Trong khi đó... Trung Quốc lại để báo chí hăm dọa dùng võ lực với các láng giềng có tranh chấp trên biển - Dân Làm Báo

Trong khi đó... Trung Quốc lại để báo chí hăm dọa dùng võ lực với các láng giềng có tranh chấp trên biển


Trọng Nghĩa (RFI) Vào hôm nay, 25/10/2011, Bắc Kinh lại bật đèn xanh cho báo chí hù dọa các láng giềng. Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times), đã nêu đích danh Việt Nam, Philippines và Hàn Quốc, để cảnh cáo các nước đang tranh chấp chủ quyền trên các vùng Biển Đông và biển Hoa Đông với Trung Quốc là phải thay đổi lập trường, nếu không muốn chịu cảnh binh đao.

Trong bài xã luận viết bằng cả Anh ngữ lẫn Hoa ngữ, mang tựa đề "Đừng xem phương thức tiếp cận hòa bình là điều được hưởng mãi mãi", tờ báo này đã tố cáo các láng giềng của Trung Quốc là đã lợi dụng "đường lối ngoại giao hiếu hòa" của Bắc Kinh để thủ lợi cho riêng mình. Do đó, tờ báo cho rằng: "Nếu không thay đổi thái độ, các nước này sẽ phải chuẩn bị tinh thần để nghe thấy tiếng đại pháo", và chính quyền Trung Quốc cũng phải sẵn sàng cho biện pháp « phản công » quân sự, vì đây có thể là biện pháp duy nhất để giải quyết tranh chấp. 

Dù có đề cập đến Hàn Quốc, nhưng Hoàn cầu Thời báo Trung Quốc đặc biệt gay gắt với Philippines và Việt Nam bị họ cho là «Tưởng rằng Trung Quốc đang bị sức ép nhiều phía, nên nghĩ rằng thời cơ đã đến để buộc Trung Quốc phải từ bỏ quyền lợi của mình» ở Biển Đông. Đối với tờ báo này, chính quyền Bắc Kinh cần phải tính đến một số biện pháp quân sự, nếu «tình hình xấu đi». 

Đây không phải là lần đầu tiên mà tờ Hoàn cầu Thời báo có lời lẽ hung hăng với Việt Nam và Philippines. Cuối tháng 9 vừa qua, tờ báo này đã từng đăng bài của một tác giả ký tên là Long Đạo, kêu gọi Trung Quốc nên đánh phủ đầu Việt Nam và Philippines, hai nước đã dám chống lại các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. 

Global Times không phải là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho dù trực thuộc Nhân dân Nhật báo. Tuy nhiên, tờ báo này được cho là diễn đàn của các thành phần diều hâu trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc. 

Theo giới phân tích, không phải là ngẫu nhiên mà Trung Quốc lại bật đèn xanh cho tờ Hoàn cầu Thời báo đe dọa các láng giềng vào thời điểm này. Nhân vòng công du châu Á đầu tiên của mình khỏi sự từ chủ nhật 23/10, tân bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã lên tiếng xác định trở lại với các nước trong vùng là Hoa Kỳ sẽ không cắt giảm lực lượng quân sự tại châu Á, cho dù ngân sách quốc phòng Mỹ sắp bị thu hẹp. 

Theo nhận định của báo Wall Street Journal, khi cho biết là việc Hoa Kỳ triệt thoái quân khỏi Irak và Afghanistan sẽ cho phép Lầu Năm Góc chuyển nguồn lực qua châu Á, ông Panetta đã trấn an các đồng minh và đối tác ở Châu Á rằng, Washington kiên quyết hiện diện đáng kể trong vùng để cân bằng với đà vươn lên nhanh chóng về mặt quân sự của Trung Quốc. 

Lời đe dọa các nước láng giềng mà tờ Hoàn cầu Thời báo tung ra vào hôm nay, như vậy, có thể được xem là một đòn cân não mới trong cuộc chiến tranh tâm lý của Trung Quốc, nối tiếp theo một bài bình luận khác gần đây trên tờ Nhân dân Nhật báo. Ngày 28/09 vừa qua, tờ báo này đã khuyên các quốc gia Á châu là không nên « núp bóng » Hoa Kỳ, cho rằng “có thể làm bất cứ điều gì” nhờ có sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.



*

Báo TQ lại ra cảnh báo về Biển Đông

(BBC) - Tờ Hoàn Cầu Thời báo vừa có bài xã luận cảnh cáo các nước cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, rằng 'tiếng súng sẽ vang' trên vùng biển tranh chấp. 

Trong bài xã luận mới nhất đăng vào thứ Ba ngày 25/10, tờ báo này nói các quốc gia như Việt Nam và Philippines cần ‘chuẩn bị tâm lý để nghe tiếng đại bác’ nếu như còn tiếp tục đối chọi với Trung Quốc. 

Bài xã luận nói các nước láng giềng đang lợi dụng ‘lập trường ngoại giao ôn hòa’ của Trung Quốc để thúc đẩy lợi ích của mình ở Biển Đông. 

“Hiện nay, quan điểm chính thống của Trung Quốc là trước tiên cần phải thông qua các kênh đàm phán để giải quyết tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, nếu tình hình trở nên tồi tệ, thì hành động quân sự là cần thiết,” bài xã luận viết. 

"Nếu các nước kia không muốn thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc, thì họ phải chuẩn bị tâm lý để nghe tiếng đạn đại bác. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng, vì có thể đây là cách thức duy nhất để giải quyết tranh chấp trên biển." 

Hoàn Cầu Thời báo, một trong các báo có lượng độc giả lớn nhất Trung Quốc, thường xuyên có các bài giọng điệu hiếu chiến, mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa, đôi khi khá quá khích. 

Đây là một ấn bản của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Thêm vào đó, Trung Quốc giữ kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực truyền thông, và nhiều người tin rằng đường hướng hung hăng của các tờ báo như Hoàn Cầu phản ánh một luồng dư luận trong chính giới. 

Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du bác bỏ nội dung bài xã luận phản ánh quan điểm chính thống của Chính phủ nước này. 

Bà Khương nói Trung Quốc cam kết tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông. 

"Báo chí Trung Quốc có toàn quyền tự do ngôn luận, nhưng chúng tôi hy vọng các báo đóng vai trò xây dựng và chuyển tải trung thực các thông điệp." 

Hiếu chiến 

Đây không phải lần đầu Hoàn Cầu Thời báo có các bài kêu gọi biện pháp 'trừng phạt' các nước tham gia tranh chấp với Trung Quốc. 

Trong một bài viết vào cuối tháng Chín, tờ này cũng kêu gọi Bắc Kinh có "hành động quân sự". 

Xã luận mới đăng hôm thứ Ba 25/10 viết rằng các nước khác đã tảng lờ kêu gọi 'gác bỏ khác biệt để hợp tác vì lợi ích chung' mà Trung Quốc đưa ra. 

"Hiện không có biện pháp nào có thể giúp giải quyết các vấn đề một cách hòa bình." 

"Thực tế là các nước trong khu vực đều tin là họ có cách bắt Trung Quốc phải nhân nhượng. Trung Quốc muốn giữ hòa khí, nhưng đó thực là một vai trò bị cô lập." 

Tờ Hoàn Cầu cảnh báo: "Trung Quốc phải tự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế này". 

Tình hình Biển Đông sau một thời gian tạm lắng lại gia tăng căng thẳng khi Việt Nam và Ấn Độ ký kết hợp đồng thăm dò dầu khí ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam mà Bắc Kinh nhận là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. 

Tuần này hải quân Philippines và Hoa Kỳ cũng đang tiến hành tập trận với hoạt động đổ bộ ở Biển Đông. 

Mới đây lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trong chuyến thăm của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu. 

Trước đó hai bên cũng thống nhất sẽ tuyên truyền, quản lý báo chí hai nước để nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của quan hệ Việt-Trung. 

Tuy nhiên, với truyền thông Trung Quốc đăng tải các bài như nói ở trên, có thể thấy các nỗ lực chung dường như chưa giải tỏa được căng thẳng trong khu vực.


*

Báo Trung Quốc cảnh báo 'sẽ có tiếng đại bác' ở vùng biển tranh chấp


(VOA) - Một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra lời cảnh báo ngày hôm nay rằng các nước có liên quan đến vụ tranh chấp chủ quyền ở vùng Biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông, nên “chuẩn bị tinh thần nghe tiếng súng đại bác” nếu họ tiếp tục bất đồng với Bắc Kinh.

Hãng thông tấn Reuters và Bloomberg trích bài xã luận đăng trên tờ Hoàn Cầu Thời báo (The Global Times) của Trung Quốc trong đó cáo buộc các nước như Việt Nam và Philippines đã lợi dụng “lập trường ngoại giao mềm mỏng” của Trung Quốc để thúc đẩy cho chương trình nghị sự của chính họ.

Bài xã luận có đoạn viết “Hiện tại, Trung Quốc hiểu là cần phải đi theo các kênh đàm phán với các nước khác để giải quyết tranh chấp. Nhưng nếu tình hình trở nên xấu đi, thì hành động quân sự là điều cần thiết”.

Bài xã luận không có chữ ký viết tiếp rằng “nếu những nước này không muốn thay đổi cách hành xử với Trung Quốc, họ sẽ cần phải chuẩn bị tâm lý để nghe tiếng đại bác. Chúng ta cần sẵn sàng cho điều đó, bởi đây có thể là cách duy nhất để giải quyết tranh chấp ở vùng biển này”.

Chính phủ Trung Quốc ngày hôm nay nói rằng bài viết không đại diện cho quan điểm của họ. 

Khi được đề nghị bình luận về bài xã luận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Khương Du nói rằng chính phủ “Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và rằng việc gieo mối bất hòa và thù nghịch chỉ làm phức tạp thêm tình hình”.

Trong những tháng gần đây các tàu tuần tra của Trung Quốc đã tìm cách cản trở các cuộc thăm dò dầu khí của Việt Nam và Philippines ở vùng biển Đông. 

Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cảnh báo rằng các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ở khu vực này là mối đe dọa đối với các tuyến đường hàng hải.





Nguồn: Reuters, Bloomberg




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo