Lắng lòng với những người vợ mất chồng
Trần Thanh Bình (thanhnien) - Tâm nguyện cháy bỏng làm một điều gì đó cho ngư dân miền Trung Việt Nam của André Menras - người mang 2 quốc tịch Pháp - Việt, với tên khác là Hồ Cương Quyết - đã thành hiện thực khi ông hoàn thành bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát, công chiếu ngày 28.6 tại Pháp.
Xem bản phim do ông André Menras gửi tặng, những cảm xúc dồn dập khiến chúng tôi không thể không ghi nhận lại nỗ lực hết mình của một con người yêu quý Việt Nam khi thực hiện bộ phim này.
Vào năm 2007, tôi đã có dịp gặp và thực hiện một bài viết về André Menras với những tình cảm và hoạt động từ thiện của ông trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội Trao đổi sư phạm Pháp - Việt (ADEP) đối với trẻ em Việt Nam. Bẵng đi vài năm, ít có dịp gặp ông. Sau đó, André Menras làm đơn xin nhập quốc tịch VN (2009), và tôi biết ông đang âm thầm theo dõi, tập hợp tư liệu về những vấn đề thời sự nóng bỏng trên biển Đông.
Theo André Menras, những năm qua, ông đã tập trung công sức và cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều tài liệu về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều bài báo do ông viết với nhiều chứng cứ pháp lý đầy sức mạnh đã có tác động tích cực đến dư luận quốc tế.
Về ý tưởng thực hiện bộ phim, André Menras cho biết: “Ban đầu tôi đã quyết định đi đánh bắt cá với ngư dân Lý Sơn tại vùng biển truyền thống Hoàng Sa của VN để thực hiện một phóng sự về họ. Và tôi gặp quá nhiều khó khăn... Nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua được và nếu không hoàn thành được bài phóng sự theo kế hoạch trước đó, thì ít nhất tôi đã làm một cái gì cụ thể để hỗ trợ đồng bào và giúp VN khẳng định chủ quyền biển đảo của mình”.
Bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát do André Menras viết kịch bản, đạo diễn và chịu trách nhiệm chính. Nói vậy là vì, đối với nhiều bộ phim tài liệu, việc một cá nhân chịu trách nhiệm là chuyện rất bình thường. Nhưng với một bộ phim được thực hiện trong một bối cảnh “đặc thù”, trong hoàn cảnh với nhiều áp lực do những diễn biến phức tạp trên biển Đông thì vấn đề “chịu trách nhiệm chính” thể hiện bản lĩnh của người làm phim.
Bộ phim kể về cuộc sống gian khó của những ngư dân ở Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi). Điều đặc biệt nhất, như ông André Menras đã bày tỏ trong phim, đó chính là nỗi đau khôn nguôi và sự chịu đựng phi thường của những người vợ ngư dân. Chồng họ bị chết hoặc mất tích ở vùng biển Hoàng Sa do thiên tai. Chồng họ bị tàu Trung Quốc hiếp đáp khi đang đánh bắt trên vùng biển bao đời nay của cha ông họ.
Trong phần đề dẫn phim, André Menras bình: “Được phần lớn atlas gọi là biển Nam Trung Hoa, người Trung Quốc gọi là biển Nam, người VN gọi là biển Đông; Địa Trung Hải của vùng Đông Nam Á này là một không gian biển đảo rộng lớn bao quanh là 9 quốc gia. Nó rất được thèm muốn vì nguồn tài nguyên, thủy sản và sinh học. Thềm lục địa tại đây giàu tiềm năng về khí đốt và dầu hỏa cùng những kim loại khác. Bất chấp Công pháp quốc tế về Luật Biển, Trung Quốc đã quyết định chiếm lĩnh 80% của vùng biển này, cho rằng nó là vùng biển lịch sử của mình. Quần đảo Hoàng Sa, còn gọi là Paracels, đã là đối tượng chiếm đóng bằng quân sự của Trung Quốc qua hai cuộc tấn công: lần đầu vào năm 1956, tương ứng với thời kỳ rút quân của lực lượng thuộc địa Pháp; lần thứ hai đẫm máu, lại tương ứng với ngày ra đi của quân đội Mỹ lúc đó đang bảo vệ chế độ Sài Gòn, chế độ đang quản lý quần đảo đó”.
Tâm sự với người xem phim, cũng như tự sự với chính mình, André Menras bộc bạch: “Đã từ lâu, tôi muốn gặp gỡ những ngư dân miền Trung VN, những người đang tiếp tục quăng lưới và lặn biển tại vùng nước quần đảo Hoàng Sa mà tổ tiên họ ngày xưa đã đặt tên là Bãi Cát Vàng”. Và ông nói tiếp: “Trong vùng này của thế giới đang âm ỉ một cuộc chiến không tên. Một cuộc chiến thầm lặng dần tăng tốc trong sự vô tình gần như toàn diện của giới truyền thông quốc tế”.
Rõ ràng, ngay từ phần đề dẫn bộ phim, André Menras đang có ý thức dẫn dắt dư luận quốc tế đến với vấn đề biển Đông và tâm điểm bộ phim là những giọt nước mắt khổ đau của những người vợ góa, những đứa con mất cha... Như André Menras đã nói, là “để lắng lòng với những bà vợ góa của ngư dân không bao giờ tái hôn...”.
Bình minh vừa ló dạng trên một vùng biển yên tĩnh. Câu hò của nghệ nhân Đỗ Thị Hảo là khởi đầu gây ấn tượng rất mạnh cho người xem:
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về.
Người đi thì có mà không thấy về.
|
André Menras sinh năm 1945 tại Hérault (Pháp), tốt nghiệp trường Sư phạm Montpellier. Từ năm 1968 đến 1970, André Menras qua VN dạy học. Ngày 25.7.1970, André Menras cùng bạn là Jean Pierre Debris phất cao lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và rải truyền đơn chống cuộc chiến xâm lược của Mỹ trước tòa nhà Quốc hội của chính quyền Sài Gòn. Họ đã bị bắt và giam cầm tại khám Chí Hòa hơn hai năm rưỡi. Năm 1972, André Menras và Jean Pierre Debris bị chính quyền Sài Gòn trục xuất về nước. Từ đó, hai người đã thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới để tuyên truyền và sau đó viết sách tố cáo tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn những ngày bị giam cầm. Cuốn sách Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn - Chúng tôi tố cáo của André Menras cùng người bạn đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.
*
Khi bắt đầu dựng phim, tôi đã chọn độ dài 90 phút và thấy nó rất đầy đủ. Nhưng sau đó một số bạn bè khuyên tôi nên cắt bớt 30 phút vì thấy khán giả sẽ không chịu xem một bộ phim tài liệu suốt một tiếng rưỡi. Tôi thấy rất bất tiện, thậm chí có lỗi về điều đó, vì một cách nào đó tôi đã không tôn trọng hoàn toàn thông điệp của những người tôi đã phỏng vấn. Và tôi xin lỗi các bạn. Nhưng, tôi đã cố gắng giữ lại điều chủ yếu mà họ muốn nói”.
André Menras
(viết trong e-mail ngày 14.7 gửi Báo Thanh Niên)
*