Quyền mở miệng - Dân Làm Báo

Quyền mở miệng

Bùi Minh Quốc Đừng ngoan cố lao theo ảo vọng đem tiền thuế mồ hôi xương máu của dân mua chuộc một thiểu số sĩ quan an ninh là có thể sai khiến họ sử dụng nổi một lực lượng con em nhân dân lấy dùi cui còng sắt bịt miệng nhân dân. Dù còn ngoan cố đến đâu, tự bưng tai bịt mắt đến đâu cũng không thể không thấy một trào lưu mở miệng ngày càng mạnh, ngày càng lớn, ngày càng rộng...


*

Mở miệng là nhu cầu tự thân tự nhiên như nhu cầu ăn uống hít thở, do đó hiển nhiên là một quyền, hơn nữa là một quyền thiêng liêng, của tất cả mọi người, của mỗi con người, từ em bé 6 tuổi mới biết đọc biết viết (xin mời đọc bài của nhà báo kỳ cựu Hoàng Hưng trên BVN về một em bé sáu tuổi hỏi mẹ chuyện giặc bành trướng Trung Quốc xâm hại vùng biển nước ta), đến lão thành cách mạng 96 tuổi Nguyễn Trọng Vĩnh với lời tuyên bố lay động mọi trái tim yêu dân yêu nước yêu tự do: “Còn hơi thở còn lên tiếng!”. Không những thế, đó còn là một nghĩa vụ, như chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, cũng rất rành mạch và dứt khoát: “Đối với MỌI VẤN ĐỀ, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa  vụ của mọi người”. Xin nhấn mạnh mấy chữ “mọi vấn đề”, nghĩa là ngoài các qui định thật cụ thể thật rõ ràng của luật pháp thì không một ai, không một cơ quan, một tổ chức nào được phép đặt ra vùng cấm (hiện nay biến tướng và được che giấu dưới hai chữ “nhạy cảm”) trong việc tự do bày tỏ ý kiến.

Nhưng những người chiến sĩ cách mạng vì dân vì nước cũng kiên quyết mở miệng nói sự thật cho bằng được. Như chiến sĩ cách mạng Kim Ngọc, từ giữa những năm sáu mươi thế kỷ trước, không sợ bị mất chức, thậm chí có thể mất Đảng, mất mạng, kiên quyết mở miệng nói (và làm) ngắn gọn: “Khoán!”. Noi gương Kim Ngọc, bí thư thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành (sau là phó thủ tướng) đã can đảm không thực hiện chỉ thị Z30 , một chỉ thị đầy tội lỗi, phi lý phi pháp ra lệnh tịch thu tài sản của những người có nhà từ hai tầng trở lên. Cùng mối tương tri tương đắc với  bí thư thành ủy Hải Phòng, bí thư tỉnh ủy Nam Định Nguyễn Văn An (sau là chủ tịch Quốc hội) cũng không thực hiện chỉ thị Z30. Tương tự như Kim Ngọc, Đoàn Duy Thành, Nguyễn Văn An, ở TP HCM, bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt (sau là thủ tướng) cùng các đồng chí chiến sĩ cách mạng chí cốt với quyết tâm sẵn sàng bị mất chức, sẵn sàng cơm đùm cơm nắm đi thăm nuôi nhau nếu có ai bị ở tù, đã dũng cảm dám nghĩ dám nói dám làm, dứt bung những rào cản giáo điều để thực hiện đổi mới, tạo cơ sở thực tiễn cho đường lối đổi mới chính thức được đại hội Đảng lần thứ VI thông qua.

Tất cả những biện pháp về tổ chức phi lý, bất công, độc đoán đều nhằm thủ tiêu chủ trương mở miệng nói sự thật, đẩy văn nghệ sĩ trí thức và hoạt động báo chí xuất bản chui trở lại vào vòng trói buộc mà mới đó vừa được hô “cởi trói”. Số lượng báo chí ngày càng tăng nhưng hàm lượng sự thật/thông tin trên mặt báo ngày càng sa sút, nhất là thông tin về sự hoành hành của giặc bành trướng và giặc nội xâm – hai hiểm họa lớn đang hàng ngày đè nặng lên vận mệnh Tổ Quốc và đời sống nhân dân. Nhà thơ (tự do) Nguyễn Viện dồn dập nêu câu hỏi (trên mạng internet} :

1. Quốc hội Việt Nam người Tàu hay người Việt?
2. Chính phủ Việt Nam người Tàu hay người Việt?
3. Báo chí và Truyền hình Việt Nam quan tâm đến cái gì nhất:
A- Bóng đá?
B- Sexy show Hoàng Thùy Linh, Yến Vi?
C- Tàu chiếm Hoàng Sa & Trường Sa?
4. Bao nhiêu người có câu trả lời giống bạn?

Không thể lấy việc cần phải mềm dẻo giữ tình giao hảo giữa hai quốc gia để biện minh cho một thái độ vô cảm bạc bẽo đối với xương máu của chiến sĩ và đồng bào trong quá khứ như thế. Toàn Đảng toàn dân không thể không mở miệng nêu lên câu hỏi hệ trọng bức thiết hàng đầu này với Tổng bí thư – Bí thư quân ủy trung ương: bộ đội ta lấy đâu ra tinh thần để chiến đấu khi họ chứng kiến cái cảnh đảng viên cán bộ trong giới cầm quyền hiện nay sống một đời sống phè phưỡn hoàn toàn cách biệt với dân, trụ sở cấp ủy càng to tát nghênh ngang thì lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền quốc gia càng teo tóp, nhạt nhẽo mơ hồ đến mức có chi ủy viên coi Hoàng Sa là “bãi hoang chim ỉa” mà cấp trên cũng ngậm miệng lờ tịt… Cần nghiêm khắc để thấy rõ, chính thái độ thờ ơ bạc bẽo của người cầm quyền đối với sự hy sinh của bao anh hùng liệt sĩ trên mặt trận chống bành trướng đã làm suy yếu nghiêm trọng nội lực dân tộc và chỉ càng kích thích thế lực bành trướng Bắc kinh hung hăng lấn tới. Quyền chủ động của các tổng biên tập hầu như bị bóp siết dúm dó đến thảm hại, 700 tờ báo nhưng coi như chỉ có một tổng biên tập là trưởng Ban tuyên giáo trung ương, xu hướng lá cải, sexy hóa, play boy hóa báo chí đang có chiều lấn át. Nhà văn Thùy Linh kêu lên: (báo chí) sexy tất cả trừ lòng yêu nước! Nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu lên: “Tôi yêu nước mà tôi bị bắt !”.  Nhà thơ Thanh Thảo tiên tri từ 2008: “Cứ tự mình dán băng keo vào miệng/ Yêu tổ Quốc chỉ còn nghe ú ớ”.

Đổ bao nhiêu xương máu vì Độc lập Tự do để rồi phải chịu thảm cảnh đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng bị mất quyền mở miệng nói sự thật thì không thể nào chấp nhận được. Cũng như mọi người đều thấy không hề có một chủ trương nào cho phép cấm đoán, cản trở các cuộc biểu tình của nhân dân lên tiếng bày tỏ lòng yêu nước, phản đối hành động ngang ngược của thế lực bành trướng Bắc kinh đối với chủ quyền biển đảo nước ta, việc làm ăn sinh sống của ngư dân ta, vậy mọi người phải được biết ai đã ra lệnh cho lực lượng công an bắt giữ, “mời làm việc” những người yêu nước tham gia biểu tình tại Hà Nội, TP HCM những ngày vừa qua?

Tôi rất hoan nghênh ý kiến của ủy viên Bộ chính trị (khóa 10, 11) Phạm Quang Nghị phát biểu cách đây chưa lâu về việc phải đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, toàn diện những gì đã xảy ra.Vậy các bức thư, kiến nghị, tuyên cáo của đại tướng Võ Nguyên Giáp, các lão thành cách mạng, các tướng lĩnh cùng hàng trăm nhân sĩ trí thức và hàng ngàn công dân lên tiếng về quốc sự phải được thông tin rộng rãi trên báo đài, đưa về tận thôn cùng xóm vắng, đưa vào nội dung sinh họat của từng chi bộ, từng tổ nông hội, từng tổ công đoàn, từng chi đoàn  TNCS HCM, chi hội học sinh, sinh viên thảo luận thật kỹ xem bao nhiêu người tán thành, bao nhiêu người chưa tán thành, bao nhiêu người còn phân vân, bao nhiêu người phản đối. Như thế mới là thực hiện chủ trương của Đảng tăng cường thông tin nhiều chiều, đối thoại, lắng nghe. Tôi hoan nghênh bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị gần đây đã bước đầu thực hiện được phần nào công việc ấy tại đại hội Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Hà Nội (LHHVHNTHN).Dù đang bận họp hội nghị Trung ương 2, “bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị đã dành hẳn cả một buổi sáng để lắng nghe ý kiến tham luận của các văn nghệ sĩ Thủ đô và ông có cuộc trao đổi khá cởi mở với các đại biểu về đề tài bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc(trích tường thuật của nhà báo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, ủy viên BCH Hội nhà văn Hà Nội).Trong các ý kiến của văn nghệ sĩ, đặc biệt đáng chú ý là  bài tham luận “Văn học nghệ thuật của lòng yêu nước” của nhà văn Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, phó chủ tịch LHHVHNTHN (trích) : “… những ngày này biển Đông đang làm nổi sóng yêu nước của những người dân Việt Nam, yêu sách phi lý về đường lưỡi bò chín đoạn trên biển và những hành động trắng trợn, ngang ngược phía Trung Quốc đối với các tàu bè và ngư dân Việt Nam đang hoạt động, làm ăn trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình đã khiến toàn thể dân ta bất bình, phẫn nộ và kiên quyết đấu tranh, phản đối. Và chúng ta đang đấu tranh bằng con đường hòa bình, bằng ngoại giao nhân dân và nhà nước. Trong cuộc đấu tranh này, cần đến sức mạnh của văn học nghệ thuật và quả thực vũ khí văn nghệ đã và đang tác dụng mạnh mẽ. Có đi tuần hành cùng nhân dân, mới thấy lời thơ, tiếng hát có tác dụng đến thế nào trong sự biểu lộ tình cảm yêu nước cùng nhau đoàn kết quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của non sông tổ quốc”.(…)“Mỗi chúng ta, là công dân, là người cầm bút, cầm cọ, cầm đàn, đừng để cuộc sống thanh bình đầy đủ tiện nghi vật chất trên đất liền, ở các thành phố, ở giữa thủ đô, che khuất tầm nhìn về hướng biển, về những người lính, người dân đang ngày đêm vật lộn với sóng nước, chống đỡ với những mưu toan thâm độc của kẻ láng giềng nước lớn hung hãn, đang lấy thân mình che cho tổ quốc khỏi cơn cuồng phong xâm lược có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chúng ta, các văn nghệ sĩ thủ đô, hãy có thêm những sáng tác mới cho/vì người dân người lính nơi hải đảo, giữa trùng khơi. Đó là cách chúng ta biểu lộ lòng yêu nước của mình. Đó là cách chúng ta thể hiện sự phản đối âm mưu của kẻ xấu. Đó là cách chúng ta xứng đáng với danh hiệu “Hà Nội – thành phố vì hòa bình”.

Tôi đề nghị đại hội chúng ta ngay bây giờ hãy có một hình thức cụ thể bày tỏ tấm lòng của các văn nghệ sĩ thủ đô Hà Nội đối với đồng bào và chiến sĩ ở Hoàng Sa – Trường Sa, hai quần đảo thiêng liêng thuộc chủ quyền Việt Nam”.

Từ diễn đàn đại hội, qua giọng đọc đầy xúc cảm của Phạm Xuân Nguyên, vang lên tiếng thơ của Tô Thùy Yên thi sĩ – sĩ quan VNCH (viết hai tháng sau sự kiện Hoàng Sa 1974) về những người lính Việt Nam đồn trú ở Trường Sa khẳng định sự có mặt của Việt Nam tại đảo này: “Trường Sa! Trường Sa! Đảo chếnh choáng! / Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề / Lính thú mươi người lạ sóng nước / Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Xin cùng nhau đọc lại những dòng sau đây của nhà thơ cộng sản Louis Aragon viết về khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 – năm ra đời của Đảng CSVN :

Không thể bịt miệng một dân tộc
Không thể khuất phục một dân tộc
Bằng lưỡi kiếm đao phủ

Hãy cùng toàn thế giới nhìn giọt nước mắt của người sĩ quan an ninh Việt Nam yêu nước bất đắc dĩ phải cầm dùi cui đứng đối diện với những người Việt Nam yêu nước đang hô to : “Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam!”

Đừng ngoan cố lao theo ảo vọng đem tiền thuế mồ hôi xương máu của dân mua chuộc một thiểu số sĩ quan an ninh là có thể sai khiến họ sử dụng nổi một lực lượng con em nhân dân lấy dùi cui còng sắt bịt miệng nhân dân.

Dù còn ngoan cố đến đâu, tự bưng tai bịt mắt đến đâu cũng không thể không thấy một trào lưu mở miệng ngày càng mạnh, ngày càng lớn, ngày càng rộng, với tinh thần tích cực chủ động ngày càng cao, với những phương thức ngày càng phong phú linh hoạt sáng tạo, trong xu thế tiến tới, tiến bước nào chắc bước nấy… hòa quyện mật thiết với sinh hoạt xã hội dân sự mà nhân dân đang tự hình thành và tự phát triển.

Đà Lạt 15.07.2011




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo