, trong diễn văn ngày 28/09/2019 tại Liên Hiệp Quốc. Ông Minh đã có lần lên án đích danh Trung Quốc tại Hội nghị các nước ASEAN (Đông Nam Á).
Về Biển Đông, ông Minh nói với Liên Hiệp Quốc: "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) - "Hiến chương của Biển và Đại dương". Kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Nhận thức rõ điều đó, các quốc gia liên quan đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực về giải quyết bất đồng, tranh chấp. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982. Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982."
Tuyên bố của ông Minh, chắc chắn không phải của riêng ông mà là của Bộ Chính trị do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Mà ông Trọng là người nổi tiếng thân Bắc Kinh thì ai cũng biết.
Cha ông Minh là nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, tên thật là Phạm Văn Cương, một người công khai chống việc để cho Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Hoa dưới thời nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, sau Hội nghị Thành Đô năm 1990.
Có tin nói, vì không bằng lòng với áp chế của Trung Hoa vào Việt Nam mà ông Thạch đã cảnh giác ông Linh rằng: "Thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu."
Sau đó ông Nguyễn Cơ Thạch đã bị Trung Quốc yêu cầu ông Linh phải loại ra khỏi Bộ Chính trị và luôn cả Đại hội đảng 7 thời Đỗ Mười, năm 1991.
Hai ông Linh và Mười đã cúi đầu tuân lệnh Bắc phương là một vết nhơ trong lịch sử bang giao Việt-Trung mà ai ở Việt Nam cũng biết.
Giờ đây, trong khi nối nghiệp Cha, ông Phạm Bình Minh đã không có nghĩa khí như Cha mình, nhưng ngược lại cả Bộ Chính trị, trong đó có ông Minh đã sợ Tàu ra mặt.
03.10.2019