No-U đã đến cột cờ Lũng Cú - Dân Làm Báo

No-U đã đến cột cờ Lũng Cú

Phương Bích (Blog chimkiwi) - Không như mọi sáng chủ nhật, thay vì đi dạo ở Hồ Gươm, tôi lại đang ở thị xã Đồng Văn cùng nhóm bạn phượt kiểu U50. Nói là U50 nhưng họ mới chỉ ngoài 40 một tý. Lẽ ra bọn tôi lên đường đi Lũng Cú từ sớm, nhưng vì muốn đi chơi chợ vùng cao nên mới nấn ná ở lại. Hai tay thợ ảnh chuyên nghiệp nhất bọn thì đã dậy từ sớm để đi săn ảnh. Không khí se lạnh của miền núi đá khiến chúng tôi phải mặc thêm áo khoác rồi mới đi xuống phố.

Buổi sớm ở vùng cao bắt đầu muộn hơn dưới xuôi. Đằng sau những mái nhà trong phố là những dãy núi đá điệp trùng vẫn mơ màng trong sương. Cái gian chợ cũ bằng đá có lợp mái vắng hoe vắng hoét. Mấy cái cột đá vẫn còn ám khói đen xì, có lẽ trước đây từng là nơi đặt các chảo thắng cố. Hỏi ra mới biết người ta đã mở một cái chợ mới ở cách đó hơn 100 mét, cốt để tránh ô nhiễm môi trường cho thị xã.

Chúng tôi đi bộ sang chợ mới. Đấy là một bãi đất trống khá rộng, trên đó là một vài dãy lều tạm. Nhưng thú thực là tôi không hề thích thú chen chân trong đám đông một chút nào. Trong khi mấy vị trong đoàn len lỏi vào chợ ngó nghiêng chỗ này chỗ nọ, tôi đứng riêng ra một nơi quan sát người qua lại. Tiếc hùi hụi khi thấy một cô gái dân tộc xinh như mộng, mà không có một tay phó nháy nào cạnh đó để chớp lấy vài kiểu.

Phần lớn dân ở đây là người H’Mông. Tôi nhận thấy các thiếu nữ H’Mông có vẻ phổng phao trong khi cánh nam giới lại nhỏ thó. Thanh niên đa phần đến chợ là để đi chơi, mua sắm. Một người đàn ông dắt một con trâu mẹ đi trước, con nghé đã lớn lóc cóc theo sau. Một số người tiến tới, bu quanh hai mẹ con nhà trâu xem xét, hẳn đây là một vụ mua bán. Lẽ ra tôi nên đến hỏi xem giá hai mẹ con nhà trâu là bao nhiêu, nhưng đầu óc tôi lại cứ bận bịu về số phận những con vật bị chủ đem bán, cứ thương xót vẩn vơ một cách vô lý.

Người ta dắt qua dắt lại những con chó to nhỏ đủ kiểu, nhưng đều có cái chung là lông chúng xơ xác và khá bẩn. Chả biết con nào vừa được mua, con nào đem đi bán. Buồn cười nhất và cũng thương nhất là một con lợn lang chừng chục ký, kêu la thảm thiết khi bị kéo đi bằng một sợi dây buộc vòng qua nách. Con lợn tỏ ra “bất hợp tác” khi cứ trì hai chân sau cố cưỡng lại, nên gần như bị kéo lê đi trên mặt đất. Cái tiếng kêu eng éc của nó vang dội suốt dọc đường nó bị kéo qua. Thôi mày cố đi lợn con! Tý nữa về rồi người ta sẽ cho mày ăn, rồi mày sẽ dần quen với cuộc sống mới thôi.

Khi những hạt mưa bắt đầu lác đác rơi, đám thợ săn ảnh mới chịu rời chợ trong luyến tiếc. Chúng tôi rời thị trấn Đồng Văn trong làn mưa rơi nặng hạt. Suốt dọc đường, cả bọn kể chuyện rôm rả về chuyến khám phá phiên chợ vùng cao. Trong khi tôi lo lắng nhìn bầu trời xám xịt, không biết nếu đến Lũng Cú vẫn mưa thì có lên được cột cờ không, thì cánh thợ ảnh thì chỉ quan tâm đến việc nếu không có gió thì cờ sẽ không bay, không có nắng thì chụp sẽ không đẹp.

Thật kỳ diệu, khi xe chúng tôi vượt qua một khúc cua tay áo, cả bọn bỗng ồ lên vì một khoảng không gian trong vắt hiện ra bên này núi. Đi một chốc thì nắng lại hửng lên, không khí náo nức bao trùm cả nhóm. Chiếc xe dường như lao đi nhanh hơn.

Kia rồi! Cột cờ kia rồi. Cột cờ Lũng Cú kia rồi. Cả bọn chợt náo nức hẳn lên.

Hóa ra đường lên cột cờ đã được xây thành bậc thang nghiêm chỉnh, khá rộng và chủ yếu là chiều cao của mỗi bậc thang rất dễ đi, thậm chí hai bên còn có tay vịn bằng inox. Nói dễ đi thì dễ, chứ mới bước vào U60 như tôi cũng khá là vất khi leo hơn bảy trăm bậc thang để lên đến chân cột cờ, rồi lại thêm hơn trăm bậc nữa để lên đỉnh tháp. Trong khi mấy tay phó nháy đang mải mê chụp dưới chân cột cờ thì tôi và phu nhân Hoàng Cường túc tắc leo lên, vừa leo vừa “kéo bễ”. Tuy mệt nhưng không thể kìm được sự hưng phấn khi từ trên cao nhìn xuống, cảm giác nhẹ bẫng bởi không khí trong lành và màu xanh mướt mát của cây cối xung quanh.
Quả là giời phù hộ! Khi chúng tôi lên đến chân cột cờ thì nắng lúc trước đã có vẻ nhạt đi nay lại hửng lên, bầu trời trở nên trong xanh với những gợn mây nhẹ như những làn khói. Trên đầu chúng tôi, lá cờ đại đỏ thắm khoan thai bay thành những cuộn sóng oai hùng và ngạo nghễ. Tôi tin rằng tất cả những người đã lên đến đây, trong lòng đều mang một niềm thành kính và xúc động khi nhìn lá cờ tung bay lồng lộng trong gió, cảm thấy trong huyết quản trào dâng mãnh liệt về một lòng tự hào dân tộc sâu sắc, với những ký ức xa xưa của lịch sử cha ông đang vọng về đâu đây…

Sau phút say sưa chiêm ngưỡng cảnh quan, ai nấy đều thi nhau chụp ảnh, hòng ghi dấu mình đã từng đặt chân đến nơi đây. Tôi và Hoàng Cường thêm một hạnh phúc nữa là lập thành một đội No-U dưới chân cột cờ Lũng Cú, hạnh phúc khi gõ vào facebook những dòng chữ reo vui: No-U đã lên đến cột cờ Lũng Cú. Hẳn rằng anh chị em trong đội No-U sẽ có phần bất ngờ và ghen tỵ nữa, khi nhìn thấy ảnh của chúng tôi ở đó.
Quả thực Xuân Diện đã kêu ngay lên trách cứ tôi bí mật đi một mình, khi tấm hình đầu tiên tôi chụp ở cao nguyên đá Đồng Văn mới được post lên facebook. Rồi đến lượt anh chị em thi nhau tố tôi ăn mảnh, có người còn nghi tôi đi với “bồ”. Hoàng Cường thì giữ bí mật cho tới tận lúc về, vì gã đã bỏ lỡ trận đấu của đội bóng đá No-U vào chiều chủ nhật. Không khéo về anh em đội bóng “làm thịt” gã mất.

Thực ra mấy anh em bạn bè của vợ chồng Hoàng Cường, những người đam mê du lịch, đam mê chụp ảnh đã hẹn hò nhau từ lâu về chuyến đi này. Khi bố trí được lịch khớp nhau là họ đi ngay. May mà Hoàng Cường thấy tôi mê những bông hoa Tam giác mạch trên blog của gã nên mới rủ tôi đi cùng. Nếu không có lẽ còn rất lâu nữa, những bông hoa Tam giác mạch vẫn chỉ là trong giấc mơ của tôi mà thôi.

Thật thú vị khi được đi cùng những anh chàng mê du lịch, mê chụp ảnh và mê…ô tô. Ngoài tôi và vợ Cường thì bốn người kia đều là những tay lái khá cả. Suốt dọc đường, hai chị em tôi ngồi nghe họ nói về kỹ thuật chụp ảnh, về các đời xe như vịt nghe sấm. Khi nhìn thấy đội hình máy ảnh xịn của mấy anh chàng kia, tôi hết cả ân hận về cái máy chụp ảnh bé tý của mình bỗng dở chứng liệt. Thôi thì tôi cứ làm ngư ông đắc lợi, cứ để cho mấy anh chàng ấy chụp xong rồi về xin xỏ họ, đương nhiên là mỹ mãn hơn nhiều cái loại ấm ớ như tôi chụp.

Nếu không bị hạn chế về thời gian, hẳn cả nhóm vẫn chưa chịu “hạ sơn”. Tôi nói giời phù hộ không ngoa vì khi chúng tôi chụp ảnh xong thì trời lại trở nên âm u, nắng gió trốn biệt, xuống đến chân núi thì bắt đầu mưa. Vậy là trong khoảng khắc đẹp nhất của ngày chủ nhật, chúng tôi đã kịp thời có mặt ở đây, thật quá bõ cái công đi hơn năm trăm cây số để đến được cột cờ Lũng Cú.

Sẽ không là hoàn hảo cho chuyến đi nếu không nói đến những bông hoa Tam giác mạch. Khi nhìn thấy một thảm hoa bạt ngàn những bông Tam giác mạch li ti mầu hồng, tím, pha lẫn trắng trên ảnh, tôi cứ ngỡ đó là cảnh chỉ có ở bên châu Âu. Có ngờ đâu đất nước mình đẹp thế, đẹp đến mức làm nao lòng những gã thợ ảnh, những kẻ yêu thích đi phượt vốn từng lang thang trên khắp các nẻo đường đất nước, để đem đến cho những người như tôi được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp đến say đắm lòng người.

Tôi đang ao ước một lần trong đời đến Hà Giang, chỉ để ngắm hoa Tam giác mạch thôi. Bởi vậy, khi nghe Hoàng Cường (anh em hay gọi là Cường bóng) hỏi tôi đã khỏe chưa, có muốn đi chơi không, mà lại đi ngắm hoa Tam giác mạch cơ đấy, thiếu điều tôi rú lên vì mừng. Có không khỏe thì tôi cũng phải bảo là khỏe, thực sự là cái bệnh khớp vẫn đang hành hạ tôi. Nhưng thây kệ, kiểu gì tôi cũng phải đi, dù đã được cảnh báo là phải trèo lên đỉnh núi, nơi có cột cờ Lũng Cú đấy.

Thoạt đầu chưa thấy hoa Tam giác mạch đâu, chỉ thấy toàn núi đá suốt dọc đường đi. Ừ thì kỹ vĩ đấy, nhưng nhìn mãi thì thấy chỗ nào cũng như chỗ nào. Lúc đầu thì còn trầm trồ, xuýt xoa, nhoài hết cả người ra để ngắm nghía. Xa xa vẫn là điệp trùng núi đá, những ngọn núi cao ngất, xanh rì khi thì mây như dải khăn cuốn ngang cổ, khi thì đỉnh núi vẫn chìm trong mây.

Đi hàng trăm cây số vẫn là núi đá như thế, sự phấn khích nguội dần. Cho tới khi những luống hoa Tam giác mạch đầu tiên xuất hiện, chúng tôi cũng mới chỉ tò mò quan sát vì nó thưa thớt quá. Vì thiếu sự chỉ dẫn nên chúng tôi mất khá nhiều thời gian chụp ảnh ở những ruộng hoa Tam giác mạch không lớn lắm, nhưng cũng khá rực rỡ. Cũng ồ à, cũng leo trèo vì những ruộng hoa Tam giác mạch thường ở dưới triền dốc bên vệ đường. Cánh nữ cố len vào giữa ruộng để làm dáng, riêng tôi thực sự vụng về trong việc làm “ảnh mẫu”, lúc này mà có Kim Tiến ở đây thì có mà chết với con bé.
 
Qua cột cờ Lũng Cú để đến thăm dinh cơ của nhà họ Vương một đoạn, nhất loạt chúng tôi đều ồ lên kinh ngạc. Một bức tranh ngoạn mục hiện ra trước mắt khiến chiếc xe khựng lại ngay tức khắc. Cả bọn chúng tôi nhảy vọt ra khỏi xe, tâm trạng cực kỳ phấn khích. Lớp lớp những thửa ruộng bậc thang từ vệ đường tới sát chân núi toàn một màu hoa Tam giác mạch. Điểm giữa những vạt ruộng là những cây thông thẳng tắp khiến cho khung cảnh mang màu sắc thật giống châu Âu. Đám phụ nữ chúng tôi cố gỡ gạc thêm mấy kiểu, chủ yếu là mấy tay phó nháy, chạy ngược chạy xuôi chụp ảnh. Mồ hôi chảy nhỏ giọt dưới cằm Tuấn, tay máy trẻ nhất đoàn. Cậu chàng mà bỏ lỡ một khoảng khắc nào đó là cứ xuýt xoa tiếc rẻ.


Sự may mắn vẫn luôn đến với chúng tôi vào những thời khắc quan trọng nhất. Suốt cả ngày, thời tiết như một cô nàng đỏng đảnh, cứ lúc mưa lúc nắng. Nhưng cứ đến những nơi không thể bỏ qua thì nắng lại hửng, trời lại trong. Cũng vì ham chụp ảnh mà chúng tôi lo đến nhà họ Vương muộn quá. Tạm biệt hoa Tam giác mạch, xe chúng tôi lao đi hối hả trong bóng chiều đang dần buông. Những kẻ trên xe cười nói hỉ hả, lòng đầy mãn nguyện. Xe đang lao nhanh thế, vèo qua 3 cô bé gái đang địu những gùi hoa Tam giác mạch sau lưng.
 
Đã ra nghị quyết là không nấn ná thêm phút nào nữa, ấy vậy mà đi quá mất một quãng rồi mà chiếc xe vẫn khựng lại, các tay máy nhảy bổ xuống xe, chạy lúp xúp ngược trở lại, trước khi chạy đi vẫn không quên vốc lấy một vốc kẹo cho lũ trẻ. Tôi thật sự cảm động trước sự đam mê của những chàng trai vốn là kỹ sư xây dựng, kỹ sư giao thông này. Bởi bao nhiêu năm nay, tôi quá quen với cảnh đám viên chức nhà nước tối ngày không nhậu nhẹt, cờ bạc, thì lại chơi game. Đoàn thanh niên hay công đoàn thi thoảng có phát động phong trào nào đó cũng chỉ là hình thức, kinh phí chủ yếu là do xin được…
Phía sau xe đã xuất hiện 3 cô bé gùi hoa Tam giác mạch, bọn trẻ có vẻ bẽn lẽn trước những ống kính đang chĩa về phía chúng. Các tay máy vừa đi giật lùi, vừa khuyến khích các cô bé bước đi. Những gương mặt nhỏ nhắn, những thân hình bé nhỏ dễ thương với những chiếc gùi đầy hoa Tam giác mạch mới cắt tạo nên một khung cảnh thật tuyệt vời và khó quên. Trước khi lên xe, các chàng trai lại chia thêm kẹo cho lũ trẻ, luôn miệng cảm ơn và khen chúng ngoan. Tôi nghĩ các cô giáo dạy trẻ chưa chắc đã dịu dàng với trẻ em hơn những chàng trai này.
Chúng tôi đến dinh cơ nhà họ Vương khi trời đã xẩm tối. Mặc dù phải mua vé nhưng chẳng có ai làm hướng dẫn viên cả. Giờ này thì làm gì có ma nào đến tham quan như chúng tôi kia chứ.

Dinh cơ của vua Mèo đây ư? Trong bóng tối nhập nhoạng, chúng tôi bước vào khu nhà vắng tanh. Mặc dù không còn bé bỏng gì, nhưng đám phụ nữ chúng tôi vẫn sợ bóng tối và sự im lặng lạnh lẽo của khu nhà. Trong khi cánh đàn ông xông pha vào tít phía trong thì hai chị em tôi rúm ró lại vì sợ, vội vội vàng vàng chuồn ra cửa cho nhanh. Ra đến cửa rồi, tôi mới yên tâm quay lại quan sát bên ngoài khu dinh thự, hình dung ra một thời tấp nập kẻ ăn người ở, với lính tráng đi lại trong khu nhà này. Giá như chúng tôi đến sớm hơn, có hướng dẫn viên hẳn hoi thì chắc thú vị hơn nhiều.

Chúng tôi lên đường về Hà Nội vào lúc hơn 6 giờ tối. Đêm đen kịt bủa vây chiếc xe cô độc. Sau một ngày leo trèo, chụp ảnh đến mệt lử, bốn người đàn ông lại thay phiên nhau lái xe suốt đêm cho kịp về Hà Nội vào sáng thứ hai. Quả là một chuyến đi không thể nào quên.

Cảm ơn nhé Hoàng Cường! Cảm ơn những người bạn đồng hành đã cho tôi tham gia chuyến đi hạnh phúc này. Hy vọng một ngày nào đó, lại được rong ruổi cùng các bạn trên những nẻo đường khám phá kỳ thú khác.

Hà Nội 9/11/2011

Phương Bích

Ghi chú: Những bức ảnh trên được Hoàng Cường đồng ý lấy từ thanhvdgt1.blogspot.com


 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo