Những cuộc xếp hàng đi vào số phận - Dân Làm Báo

Những cuộc xếp hàng đi vào số phận

Trần Quốc Việt (danlambao) Đôi lúc qua cảnh xếp hàng của dòng người ta nhìn thấy lờ mờ số phận của một dân tộc. Đấy là ý nghĩ của tôi trong suốt tuần qua khi nhìn thấy hình ảnh những dòng người xếp hàng ở Tunisia, Libya và Việt Nam.

Vào ngày Chủ Nhật 23/10 nhân dân Tunisia thức dậy từ sáng sớm để bắt đầu xếp hàng rồng rắn rất dài hàng giờ liền dưới ánh nắng nóng bức của mặt trời Bắc Phi. Nhiều cha mẹ đưa con đến để chứng kiến thời khắc lịch sử. Trong số 10,4 triệu người đủ điều kiện đi bầu có đến 7 triệu người xếp hàng bỏ phiếu trong cuộc bầu cử thật sự tự do lần đầu tiên ở Tunisia và cũng là cuộc bầu cử đầu tiên của Mùa xuân Ả Rập. Họ rất kiêu hãnh và tự hào khi họ góp phần viết trang sử mới cho bản thân, gia đình và cho quê hương sau hàng bao năm sống trong gông cùm của chế độ độc tài. 

Và không gì hơn là chúng ta hãy lắng nghe những lời của họ như âm thanh rì rào reo vui của bao cọng cỏ đang vươn lên trước làn gió tự do đầu tiên thổi đến. 

Người dân Tunisia xếp hàng dài cho cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước 
(nguồn - http://medya.todayszaman.com)

Ismail Trabelsi, 42 tuổi, kỹ sư môi trường, đến phòng bỏ phiếu lúc 7 giờ sáng, và anh xếp hàng chờ hơn một giờ đồng hồ mới đến lượt mình bỏ phiếu. Anh nói: "Dù kết quả bầu cử thế nào chăng nữa, kết quả ấy vẫn là quyết định của chúng tôi,chứ không phải bị áp đặt lên chúng tôi. Chúng tôi đã chờ 55 năm cho giây phút này." 

Lần đầu tiên trong lịch sử nước này đây là ngày Chủ Nhật có nhiều nụ cười nhất, có lẽ để bù đắp lại những ngày Chủ Nhật buồn ngày xưa. Cuộc cách mạng nhân phẩm đã thành công. Anh Amin Ganhouba, 30 tuổi, nhân viên kỹ thuật, nói: "Hôm nay là ngày độc lập. Hôm nay, qua hành động bỏ phiếu đơn giản, chúng tôi đạt được tự do và nhân phẩm." 

Đối với những thế hệ lớn tuổi hơn cuộc bầu cử này là niềm vui không gì sánh bằng, một giấc mơ của mọi giấc mơ. Ông Tayeb Awisi, 83 tuổi, khoe ngón tay dính mực màu xanh - dấu hiệu cử tri đã bỏ phiếu - và cho biết ông đã đi bầu tất cả các cuộc bầu cử gian lận từ năm 1956 khi Tunisia thoát khỏi ách đô hộ của người Pháp. Nhưng ông tâm sự đây mới là lần bỏ phiếu đích thực đầu tiên của mình. 

"Chúng tôi đã quỳ suốt bao nhiêu năm nay, và bây giờ chúng tôi đang đứng lên", ông nói. "Nếu tôi chết ngay lúc này, tôi cũng nhắm mắt ra đi thanh thản. Cho dù tôi không hưởng lợi gì từ cuộc bầu cử này, nhưng con cháu tôi nhất định sẽ hưởng." 

Niềm vui về sự tái sinh của một nước Tunisia hiện sáng ngời lên trên các khuôn mặt của các cử tri thuộc nhiều thế hệ. Thời gian chờ dằng dặc hai tiếng rưỡi dưới ánh mặt trời gay gắt chẳng là gì đối với anh Walid Sellami, 27 tuổi, nhân viên tư vấn tài chính, cùng đi bầu với cha mẹ mình. Anh nói: "Tôi chưa bao giờ hạnh phúc vô cùng khi xếp hàng chờ đợi như thế này. Đây là thời điểm trọng đại đối với chúng tôi. Cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong Thế giới Ả Rập... Vì đây là cuộc bầu cử đầu tiên nên ai thắng không quan trọng. Tôi hạnh phúc nếu nhân dân bỏ phiếu cho các đảng khác. Mục tiêu của chúng tôi là hoà nhập vào thế giới dân chủ." 

Touhami Sakouhi, cựu tù chính trị phát biểu: "Cho dù tôi phải xếp hàng chờ 24 giờ đồng hồ, tôi cũng không từ bỏ cơ hội để tận hưởng không khí tự do này." 

Không khí tự do ấy là niềm tin vững chắc rằng sẽ không còn những nhà độc tài tương lai "ngồi xổm tục tỉu như con cóc lên trên cuộc đời của nhân dân Libya" (1) như lời xác quyết của ông Soussi Loffi, người cử tri mang đôi giày rách được vá lại. "Bây giờ có một nội lực hướng dẫn người dân Tunisia. Nghĩa là chúng tôi không còn phải bị sai bảo gì nữa. Chúng tôi sẽ xuống đường và sẽ không còn tên độc tài nào nữa." (2) 

Đây là cuộc xếp hàng đi vào tương lai của nhân dân Tunisia. 

Một cuộc bỏ phiếu khác đã diễn ra lặng lẽ trước đó ở Libya. Kết quả của cuộc bỏ phiếu ấy đưa đến cái chết thê thảm của nhà độc tài Qaddafi. 

Cuộc bỏ phiếu bằng chân của người dân thành phố Sirte! 

Qaddafi cùng con trai và các thuộc hạ trung thành cố thủ ở thành phố này, quê của ông. Bên ngoài lực lượng cách mạng và NATO quyết định bao vây chứ không tấn công vào vì sợ gây thương vong lớn cho người dân trong thành phố. Quyết định này đã cho phép người dân có thời gian suy nghĩ và chọn lựa giữa ra đi hay ở lại. Cuối cùng đa số người dân bỏ phiếu bằng chân hàng loạt. Qaddafi bị dân chúng bỏ rơi đành phải tìm đường thoát thân. Những gì diễn ra sau đó chính khởi sự từ cuộc bỏ phiếu bằng chân lịch sử này, và qua đó ta thấy cốt lõi của các cuộc cách mạng trong Mùa Xuân Ả Rập chính là nhân phẩm và sự tự do chọn lựa hay bác bỏ những người lãnh đạo.(3) 

Người dân Libya xếp hàng để xem xác Muammar Qaddafi tại kho chứa thịt tại Misrara (Reuters)

Rồi đến cuộc xếp hàng hy hữu trong lịch sử thế giới - cuộc xếp hàng xem xác chết. Những người dân Libya xếp hàng dài cả hơn cây số để vào xem xác chết của một người đã cướp đi bao niềm vui sống của họ trong suốt 42 năm trị vì. Họ xếp hàng hàng giờ để được tận mắt thấy cái xác tô hô, ghê tởm của Qaddafi không phải vì tò mò mà vì muốn tin chắc rằng ông ta đã thực sự chết đúng như tin nhắn ban đầu "con chó ấy đã chết" truyền đi hàng loạt qua điện thoại di động khi tin về chết của ông được loan ra. 

Họ xếp hàng để từ giã nỗi sợ, tức xiềng xích tinh thần cuối cùng đè nặng trong lòng, để tiến vào tương lai như nhân dân Tunisia. 

Ngày Qaddafi bị giết chết là ngày các nhà lịch sử và các nhà báo thế giới điểm danh lại những nhà độc tài đã qua. Người Việt Nam duy nhất được nhắc đến trong câu lạc bộ 13 nhà độc tài sát nhân nhất là ông Hồ Chí Minh (xếp thứ 11). Ông đã gây ra cái chết của 1,7 triệu người trong 24 năm cầm quyền (1945-1969). Và một bài báo khác cũng nêu tên ông như là một trong những nhà độc tài tàn ác nhất của nhân loại cùng với Lê nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol pot, Kim Nhật Thành ... (4) 

Nhưng qua những hình ảnh trên các báo tại Việt Nam đầu tháng Chín qua, chúng ta thấy dòng người xếp hàng rất dài để đi vào trong lăng Hồ Chí Minh.(5) & (6) 



Những bức hình nói thay cho biết bao nhiêu lời. Người dân vẫn tôn sùng lãnh tụ đã khuất qua việc họ xếp hàng dài để vào lăng. Hiển nhiên một điều là người ta có thể bị bắt buộc đi bầu những cuộc bầu cử lừa bịp và giả dối, nhưng khó ai bắt buộc hàng ngàn người xếp hàng vào lăng nếu họ không muốn. Ít nhiều ở đây có sự tự nguyện của khách viếng lăng, dù sự tự nguyện ấy là kết quả của hàng chục năm trời tẩy não và tuyên truyền không ngừng nghỉ và hết công suất. 

Nhưng dù sao chúng ta đang sống trong thời đại thông tin rộng mở mà người dân vẫn không thể hay không muốn tìm hiểu sự thật về "thần tượng" của họ. Nhà kinh tế John Maynard Keynes từng nói khi thông tin thay đổi thì đầu óc ta thay đổi theo. 

Hay phải chăng như lời nhà thơ Nga Puskin: "Họ chỉ yêu người chết." 

Tại sao người dân vô tâm khi xếp hàng dài vào lăng của một người đã gây ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn nồi da xáo thịt để từ đó đưa đến bao tang thương bể dâu ở mức độ quốc gia và cá nhân và bao hệ luỵ vẫn còn dai dẳng đến tận ngày nay? 

Thật dể hiểu khi chế độ mất hết chính danh đang ăn mày quá khứ và cả xác chết để tồn tại như loài chim kên kên, nhưng câu trả lời cho câu hỏi trên không đơn giản như ta tưởng. 

Phải chăng xã hội Việt Nam hiện nay là xã hội lịch sử không có chiều tương lai. Thời hiện tại chính là thời quá khứ kéo dài khi thời gian được đánh dấu bằng những ngày lễ lớn và những khẩu hiệu quá khứ. 

Ryszard Kapuscinski, nhà báo Ba Lan nổi tiếng toàn cầu, viết như sau về "xã hội lịch sử": 

"Trong các xã hội lịch sử, tất cả mọi sự đều được quyết định trong quá khứ. Tất cả nghị lực, tình cảm, say mê của họ đều hướng về quá khứ, đều dành cho việc thảo luận lịch sử, cho ý nghĩa lịch sử. Họ sống trong vương quốc của huyền thoại và nòi giống lập quốc. Họ không thể nói về tương lai vì ở họ tương lai không gợi lên niềm say mê như lịch sử. Họ là dân tộc hoàn toàn lịch sử, sinh ra và sống trong lịch sử của những đấu tranh, phân chia và xung đột lớn. Họ giống như người cựu binh già. Tất cả những điều ông ta muốn nói toàn là về những trải nghiệm thử thách lớn lao chất chứa bao tình cảm sâu đậm khiến ông không bao giờ có thể quên được. 

Tất cả những xã hội lịch sử đều sống với gánh nặng làm lu mờ tâm hồn, trí tưởng tượng của họ. Họ phải sống đắm mình trong lịch sử; nhờ lịch sử họ thể hiện mình. Nếu họ mất lịch sử, họ mất bản sắc của họ. Lúc đó họ sẽ không chỉ vô danh. Họ sẽ không còn tồn tại. Quên lịch sử là quên chính mình- một sự bất khả về sinh học và tâm lý. Lịch sử là vấn đề sinh tồn."(7)

Khi nhân dân Tunisia và Libya xếp hàng tiến vào tương lai mà có thể đầy thăng trầm và khó khăn nhưng dù sao vẫn là tương lai. Còn xã hội Việt Nam sao cứ đi lùi mãi về quá khứ. 

Ryszard Kapuscinski đã báo trước viễn cảnh của một xã hội lịch sử như sau: 

"Không có gì sẽ thay đổi trừ phi các xã hội lịch sử học để sáng tạo, học để tạo ra cuộc cách mạng tinh thần, cách mạng thái độ, cách mạng tổ chức. Nếu họ không huỷ diệt lịch sử, thì lịch sử nhất định huỷ diệt họ." 

Vì bản chất của chế độ không thể thay đổi nên câu trả lời cho tương lai nước Việt nằm ở từng cá nhân và từng tấm lòng trong chúng ta. 

Nhân dân Tunisia và Libya đang xếp hàng để bước chập chững, dò dẫm vào tương lai dân chủ và tự do dù con đường trước mắt họ là con đường rất dài, quanh co, rồng rắn như cảnh xếp hàng, nhưng con đường ấy là con đường một chiều mở ra một tương lai và vận hội tươi sáng mới. Còn Việt Nam đi lùi dần vào hoàng hôn của lịch sử, một lịch sử quá khứ và tương lai được điểm nhịp bằng những thời kỳ Bắc Thuộc cũ và mới cùng với sự tàn lụi tất yếu của của bao giá trị đạo đức và văn hoá. 

Đôi lúc những cuộc xếp hàng vận vào số phận của một dân tộc. 


______________________

Tài liệu tham khảo 

(1) Theo Christopher Hitchen, tạp chí Slate, 21/10/2011 

(2) Theo tường thuật của các báo New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, Los Angeles Times, The Independent, Guardian, & Telegraph 23/10/2011 

(3) Theo xã luận của báo Chirstian Sience Monitor 20/10/2011 

(4) Theo báo The Daily Beast/Newsweek, hai bài:
(a) 13 Dealiest Dictators
(b)Andrew Roberts, How Dictators Die-Newsweek

(5)"Hàng nghìn người vẫn đổ về lăng Bác",theo Zing.vn, 4/9/2011

(6)Theo Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 

(7)Ryszard Kapuscinski, Một thế giới hai nền văn minh, Talawas 26/10/2010


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo