Trần Vinh Dự (VOA Blog) - Ngày 19/4/2011, Tạp chí Journal of Waste Management đã đăng tải một bài báo của nhóm các nhà khoa học Trung Quốc là Jun Tai, Weiqian Zhang, Yue Che và Di Feng – công tác tại Phòng nghiên cứu trọng điểm Thượng Hải về đô thị hóa và khôi phục sinh thái, Đại học East China Normal và Viện nghiên cứu thiết kế kỹ thuật môi trường Thượng Hải, Trung Quốc - với tiêu đề: “Thu gom phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn: Một phân tích so sánh” (Municipal solid waste source-separated collection in China: A comparative analysis).
Trang số hai của bài báo (*),các tác giả Trung Quốc đã sử dụng một ảnh minh họa thể hiện rõ đường đứt đoạt hình chữ U vẫn được Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Trong khi đó, bài báo chỉ nói về việc thu gom chất thải rắn và chỉ đề cập tới một số thành phố trong khu vực nghiên cứu thử nghiệm của Trung Quốc. Nó không liên quan gì tới Biển Đông hay tranh chấp ở vùng biển này, nhưng vẫn chèn vào đường lưỡi bò ở phía dưới.
Bài báo sau đó được một nhóm các nhà khoa học Việt Nam phát hiện. TS Trần Ngọc Tiến Dũng đã phát hiện và là người đầu tiên phản đối với ban biên tập của tờ báo này. TS Lê Văn Út (ĐH QG TP HCM) gặp TS Raffello Cossu, giáo sư trưởng khoa công nghệ môi trường, Đại học Padova (Italy) và là tổng biên tập tạp chí Journal of Waste Management và trao đổi với ông về vấn đề này.
Theo Bee.net.vn, TS. Út sau đó nhận được điện thư từ Journal of Waste Management trong đó ghi “The Editor in Chief is evaluating the matter as a priority and will publish a note on the next issue of our Journal, stating that the map of China published in the article contained incorrect information” (Tổng biên tập đang ưu tiên xem xét việc này và sẽ cho đăng tải trong số tới của tờ báo nói rõ bản đồ Trung Quốc được đăng tải trong bài báo là một thông tin không chính xác).
Tuy nhiên sau đó thông tin về việc đăng hiệu chỉnh trên tờ này theo lời ông Raffello Cossu do Bee.net.vn đưa không thấy có tiến bộ gì thêm. Tôi có xem danh mục thông tin của các số báo từ tháng 06, 2011 trở đi (thời điểm sau khi TS. Út gặp ông Raffello Cossu) thì không thấy phần mục lục của các số báo đó có nói gì tới phần đính chính. Có thể Journal of Waste Management chỉ đăng một phụ chú rất nhỏ. Mà như thế thì vẫn chưa được. Tạp chí này cần phải công khai xin lỗi bạn đọc vì đã đưa thông tin sai lệch một cách nguy hiểm nhân danh khoa học, gây nhầm lẫn cho bạn đọc.
Tuy nhiên, vấn đề không dừng ở tạp chí Journal of Waste Management, và cũng không dừng ở tạp chí Science số cuối tháng 07 vừa rồi như trong bài viết trước của tôi.
Theo Tiến sỹ Bùi Quang Hiển, Trung tâm công nghệ Aluminium, Hội đồng nghiên cứu quốc gia Canada, có nhiều bài báo đăng trên hàng loạt các tạp trí khoa học quốc tế của hai nhà xuất bản là Elsevier và Springer chứa đựng những thông tin sai lệch nghiêm trọng tương tự. Thí dụ như các báo Journal of Human Evolution (đăng từ năm1981), Tectonophysics (đăng từ năm 1999), Land Use Policy (đăng từ năm 2010), Geoscience Frontiers (đăng từ năm 2011), Climatic Change (đăng từ các năm 2006, 2008), Geographical Sciences (đăng trong các năm 2009, 2010), Earth Sciences (đăng trong các năm 2010, 2011), và Agricultural Water Management (đăng trong năm 2008)
Do tính lan rộng như vậy, cuộc chiến chống lại các thông tin sai lệch do các “học giả” Trung Quốc đăng trên các phương tiện báo chí nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục là một cuộc chiến dài hơi. TS Hiển đã viết thư gửi Ban biên tập của các tờ báo nói trên để yêu cầu chỉnh sửa các thông tin sai lệch của các bài báo này. Nỗ lực của ông là rất đáng trân trọng, nhưng cần rất nhiều những thư phản đối như thế nữa.
Về lâu dài, vấn đề quan trọng hơn là nâng cao nhận thức của chính các học giả trong các lĩnh vực ngoài lĩnh vực chính trị (thí dụ như quản lý nước thải, xã hội học, dân số học…) ý thức được vấn đề nhạy cảm trên Biển Đông và không vô tình ngây thơ tiếp tay cho Trung Quốc trong bàn cờ vốn dĩ đã bị lệch về tay kẻ mạnh – nhưng phi nghĩa – này. Đây là bài toán khó, nhưng không phải là không có lời giải.
Những nỗ lực bước đầu như của nhóm Xóa Lưỡi Bò sẽ là những khởi điểm tốt cho một chiến dịch tổng quát về chống tuyên truyền thông qua khoa học của Trung Quốc. Theo thông tin đăng tải trên website của Xóa Lưỡi Bò, trang web này “là một nhóm do các công dân Việt Nam yêu nước thành lập nên. Các thành viên của nhóm hoạt động trên tinh thần hòan toàn tự nguyện và phi thương mại” và “mục đích của nhóm Xóa Lưỡi Bò là xóa và chỉnh sửa các bản đồ này trên các tạp trí và sách vở khoa học để góp phần mang lại SỰ THẬT và CÔNG LÝ trên Biển Đông.”
Sẽ cần nhiều nữa những người có tinh thần Xóa Lưỡi Bò, những người thường xuyên đọc, theo dõi, phát hiện kịp thời những lệch lạc trong các tạp chí khoa học như phát hiện của TS Trần Ngọc Tiến Dũng và trên cơ sở đó có các hành động phản đối thích đáng đối với các tạp chí này. Điều may mắn là lập trường của Trung Quốc hết sức phi nghĩa, vì thế khi bị phản đối các tạp chí khoa học quốc tế không thể không sửa đổi. Điều không may là do lực lượng làm “khoa học” nhưng có tinh thần lấn đất lấn biển của Trung Quốc quá đông, và vì thế cuộc chiến đấu để Xóa Lưỡi Bò, hay nói rộng ra là xóa các rác rưởi dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc trên mặt các tạp chí khoa học quốc tế, sẽ còn tiếp diễn dài dài.
Bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò trong bài Municipal solid waste source-separated collection in China: A comparative analysis của Jun Tai và đồng sự trên tạp chí Journal of Waste Management.
(*) Trang 1674 Tập 31, số 8 (8/2011) của tạp chí