Phạm Đình Trọng (danlambao) - Tôi nhìn hình hài người lính trận mạc Vũ Cao Quận cả một đời chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như nhìn thấy hình hài dân tộc Việt Nam cả bề dày lịch sử chiến đấu giành và giữ độc lập. Cuộc cách mạng Mùa Thu năm 1945 đâu phải là cuộc cách mạng của chủ nghĩa Mác Lê nin mà là cuộc cách mạng của lòng yêu nước, như con người Vũ Cao Quận “Đến với đảng đâu vì Mác Lê nin / Mà giản dị là tấm lòng yêu nước” và Vũ Cao Quận chính là con người của cuộc cách mạng Mùa Thu đó! Tôi nhìn hình hài Vũ Cao Quận, nhìn một số phận Mùa Thu và chua xót nghĩ rằng cuộc cách mạng Mùa Thu của người lính Vũ Cao Quận thực sự đã bị phản bội rồi!...
*
Cuối năm, những đàn chim từ phương Bắc giá lạnh nối nhau sải cánh bay về phương Nam rực rỡ nắng ấm, trốn cái lạnh như đóng băng cả không khí. Từ ngày vào sống ở phương Nam, nơi thời tiết chỉ có hai mùa, mùa mưa và mùa khô, cuối năm, tôi cũng trở thành một cánh chim di trú.
Ở Phương Nam, mùa khô chang chang nắng nóng. Mùa mưa cũng nồng nàn sức nóng. Không có mùa đông giá lạnh nên cũng không có tiết giao mùa, không có ngọn gió dùng dằng, ngập ngừng từ mùa hè chuyển sang mùa đông. Không có mùa thu như cây cầu dịu dàng, bao dung nối hai bờ nóng lạnh. Mùa thu chỉ có trong khái niệm. Cuối năm, khi ngoài Bắc vào độ tiết thu muộn, ngọn gió heo may xào xạc trên tán cây, xào xạc trong cõi lòng, tôi lại có nỗi bồn chồn nhớ mùa thu miền Bắc. Nhớ ngọn gió se lạnh gợi cảm trên cánh tay trần. Nhớ màn sương huyền thoại bảng lảng trên Hồ Tây.
Mỗi độ cuối thu, bầy chim phương Bắc kéo đàn bay về phương Nam tìm nắng ấm thì tôi lại bồi hồi hành hương ngược hướng bầy chim di trú để được đắm mình trong tiết thu bâng khuâng của miền Bắc. Khi ngọn gió heo may về, tôi cũng trở thành một cánh chim di trú đi tìm mùa thu. Năm nay tôi ra Hà Nội từ giữa tháng mười và tôi đã rong ruổi trên nhiều ngả đường châu thổ sông Hồng trong tiết thu dìu dặt.
1. ĐÁM MÂY ĐEN TRÊN VÒM TRỜI MÙA THU
Tôi đã đi giữa cánh đồng lúa chín vàng ở tỉnh Hà Nam, vùng rốn trũng nhất của đồng bằng Bắc Bộ. Đang trong vụ gặt. Lúa phơi vàng trên đường nhựa. Rơm trải vàng bên vệ đường. Trên những mảnh ruộng đã gặt, những dải khói trắng đốt rơm rạ bay la đà trên cánh đồng. Hương lúa thơm trong hơi thở. Mùi khói rơm thơm trong chiều quê. Nhìn cảnh sắc tưởng như làng quê vẫn yên bình, êm ả tự ngàn xưa. Nhưng trên con đường nhánh từ đường 21 vắng vẻ đi vào chùa Hương không phải mùa lễ hội, tôi thấy cách quãng khoảng hai, ba cây số lại có một tốp công an chốt chặn bên đường, dáng vẻ xăng xái, mắt nhìn xăm soi.
Chợt có những hạt mưa nhỏ lất phất. Tôi dừng xe máy, xuống giúp người đàn ông đang vội vã hốt lúa phơi trên đường và hỏi: Có chuyện gì mà công an rải đầy đường vậy, bác? Trả lời: Họ rải quân bắt những người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm đấy mà! Có lẽ đó chỉ là cách hiểu của người nông dân chỉ quan tâm đến mưa nắng, mùa màng! Người dân đã quá quen với việc cảnh sát rải khắp đường, hùng hổ đuổi bắt người dân chỉ vì một lỗi nhỏ trong sinh hoạt, quá quen với việc cả bộ máy bạo lực nhà nước được huy động ra quyết liệt xử lí những sinh hoạt dân sự nhỏ nhặt! Bắt người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, việc gì phải chốt chặn dày đặc như vậy! Trên con đường vắng, cảnh sát bịt bùng, khí thế đằng đằng như thời nô lệ, Pháp rải mật thám chìm nổi ra lùng bắt cộng sản, lùng bắt những người tham gia hội kín! Làng quê êm ả, mùa thu dịu dàng quá nhưng những tốp cảnh sát đằng đằng, giăng giăng kia như những đám mây đen giữa trời thu trong vắt!
Lại nhớ sáng chủ nhật 23 tháng mười, tôi định đến Hồ Gươm, đến tượng đài Lý Thái Tổ, nơi những sáng chủ nhật hồi tháng tám, tháng chín, những người Việt Nam yêu nước tập trung biểu tình khẳng định ý chí độc lập toàn vẹn lãnh thổ trước thói ngạo mạn kẻ cả gây hấn xâm chiếm biển đảo Việt Nam của bành trướng phương Bắc. Xuống xe buýt, tôi đi bộ theo đường Lý Thái Tổ nhưng đến vườn hoa tôi muốn đến thì thấy dây căng và hàng rào công an giăng kín, không cho người dân vào vườn hoa. Phía Bờ Hồ, công an, dân phòng cũng giăng ra, chặn không cho dân qua lại một đoạn phố Đinh Tiên Hoàng trước tượng Lý Thái Tổ! Khi biết vườn hoa của thành phố, của nhân dân bị công an chiếm đoạt tổ chức Nhạc Hội Cảnh Sát Thế Giới, tôi nói với viên thiếu tá công an: Vườn hoa của nhân dân, ngày nghỉ sao các anh lại tùy tiện cấm người dân vào vườn hoa? Nhạc hội phải có người xem! Sao lại cấm người dân đến nhạc hội? Viên thiếu tá trả lời: Vườn hoa của nhà lước, nhà lước muốn làm gì thì làm! Nghe tiếng nói ngọng của một hiện thân quyền lực nhà nước, tôi ngán ngẩm không muốn nói gì nữa, đành đi vòng tìm đường ra Bờ Hồ.
Quanh Bờ Hồ cũng rải đầy công an sắc phục xanh, sắc phục vàng và dân phòng mặc đồng phục màu xanh cỏ úa như bộ đội thời chiến tranh, mũ mềm, áo blouson nhạt màu, quần thẫm màu. Tôi biết ngoài số công an công khai đông đúc kia còn có rất đông công an chìm lảng vảng! Tàu chiến Trung Hoa tự do xục xạo trên biển Việt Nam, bắn giết dân đánh cá Việt Nam, xua đuổi, bắt bớ tàu thuyền Việt Nam thì không thấy bóng một công cụ bạo lực nào của nhà nước Việt Nam! Giữa cuộc sống yên bình của người dân ở thủ đô văn hiến, giữa mùa thu êm ả sao phải phô trương nhiều công cụ bạo lực nhà nước đến vậy? Cũng những sáng chủ nhật yên bình cách đây mới ít ngày, những người công an, dân phòng này đã dùng số đông hùng hổ xô bắt, tống giam những con dân Việt Nam nồng nàn yêu nước, chị Minh Hằng, chị Bích Phượng, anh Nguyễn Văn Dũng, anh Vũ Quốc Ngữ . . . Sáng nay họ lại bắt giam cả tượng đài Lý Thái Tổ! Bắt giam cả Hồ Gươm! Bắt giam cả mùa thu Hà Nội!
Mùa thu Hà Nội kì lạ, thiêng liêng lắm! Tháng Tám, Mùa Thu năm 1010, vua sáng Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư về Đại La. Thuyền định đô vừa về đến bến sông Hồng ở Đại La, nhà vua bỗng thấy từ sương khói mùa thu bảng lảng trên sông Hồng, rồng thiêng bay lên, ẩn hiện trong mây, sáng lòa trong nắng. Từ Mùa Thu đó, Kinh đô nước Đại Việt được mang tên Thăng Long, Rồng Bay Lên. Từ đó, những sự kiện lịch sử sáng chói của nước Đại Việt, của kinh kì Thăng Long – Hà Nội như đều đến vào mùa thu. Hồn đất nước như hiển hiện trong mùa thu Hà Nội!
Sáng mùa thu tôi đến Hồ Gươm để cảm nhận tiết thu Hà Nội, để cảm nhận hồn thiêng đất nước nhưng những sắc áo công cụ bạo lực kia đã mang đến cho tôi cảm giác ngột ngạt, bất an và tôi nhìn bầu trời Hà Nội mùa thu cũng không thấy trong xanh nữa!
2. DẶM ĐƯỜNG MÙA THU
Bốn mươi tám tuổi, Nguyễn Khuyến rũ áo từ quan xa lánh chốn quan trường nhiễu nhương của thời nô lệ Pháp thuộc, trở về “Vườn Bùi chốn cũ” đắm mình trong mùa thu đất nước để viết lên “Thu Điếu”, “Thu Vịnh”, “Thu Ẩm”. Phải đến tuổi mùa thu cuộc đời mới giao hòa được với mùa thu đất nước. Nhưng cũng phải có không gian yên tĩnh và sự tĩnh tâm, xa lánh chốn nhiễu nhương mới cảm nhận được cái thăm thẳm của mùa thu đất nước.
Hồ Gươm dập dìu của tài tử giai nhân, của văn hiến ngàn năm, của tháp bút viết thơ lên trời xanh, Hồ Gươm của lãng đãng huyền thoại về rùa thần, gươm báu, Hồ Gươm của không gian lịch sử thiêng liêng đã không còn bình yên, thanh thản bởi dây căng cấm đường, bởi bịt bùng sắc áo công cụ bạo lực! Hồ Gươm của sâu thẳm lịch sử, của thanh lịch văn hóa đã trở thành chỗ trần trụi, nhiễu nhương, công sai nghênh ngang, bạo lực thi thố! Tôi tìm đến Hồ Tây.
Nhưng Hồ Tây thướt tha bóng liễu rủ xuống mặt hồ không còn nữa! Hồ Tây mênh mang xa hút trong sương khói huyền thoại không còn nữa! Những khối nhà cao tầng trùng điệp như đội quân xâm lược đã hủy diệt gần hết màu xanh quanh hồ và đang ngạo nghễ từ bốn phía xô bồ, ào ạt tiến ra hồ, đã chiếm mất một phần mặt hồ, đã xóa mất cái mênh mang của Hồ Tây rồi, đã giết chết không gian huyền thoại Hồ Tây rồi! Những người nhân danh chính quyền vô sản của giai cấp công nông đã cắt hàng chục hecta đất long mạch Hồ Tây bán cho người kinh doanh trong nước, ngoài nước để họ làm giầu bằng đất thiêng Hồ Tây, để họ mặc sức triệt phá long mạch Hồ Tây, để họ giết chết thiên nhiên Hồ Tây của những đàn sâm cầm, để họ phá không gian huyền thoại Hồ Tây của trâu vàng truyền thuyết! Những người nhân danh chính quyền vô sản của giai cấp công nông đã chia lô đất thiêng Hồ Tây bán rẻ, cấp không cho các quan chức từ trung ương tới địa phương, như trong hội làng thời lý trưởng, chánh tổng người ta chia xôi, chia thịt cho nhau! Để Hồ Tây bây giờ chỉ còn toen hoẻn như chiếc ao làng trong thơ Nguyễn Khuyến!
Quan chức quyền cao chức trọng chiếm đất vàng Hồ Tây thì bà hàng nước phận hèn chiếm bãi cỏ đường Thanh Niên bên Hồ Tây và đám người vô công rồi nghề thì kéo đến câu trộm cá dưới hồ! Đường Thanh Niên của tâm tình, của thanh thản, nơi tình yêu đến với tình yêu, nơi con người đến với thiên nhiên nhưng ghế đá ở đường Thanh Niên còn rất ít. Chiếc gãy chân. Chiếc vỡ đôi. Chiếc bị bà hàng nước chiếm để đồ hàng. Chỉ có sẵn những chiếc ghế nhựa màu xanh rải đầy trên thảm cỏ. Muốn được dừng chân thư thả với Hồ Tây, phải xỉa tiền ra để được ngồi trên chiếc ghế nhựa xanh của bà hàng nước! Đường Thanh Niên không còn thảm cỏ nào vô chủ bởi những chiếc ghế nhựa xanh xác định chủ quyền của gần chục bà chủ quán nước thảm cỏ!
Đến Hồ Tây chỉ thấy người chiếm đoạt, không thấy người quản lí, chăm sóc! Đó cũng là một sự nhiễu nhương! Hồ Tây huyền thoại đã trở thành chốn nhiễu nhương từ cấp cao đến cấp thấp! Thôi đành tìm mùa thu chốn khác!
Tôi đến chùa Bà Đanh ven sông Đáy, bên núi Ngọc, tìm sự yên tĩnh, hoài niệm ở ngôi chùa cổ. Ngôi chùa đã đi vào thành ngữ dân gian về sự vắng vẻ, đìu hiu “Vắng như chùa Bà Đanh” nay cũng không còn yên tĩnh nữa! Những chiếc ô tô kết hoa, những đoàn xe máy rầm rộ nối nhau chở những đôi tân hôn mượn cảnh non nước của chùa chụp ảnh cưới.
Tôi về quê nội Thiện Phiến, Tiên Lữ, Hưng Yên tìm cảnh sắc mùa thu quen thuộc “Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt / Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” trên mảnh đất phù sa sông Hồng. Lũy tre, khóm trúc là hình ảnh thân thuộc, cổ điển, là biểu tượng truyền thống của mọi làng quê đồng bằng Bắc Bộ như cây dừa là hình ảnh thân thuộc truyền thống của làng quê Nam Bộ. Khóm trúc nền nã, óng ả, duyên dáng như vẻ đẹp cô gái quê. “Trúc xinh trúc mọc đầu đình / Em xinh, em đứng một mình cũng xinh” (Ca dao). Lũy tre là sự bền vững, thanh bình, là chiều sâu tâm linh của làng quê, là bóng mát trong tâm hồn người dân quê “Tre xanh, xanh tự bao giờ / Từ ngàn xưa đã có bờ tre xanh” (Thơ Nguyễn Duy). Lũy tre, khóm trúc, mái đình, cây đa là môi trường sinh thái của làng quê và cũng là không gian văn hóa, là hồn vía của làng quê. “Qua đình ngả nón trông đình / Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”. Lũy tre tạo nên chiều sâu không gian và mái đình tạo nên chiều sâu thời gian, tạo nên bề dày lịch sử của làng quê. Nay Thiện Phiến quê nội của tôi không còn một mái nhà tranh, nhiều ngôi nhà mái bằng, nhà lầu mọc lên, nhưng cũng không còn một khóm trúc, một bờ tre, không còn mái đình, cây đa. Cải cách ruộng đất sôi sục rồi hợp tác hóa nông nghiệp rầm rộ phá tan đình chùa, đánh sập quyền uy tôn giáo, san bằng mồ mả làm bờ vùng bờ thửa, hăm hở tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội! Chủ nghĩa xã hội không thấy đâu chỉ thấy bây giờ làng quê trống trải, trần trụi, tênh hênh như không có quá khứ, không có lịch sử! Và tôi thấy những ngôi nhà đúc bê tông mái bằng, những ngôi nhà hai ba tầng lầu tênh hênh, vênh váo kia như những tòa lâu đài xây trên cát!
Về thành phố Hải Phòng, nơi tôi đã sinh ra, nơi tôi để lại cả tuổi thơ nghèo khổ nhưng êm đềm, đẹp đẽ, tôi càng thấy thêm những mất mát. Hải Phòng thời tuổi thơ của tôi đẹp lắm. Cái đẹp của thành phố đã định hình một phong cách văn hóa, có bản sắc, có cá tính, có nét độc đáo riêng. Đường phố trật tự, ngăn nắp, sạch sẽ, dào dạt ngọn gió biển. Mùa hè tán phượng vĩ đỏ rực la đà trên mặt nước sông Tam Bạc, la đà trên mái ngói dãy quán bán hoa xế trước nhà hát lớn. Con người có cá tính mạnh mẽ nhưng hiền hòa, lịch lãm. Tôi vẫn nhớ ngày ấy người đi đường gặp đám ma, ai cũng ngả mũ đưa tiễn người quá cố cho đến khi đám ma đi qua. Đó là những năm 1955, 1956 khi chính quyền cách mạng mới về tiếp nhận Hải Phòng thay cho chính quyền cũ và người dân vẫn còn giữ được nếp văn hóa nơi công cộng của một thời đã qua!
Bây giờ thành phố mở rộng tới tận núi Phủ Liễn, Kiến An. Nhiều đường phố mới rộng dài. Nhiều tòa nhà mới ngất ngưởng, nghênh ngang. Nhưng nét đẹp của thành phố, bản sắc văn hóa của thành phố lại không thấy đâu! Con trai, con gái thản nhiên nói tục, nói chuyện, nói điện thoại rất to ở chốn đông người, lại còn ngọng nghịu, lẫn lộn l và n nữa! Đường phố ngập rác! Rác trên mặt đường! Rác trong ngôn ngữ! Rác trong âm thanh! Nhiều đường phố trở thành đường một chiều nhưng lưu thông vẫn hỗn loạn, lộn xộn, tranh cướp đường của nhau! Con người trở nên dữ dằn, chỉ một xích mích nhỏ cũng chồm lên lao vào chém giết, thanh toán nhau! Nhìn từng tòa nhà mới xây, cũng có nhiều nhà đẹp nhưng nhìn cả đường phố chỉ thấy sự nhốn nháo, hỗn loạn, nhếch nhác! Chỉ thấy có ông chủ của từng ngôi nhà! Không thấy ông chủ của cả đường phố! Không thấy ông chủ của cả thành phố!
Những người ở vị trí ông chủ thành phố nhưng hành xử chỉ là ông chủ gia đình, dùng quyền lực ông chủ thành phố chỉ để vun vén cho gia đình thể hiện rõ trong vụ đất đai ở Đồ Sơn, ở Quán Nam! Dùng quyền lực được phê duyệt, được kí cấp đất cho những người tái định cư, họ đã dành nhiều xuất đất cấp cho con cháu, cho người nhà của họ không có tiêu chuẩn tái định cư, kí cấp đất cho cả những quan chức bề trên có quan hệ lợi ích, quan hệ thăng tiến của họ! Hành xử đó không phải chỉ là tham nhũng của kẻ có quyền mà còn là văn hóa cai trị! Văn hóa cai trị thấp kém thì văn hóa cả xã hội cũng thấp kém! Thước không ngay không thể kẻ được đường thẳng! Đời sống văn hóa của thành phố Hải phòng, của đất nước Việt Nam hôm nay là hệ quả của thứ văn hóa cai trị đó suốt mấy chục năm qua!
Những mất mát ở làng quê của ông bà tôi, những mất mát ở thành phố tuổi thơ của tôi cũng là mất mát ở mọi làng quê, mọi thành phố khác trên đất nước này, cũng là mất mát của cả đất nước này! Trên cả nước chỉ thấy những ông chủ của từng gia đình! Không có ông chủ của cả nước! Nước là của chung! Cha chung không ai khóc! Vì thế mà người ta giao cả hàng trăm ngàn hecta rừng đầu nguồn quyết định sự sống còn của đất nước, giao hàng trăm ngàn hecta rừng biên ải phên giậu của đất nước cho người nước ngoài làm chủ! Vì thế mà người ta bỏ mặc biển Đông, biển hương hỏa của cha ông người Việt Nam để lại cho tàu nước ngoài mặc sức vào ra bắn giết dân Việt Nam!
Những thành quả của cách mạng Tháng Tám Mùa Thu năm nào, nay như không còn nữa!
3. NHỮNG SỐ PHẬN MÙA THU
Về quê, thấy đứa em con ông chú, một thiếu tá quân đội về hưu đã hơn chục năm, nay có sử dụng internet, tôi có chút an ủi sau nỗi buồn làng quê không còn một bóng tre. Về hưu khi mới chợt đến tuổi năm mươi, đứa em thiếu tá của tôi dành thời gian tự học chữ Nôm và nó đã đọc được bài văn trên tấm bia cổ còn sót lại của dòng họ. Gia phả xưa không còn! Đền, miếu không còn! Mồ mả từ hai, ba thế hệ trở về trước không còn! Cả nhà thờ họ cũng đã tan biến! May còn tấm bia đá diễn giải dòng chảy thời gian của dòng họ Phạm. Dịch văn bia ra chữ viết hôm nay, lại có máy vi tính, máy in, nó lập lại gia phả cả chi họ. Có được điểm tựa của quá khứ, lại có internet nối với cả thế giới, hướng tới tương lai, đứa em tôi sẽ có những nhận thức mới mẻ. Tôi nghĩ thế và để biết nhận thức của nó, tôi liền mở một bài viết của tôi đã đăng trên các trang mạng cho nó đọc. Bài viết mười trang. Mới đọc được ba trang, nó rời màn hình vi tính, bảo: Anh lại viết như giọng điệu Cù Huy Hà Vũ hả? Anh viết giọng đó, em không đọc đâu! Rồi nó gay gắt kết tội Cù Huy Hà Vũ đúng như kết tội của báo Công an, báo Quân Đội Nhân Dân! Vậy đó! Nó dùng internet chỉ để khỏi phải mua báo mà hàng ngày vẫn được đọc báo Nhân Dân Online, báo Quân Đội Nhân Dân Online, báo Công An Online!
Dù internet có mở ra cho thằng em thiếu tá của tôi khung trời rộng rãi nhìn ra thế giới để tiếp cận với nhiều sự thật đang bị bưng bít, để nhìn sự việc bằng con mắt của mình, để nhận thức thế giới bằng cái đầu của mình nhưng nó vẫn nhìn thế giới qua khe hở ti hí mà hệ thống truyền thông chính thống hé ra cho nó, nó vẫn nhận thức bằng cái đầu của người khác và nó vẫn vô tư tin cả những sự lừa dối trắng trợn, tin cả vào những nhân cách bỉ ổi đã thủ trong túi hai bao cao su nhầy nhụa mang đến ném vào phòng ngủ khách sạn để hãm hại một tiếng nói trung thực, dũng cảm! Nó vẫn mang niềm tin xưa cũ như tôi đã từng tin!
Một niềm tin xưa cũ khác. Từ Thiện Phiến, Tiên Lữ, Hưng Yên, tôi mượn xe máy về Bằng Giã, Bình Giang, Hải Dương thăm anh bạn lính cùng ở mặt trận Tây Nguyên với tôi thời chiến tranh, anh Đặng Xuân Bách. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, anh Bách không biết cả ngày tháng năm sinh của chính anh. Theo tuổi anh tự khai khi vào bộ đội thì anh hơn tôi một tuổi. Coi như tôi, anh Bách và thằng em chữ Nôm của tôi cùng thế hệ với cuộc cách mạng Mùa Thu và bây giờ cùng đang ở tuổi mùa thu muộn của cuộc đời. Tìm cách ăn gian qua mặt những người khám tuyển nghĩa vụ quân sự, anh mới trúng tuyển, mới chấm dứt cuộc đời ở đợ nghèo đói, tủi nhục. Vào bộ đội, anh tăng thêm gần mười cân và cao thêm gần gang tay mới có được chiều cao của người bình thường như bây giờ. Vì thế hết hạn nghĩa vụ quân sự, anh xin ở lại quân đội rồi hăm hở hành quân vào mặt trận Tây Nguyên. Bị thương, anh được đưa ra miền Bắc. Sau thời gian chữa trị, an dưỡng, những người khác đều nhận tờ giấy giải ngũ về quê. Anh xin ở lại quân đội, làm cán bộ khung của đoàn an dưỡng cho đến khi đoàn an dưỡng giải thể, anh về hưu với quân hàm đại úy.
Tôi đã về nhà anh một lần nhưng lâu rồi. Từ khi tôi chuyển vào sống ở miền Nam, chúng tôi chỉ liên lạc với nhau bằng thư từ, sau này là bằng điện thoại. Gặp lại tôi, anh mừng lắm. Trong bữa cơm gà nhà, cá ao tiếp tôi, anh gọi đông đủ gia đình các con đến, anh nói: Gia đình mình được thế này là nhờ ơn đảng, ơn Bác, nhờ sự chiến đấu hi sinh của những người ở thế hệ cha chú các con! Anh giới thiệu về tôi, anh nói về những truyện ngắn của tôi anh đã đọc trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội thời chiến tranh. Anh chỉ vào từng đứa con giới thiệu với tôi. Bốn đứa con trai, đứa nào cũng đã xây được nhà, ở riêng. Có đứa hai vợ chồng đều làm ruộng, có đứa vợ dạy học, chồng công nhân, đều có ruộng đất, có cuộc sống đầy đủ, ổn định! Một người như anh, tứ cố vô thân, không thước đất cắm dùi, nếu không có cách mạng làm sao thoát kiếp suốt đời đi ở đợ! Một người như anh không một ngày đến trường, chỉ nhờ tự học mà biết đọc biết viết, nếu không có cách mạng làm sao anh có thể trở thành sĩ quan quân đội! Vì thế không những anh nhớ ơn mà anh còn nhắc nhở con cháu của anh đời đời ghi nhớ công ơn của đảng, của Bác!
Tôi quí anh vì tính ngay thẳng. Anh có thái độ rất rõ ràng, mạnh mẽ với cái xấu. Tuy văn hóa hạn chế nhưng anh ham đọc sách báo và khá nhạy cảm, hào hứng tiếp nhận cái mới. Tôi muốn gặp lại anh để xem trở về làm một nông dân, anh có còn những phẩm chất đó không. Lúc này đã xuất hiện những cái mới có tính cách mạng, rất cần có những người như anh. Nghe anh nói rằng gia đình anh được thế này là nhờ ơn đảng, ơn Bác, tôi lại chạnh lòng nhớ đến một người lính khác, người lính Vũ Cao Quận.
Sinh ra trong gia đình tư sản lớn ở Hải Phòng, cậu bé mười ba tuổi Vũ Cao Quận đã háo hức chào đón cuộc cách mạng Tháng Tám Mùa Thu năm 1945 như chào đón bình minh mới của đất nước, chào đón bình minh mới của dân tộc Việt Nam và của chính cuộc đời mình. Cậu hăng hái theo anh, chị đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Anh trai là bộ đội quân giới. Chị gái là quân y sĩ. Năm 1948, Vũ Cao Quận chính thức trở thành người lính cách mạng. “Tôi vào lính tuổi vừa tròn mười sáu / . . . / Đôi chân chiến binh rong ruổi mọi miền / Lửa chinh chiến đốt tuổi xanh tươi đẹp” (Thơ Vũ Cao Quận) Người lính ấy tham gia chiến đấu đánh tan quân Pháp ở Điện Biên Phủ rồi có mặt trong đội ngũ trùng trùng về giải phóng Hà Nội, Hải Phòng.
Đi kháng chiến trở về, gia đình tư sản của người lính cách mạng Vũ Cao Quận đã hiến cho nhà nước cách mạng cả dãy nhà mặt trước phố Belgique, nay là phố Lê Lai, Hải Phòng, hiến cả đồn điền hai trăm mẫu đất ở Nho Quan, Ninh Bình. Như mọi trái tim say lí tưởng, Vũ Cao Quận cũng say đắm lí tưởng giải phóng dân tộc của những người cộng sản “Và một ngày kia tôi vào đảng / . . . / Đến với đảng đâu vì Mác Lê nin / Mà giản dị là tấm lòng yêu nước” (Thơ Vũ Cao Quận). Với lí tưởng đó, năm 1964 vừa cưới vợ, trung úy Vũ Cao Quận lại từ biệt người vợ trẻ dẫn đại đội vào mặt trận phía Nam. Suốt cuộc chiến tranh chống Mĩ, Vũ Cao Quận chiến đấu ở Tây Nguyên, mặt trận thiếu thốn, gian khổ, khắc nghiệt nhất trong các mặt trận ở Đông Dương.
Nhưng cách mạng vô sản, nhà nước vô sản chỉ tin cậy, ưu ái những người cùng khổ như anh Đặng Xuân Bách bạn tôi. Còn người lính Vũ Cao Quận xuất thân tư sản, thì cách mạng chỉ sử dụng, chỉ khai thác, chỉ tận thu mà không tin! Dù gia đình tư sản ấy đã hiến toàn bộ tài sản cho nhà nước cách mạng! Dù gia đình tư sản ấy đã hiến dâng cho cách mạng cả xương máu, cả mạng sống đứa con ruột thịt! Anh trai Vũ Cao Quận, người lính quân giới được bổ xung cho đơn vị chiến đấu đã hi sinh không tìm thấy xác ở mặt trận Hòa Bình năm 1952! Dù người lính xuất thân tư sản ấy đã hiến dâng toàn bộ năm tháng tuổi trẻ, hiến dâng cả tài năng, sức lực, hi sinh cả hạnh phúc gia đình cho sự nghiệp cách mạng! Dù người lính xuất thân tư sản ấy đã đứng dưới lá cờ cách mạng nắm tay thề tận tụy chiến đấu hi sinh, một lòng trung thành với cách mạng và cuộc đời chiến đấu hi sinh của anh đã chứng minh điều đó!
Là đại đội trưởng, người phải chịu trách nhiệm lớn nhất, nặng nề nhất về sức chiến đấu của đại đội, đại đội trưởng Vũ Cao Quận còn có uy tín rất lớn, có nhiều thành tích trong chiến đấu, là tấm gương sáng đẹp trong đại đội nhưng trong các đại hội chi bộ, các tổ đảng đều được cấp ủy thì thầm nhắc nhở: Không được đề cử giai cấp tư sản vào cấp ủy! Thành phần giai cấp tư sản cũng bị gạt ra khỏi mọi cuộc xét khen thưởng, đề bạt! Và người lính Vũ Cao Quận đã mang quân hàm trung úy từ khi tốt nghiệp trường sĩ quan pháo binh về làm đại đội trưởng dẫn đại đội vào mặt trận từ trước khi Mĩ đổ quân vào miền Nam Việt Nam cho đến khi chiến tranh kết thúc, Vũ Cao Quận rời quân ngũ trở về với người vợ cả một thời xuân sắc mòn mỏi chờ chồng nay tuổi xuân không còn nữa! Sự đối xử ấy buộc Vũ Cao Quận phải nhận ra rằng nhà nước này, đất nước này không còn của cả dân tộc Việt Nam nữa mà chỉ còn là của một giai cấp cùng khổ dưới cùng trong xã hội!
Trở về tay trắng, người lính già Vũ Cao Quận cùng vợ về ở với vợ chồng người con gái trong căn nhà cấp bốn chưa đến hai mươi mét vuông trong ngõ nhỏ! Tài trí, sức lực, năm tháng quí giá nhất của cuộc đời đã để lại ở những chặng đường bom đạn, sốt rét, kham khổ, trở về nhà với tuổi già, người lính tận tụy Vũ Cao Quận còn bị nhà nước cách mạng vô sản bắt giam tù đày chỉ vì công an đùng đùng vây bắt và tìm thấy những bài viết về dân chủ, về quyền con người trong chiếc túi người lính già Vũ Cao Quận cầm tay! Dân chủ và quyền con người là những giá trị cơ bản để phân biệt xã hội loài người văn minh với thế giới động vật hoang dã.
Chỉ có nhà nước xã hội chủ nghĩa mới bắt giam những người giữ những bài viết về những giá trị đó!
Cuộc bắt giam trắng trợn, thô bạo, chà đạp lên mọi giá trị mà xã hội dân sự thông thường phải có đã làm cho người lính già Vũ Cao Quận trở nên nổi tiếng. Tôi biết đến bậc đàn anh Vũ Cao Quận vì thế. Từ đó mỗi lần về Hải Phòng tôi đều tìm đến ngõ 246 phố Đà Nẵng, tìm đến niềm kính trọng của tôi.
Cuộc gặp đầu tiên của tôi với niềm kính trọng ấy thật xúc động. Bước chân vào gian nhà tuềnh toàng, bếp than tổ ong ở ngay góc nhà phía ngoài và vòi nước rửa ráy ở góc phía trong, tôi thấy người đàn ông già nua, gày guộc, mong manh như hơi thở nhưng gương mặt sáng láng. Nhận ra ngay người cần gặp, tôi liền xưng tên: Em là Phạm Đình Trọng đến thăm anh! Ông reo lên nhắc lại tên tôi rồi tự nhiên nước mắt ứa ra, ông tiến lại, ôm tôi lặng đi khá lâu. Dạo đó ông còn đi lại được, ông còn lên xuống cái cầu thang chênh vênh của gian gác cơi nới làm thêm, lấy tặng tôi hai cuốn sách ông viết, cuốn “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi” và cuốn “Cánh Chữ Xổ Lồng”. Tháng mười năm nay về gặp ông thì chính tôi phải ứa nước mắt vì thấy ông không còn đi lại được nữa, chỉ nằm mỏng dính trên chiếc giường đơn bên chân cầu thang như một tia nắng thoi thóp buổi chiều tàn và nghe ông bình thản nói những lời từ biệt cuộc đời!
Thế mà mới it ngày trước tôi đang nói chuyện với ông trên điện thoại thì điện thoại cắt rụp! Gọi lại không được. Hôm sau gọi được, hỏi, ông bảo: Những người bạn giấu mặt của tôi đấy! Họ tốt với tôi lắm, có rất nhiều người quan tâm chăm sóc tôi! Riêng về điện thoại cũng có người theo dõi hai mươi bốn trên hai mươi bốn (24/24), hạn chế tôi nói để giữ sức khỏe cho tôi! Nghe ông nói, tôi nghẹn trong ngực, cay cả sống mũi. Người lính già trung thực, tận tụy, đầy công lao nay đã sắp chết mà người ta nỡ xử sự nhẫn tâm, thất đức đến vậy!
Tôi, anh Đặng Xuân Bách và người lính già Vũ Cao Quận cùng có một khởi điểm, một cột mốc cuộc đời là một Mùa Thu cách mạng. Tôi và anh Đặng Xuân Bách là thế hệ chào đời vào Mùa Thu cách mạng. Còn người lính già Vũ Cao Quận lại hăm hở bước vào đời từ Mùa Thu cách mạng đó. Cuộc cách mạng Mùa Thu năm đó có làm đổi đời, có cứu vớt được một số ít người như anh Đặng Xuân Bách bạn tôi nhưng đã chà đạp lên số phận nhiều người chân chính khác, như người lính tận tụy nhiều cống hiến Vũ Cao Quận, chà đạp cả một dân tộc văn hiến, làm hủy hoại cả một nền văn hóa có bề dày thăm thẳm!
Tôi nhìn hình hài người lính trận mạc Vũ Cao Quận cả một đời chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như nhìn thấy hình hài dân tộc Việt Nam cả bề dày lịch sử chiến đấu giành và giữ độc lập. Cuộc cách mạng Mùa Thu năm 1945 đâu phải là cuộc cách mạng của chủ nghĩa Mác Lê nin mà là cuộc cách mạng của lòng yêu nước, như con người Vũ Cao Quận “Đến với đảng đâu vì Mác Lê nin / Mà giản dị là tấm lòng yêu nước” và Vũ Cao Quận chính là con người của cuộc cách mạng Mùa Thu đó! Tôi nhìn hình hài Vũ Cao Quận, nhìn một số phận Mùa Thu và chua xót nghĩ rằng cuộc cách mạng Mùa Thu của người lính Vũ Cao Quận thực sự đã bị phản bội rồi!