Người chết hai lần - Dân Làm Báo

Người chết hai lần

Mẹ Nấm (Danlambao) - Đêm hôm trước, tôi thấy anh Phi, một trong những người đầu tiên giúp tôi đi về chi khu Thượng Đức, trong giấc mơ. Và sau khi viết lại những gì đã đi qua thì tôi nhận tin anh Phi vừa qua đời vì bệnh ung thư. Tôi lặng người khi nhận tin này vì đã một thời gian không gặp.

Anh R., người bạn chung của chúng tôi nói rằng: “Anh thấy em bận quá, mấy đứa nhỏ nhà Phi có đọc tin em và có hỏi thăm. Giờ tụi nhỏ cũng biết cách cập nhật được tình hình hết rồi. Mới đó mà đã 7, 8 năm”. 

Anh Phi (áo xanh) một ngày hè năm 2014

Câu chuyện ở Thượng Đức được bắt đầu từ anh Phi. 

Anh vốn là một công nhân thường được giao nhiệm vụ lái máy xúc múc đất. 

Sau khi bạt đồi để dựng tượng đài chiến thắng. người ta dự định san phẳng thêm khu đất xung quanh để mở rộng khán đài. Ngày khởi công, máy móc được điều đến, đất đá được dọn đi, nhưng cái máy do anh Phi điều khiển đến khu vực gốc cây chỉ đào được đúng một nhát rồi nằm im không cách nào khởi động được. Mặc quản đốc hò hét, cái máy xúc nằm trơ ra. Anh Phi đành phải xuống xe, tới coi ngó xung quanh, và phát hiện ra ụ đất. Người có trách nhiệm xây dựng quyết định tiếp tục san lấp xung quanh nhưng không có cách nào cho xe và máy tiến vào khu vực trước mặt, cuối cùng họ đành bỏ ngang. Buổi chiều anh Phi vác cuốc quay ngược trở lại thì phát hiện ra hài cốt của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. 

Quảng Nam tháng 11/2013

Ở thời gian đầu, địa phương không làm khó chuyện tìm mộ và chôn cất vì ngay tại Chi khu Thượng Đức việc tìm được hài cốt quân nhân vốn là chuyện không lạ. Nhưng được chôn cất tử tế thì có những người lính miền Bắc được hưởng đặc quyền đó, còn quân nhân miền Nam gia đình tìm được thì tự cải táng hoặc người dân âm thầm tiến hành thủ tục.

Tôi cũng được nghe kể trong cũng một làng một bên là cộng sản, một bên là cộng hòa, đôi khi còn là anh em bà con, nên chiến tranh đã qua, nếu không có chủ trương tuyên truyền thì mọi người đều là hàng xóm, láng giềng, nhưng cứ theo định hướng của đảng thì sự xâu xé lại xảy ra.

Sau khi chúng tôi tập trung những người lính được tìm thấy tại một khu tử tế hơn, khang trang hơn thì nhà cầm quyền địa phương không cho làm nữa. Họ nhắn nhủ xa gần, anh Phi cũng rời quê đi làm xa nhà, lâu lâu về thăm lại được hỏi han "rất chu đáo".

Tháng 4 năm 2020, cùng với tin anh Phi qua đời vì bệnh ung thư. Tin dữ thứ 2 tôi nhận còn đáng sợ hơn nhiều. 

Những ngôi mộ chưa có tên nằm trên sườn đồi Thượng Đức sẽ bị dời đi lần nữa để "bên thắng trận" xây nhà vệ sinh phục vụ cho khách tham quan tượng đài chiến thắng. 

Tôi ngỡ ngàng hỏi: "Đất khu đó rộng mà, tại sao phải như vậy!? Và tại sao phải xây khu vệ sinh xa khu tượng đài như vậy!?" 

Anh chị báo tin hỏi lại tôi: "Tại sao ai biết tại sao!? Q. mà hỏi tại sao thì ai trả lời được!" 

Tấm bia tưởng niệm chúng tôi dựng cũng đã bị đục bỏ! 

Sự hận thù của "bên thắng trận" vẫn còn đó chưa phai mờ chút nào! 

Người anh mà tôi biết nhiều năm qua vẫn âm thầm lặn lội Khe Sanh, Charlie... tìm bằng hữu giờ cũng từ biệt Sài Gòn dọn về vùng cao nguyên trú ẩn. 

Anh nói: “Ở dưới không được, mấy ổng cứ khóa cửa nhà hoài làm sao sống? Anh để nhà cho thuê, về đây làm vườn. Mùa bơ tới, anh sẽ quay lại Thượng Đức, kiếm chỗ khác cho anh em mình. Họ đã làm khó thì mình phải dọn đi thôi!” 

Sau 45 năm, những người lính VNCH không rõ họ tên, những tưởng đã tìm được một mái nhà yên ổn, nhưng không.. 

Những người lính miền Nam đã chết lần thứ hai, cũng bởi chính những quyết định của "bên thắng cuộc". 
30.04.2020



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo