Tưởng niệm các anh hùng VNCH hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974 - Dân Làm Báo

Tưởng niệm các anh hùng VNCH hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974

Photo: Facebook Trung Nghĩa
CTV Danlambao - Năm 1958, Phạm Văn Đồng đại diện cho nhà cầm quyền cộng sản tại miền Bắc đã sỉ ký Công hàm bán nước, dâng nhượng Trường Sa-Hoàng Sa cho Trung cộng. Vào thời điểm lịch sử đó, hai quần đảo này thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trong suốt giai đoạn cầm quyền, Chính quyền VNCH luôn coi việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả và sống còn của mình. Tháng 1/1974, Trung cộng cho quân đổ bộ đến Hoàng Sa để cưỡng chiếm quần đảo này. Mặc dù đã chiến đấu anh dũng nhưng vì quân Trung cộng mạnh hơn nhiều lần nên đã chiếm được Hoàng Sa.

Thời điểm lịch sử ấy, Bắc Việt đã từ chối đề nghị của chính quyền VNCH là phải gác lại mọi thù hận anh em để bảo vệ biển đảo của tổ quốc. Không những thế, CSVN còn gia tăng liên kết với quân xâm lược Trung cộng, điên cuồng chống lại chính quyền VNCH và gây nên những tội ác mà loài người không thể tưởng tượng được.

Trận Hải chiến Hoàng Sa là một trong những sự thực lịch sử mà nhà cầm quyền CS muốn xóa bỏ. Nhưng sự hy sinh anh dũng của 74 chiến sĩ VNCH năm 1974 không chỉ nằm trong ký ức của những người dân miền Nam trước 1975, mà ngày một nhiều hơn những người dân cả nước, đủ mọi lứa tuổi biết đến trận Hải chiến lịch sử này. 

Tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa, tri ân các anh hùng VNCH đã ngã xuống chính là một trong những hoạt động của người dân cả hai miền Nam-Bắc trong một vài năm trở lại đây.

Không thể bưng bít thông tin, nhà cầm quyền cho dư luận viên, công an, côn đồ và nhiều thành phần lưu manh trong xã hội cấm đoán, phá phách và đàn áp các buổi lễ Tưởng niệm. Ngay từ hai ngày trước, nơi ở của hầu hết những người đấu tranh nhân quyền trên khắp cả nước đã bị công an canh gác hầu ngăn chặn những người này ra khỏi nhà.

Tuy nhiên, vẫn có một số người vượt thoát được vòng vây của công an, mật vụ để đến điểm hẹn, tham gia tưởng niệm các anh hùng VNCH đã ngã xuống tại Hoàng Sa ngày này 43 năm về trước.

Tại Hà Nội:

Đúng 9 giờ sáng, hàng trăm người tập trung tại chân tượng đài Lý Thái Tổ và tham gia các nghi lễ tưởng niệm. Được biết, rất đông an ninh, mật vụ, dân phòng bao vây khu vực diễn ra buổi tưởng niệm và ngăn chặn các ngả đường vào địa điểm này.

Photo: Facebook Trung Nghĩa

Đến đưa tin trực tiếp còn có phóng viên quốc tế.

Bản nhạc “Hồn tử sĩ” được vang lên bởi tiếng đàn của người Nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải, trong nghi ngút khói hương. Những người dân Miền Bắc, những con người một thời đã gọi VNCH là “ngụy”, nay thành kính đứng cúi đầu tưởng nhớ đến anh linh những anh hùng “vị quốc vong thân”.

Cuộc tưởng niệm ở Hà Nội đầy màu sắc. Hầu hết những người tham gia cuộc tưởng niệm đều đeo trên đầu dải băng màu xanh, hàng chữ trắng khẳng định chủ quyền Việt Nam. Họ mang theo những tấm banner, khẩu hiệu lớn: “Anh hùng tử-khí hùng bất tử”; “Trường Sa-Hoàng Sa-Việt Nam”; “Phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988”; “Cảm tử, quyết tử đòi Trung Quốc trả lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam”; “Không đòi Trung Quốc trả lại Trường Sa và Hoàng Sa là có tội với tổ tiên và con cháu”…

Facebook Trung Nghĩa
Một tấm banner lớn chép bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” bằng cả chữ Hán lẫn tiếng Việt cũng được người dân mang tới.

Buổi tưởng niệm vẫn đang diễn ra thì rất đông công an, mật vụ ra tay đàn áp. Chúng cướp băng rôn, khẩu hiệu, giật vòng hoa và bắt người. Hàng chục người đã bị tống lên xe bus đưa đi đâu không rõ. Một trong những người bị đánh có anh Nguyễn Văn Điển. Chúng tôi hiện chưa có các thông tin về những người khác.

Photo: Facebook Trung Nghĩa

Tại Sài Gòn:

Sài Gòn luôn là nơi mà công an “siết chặt” đối với những người đấu tranh cũng như tại các địa điểm diễn ra sự kiện. Ông Huỳnh Công Thuận, cựu quân nhân VNCH, thành viên CLB Nhà báo tự do đã bị hành hung bởi một nhóm côn an khi ông này vừa bước ra khỏi nhà vài chục mét. Tại khu vực diễn ra buổi tưởng niệm, công an yêu cầu kiểm tra hành chính của những người đi đường mang theo túi xách, ba-lô. Tuy bị ngăn chặn, kiểm soát gắt gao nhưng hàng chục người vẫn tập trung tại chân tượng Đài Trần Hưng Đạo- bến Bạch Đằng để tổ chức buổi tưởng niệm.



Photo: Facebook Trung Nghĩa

Tại Nghệ An:

Hàng chục bạn trẻ mang theo băng rôn, khẩu hiệu, vòng hoa để tổ chức tưởng niệm các chiến sĩ VNCH. Họ tổ chức tưởng niệm trên biển, hát vang các bài ca tranh đấu, bài ca yêu nước và ca ngợi sự hy sinh của những anh hùng hy sinh tại Hoàng Sa. 

Trần Sáng, một trong những bạn trẻ tổ chức và tham gia buổi tưởng niệm chia sẻ với chúng tôi: “Em là người Công giáo, từ nhỏ đã được dạy dỗ phải yêu thương sự thật. Có nhiều lần công an đã gây khó khăn cho nơi ở, cuộc sống của gia đình em, nên từ đó em đã lên mạng tự tìm hiểu sự thật. Em muốn biết chế độ VNCH và lính Mỹ có giống như những gì em được học ở trường không. Sự thật mà em tìm hiểu được hoàn toàn khác.

Ngày 18-5-2014, lần đầu tiên em xuống đường phản đối Trung cộng chiếm biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Cũng từ đó em được biết đến ngày 19-1-1974 và sự hy sinh của các chiến sĩ VNCH. Sáng nay, thời khắc chúng em tường niệm, ai cũng xúc động. Và không khỏi đau xót, cả căm phẫn nữa khi nghĩ về các chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc mà còn bị chế độ cộng sản bôi nhọ và muốn xóa khỏi lịch sử.”

Xin kết thúc bản tin này bằng một lời ca ngợi xứng đáng dành cho những người con đã hy sinh vì Tổ Quốc: “Anh hùng tử- khí hùng bất tử”.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thất bại trong việc xóa bỏ lịch sử và bưng bít sự thật. Hải chiến Hoàng Sa là một phần lịch sử Việt Nam. Chính thế hệ trẻ chứ không ai khác, đang và sẽ nhắc nhớ sự kiện này như một điều đáng tự hào của chính thể VNCH, và là điều ô nhục cho chế độ cộng sản.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo