Yêu nước và hoài nghi - Dân Làm Báo

Yêu nước và hoài nghi

Phan Nguyễn Việt Đăng từ Sài Gòn (danlambao) - "Yêu nước không là mệnh lệnh, đó là quyết định của trái tim"

Kể từ cuộc chiến tranh biên giới 1979, người Việt Nam lại mới được dịp chứng kiến một cuộc tấn công bằng truyền thông mạnh mẽ từ phía Việt Nam với anh bạn Trung Quốc.

Suốt trong nhiều ngày, kể từ khi tàu thăm dò dầu khí Bình Minh bị tàu hải giám Trung Quốc tấn công, báo chí Việt Nam nổ ra những loạt bài dài, đả kích dữ dội chưa từng thấy. So với năm 1979, báo chí hiện tại chỉ còn thiếu một việc là gọi thẳng tên Hồ Cẩm Đào để chỉ trích.

Khởi đầu là báo Thanh niên, với những bài đả kích trực diện, thậm chí loạt bài này còn bóc trần cái tên đầy húy kỵ trước đây hầu hết giới báo chí dành cho tàu Trung Quốc là "tàu lạ" - mà có lẽ trước đây vì sợ bị hệ thống tuyên huấn trung ương "phiền trách" nên đã sáng tạo một cách gọi thô thiển để tránh đi.

Có lẽ vốn là tờ báo quy tụ nhiều nhà báo có gốc là Quảng Nam, Đà Nẳng... nên Thanh Niên đã nóng lòng phát pháo trước tất cả mọi tờ báo khác, cho vùng đất quê của mình.

Rồi có vẻ xấu hổ vì sự e dè của mình, ngày hôm sau báo Tuổi Trẻ mở thêm trận địa mới, tấn công Bắc kinh, trong đó đặt vấn đề ở mức độ nghiêm trọng nhất là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về việc vi phạm luật biển. Tin trong nội bộ báo Tuổi trẻ đưa ra, cho biết trong tờ báo này đã cuộc những tranh luận và khó chịu vì ông Phạm Đức Hải đã nhút nhát đi sau.

Nhiều tờ báo khác cũng lên tiếng. Tuy nhiên, so với mặt bằng đả kích Trung Quốc rầm rộ, mà dường như được Chính quyền Việt Nam bật đèn xanh, thì người ta lại ngạc nhiên nhận thấy rằng giới blogger tự do, phản kháng yêu nước lại tỏ thái độ dè dặt hơn bao giờ hết.

Ngay trong một bài kêu gọi cho một cuộc biểu tình vào tuần đầu tháng 6/2011 của Kami đưa ra, sự phản hồi có vẻ chậm chạp. Thậm chí, trên facebook và paltalk, nơi được gọi là những "ổ lửa" của giới an ninh Việt Nam, sự dè dặt trong việc hưởng ứng thái độ của chính quyền Việt Nam cũng được nhìn thấy rất rõ.

Thật lòng mà nói, hơn ai hết, giới yêu nước phản kháng trong nước là thành phần cảm nhận được rõ sự phản bội của Chính quyền thông qua các cuộc càn quét, đàn áp và bắt bớ toàn cục suốt trong nhiều năm, kể từ ngày 9 tháng 12 năm 2007, khi họ xuống đường tự phát biểu tình chống sự xâm lược của chính quyền Trung Quốc, bày tỏ sự đau lòng trước mất mát của ngư dân Việt nói riêng và tổ quốc nói chung.

Giới yêu nước phản kháng rõ ràng có lý do để dè dặt, vì những tờ báo mang tính phát ngôn của Việt Nam như Quân Đội Nhân Dân, Nhân Dân, báo Đảng CSVN... đều im lặng và chỉ rụt rè dẫn lại lời của Thông tấn xã VN vài ngày sau đó. Quả là hèn hạ!

Dấu tích của sự phản bội cũng còn đó, âm ỉ sự phẫn nộ, khi những gương mặt đại diện cho phong trào chống Trung Quốc từ năm 2007 đều bị đàn áp khốc liệt. Người thì phải lưu vong như đạo diễn Song Chi, bị tù như nhà báo Điếu Cày, luật sư Phan Thanh Hải, nhẹ nhất thì như nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhà văn Trang Hạ, nhà báo Xuân Bình... thì bị công an sách nhiễu và buộc đóng phải blog cá nhân.

Nhiều người khác ít được biết đến thì có người phải rời bỏ ngôi trường của mình, bị buộc thôi việc, bị ép quay về quê, bị đấu tố ở địa phương cư trú...v.v

Nhiều ý kiến trên các trang blog nói rằng họ có lẽ sẽ im lặng xem nhà nước Việt Nam làm gì, trình diễn lòng yêu nước ra sao, còn việc xuống đường nếu như có hiệu lệnh của nhà nước, đối với họ là một điều hết sức xúc phạm với lòng yêu nước tự do của họ. Một blogger viết trên facebook của mình rằng "yêu nước không là mệnh lệnh, đó là quyết định của trái tim".

Sự "mạnh mẽ" của chính phủ Việt Nam lúc này, chỉ tạo nên một không khí hoài nghi. Và mỉa mai hơn, càng hoài nghi hơn, khi một blogger khác trên multiply viết rằng "khi ngư dân bị bắn chết, nhà nước im tiếng, chỉ khi quyền lợi bản thân bị tổn hại, họ mới kêu gào, họ kêu gì điều gì?".

Trong một bài viết từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện trong sự hãnh diện nhắc lại tuyên cáo của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vào ngay 19.1 năm 1974 trước hành động gây hấn của Trung Quốc với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó có đoạn ghi là "Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia".

Liệu Việt Nam hôm nay có thể vượt lên quá khứ, tự hào hơn, và đáng kính trọng hơn bản tuyên cáo đó trước kẻ thù, hay chỉ đủ sức tạo ra những sự hoài nghi và chia rẽ tư duy giữa những người lãnh đạo và nhân dân?

Phan Nguyễn Việt Đăng (Saigon)
http://danlambaovn.blogspot.com/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo