Mẹ Nấm (Danlambao) - Vụ cháy kinh hoàng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông hiện đang trở thành thảm họa khi các hướng giải quyết, ứng phó tình huống từ các cơ quan chức năng cấp phường đến thành phố lộ rõ nhiều kẻ hở. Các kịch bản ứng phó truyền thông trong thảm hoạ môi trường Formosa như tuyên truyền an toàn, hạn chế sức ảnh hưởng thông tin đã được vận dụng. Câu hỏi đặt ra: Đến bao giờ tính mạng, sức khoẻ và sự an toàn của người dân được nhà cầm quyền đặt lên hàng đầu?!
Ngày 28/8/2019,UBND phường Hạ Đình gửi thông báo khuyến cáo người dân không tiêu thụ các loại rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn... trong bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày. Các loại rau, trái cây tự trồng trong bán kính 500 m cần được tiêu huỷ. “Cần sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1-10 ngày", Thông báo do Phó chủ tịch UBND phường Hạ Đình, bà Trần Thị Nhiên ký ngày 29/8 (1).
Tuy nhiên, một ngày sau, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình đã thu hồi văn bản với lý do "không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở". (2)
Quyết định thu hồi được bà Vương Thị Vân Khánh, Chánh văn phòng UBND quận Thanh Xuân thông báo. Đại diện của quận cũng cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết hậu quả vụ cháy và sẽ công khai khi có kết quả. Mọi nỗ lực liên lạc với lãnh đạo phường Hạ Đình của báo chí nhằm làm rõ cơ sở cho việc ban hành khuyến cáo đều không thành, cán bộ phường cho biết "lãnh đạo đi họp". Phường Hạ Đình nằm giáp ranh với phường Thanh Xuân Trung (thuộc quận Thanh Xuân) nơi có nhà kho bị cháy.
Như vậy có thể thấy, khi dư luận đặt nghi vấn về sự độc hại do thuỷ ngân bốc hơi trong đám cháy cùng các tác hại lâu dài về sau với môi trường, sức khoẻ con người, lãnh đạo Quận Thanh Xuân đã chọn cách im lặng.
Cùng lúc đó Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông vội vàng đánh tiếng với dư luận "Chúng tôi không sử dụng thủy ngân làm bóng đèn... Chúng tôi đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016, nên các khí thải không ảnh hưởng đến sức khỏe con người." (3)
Đây là một hành vi bịp bợm. Bởi ai cũng biết Amalgam (hay chính xác hơn là Mercury Amalgam) dùng để sản xuất bóng đèn là hỗn hợp thuỷ ngân với nhiều kim loại khác và để kiểm soát sự ổn định của áp suát gây ra bởi hơi thuỷ ngân khi nhiệt độ bóng đèn gia tăng.
Các loại đèn phát sáng như huỳnh quang, huỳnh quang thu nhỏ (CFL) và LED đều được xếp vào loại rác thải độc hại khi bị bỏ đi. Nói đơn giản hơn là các loại bóng đèn nếu bị thiêu hủy bằng nhiệt thì nó sinh ra các phụ phẩm được xếp vào dạng độc hại.
Có thể lượng thuỷ ngân trung bình trong một bóng đèn là 4 milligrams, rất ít và các chuyên gia cho rằng nó không các tác hại nhiều đến sức khoẻ, nhưng vẫn cảnh báo nên cẩn tránh tiếp cận và phòng ngừa. Nhưng khi một nhà máy sản xuất bóng đèn bị cháy lại là chuyện khác. Lượng amalgam thuỷ ngân dùng để sản xuất là rất lớn, cháy và khí lan toả và không khí. Đó là lúc mà môi trường xung quanh cũng như sức khoẻ của người dân ở đó bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo Thông tư 58/2015 của liên bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ y tế chất thải Amalgam cũng được coi là một chất thải y tế nguy hại cần phải xử lý và tiêu hủy theo quy định để đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe.
Khi Rạng Đông nói rằng "Chúng tôi không sử dụng thủy ngân làm bóng đèn" và "chỉ sử dụng "amalgam", công ty này đã sử dụng thủ thuật nguỵ biện nhằm dối gạt người dân.
Quay trở lại với phản ứng của các cơ quan chức năng sau khi thu hồi thông báo khuyến cáo người dân về nguy cơ nhiễm độc. Chiều ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) đã thông tin về vụ cháy và vấn đề môi trường sau cháy. UBND quận đã mời một số đơn vị quan trắc, lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nước thải, nước sinh hoạt, không khí, bụi, đất xung quanh khu vực nhà máy. Các đơn vị tham gia trong sáng ngày 30/8 gồm: Trung tâm quan trắc Tài nguyên Môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội), Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội). Kết quả phân tích nhanh đến 3h20 chiều cùng ngày của Trung tâm quan trắc Tài nguyên Môi trường cho thấy các thông số như vi khí hậu, nhiệt độ, bụi... ở mức độ bình thường.
Trong văn bản gửi đi UBND quận Thanh Xuân thông báo: “Theo thông tin ban đầu của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế, các chỉ số như: thủy ngân, chì, kim loại nặng được đo bằng máy test nhanh đến 16h cho thấy đều trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với người dân.” (4)
Tuy nhiên Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Viện phó Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường Bộ Y tế đã nói rằng "chưa có một văn bản nào" khi ông trả lời kết quả quan trắc môi trường sau vụ cháy tại số 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung. "Thông tin chính thức của Viện sẽ chỉ được công bố bằng văn bản do chúng tôi cung cấp". Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn là một trong những người trực tiếp dẫn đoàn của Viện đến quan trắc tại khu vực đám cháy kho bóng đèn Rạng Đông.
GS. TSKH Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam nhận xét: thủy ngân rắn (amalgam) thực ra là thủy ngân và natri, khi ở nhiệt độ cao vẫn giải phóng thủy ngân."Với kết quả đo nhanh của Sở Tài nguyên và Môi trường không nên vội vàng kết luận. Phải thận trọng, phân tích cẩn thận chứ không thể ào ào nhanh. Hàng nghìn độ như vậy không thể nói an toàn".
Tại sao UBND Quận Thanh Xuân lại vội vàng khoả lấp vụ việc này bằng cách đánh đồng kết quả thử nhanh tại chỗ của Sở TN-MT và các xét nghiệm quan trắc như vậy?
Ở các quốc gia coi trọng tính mạng của công dân, mỗi khi có tai nạn đe doạ đến môi trường sống thì trách nhiệm của nhà chức trách là đưa ra các cảnh báo, kịp thời di tản dân cư để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ và môi trường ngay lập tức.
Việc UBND phường Hạ Đình đưa ra khuyến cáo là rất cần thiết cho người dân trong khi các cơ quan chức năng chưa thẩm định được mức độ nguy hại đối với môi trường và con người khi thuỷ ngân bốc hơi. Nhưng cách hành xử phi khoa học và ngược ngạo của UBND Quận Thanh Xuân đã cho thấy họ áp dụng nguyên mẫu bài học ứng phó trong thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh năm 2016. Thay vì tuân thủ các quy chuẩn căn bản nhất trong xử lý tai nạn, thảm họa nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân và môi trường sống của họ, thì chính quyền các cấp đã lựa chọn cách “bịt miệng” mọi tiếng nói mà họ cho là bất lợi đối với sự ổn định của xã hội.
Từ Formosa - Hà Tĩnh năm 2016 đến Rạng Đông - Hà Nội năm 2019, một lần nữa người dân Việt Nam phải tự ứng phó với thảm hoạ môi trường.
Kịch bản nào sẽ xảy ra tiếp theo sau vụ cháy này khi hiện tại dư luận đặt nghi vấn về việc khu đất có nhà máy vừa bị cháy đang nằm trong tầm ngắm của tập đoàn VinGroup?!
*
Chú thích:
(3) https://laodong.vn/xa-hoi/cty-rang-dong-chung-toi-khong-su-dung-thuy-ngan-lam-bong-den-752144.ldo
(5) https://vnexpress.net/thoi-su/chua-co-ket-qua-quan-trac-thuy-ngan-vu-chay-kho-rang-dong-3975593.html
31.08.2019