Hành xử của công an với người biểu tình - Dân Làm Báo

Hành xử của công an với người biểu tình

Mặc Lâm - Chúa Nhật 17 tháng 7 vừa qua công an đã tỏ ra mất kiên nhẫn với người biểu tình trước hành động kiên quyết không lùi bước của họ. Gần 100 người bị bắt, bị chở về đồn công an lấy lời khai và câu hỏi lập đi lập lại của công an đối với họ là lần tới còn đi biểu tình nữa hay không? Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn nhanh với ba vị trí thức có mặt gần như hầu hết tại các cuộc biểu tình ở Hà Nội với các câu hỏi sau:


Nguyenxuandien's blog - Các ông Nguyễn Huệ Chi, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Quang A sát cánh cùng nhau khi cờ và biểu ngữ giương lên hôm 17/7/2011


Tức nước vỡ bờ


Mặc Lâm : Trước tiên xin được hỏi TS Nguyễn Xuân Diện vì ông là người rất nhiệt tình đối với những cuộc biểu tình xảy ra vào mỗi Chúa Nhật vừa qua. Chúng tôi được biết là trang blog của Tiến Sĩ cũng đưa tin cùng những hình ảnh biểu tình rất nhanh và người dân khắp nơi có thể theo dõi một cách rõ ràng từng diễn tiến một của cuộc biểu tình.

Thưa Tiến Sĩ, trên trang blog của ông vừa xuất hiện lời khẳng định rằng ông và bạn bè sẽ tiếp tục biểu tình vào Chúa Nhật tới, ông có nghĩ rằng sau khi bị đàn áp và bắt bớ vào Chúa Nhật vừa rồi thì số người biều tình lần này sẽ xuống rất thấp hay không?

TS Nguyễn Xuân Diện : Tôi không nghĩ như vậy, bởi vì nếu Trung Quốc mà tiếp tục gây hấn và nếu công an tiếp tục đàn áp như thế thì đoàn người biểu tình người ta sẽ tiếp tục đi và không có một cái gì có thể ngăn được họ, bởi vì đây là thể hiện tinh thần yêu nước. Và đã gọi là tinh thần yêu nước Việt Nam thì anh biết rồi, từ trong lịch sử đã chứng minh quá rõ ràng rồi là tinh thần yêu nước sẽ dâng cao để quét sách hết cả những lũ bán nước và cướp nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như thế. Tôi nghĩ rằng sẽ không có gì thay đổi.

Mặc Lâm : Đó là lời khẳng định của TS Nguyễn Xuân Diện. Chúng tôi có người khách đặc biệt hôm nay đó là blogger Gốc Sậy, ông là người bị bắt lên xe chở về đồn công an vào Chúa Nhật vừa qua. Thưa ông, ông có thể cho biết khi bị bắt thì điều gì xảy ra cho ông hoặc cho người khác mà ông chứng kiến khiến ông nhớ nhất?


Blogger Gốc Sậy : Có một bà bị đẩy lên xe buýt, bà ấy nằng nặc đòi xuống. Tôi có nói với lực lượng bảo vệ cho bà ấy xuống bởi vì bà ấy bảo là bà đi ngang qua đường trên đường đi đến bệnh viện SARS. Bệnh viện SARS thì không biết là anh có biết không? Ở Hà Nội Bệnh viện SARS là bệnh viện ung thư. Bà ấy bảo là bà đi khám bệnh ung thư, đi ngang qua đúng chỗ đó thì bị đẩy lên xe buýt luôn cũng với chúng tôi là những người đi biểu tình.

Tôi không để ý là bà ấy có đi trong đoàn mà bọn tôi đi đó không, nhưng mà khi bà ấy nói như thế thì tôi có nói với mấy chú mặc thường phục là thôi thì để cho bác ấy xuống để bác đi khám bệnh. Một thanh niên mặc thường phục quát bảo : "Mày có đi lên không?", thì tôi lập tức tôi quát lại, tôi bảo : "Này cháu ơi, bác ấy có tuổi rổi, mày không được phép ăn nói với bác như thế." Nó quát tôi luôn, nó bảo : "Ông có đi lên không? Lắm chuyện!" Thế, nhưng mà khi khi về đến đồn công an thì bác ấy nói : "Hôm nay bà đi khám bệnh mà chúng mày bắt bà về đây, nhưng mà lần sau mà có biểu tình nữa thì bà đi cùng với biểu tình." Tôi chỉ kể với anh một câu chuyện cụ thể thế thôi chứ tôi không dám tổng kết cái gì.

Mặc Lâm : Như vậy thì xin được đặt câu hỏi là Chủ Nhật tới ông có đi biểu tình tiếp hay không?

Blogger Gốc Sậy : Ông hỏi tôi câu ấy giống như ông an ninh đã hỏi tôi, và tôi cũng trả lời lại đúng như tôi đã trả lời ông an ninh là chúng tôi sẽ vẫn cứ đi. Nếu có biểu tình thì tôi vẫn sẽ tham gia.

Bị đánh vì yêu nước!


000_Hkg5121039-250.jpg
Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội sáng 17/7/2011. AFP photo

Mặc Lâm : Chúng tôi xin được hỏi chuyện với Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. GS Chi vốn rất nổi tiếng với trang blog bauxit Việt Nam và bây giờ ông cũng là người tham gia thường xuyên vào các cuộc biểu tình vừa qua. Điều chúng tôi nhận thấy rõ nhất là khuôn mặt trí thức tham gia biểu tình còn quá ít so với truyền thống sĩ phu Bắc Hà vốn nổi tiếng gan góc và sôi nổi cùng với vận nước. Họ cũng là niềm tự hào của cả nứơc vì truyền thống chống xâm lăng luôn xuất phát từ đây, tức là thủ đô Hà Nội.



Với câu hỏi tại sao cho tới giờ này ngoài những khuôn mặt rất quen thuộc thường xuất hiện vừa qua, người ta không thấy có ai khác trong giới trí thức tham gia biểu tình? Có điều gì lớn hơn sự sợ hãi khiến cho giới tinh hoa của dân tộc chưa bước xuống đường phố nhiều hơn, để cất lên tiếng thét hoà với dòng người biểu tình đòi hỏi công bằng cho tổ quốc?

GS Nguyễn Huệ Chi : Tôi chưa nghĩ đến việc này bởi vì những người trí thức nào mà nhận thấy việc đi biểu tình là cấp bách đối với bản thân mình thì họ tham gia, bởi vì trí thức thì cũng không nhiều mà trí thức có tâm huyết với đất nước thì cũng có thể nhìn mặt nhau mà thấy, cho nên ai mà thấy vấn đề này bức thiết đối với mình thì tham gia.

Vấn đề ở đây là do nhận thức thôi. Người này nhận thức rằng việc làm này đối với họ là có ích hơn, người kia thì nhận thức việc xuống đường bảo vệ đất nước là lợi ích trước mắt cũng như là lợi ích lâu dài và là lợi ích hàng đầu, chứ mình không thể bắt trí thức phải nhận thức khác đi. Bởi vì khi một anh trí thức, đã gọi là trí thức thì người đã quyết định rồi, cho nên người ta tự khắc là có nhận thức.

Nếu họ thấy việc xuống đường để bảo vệ tổ quốc hiện nay chưa cấp thiết mà việc đóng góp những vấn đề kỹ thuật, những vấn đề khoa học là cấp thiết hơn thì họ lại xông vào làm những cái ấy cũng có ích, theo tôi là cũng có ích. Còn những người vừa làm những cái ấy nhưng vừa thấy việc xuống đường trước mắt cấp thiết hơn tất cả mọi việc, bởi vì còn đất nước thì vẫn còn làm những việc khác, chứ không còn đất nước nữa thì muốn làm gì cũng không được.

Theo tôi, tôi đặt những người ấy ở hàng nhạy bén hơn, nhưng mà không phải vì thế mà mình có thể đi nói với những người khác là anh phải làm những việc này đi bởi vì không phải đó là những việc mà người trí thức người ta không biết. Và nói như thế là bằng thừa đối với trí thức, bởi vì khi đã gọi là trí thức thì họ tự khắc biết việc mình phải làm, thế thôi!

Mặc Lâm : Xin giáo sư cho biết lần biểu tình vào Chúa Nhật 17 tháng 7 vừa qua thì GS và bạn bè của ông có dự kiến đến việc công an sẽ mạnh tay hơn đối với những lần trước hay không, và những việc xảy ra trên thực tế khiến cho ông cảm thấy thế nào?


GS Nguyễn Huệ Chi : Tôi cũng đánh hơi thấy có vẻ như họ không để cho mọi người làm cái việc theo ý muốn như các lần trước nữa, nhưng mà chúng tôi không nghĩ rằng họ lại đi đến một sự đối xử thô bạo ở ngay thủ đô của đất nước như thế. Chúng tôi ở đấy nhưng mà cũng không chứng kiến bởi vì họ bắt từ phía khác, còn chúng tôi đứng ở chỗ chúng tôi thì xe đến nhưng mà họ lại không xuống bắt, cho đến khi xem ảnh thì mới thấy rụng rời là bởi vì cái cách đối xử ấy ở một thủ đô của một nước hội nhập với thế giới rồi thì tôi có cảm tưởng là đấy là việc không thể xảy ra, cho nên tôi không thấy cái việc ấy là hay.

Đã nói rằng là yêu nước là phẩm chất, là tố chất đẹp nhất mà bây giờ lại đi đánh vào yêu nước thì anh nghĩ là gì? phải chăng chính quyền đang trở thành cảnh sát? Cho nên tôi nghĩ là không cần bàn gì hơn về điều này bởi vì ai cũng thấy việc làm như thế là việc làm không bình thường đối với một đất nước tham gia WTO, tham gia tất cả mọi thứ của cộng đồng quốc tế,và lại đối với một thủ đô được coi là thanh sạch, đẹp, hòa bình. Như thế thì con người sống với nhau lại không theo cái chuẩn ấy thì hỏng. Cho nên tôi nghĩ là không cần bình luận gì nhiều, mọi người đều nhìn thấy hết rồi.

Mặc Lâm : Xin cảm ơn GS Nguyễn Huệ Chi.

Quý vị vừa theo dõi ba cuộc nói chuyện ngắn giữa chúng tôi với các ông TS Nguyễn Xuân Diện, blogger Gốc Sậy và Giáo sư Nguyễn Huệ Chi về những sự việc xảy ra trong cuộc biểu tình vào ngày Chúa Nhật 17 tháng 7. Qua trả lời của họ có thể đưa ra một hình ảnh chính xác về cách hành xử của công an, phản ứng của người dân cũng như ý kiến của những người sẽ tiếp tục dùng cách biểu tình như một phương tiện để biểu tỏ lòng yêu nứơc của mình cho đến khi nào thấy được kết quả tối thiểu từ phía Trung Quốc.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo