Người đàn bà vác đơn đi “kiện chồng” - kỳ 1 - Dân Làm Báo

Người đàn bà vác đơn đi “kiện chồng” - kỳ 1


Chí Thiện (bạn đọc danlambao) Cách đây vài năm, khi còn làm việc ở một cơ quan công quyền, tôi được tiếp xúc với nhiều người dân đến nộp đơn khiếu kiện. Có một trường hợp đặc biệt gây ấn tượng với tôi, đó là một phụ nữ khá kiên trì với việc viết đơn kiện người tình của chồng, nhưng cũng là gián tiếp “tố cáo” chồng mình. Chồng của bà ta là ông Trần Văn Thành, lúc ấy đang là phó tổng biên tập báo Phụ Nữ Việt Nam; tình nhân của ông Thành là bà Nguyễn Phương Minh, lúc ấy là Phó chủ tịch Hội LHPNVN, kiêm Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam.

Người vợ ấy nói với tôi rằng, đơn thư của bà đã được gửi tới khoảng 20 cơ quan báo chí, ban ngành, đoàn thể, nhưng hầu như không nhận được hồi âm, hoặc họ chỉ giải quyết qua loa lấy lệ. Tôi xin chép ra đây một trong những đơn thư ấy để gửi đến các bạn vì bản thân nó là một câu chuyện hoàn chỉnh, hấp dẫn và nói lên được khá nhiều vấn đề đang diễn ra trong xã hội của chúng ta.

*

Kính gửi: Bà Hà Thị Khiết, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN.

Tên tôi là: Phan Thị Vinh, 56 tuổi, nguyên là giáo viên nghỉ hưu ở Diền Thái, Diễn Châu, Nghệ An. Hiện nay tôi trú tại phòng… nhà… khu tập thể Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tôi là vợ ông Trần Văn Thành, Phó tổng biên tập báo Phụ Nữ Việt Nam.

Kính thưa bà, tôi muốn được trực tiếp gặp người lãnh đạo cao nhất của TW Hội LHPNVN để giãi bày, nhưng tôi biết bà bận trăm công nghìn việc, không dễ gì gặp được. Vì thế tôi viết lá thư này mong bà bớt chút thời gian lắng nghe và minh xét cho tôi.

Thưa bà, tôi là người phụ nữ vô cùng đau khổ, bao nhiêu năm qua sống trong tủi nhục vì bị người khác cướp đoạt hạnh phúc. Nếu người quan hệ bất chính với chồng tôi, phá hoại hạnh phúc yên ấm của gia đình tôi chỉ là một phụ nữ bình thường ngoài xã hội thì tôi đâu dám làm phiền đến bà. Nhưng người đó không ai khác lại chính là bà Nguyễn Phương Minh, Phó chủ tịch Hội LHPNVN, kiêm Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam. Có thể câu chuyện của tôi hơi dài dòng, nhưng tôi xin minh chứng để bà rõ.

1. Người chồng tuyệt vời và những tháng năm hạnh phúc
    (Những tiêu đề phụ do người biên tập đặt)

Kính thưa bà. Năm 1976, anh Trần Văn Thành đi B ra và nhận công tác tại báo PNVN. Đối với cá nhân tôi thì chồng tôi là một con người tuyệt vời về mọi mặt, hết lòng yêu thương vợ, yêu quý con. Có thời gian tôi dạy học cách nhà gần 200 km, đường núi hiểm trở, vậy mà anh Thành vẫn mượn xe đạp đi lên thăm tôi…

Vợ chồng tôi yêu nhau say đắm, luôn biết thông cảm, nhường nhịn, chăm sóc lẫn nhau. Chúng tôi sống tràn trề hạnh phúc trong suốt gần 20 năm đầu.

Không phụ lòng yêu thương quý mến của chồng, tôi vô cùng tự hào và biết ơn anh ấy. Đáp lại, tôi rất thương yêu, quý trọng bố mẹ chồng. Gia đình bố mẹ chồng làm ruộng (vợ chồng tôi cùng quê, cùng đội sản xuất), tôi luôn sắp xếp công việc ở trường một cách khoa học, hợp lý để có thời gian giúp đỡ, chăm sóc bố mẹ chồng từ việc lớn đến việc nhỏ cho chồng yên tâm công tác. Mỗi năm vài ba dịp được sống bên nhau qua các kỳ nghỉ phép của cả hai vợ chồng, chúng tôi đã dành tất cả tình yêu thương săn sóc và động viên nhau cùng tiến bộ.

Trước năm 1983, khi anh chưa được phân nhà, mỗi lần nghỉ hè, mấy mẹ con tôi lại ra Hà Nội với anh thì thì cả nhà tôi sống vui vẻ, sum họp đầm ấm tại phòng làm việc của anh tại tầng thượng của báo PNVN tại 47 Hàng Chuối. Có lẽ đó là thời gian hạnh phúc nhất của tôi và gia đình tôi. Mặc dầu cuộc sống lúc ấy còn khó khăn đủ bề, nhưng chồng tôi vẫn hết lòng yêu thương và đầy trách nhiệm với vợ con. Tôi còn nhớ hồi đó, cứ đến bữa ăn là anh Thành xách cặp lồng sang bếp ăn của TW Hội mua cơm cho cả nhà cùng ăn. Có hôm chỉ có rau muống luộc, cá mè kho thì anh động viên mẹ con ăn tạm. Hôm nào có món ngon thì anh mua thêm cho mẹ con bồi dưỡng. Những ngày hè, ngày phép ngắn ngủi sống sum họp vợ chồng, được anh động viên chăm sóc nhiều, tôi cảm thấy vui khỏe và hạnh phúc vô cùng. Chính niềm vui và hạnh phúc đó đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt qua tất cả để lo toan chu đáo việc nhà và làm tốt việc trường.

Mẹ chồng tôi rất yếu, cụ bị bệnh đau dạ dày kinh niên, suốt mùa đông phải ngồi hơ bụng bên bếp lửa, cụ ăn cháo quanh năm. Ngày 12/10/1984, sau một cơn đau dữ dội dẫn đến bục dạ dày, mẹ chồng tôi đột ngột qua đời. Bố mẹ chồng tôi chỉ có 2 người con trai. Tôi là con dâu trưởng, một chú em chưa có gia đình đi làm ăn tít tận trong nam không về, bố chồng tôi thì yếu, các cháu còn nhỏ chưa giúp được gì, một mình tôi phải lo tất cả mọi việc cho lễ tang để đưa mẹ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Việc tang lễ xong xuôi, 5 ngày sau anh Thành cùng một số anh chị em đại diện cho báo PNVN mới về. Ngày hôm sau đoàn trở về Hà Nội, riêng anh Thành ở lại với vợ con gần 1 tháng. Suốt trong thời gian đó, anh không nề hà việc gì, từ giặt giũ quần áo, cơm nước đến dọn dẹp sửa sang nhà cửa. Anh còn đi xin gốc cây của hàng xóm, vất vả đào lên rồi đem về nhà bổ nhỏ, phơi khô, bó thành từng bó nhỏ để vợ con đun dần.

Năm 1985, anh Thành được phân công vào Văn phòng 2 của báo ở 38 Võ Văn Tần, TP HCM. Anh mang một con trai vào ở cùng và đi học ở trong ấy. Để hợp lý hóa gia đình như vợ chồng đã bàn, hè năm 1985 anh đón mẹ con tôi vào 38 Võ Văn Tần, chuẩn bị cho việc chuyển công tác của tôi vào với anh trong đó. Suốt 2 tháng ở với chồng con tại 38 Võ Văn Tần, tôi được mọi người ở VP2 giúp đỡ rất nhiều. Xong xuôi mọi việc, anh bảo tôi về quê cắt giấy tờ chuyển vào. Tôi về nhà chưa được 2 tuần thì nhận được thư anh báo: “Em đừng cắt giấy nữa, anh lại trở ra HN công tác như cũ”. Thế là tôi tiếp tục ở lại với ngôi trường thân yêu và bạn bè đồng nghiệp của tôi. Còn anh cùng cháu trai trở ra Hà Nội. Không thực hiện được ý định hợp lý hóa gia đình, thế là hàng năm cứ đến hè, cả gia đình tôi lại sum họp tại HN. Sau đó tôi lại trở về Nghệ An dạy học…

2. Đám mây u ám và sự hoài nghi

Bố chồng tôi lâu nay đã già yếu, đầu năm 1992 thì lâm bệnh nặng, nằm liệt giường gần 1 năm. Suốt năm đó, tôi đã nhắn nhiều người, bằng nhiều cách, kể cả viết thư, nhưng chồng tôi vẫn không thấy về. Lúc đó con lớn học ở HN, con nhỏ chưa biết gì. Một mình tôi chạy lo thuốc thang, tắm giặt, cơm cháo chăm sóc bố chồng. Bên cạnh đó tôi vẫn cố gắng hoàn thành công tác ở trường trên cương vị là tổ trưởng tổ chuyên môn với 12 giáo viên. Bà có biết tôi đã cố gắng đến mức nào không? Có ngày hầu như tôi không được ngả lưng. Ngày hai buổi tới trường, tối về một mình trực bố, tiếng kêu la, trăn trở của bố suốt đêm khiến tôi không tài nào chợp mắt được, có lúc gần như kiệt sức. Tôi đành xin phép các anh chị tôi cho mẹ đẻ của tôi sang ở với tôi để giúp đỡ trông nom bố chồng thay tôi trong những lúc tôi đi dạy học. Tôi vẫn gắng vượt lên khó khăn để làm tròn bổn phận người con dâu.

Đau yếu, khắc khoải chờ mong mãi chẳng thấy con trai về, đến ngày 12 tháng chạp năm đó, bố chồng tôi đã trút hơi thở cuối cùng trên cánh tay tôi. Trước khi ra đi, biết con trai không về, bố chồng tôi đã gắng hết sức tàn trăng trối một câu: “Thằng Thành có làm chủ tịch nước thì cũng phải về với tui một tí chứ”. Lúc đó mọi người vây xung quanh cụ đều trào nước mắt. Có đau lòng không hở bà?!

Khi nhớ lại lời trăng trối của cùng trước khi cụ đi xa, cũng như lần mẹ chồng tôi mất, lần này cũng lại một mình tôi đứng ra lo liệu từ đầu đến cuối để đưa bố tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Công việc xong xuôi đâu vào đấy thì gần 6 giờ tối hôm đó anh Thành mới về, cùng với đại diện của cơ quan báo. Sau 3 ngày anh Thành đã vội vã quay ra HN, mặc dù tôi đã cố nài nỉ anh ở nhà thêm ít ngày nữa, vì nhà lúc này lạnh lẽo, trống trải quá. Nhưng anh vẫn quyết ra đi. Lúc này tự nhiên tôi so sánh: năm 1984 mẹ mất thì anh Thành về ở nhà với vợ con gần 1 tháng. Bây giờ cả mẹ và bố đều đã mất thì anh ở nhà có 3 ngày. Qua đó tôi cảm nhận được sự thay đổi không bình thường của chồng tôi.

Kính thưa bà! Từ khi Nguyễn Phương Minh lên làm Tổng biên tập, chồng tôi làm Phó tổng biên tập được mấy năm, tôi thấy anh ấy bắt đầu thay đổi, ngả nghiêng, lạnh nhạt với tôi… Trước sự đối xử trái ngược hoàn toàn đó, tôi đã linh cảm có sự chẳng lành.

Tháng 6/1993, nghỉ hè, tôi lại ra HN thăm chồng như bao hè khác. Tôi đến cơ quan báo PNVN lấy chìa khóa nhà. Mọi người xúm níu lấy tôi cười cười nói nói, câu ra câu vào… Qua thái độ của họ, tôi lờ mờ hiểu ra là chồng tôi có bồ. Lúc đó tôi chưa biết là ai, nhưng tinh thần bắt đầu cảm thấy lo lắng. Rất buồn, tôi định lên tầng 3 gặp chồng tôi ngay, nhưng mọi người cản lại, bảo giờ này anh ấy đang nghỉ trưa, tí hãy lên. Tôi đợi đến đúng 1 giờ rồi đi lên. Tôi thấy chồng tôi và Nguyễn Phương Minh đang ở trong phòng của Phương Minh, bà Minh mặc váy hoa lửng, tay áo khoét sát nách, cổ trễ trông rất khêu gợi. Lúc đó một ý nghĩ xuất hiện trong đầu tôi: Tại sao bà Minh mặc váy ngủ trong giờ làm việc ở cơ quan? Trang phục như vậy hoàn toàn không phù hơp với cương vị làm việc của bà, nếu không nói là thiếu nghiêm túc và bất lịch sự. Tôi lịch sự: “Chào anh – chị”, bà Minh nói: “Chúng tôi đang bàn việc cơ quan”. Sau đó cả ba người cùng lặng đi khoảng 3 phút, không ai nói câu gì. Rồi chồng tôi đứng dậy bảo tôi sang phòng anh ấy (tầng ba lúc đó có 2 phòng, là phòng Phương Minh sát ngay cạnh phòng của chồng tôi).

Thái độ của bà Minh hôm đó khiến tôi rất ngạc nhiên. Tôi không ngờ một người lãnh đạo cơ quan văn hóa như bà Minh mà lại cư xử bất lịch sự, thiếu văn hóa như vậy. Khi vợ cấp phó của mình lặn lội từ quê xa xôi ra thăm chồng thì tối thiểu khi tôi chào, bà Minh cũng nên chào đáp lại, nên mời khách ngồi, mời khách uống nước, rồi mới hỏi thăm sức khỏe, công việc. Nhưng bà Phương Minh đã không làm được cái việc tối thiểu ấy. Sau này tôi mới hiểu ra là bà Minh mất bình tĩnh, lúng túng khi thấy tôi nên mới xử sự không bình thường như vậy!

3. Đôi “gian dâm” dần lộ diện

Tối hôm đó, tôi tâm sự lại với đứa con gái lớn (SN 1971), con tôi nói: “Chuyện quan hệ của cha con biết từ lâu rồi. Chính bà Phương Minh theo đuổi cha, phá hoại hạnh phúc của mẹ đấy! Con biết, tháng 5 vừa rồi cơ quan báo PNVN đi du lịch ở Thái Lan, bà Phương Minh đã kéo cha đi làm tình ở bên đó, cả cơ quan đều biết…”. Tôi hỏi: “Tại sao con không nói cho mẹ?”. Con tôi trả lời: “Vì con quá thương cha, thương mẹ. Con không muốn mẹ phải đau khổ. Cả cuộc đời mẹ chưa được một ngày thảnh thơi sung sướng. Con cũng không muốn làm mất danh dự của cha ở cơ quan. Khi con mới biết quan hệ của hai người (con hay đến cơ quan để gặp cha và bắt gặp một số hiện tượng…), con đã tìm mọi cách gặp bà Phương Minh. Khi gặp được thì bà Phương Minh nói với con: “Tôi không nói chuyện với trẻ con”. Con tức quá hỏi lại: “Không muốn nói chuyện với trẻ con thì muốn nói chuyện với sư tử Nghệ An à?”. Mẹ ơi, vì quá thương mẹ mà con phải giấu lặng trong lòng”.

Nghe con nói, lòng tôi đau như bị muối xát, tinh thần sụp đổ. Lúc này hé dần trong tôi chân dung vị Phó chủ tịch Hội, Tổng biên tập báo đầy ý thức quyền lực và đang cố gắng bằng mọi cách lôi kéo, quyến rũ chồng tôi. Biết nguy cơ mất mát tình cảm đang rình rập, tôi vẫn bình tĩnh chuyện trò vui vẻ với chồng như ngày nào… Nhưng anh ấy cố tình lảng tránh sự gần gũi của tôi, lúc nào anh cũng ra vẻ bài bài vở vở. Chờ lúc lên giường, tôi nói chuyện thì anh ấy lại bảo là mệt, làm việc suốt ngày, đau đầu, không muốn nghe…

Với quyết tâm cứu vẫn hạnh phúc, tôi đã đi đến một quyết định khó khăn, đó là bỏ nghề dạy học để đi theo chồng, bất chấp hậu quả xảy ra. Thế là từ tháng 7/1993, tôi đem con ra Hà Nội ở hẳn với chồng. Lúc đó tôi mới hơn 40 tuổi. Cay đắng đến gần, ngọt bùi thì xa vời vợi… Chồng tôi đối xử với tôi rất tồi tệ. Anh ấy muốn đi lúc nào thì đi, về lúc nào thì về, bữa ăn bữa không.

Còn tiếp.... (“Cuộc chiến” giành giật lại chồng - công an vào cuộc  hăm dọa người đàn bà cô thế)


Tác giả bài viết:  Chí Thiện


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo