Búa rìu quốc tế đang giáng vào nhà nước CS Việt Nam - Dân Làm Báo

Búa rìu quốc tế đang giáng vào nhà nước CS Việt Nam

Cán bộ sứ quán buôn lậu, chính phủ quỵt nợ

Hà Long (VRMI) - Trong thời gian ngắn vừa qua nhiều sự cố xảy ra trên chính trường ngoại giao quốc tế tạo ra tai tiếng rất xấu cho nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đúng ra tầm ảnh hưởng rất lớn và vấn đề rất nghiêm trọng cho bộ mặt nước nhà. Ai chưa biết nguyên nhân cứ tưởng như chuyện đùa hoặc theo truyền thống lề phải cực đoan luôn đổ lỗi cho bọn thế lực thù địch gây ra.

“Vụ Vinashin: Chính phủ CSVN quỵt nợ của những nhà đầu tư nước ngoài”

Cách đây một hôm trên báo tài chính danh tiếng nước Mỹ, tờ The Wall Street Journal đưa tin ngày 16/5/2011 với tựa đề: “Faith in Vietnam Falls With Shipmaker – Niềm tin vào Việt Nam sút giảm theo Công ty Đóng Tầu (Vinashin)”, nói đúng ra họ tố giác chính phủ csVN muốn trốn nợ, tệ hại hơn nữa bản tin BBC cho rằng các nhà đầu tư quốc tế như Standard Chartered PLC, Credit Suisse AG, Depfa Bank PLC và Elliott Advisers Ltd “cảm thấy bị lừa” và cuối cùng csVN đang quất ngựa truy phong vì“Chính phủ tảng lờ” số nợ to đùng của họ. Đã bị phá sản, trốn nợ mà còn gian trá bằng cách “thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển một số đơn vị kinh doanh của Vinashin sang các tập đoàn khác”, mà không hỏi ý kiến chấp thuận của các chủ nợ đầu tư nước ngoài. Theo thuật ngữ của giới cờ bạc vỉa hè là thủ tướng csVN đang“cuốn chiếu chạy làng”.

Động thái “trốn nợ” này hợp với lời thú tội của ông Nguyễn Tấn Dũng hôm 05/5/2011 tại phiên khai mạc chính thức Hội nghị Thường niên lần thứ 44 Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ở Hà Nội: “Đất nước (VN) còn nghèo và tiếp tục cần hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có ADB và các nước thành viên”.

Một mặt ngửa tay xin tiền nơi các chủ nợ để cứu đói giảm nghèo, mặt khác tảng lờ số nợ lớn đang còn giữ trong túi thì cá nhân người thực hành điều này không còn một chút liêm sỉ riêng cho chính mình nữa.

Lần ngược về quá khứ của Vinashin lúc không còn cách cứu chữa vì phá sản thì người dân VN và quốc tế còn nhớ đến câu trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu tại quốc hội vào sáng 24/11/2010: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần nhận trách nhiệm cá nhân với sự đổ vỡ của Vinashin và hứa nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân các thành viên chính phủ, không làm xuê xoa”.

Tiện đây nhắc thêm những lời của TT Dũng vào sáng 19/11/2009 – lúc 13 đại biểu đã đăng ký chất vấn thủ tướng trước quốc hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh về sự liêm khiết chính trị trong cách cai dân trị nước của ông: “Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng – có lẽ làm thủ tướng lâu nhất – có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào. Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng. Trên tinh thần đó, rất mong cả hệ thống chính trị của chúng ta có trách nhiệm cùng nhau, các đồng chí đứng đầu địa phương mà nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ thì chúng ta cũng không mong muốn có kỷ luật, có xử lý”.

Nếu báo The Wall Street Journal đang tố cáo cho thế giới biết rõ “Niềm tin vào Việt Nam sút giảm theo Công ty Đóng Tầu (Vinashin)”, thì hai nhận định quan trọng trên của TT Dũng chỉ là điều trên “đầu môi trót lưỡi” chỉ nói xuê xoa cho xong chuyện.

Hiểu thêm được vấn đề Vinashin thì mới thấy đầu não Bộ Chính Trị tại Hà Nội rất can đảm vừa “chạy nợ” vừa “la làng” như Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố ngày 21/03/2011: “Chính phủ, Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ đã có những thiếu sót, khuyết điểm” về quản lý nhà nước với Vinashin. Tuy nhiên ông phó thủ tướng hợm hĩnh “phủi nợ” một cách sạch sẽ: “Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định của điều lệ Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân (chính phủ về Vinashin)”.

Thế là chấm hết về Vinashin từ phía Việt Nam và csVN chấp nhận những tai hại tiềm tàng sẽ xảy ra cho nền kinh tế Việt Nam từ giới đầu tư nước ngoài.

Quan chức cao cấp trong sứ quán Việt Nam tại thủ đô New Delhi “buôn lậu xe ô tô hàng xịn”

Chuyện gay cấn với thông tin xấu tố giác trốn nợ của Vinashin, món nợ 600 triệu US đôla trước mắt của các chủ đầu tư nước ngoài đang cần chính phủ VN thanh toán nhưng ngược lại ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng đoái hoài đến quan tâm của họ, thì lại bị Ấn Độ tung ra một tin xấu xa về các quan chức cao cấp trong tòa đại sứ Việt Nam tại thủ đô New Delhi về việc buôn lậu xe ô tô.

Trùng hợp cùng ngày, thứ hai 16/5/2011 bên Ấn Độ, tờ báo Indian Express chạy tựa đề: “N Korea, Vietnam embassies’ officials on DRI radar – Các quan chức ở các đại sứ quán Bắc Triều Tiên, Việt Nam bị theo dõi bởi Cục Điều tra Thu nhập (Directorate of Revenue Intelligence –DRI)”. Nội dung bài báo muốn tố cáo các nhân viên cao cấp thuộc hàng tham tán hoặc lãnh sự của sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ dính líu vào những vụ buôn lậu ô tô hàng xịn.

Cục Tình báo Thuế vụ của DRI – cơ quan chuyên môn điều tra về tội phạm kinh tế của Ấn Độ - đã bắt được một tội phạm tên Sumit Walia, gọi lóng là Sunny, 32 tuổi về việc buôn bán ô tô trốn thuế và Walia có thể liên quan đến các quan chức cao cấp của đại sứ quan Việt Nam và Bắc Triều Tiên. Những quan chức này có quyền mua xe mà không phải trả mức thuế nhập khẩu vì hưởng quy chế miễn nhiễm cho ngoại giao đoàn.

Cách làm chuyên nghiệp của Walia là thường nhập các loại xe xịn được đánh cắp hoặc đã qua sử dụng từ nước ngoài và giả mạo hồ sơ thành hóa đơn xe mới để bán cho những người giàu có ở New Delhi. Các nhà điều tra của DRI tịch thu 41 chiếc xe loại xịn và một số xe hơi thể thao. Cuộc điều tra cho thấy Walia có liên quan đến các quan chức của sứ quán Việt Nam và Bắc Triều Tiên ở thủ đô New Delhi.

Nhờ các đầu mối bên Anh quốc, Walia đã mua các xe đánh cắp hoặc xe cũ, rồi hóa phép các giấy tờ để các xe này trở thành xe mới xuất xưởng. Sau đó xe được chuyển về Ấn Độ mang tên chủ nhân của các quan chức tại hai đại sứ quán Việt Nam và Bắc Triều Tiên.

“Walia kết nối với những quan chức đó với danh nghĩa là cung cấp xe nhập khẩu vì họ không phải đóng thuế cho các vụ mua xe đó”, một điều tra viên DRI nói”.

Điều tra viên cũng cho biết: “Khi nhập vào Ấn Độ, các xe được bán cho các đại gia, hoặc các nhân vật tiếng tăm. Các xe tịch thu bao gồm các thương hiệu hạng sang như BMW, Range Rover, Ferrari, Lexus, Porsche, Mercedes và Aston Martin.”

Cục Tình báo Thuế vụ của Ấn Độ DRI đang làm việc với Bộ Ngoại Giao để điều tra vai trò cán bộ tại các sứ quán của Việt Nam và Bắc Triều Tiên.

Các quan chức lãnh đạo của sứ quán VN tại tại thủ đô New Delhi dính vào đường dây buôn lậu của Walia này sẽ thu được một lợi nhuận khổng lồ vì theo luật Ấn Độ, người mua xe mới chỉ phải đóng 109% thuế, trong khi đó chiếc xe cũ phải trả thêm 160% thuế trên trị giá chiếc xe. Điệp vụ to lớn như thế và để giấu được những chiếc xe hạng sang thì không thể một cá nhân hoàn thành được mà phải có những đường dây liên quan đến nhiều đồng bọn, có khi kéo dài đến thẳng Việt Nam chăng?

Hậu qủa quỵt nợ nước ngoài và buôn lậu quốc tế

Trong cùng một ngày nhà nước Việt Nam đón nhận hai trái bom tấn của vụ trốn nợ Vinashin và buôn lậu ô tô ở sứ quán VN tại Ấn Độ. Sức công phá và vết tích của hai trái bom tấn này chắc chắn sẽ để lại những hậu qủa lâu dài về sau trên cộng đồng thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lấy chữ „TÍN“ ở đâu ra để đi thương thuyết trong tương lai? Bộ Ngoại Giao VN có phải đang trở thành một ổ buôn lậu quốc tế tại nước ngoài, nếu được nhắc thêm về bà Bí thư thứ nhất Vũ Mộc Anh của sứ quán Việt Nam tại Nam Phi về những vụ buôn lậu sừng tê giác vào năm 2008 ngay trước cổng sứ quán VN ở thủ đô Pretoria được truyền hình Nam Phi ghi băng lại và phát sóng?

Phải chăng danh thơm tiếng tốt của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới đang được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt trên canh bạc của Vinashin hoặc ở các sứ quán VN tại nước ngoài?

Tờ báo The Wall Street Journal đã xác nhận rõ ràng vị trí này: “Vụ khủng hoảng Vinashin là một cú trượt vẫn đang còn diễn ra đối với các hy vọng xa xôi của nước này, phá hoại cả tiếng tăm của Việt Nam trước các nhà cho vay quốc tế và tiềm tàng hạ thấp dòng đầu tư nước ngoài đã từng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam (được tăng trưởng) trong những năm vừa qua”.

Hà Long

Nguồn : VRMI



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo