33 học sinh bị phạt phơi nắng vì đi cổ động bảo vệ môi trường - Dân Làm Báo

33 học sinh bị phạt phơi nắng vì đi cổ động bảo vệ môi trường

Châu Anh (VTC) - Ở giữa thủ đô, 33 em học sinh đã bị trừng phạt đứng đầu trần dưới trời nắng chang chang suốt hai tiết học chỉ vì chuyện của người lớn.

Kỳ 1: Chuyện người lớn nhưng 33 học sinh bị ép phơi nắng

“Vào buổi chào cờ thứ 2 đầu tuần, cô giáo hỏi “Ai đi cổ động hôm thứ 7 thì đứng dậy”, con tưởng được khen thưởng nên liền đứng lên. Rồi cô bắt con đứng trên sân khấu liền 2 tiết học, trời nắng quá, nhiều bạn bật khóc nhưng cô vẫn không cho về lớp”, em Nguyễn Hải Yến, học sinh lớp 5B, trường Tiểu học Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội nhớ lại.

Đứng nắng, con sợ lắm!

Theo nhiều bậc phụ huynh tại xã Đình Xuyên, Huyện Gia Lâm, Hà Nội, lý do khiến các em phải đứng dưới trời nắng gần hơn 2 tiết học là do tối thứ 7 (7/5), vì theo dân thôn tổ 3 và tổ 6 đi cổ động ngày môi trường thế giới, kêu gọi các xưởng sản xuất gỗ dán và gỗ ép ngừng việc phá hoại môi trường sống bằng việc gây ô nhiễm không khí có chất độc hại Phomalđêhít.

Sự việc đã xảy ra được hơn 1 tháng, nhưng mỗi lần nhắc lại, các em đều không dấu nổi sự sợ hãi, rụt rè vì “nếu cô giáo biết sẽ phạt nặng hơn”. Khi biết chúng tôi là nhà báo, mặc dù đã được sự động viên của bố mẹ, nhưng các cháu bé vẫn không dám vào gặp. Sau rất nhiều lần thuyết phục, các em mới chịu vào gặp, nhưng cũng rất dè dặt kể lại câu chuyện.


Đơn khiếu nại của người dân xã Đình Xuyên.

Em Nguyễn Hải Yến kể lại: Vào tiết chào cờ buổi sáng thứ hai ngày 9/5, sau khi thực hiện xong các nội dung cơ bản của tiết chào cờ, cô giáo chuyển sang nói chuyện về về buổi cổ động môi trường do nhân dân thôn 3 và thôn 6 xã Đình Xuyên tổ chức.

“Sau đó, cô đề nghị các bạn học sinh tham gia cuộc cổ động hãy đứng dậy và lên trên bục sân khấu. Lúc đầu chúng con đều tưởng là được cô tuyên dương nên rất hào hứng đi lên. Nhưng thấy cô nói ai tự giác sẽ không xử phạt, thì tụi con sợ lắm, một số bạn cũng không dám đứng lên”, em Yến nói.

Tiếp đó, cô cho rằng còn rất nhiều bạn nữa đã tham gia cuộc cổ động mà chưa tự giác đứng dậy, liền dọa: “Uỷ ban nhân dân xã đã quay phim và chụp ảnh buổi cổ động và nhà trường đã biết rõ từng em, nếu em nào không lên thì sẽ bị lôi lên trên sân khấu”.

Một số bạn nghe cô giáo nói vậy sợ quá, cũng tự giác đi lên. Nhưng một số bạn thì không dám. “Trời nắng, sân khấu không có mái che, cô bắt bọn con đứng từ cuối tiết chào cờ cho đến cuối tiết học thứ 2. Bạn nào mỏi chân quá cũng không dám ngồi xuống vì như thế sẽ bị phạt tiếp”, em Yến nhớ lại.

Còn em Đinh Tiến Cao, học sinh lớp 5B, trường Tiểu học Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội thì không dấu nổi sự sợ hãi khi kể lại sự việc bị thầy V. đá vào mông, véo tai lên sân khấu vì đã không tự giác đứng dậy. Em kể lại sự việc, giọng lí nhí và đứt đoạn: “Hôm đó, con không dám đứng dậy vì…sợ. Nhưng có bạn mách với cô là có nhìn thấy con đi cùng đoàn cổ động hôm thứ 7. Sau đó, thầy V. xuống chỗ con, thầy…đá vào mông con. Vừa véo tai xếch lên, thầy vừa bảo: “Mày không lên hả. Con sợ lắm”.

Theo các em, tiết chào cờ hôm đó chỉ có 33 em học sinh ở thôn 3 và thôn 6 xã Đình Xuyên tham gia đoàn cổ động là bị đứng lên. Còn các bạn khác vẫn được ngồi ghế ở chỗ mát và hết tiết chào cờ, vào lớp học bình thường.


Dân xã Đình Xuyên, Huyện Gia Lâm, Hà Nội phản ánh với VTC News

Sau khi triệu tập đủ số học sinh tham gia đoàn cổ động, cô Hiệu trưởng đã tuyên bố hình phạt đối với tất cả các em (kể cả các em tự giác) phải đứng trên sân khấu trước toàn trường từ lúc đó cho đến khi nào cho phép mới được vào. Sau đó, các cô còn mắng và ghi tên vào sổ. Ai vi phạm, lần sau còn đi tiếp sẽ bị phạt nặng hơn.

Theo bản tin dự báo thời tiết ngày 09/5/2011, nhiệt độ thấp nhất từ 26 – 28 độ C và nhiệt độ cao nhất từ 34 – 36 độ C. Đứng dưới trời nắng, các em hoàn toàn đầu trần và mặc áo cộc tay, không được đội mũ hay được sử dụng một vật dụng nào chống nắng.

“Nắng rát lắm, mỏi chân nữa nhưng tụi con không dám ngồi vì sợ cô thấy sẽ bị phạt nặng hơn. Con chỉ hơi nhức đầu nhưng các bạn khác, có bạn thì mặt đỏ ửng, kêu chóng mặt. Bạn thì bật khóc…vì sợ. Cô có nhìn thấy nhưng vẫn kệ bọn con”, em Cao nhớ lại.

Đến khoảng 9h cùng ngày thì cô Hiệu trưởng mới cho phép các em được trở lại lớp học. Đây là lúc bắt đầu tiết 3, tiết này theo chương trình là tiết thi học kỳ, do đó nhiều em tinh thần giảm sút, không tập trung làm bài được.

“Trước khi về lớp, các cô còn dặn tụi con “Cấm không được nói với cha mẹ về việc hôm nay ở trường. Ai nói sẽ bị phạt”, em Cao nói.

Không chỉ bị đứng dưới trời nắng, nhiều em học sinh tại thôn 3 và thôn 6 xã Đình Xuyên còn bị các thầy cô giáo phân biệt đối xử trong các giờ học.

Lớp Yến có 5 bạn tham gia buổi cổ động, và cả 5 bạn này đều bị cô giáo cho điểm thấp mặc dù …học thuộc bài. “Chỉ có 5 đứa bọn con bị điểm thấp thôi, các bạn khác trong lớp nếu học thuộc bài, điểm vẫn cao”, Yến khẳng định.

Khi hỏi “Con có biết lý do vì sao cô cho điểm thấp không?”, Yến chỉ im lặng. Còn theo em Đinh Tiến Cao, lý do là do “bọn con đi cổ động nên bị cô phạt”. Ngay sau khi sự việc xảy ra, mặc dù được các thầy cô giáo nhắc nhở “không được nói với gia đình”, nhưng do thấy những dấu hiệu bất thường như: tâm lý hoảng loạn, mệt mỏi, nhiều em có biểu hiện say nắng,…Các bậc cha mẹ đã gặng hỏi và biết được sự việc, vì vậy đã đồng loạt làm đơn khiếu nại lên phía nhà trường.

Chị Hương, phụ huynh một học sinh bị đứng nắng bức xúc nói: “Các cháu còn bé có biết cổ động là gì đâu, thấy bố mẹ đi thì đi theo, thế mà nhà trường cũng nỡ phạt. Đặc biệt là đó lại đang trong thời gian các cháu thi học kỳ, nên ảnh hưởng rất không tốt đến tâm lý của các cháu”.

Trong đơn khiếu nại gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm, nhiều bậc phụ huynh đã bày tỏ sự không đồng tình với hành động của ban giám hiệu trường Tiểu học Đình Xuyên: “Chúng tôi thiết nghĩ đây là hàng loạt những hành vi cố ý xâm phạm nghiêm trọng những quyền lợi cơ bản của trẻ em đã được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Những hành vi này chúng tôi không bao giờ nghĩ nó được diễn ra tại một trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia và chúng tôi vô cùng đau xót và phẫn nộ khi những hành vi bạo ngược đó lại nhằm vào con em chúng tôi như để "trả thù" thay cho các ông chủ cơ sở sản xuất gỗ dán và gỗ ép đã bị UBND xã Đình Xuyên đình chỉ hoạt động sản xuất vào ngày 08/5/2011 vì lý do gây ô nhiễm môi trường”.

Để tìm hiểu sự việc được rõ ràng và khách quan hơn, PV VTC News đã tìm đến nhà cô Hương, hiệu trưởng trường Tiểu học Đình Xuyên. Tuy nhiên, cô Hương không có nhà.

Tại Ủy ban nhân dân xã Đình Xuyên, PV gọi vào số máy của cô Hương, lần đầu tiên có một giọng phụ nữ nhấc máy, nhưng nói “nhầm số”. So sánh số máy vừa gọi với số máy được Phó Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên Nguyễn Quang Tĩnh cung cấp, thấy không có gì sai, nên chúng tôi tiếp tục gọi lại lần thứ hai. Lần này máy vẫn đổ chuông nhưng không có người nhấc.

Để ý kiến đa chiều hơn, chúng tôi tiếp tục nhờ ông Tĩnh dùng số di động cá nhân của ông để gọi, nhưng lần này máy báo không liên lạc được. Phải chăng có những uẩn khúc bên trong khiến cô hiệu trưởng Hương không "lộ diện" trước báo chí để nói rõ về vụ việc?

Tại sao phản đối 10 xưởng sản xuất gỗ?

Theo đơn khiếu nại của nhân dân Thôn 3 và Thôn 6, xã Đình Xuyên – huyện Gia Lâm- TP Hà Nội, hiện nay 60.000m2 đất tại cánh đồng Trường Thi – xã Đình Xuyên – huyện Gia Lâm – TP.Hà Nội được UBND xã cho phép 10 xưởng sản xuất gỗ dán và gỗ ép sử dụng sai mục đích dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là ô nhiễm môi trường, gây bệnh tật cho người dân sở tại.


Các xưởng sản xuất gỗ nằm sát khu dân cư

Có mặt tại xưởng sản xuất gỗ của ông Nguyễn Hữu Mạnh, 1 trong 10 xưởng sản xuất gỗ tại cánh đồng Trường Thi. Xưởng sản xuất này khá lớn với diện tích khoảng 10.000m2.

Theo quan sát của PV, xưởng sản xuất gỗ của ông Mạnh là xưởng nằm cuối dãy, bên cạnh là đất dân sản xuất nông nghiệp. Ông Mạnh cũng thừa nhận, diện tích ông đang sử dụng để sản xuất gỗ là đất thuê lại của người dân và chưa được sự phê duyệt của UBND Thành Phố Hà Nội.

Còn chị Nguyễn Thị Lựu, một trong những cơ sở sản xuất gỗ đầu tiên tại đây cho biết, trước đây xưởng chị sản xuất ít và chủ yếu sản xuất tại nhà, tầng 1 sản xuất gỗ, tầng 2 để sinh hoạt. Nhưng gần đây, xưởng sản xuất lớn hơn nên chị phải đi thuê đất để xây xưởng.

Khi được hỏi, chị có biết tự ý thuê lại đất như vậy là trái quy định của pháp luật không? Chị Lựu cho biết: “Biết là sai nhưng mà đói thì phải đi tìm đất để làm ăn thôi. Xã có phạt thì tôi cũng phải chấp nhận thôi”.

Trao đổi về việc sử dụng hơn 60.000 m2 đất sai mục đích này, ông Nguyễn Quang Tĩnh – Phó Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, xã Đình Xuyên từ năm 1980 về trước là xã nông nghiệp thuần túy, mức sống của người dân rất thấp, là một xã nghèo của Gia Lâm. Nhất là trận lụt năm 1971 đã biến những khu đất nông nghiệp màu mỡ thành những khu đất cát. Vì vậy, cuộc sống của người nông dân đã khổ lại còn khổ hơn.

Cái khó ló cái khôn, vì việc sản xuất nông nghiệp không đem lại thu nhập nhiều, nên một số hộ gia đình ở xã Đình Xuyên đã chuyển sang làm các ngành dịch vụ. Đây cũng là chủ trương của xã, đẩy mạnh phát triển các ngành tiểu thu công nghiệp và dịch vụ.


Ông Nguyễn Quang Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên

Từ sau năm 1980 nhiều người dân ở Đình Xuyên đã thoát ly đi công nhân. Sau một số người quay về xã học được nghề làm diêm và mở xưởng sản xuất diêm thông qua HTX Hợp Long. Các xưởng này nằm ngay ở trong khu dân cư. Từ đó kinh xã phát triển hơn hẳn, đến năm 1990, xã đã được đưa ra khỏi danh sách xã nghèo thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Cụ thể, xã Định Xuyên đô thị hóa nhanh, cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển dịch rõ rệt, nông nghiệp chỉ còn chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là 42% và thương mại - dịch vụ là 43%.

Tuy nhiên, làm diêm sử dụng hóa chất ảnh hưởng đến môi trường, nhất là các chất này thẩm thấu xuống nguồn nước, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Do vậy, để cải thiện môi trường, xã đã yêu cầu các hộ gia đình đưa sản xuất ra khỏi khu vực dân cư. Khu đất Tràng Thi, là khu đất người dân có đơn khiếu nại thực tế là thuộc đất nông nghiệp, nhưng là khu đất không màu mỡ, “chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn”, thu hoạch 1 sào chỉ khoảng 40 – 50kg thóc. Thậm chí, có vụ thu được, có vụ không thu được gì vì hạn hán, ngập úng luôn thường trực.

Vì vậy, một số hộ dân đã tự ý chuyển nhượng cho các xưởng sản xuất diêm. Những hộ sớm nhất ra từ những năm 1992 – 1993. Khu vực này có xưởng gần nhất thì chỉ cách khu dân cư hơn 10m, xưởng xa hơn thì 70m.

Lúc đầu thì chỉ có 1 – 2 xưởng hoạt động, đến giờ có khoảng 10 xưởng, mức thu nhập của xã không chỉ là 10 xưởng này mà còn từ nhiều xưởng khác trong khu dân cư.

Năm 2001, UBND xã Định Xuyên cũng rất bức xúc về mặt bằng cho các hộ tiểu thủ công nghiệp, trong đó có các xưởng sản xuất gỗ hoạt động, nên đã đề nghị huyện có chủ trương tạo điều kiện cho các hộ này. Nhưng sau đó xã có gửi tờ trình lên UBND huyện Gia Lâm, xin 10ha đất để mở khu sản xuất tập trung, đưa tất cả các hộ này vào một khu riêng, xa khu vực dân cư. UBND huyện đồng ý, nhưng khi trình lên UBND TP Hà Nội thì đến giờ vẫn chưa được chấp thuận.

“Việc xin đất để xây khu sản xuất tập trung này, chúng tôi đã làm rất tích cực, nhưng từ năm 2002 đến giờ, UBND TP Hà Nội vẫn chưa tạo điều kiện. Vì vậy, vẫn phải duy trì tình trạng, một số hộ có đất nhưng không sản xuất được hoặc năng suất thấp thì cho các hộ làm gỗ thuê lại”, ông Tĩnh nói.

“Xã cũng biết làm trên đất nông nghiệp như vậy là sai chủ trưởng và mục đích sử dụng đất nhưng vì phát triển tiểu thủ công nghiệp và so với việc làm ở trong khu dân cư như trước kia thì ra ngoài này sẽ đảm bảo vấn đề môi trường hơn.

Huyện cũng nhắc nhở xã về việc này, xã cũng đã báo cáo lại là làm vậy chỉ là tạm thời, nhằm tạo điều kiện trước mắt cho các hộ sản xuất, trước khi thành phố ra quyết định chuyển 10ha thành lập khu sản xuất tập trung”, ông Tĩnh nói.

Châu Anh

Nguồn : VTC


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo