Trần Ngọc Quyền - Việt Anh - Gia Bình (Thanh Niên) - Vài năm trở lại đây, khi các dự án khai thác quặng bauxite, sản xuất alumin bắt đầu triển khai ở Lâm Đồng và Đắk Nông thì hơn 1.000 lao động Trung Quốc (TQ) đã đến cao nguyên…
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Nguyên, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông, cho biết trong tỉnh còn có 100 lao động người nước ngoài đang làm việc ở 7 doanh nghiệp khác trong lĩnh vực thủy điện, chế biến gỗ, cồn sinh học… Theo ông Nguyên, có hiện tượng một số doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài đã không tuân thủ các quy định nhà nước, cố tình lách luật khi chỉ đăng ký lao động làm việc dưới 3 tháng nhằm trốn tránh các thủ tục và nghĩa vụ liên quan theo quy định tuyển dụng và quản lý người nước ngoài tại VN.
Nhà máy alumin Nhân Cơ - Vinacomin (nằm trên địa bàn xã Nhân Cơ, H.Đắk Rlấp, Đắk Nông) đang trong giai đoạn thi công dàn móng cọc, bao quanh công trường là hàng rào chắn. Một khẩu hiệu viết bằng hai thứ tiếng Việt và TQ: “An toàn sản xuất, người người có trách nhiệm, tuân thủ nội quy để đảm bảo an toàn” được treo trên hàng rào.
Theo ông Vũ Hải Việt, Phó trưởng phòng Tổ chức - lao động - chuẩn bị sản xuất thuộc BQL dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ - Vinaconmin (chủ đầu tư), hiện 291 lao động TQ tham gia xây dựng nhà máy, chủ yếu là chuyên gia, công nhân kỹ thuật. Trong vài tháng tới, khi Nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) hoàn thành, có gần 700 lao động TQ đang xây dựng nhà máy này sẽ đến Đắk Nông để bổ sung lực lượng xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ - Vinaconmin, đưa tổng số lao động TQ ở đây lên xấp xỉ 1.000 người.
Theo ông Nguyễn Đức Nguyên, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông, khó có thể đánh giá chính xác việc nhà thầu sử dụng lao động phổ thông người nước ngoài hay không. Chẳng hạn, nhiều lao động TQ tại Nhà máy alumin Nhân Cơ có giấy tờ là cán bộ, công nhân kỹ thuật nhưng theo ghi nhận tại công trường họ chỉ thực hiện những phần việc giản đơn của lao động phổ thông.
Khi cơ quan chức năng thắc mắc thì nhà thầu cho rằng “không thuê được lao động phổ thông ở địa phương” hoặc “kỹ sư cũng có lúc phải đào đất”… Hiện nay, trong tổng số 391 lao động nước ngoài đang làm việc tại Đắk Nông thì có đến 275 người chưa được Sở LĐ-TB-XH cấp phép lao động; trong đó Nhà máy alumin Nhân Cơ - Vinacomin có 199 lao động.
Còn tại công trường xây dựng Nhà máy alumin Tân Rai (H.Bảo Lâm, Lâm Đồng), đến ngày 16.6 có 644 lao động TQ; trong đó 255 người là quản lý, kỹ sư, còn lại 389 người là công nhân đang làm việc. Cuối năm 2009, Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng đã xử phạt 45 triệu đồng đối với 6 nhà thầu tại công trường này vì vi phạm an toàn lao động và sử dụng một số lao động nước ngoài chưa được cấp GPLĐ.
Công an vất vả hơn
Sắp tới, chúng tôi được biết số lao động TQ tăng lên cả ngàn người nên sẽ ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt, đời sống nhân dân địa phương; công tác quản lý trật tự trị an trên địa bàn sẽ nhiều việc hơn
Ông Lâm Trí Hy - Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ, H.Đắk Rlấp, Đắk Nông
Ông Lâm Trí Hy, Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ (H.Đắk Rlấp, Đắk Nông), cho biết hiện có hơn 10 nhà hàng, khách sạn, quán nhậu… mọc lên để tiếp đón số lao động xuất hiện ngày càng đông đảo trên địa bàn. Từ giữa năm 2010, khi số lao động TQ có mặt lên đến hàng trăm người, nhiều quán xá đã bắt đầu trưng biển bằng hai thứ tiếng Việt và TQ.
Theo ông Hy, hiện chưa có vấn đề gì nổi cộm về an ninh trật tự tại địa phương do phần lớn lao động TQ mới sang, sinh hoạt khép kín trong các khu nhà ở riêng biệt, giao dịch với người dân địa phương còn ít. Tuy nhiên, ông Hy cũng tỏ ra lo lắng: “Sắp tới, chúng tôi được biết số lao động TQ tăng lên cả ngàn người nên sẽ ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt, đời sống nhân dân địa phương; công tác quản lý trật tự trị an trên địa bàn sẽ nhiều việc hơn”.
Trung tá Nguyễn Văn Vỵ, Phó trưởng Công an huyện Bảo Lâm, cho biết cơ quan chức năng đã phát hiện một số trường hợp phụ nữ VN sống chung với lao động TQ nhưng không đăng ký kết hôn. Có trường hợp như cô V. (30 tuổi, quê Gia Lai) cùng với một lao động TQ thuê nhà để sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn. Khi người TQ về nước, cô V... đành phải về quê. Ngoài ra, còn một số trường hợp tương tự như cô V. nhưng đã đi khỏi địa phương.
Trần Ngọc Quyền - Việt Anh - Gia Bình