Quan tham đông đúc - Dân Làm Báo

Quan tham đông đúc


Nguyễn Thiện NhânCó đến hàng chục ngàn quan tham, nếu gom chúng lại sống chung với nhau thì ta sẽ có một thị trấn quan tham đông đúc và là một thị trấn giàu có nhất cả nước. Điểm mặt lại những quan tham ‘khủng’ , mỗi gương mặt tôi có viết ‘lời bình’ để các bạn tham khảo, trong 10 tên này, ai xứng danh là ‘đệ nhất quan tham’?

1) Lê Đức Thúy
Chức vụ lúc ăn tham: Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Sai phạm: nhận hối lộ dưới dạng ‘hoa hồng’, ước khoảng 12-17 triệu USD, trong đó hơn 10 triệu USD chuyển vào tài khoản tại Thụy Sỹ, số còn lại chuyển vào tài khoản ở HK. Ngoài ra còn hàng chục nghìn USD mà công ty Securency trả cho con trai ông Thúy đi du học.

Năm phát hiện: 2009 bởi phía Úc, Việt Nam đến 2011 còn tuyên bố ‘chưa đủ căn cứ’.

Mức án:  Chưa xử.

Những đồng phạm:  Lương Ngọc Anh (môi giới còn gọi là cò mồi), Lê Đức Minh (con trai ông Thúy).

Một số nguồn tin dẫn chiếu:
Quan chức Úc ra toà vì hối lộ ở VN – BBC, 11/8/2011-“Clifford John Gerathy, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Securency, bị cảnh sát liên bang của Australia cáo buộc đã giúp đưa số tiền 17,2 triệu đô la cho một người môi giới ở Việt Nam
Securency trả học phí cho con ông Thúy? – BBC, 23/01/2011 -“Người ta cho rằng Securency đã mở một quỹ đen dùng để thanh toán hàng chục ngàn đô la tiền học phí cho con của ông Thúy học tại Đại học Durham. Quỹ đen này được lập ra trong đó có cả số tiền 15 triệu đôla ở dạng tiền hoa hồng để Securency trả cho người trung gian là ông Lương Ngọc Anh, để đổi lại lấy việc giúp cho Securency giành được hợp đồng. The Age nói Securency đã trả tiền hoa hồng vào tài khoản ngân hàng dưới sự chỉ đạo của Bấm ông Lương Ngọc Anh – bao gồm một tài khoản ở Thụy Sĩ và một tài khoản nữa ở Hong Kong. “

Lời bình: năm 2005, khi tiền Polyme đã phổ biến trong lưu thong thì người dân đã xôn xao về chất lượng của loại tiền này, cụ thể là màu bị phai, kích thước không đồng đều, chưa kể là những hạn chế về mặt kỹ thuật. Và quả thật điều nghi ngờ không thừa chút nào, nước Úc đang lôi vụ này ra ánh sáng. Số tiền đưa hối lộ thật là ‘khủng’, hãy đợi đấy!

2) Nguyễn Việt Tiến
Chức vụ lúc ăn tham: Thứ trưởng bộ Giao thông vận tải

Sai phạm: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án PMU18

Năm phát hiện: 2006

Mức án:  trắng án (!!!)

Những đồng phạm: Bùi Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng

Một số nguồn tin dẫn chiếu:

Lời bình: Đây là vụ án tham nhũng rúng động hệ thống chính trị ở VN, không những bởi sai phạm lớn mà còn có yếu tố gay gắt, bất ngờ, thất vọng đến mất niềm tin trong dân chúng. Người ta đã phải thả ông quan tham ‘khủng’ này ra, có lẽ vì vụ án ‘động chạm’ đến quá nhiều quan to, to lắm. Và vụ án ‘ô nhục’ này khép lại với kết quả tên tội phạm được ‘trắng án’ còn tướng Phạm Xuân Quắc-nguyên Cục trưởng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – C14, người từng cầm trịch điều tra vụ PMU 18 cùng hai nhà báo đưa tin về vụ án PMU18 bị truy tố. Cú phản đòn của Nguyễn Việt Tiến cho thấy sức mạnh của ông quan tham này và hơn thế nữa! Đây là vụ án tham nhũng ‘đau lòng’ nhất.

3) Bùi Tiến Dũng
Chức vụ lúc ăn tham: Tổng giám đốc PMU18.

Sai phạm: hối lộ, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, đưa hối lộ và  lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Năm phát hiện: 2006


Mức án:  23 năm tù giam (tổng cộng các tội).

Những đồng phạm: Nguyễn Vũ Nam: 9 năm tù về tội tham ô tài sản, Nguyễn Công Dũng: 6 năm tù về tội tham ô tài sảnNghiêm Phú Sơn: 7 năm tù về tội tham ô tài sảnLê Minh Giang: 6 năm tù về tội tham ô tài sản, Nguyễn Hữu Minh: 4 năm tù về tội tham ô tài sảnNguyễn Hữu Long: 5 năm tù về tội tham ô tài sảnTrần Đức Hùng: 3 năm tù về tội tham ô tài sảnĐỗ Kim Quý: 2 năm tù treo về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Một số nguồn tin dẫn chiếu:

Lời bình: PMU18 được các quan trên dung dưỡng, che chắn, ông TGĐ rút ruột các công trình lớn dễ quá nên đam mê ‘đánh bạc’. Vụ này chỉ xử những tay từ Bùi Tiến Dũng trở xuống, còn các quan trên hắn vẫn bình an vô sự! Chừng nào mới hết các ‘vùng tối’, chừng nào ánh sáng công lý mới soi rọi khắp muôn nơi?

 4) Lã Thị Kim Oanh
Chức vụ lúc ăn tham: Giám đốc Công ty tiếp thị đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Sai phạm: “tham ô tài sản” và “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”. Tòa phúc thẩm xác định bị cáo Oanh đã tham ô 70,99 tỉ đồng và 92.659 USD; đồng thời còn cùng các bị cáo Thuần, Nghĩa, Bình (thuộc Công ty Tiếp thị) làm trái, gây thiệt hại 34,39 tỉ đồng và 3.000 USD.

Năm phát hiện: 2001

Mức án: tù chung thân

Những đồng phạm: Đỗ Đức Thuần (15 năm tù), Nguyễn Chính Nghĩa (10 năm tù), Phạm Tiến Bình (14 năm tù), Nguyễn Thiện Luân (nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT, tù treo 2 năm!), Nguyễn Quang Hà (nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT, tù treo 3 năm), Phan Văn Quán (3 năm), Huỳnh Xuân Hoàng (4 năm)

Một số nguồn tin dẫn chiếu:

Lời bình: Hai ông thứ trưởng là 2 quan to nhất trong vụ này. Hai ông này dung túng, nâng đỡ và gián tiếp giúp bà Oanh phạm tội. Ấy thế mà hai ông này không bị tù giam, phải chăng hai ông này “to” quá nên tòa án không dám đụng chạm?

5) Tăng Minh Phụng
Chức vụ lúc ăn tham: Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc công ty TNHH Minh Phụng và Phó Giám đốc công ty TNHH EPCO.

Sai phạm: lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng…

Năm phát hiện: 1997

Mức án:  Tử hình (thi hành án năm 2003)

Những đồng phạm: Phạm Nhật Hồng, Liên Khui Thìn, Nguyễn Tuấn Phúc

Một số nguồn tin dẫn chiếu:

Lời bình: Vụ này làm rúng động hệ thống ngân hàng. Kẻ phạm tội thì đã đền tội. Dân chúng vay tiền ngân hàng rất khó sao ông này vay hàng ngàn tỷ dễ quá vậy? Điều đó cho thấy tiền ‘bẩn’ có thể vừa làm tha hóa đạo đức lãnh đạo vừa vô hiệu hóa nghiệp vụ tín dụng ngân hàng.

6) Mai Văn Dâu
Chức vụ lúc ăn tham: Thứ trưởng Bộ thương mại

Sai phạm: “nhận hối lộ”.

Năm phát hiện: 2004


Mức án: 12 năm tù (Phúc thẩm). Được đặc xá năm 2009!!!

Những đồng phạm: + Lê Văn Thắng (nguyên Vụ phó Vụ XNK – Bộ TM): 17 năm tù giam, tội “Nhận hối lộ”. + Nguyễn Cương (nguyên Phó Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM), 12 năm tù, tội “Môi giới hối lộ”. + Mai Thanh Hải (chuyên viên Vụ XNK Bộ Thương mại, con trai ông Mai Văn Dâu), 1 năm tù, tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; 4  năm tù, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (tổng cộng mức án là 5 năm tù cho cả hai tội danh).+ Phan Nghĩa Hiệp: 3 năm tù tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”. + Lai Wai Hung (nguyên Phó Tổng giám đốc Cty TNHH Sundence Clothings VN, quốc tịch Trung Quốc), 5 năm tù, tội “Đưa hối lộ”. + Trần Thu Lan (nguyên Phó giám đốc Cty TNHH May và Thương mại Á châu), 5 năm tù, tội “Đưa hối lộ”. + Phạm Anh Tuấn, mức án 2 năm tù, tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” – Phúc thẩm

Một số nguồn tin dẫn chiếu:

Lời bình: “Không đưa tiền, không cấp quota” là phương châm làm việc của quan tham Mai Văn Dâu, còn kéo bè kéo cánh, làm ô dù che cho con là Mai Thanh Hải nữa. Tội tày trời, xử 12 năm tù giam mà mới ngồi tù có 5 năm đã được thả rồi. Có quyền, có tiền là thế! Pháp luật kiểu này thì thằng nào lại chả thích tham nhũng?

7)  Phạm Hoàng Be
Chức vụ lúc ăn tham: Phó chủ tịch tỉnh Lai Châu. Phó ban thường trực chỉ đạo dự án “Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ”

Sai phạm: “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc trực tiếp chỉ đạo Ban quản lý dự án. Tượng đài bị rút ruột gây hư hỏng, thiệt hại hàng tỷ đồng (sử dụng đồng phế liệu, bớt xén vật tư, công trình lịch sử tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đã bị rút ruột gần 100 tấn đồng, gây thất thoát gần 2,7 tỷ đồng)

Năm phát hiện: 2008


Mức án: miễn tội do “tình trạng sức khỏe của ông Be rất yếu, nhân thân tốt và do chuyển biến tình hình”

Những đồng phạm: Lương Phượng Các (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá thông tin tỉnh Điện Biên, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ), Lê Văn Viễn (nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ), Trần Quốc Hưng (nguyên kế toán Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ), Nguyễn Văn Chính (nguyên cán bộ kỹ thuật Ban quản lý), Võ Thị Hồng (nguyên Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương), Nguyễn Trọng Hạnh (Phó Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết), Lê Huyên (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), Nguyễn Đức Sứng (nguyên Chủ nhiệm khoa Tạo dáng, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) với các tội danh: cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ.

Một số nguồn tin dẫn chiếu:

Lời bình: Trời ơi ngó xuống mà coi: Tượng đài lẽ ra phải rất được tôn trọng do nó gắn với sự kiện lịch sử. Ấy thế mà ở VN, tượng đài là những công trình bị rút ruột trầm trọng nhất (hầu như 100% công trình tượng đài đều bị rút ruột). Ông trực tiếp chỉ đạo dự án là ông Be, hiển nhiên là ăn nhiều nhất, thế mà không bị xử tội, chả ở tù ngày nào vì có “gốc rễ”, vong linh các liệt sỹ có linh thiên hãy trừng phạt bọn này. Đau lòng quá!

8) Huỳnh Ngọc Sỹ
Chức vụ lúc ăn tham: Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây TPHCM

Sai phạm: “nhận hối lộ” (6 lần nhận hối lộ từ dự án, trong đó có 1 lần nhận 262.000 USD # 5 tỷ đồng) và “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Năm phát hiện: 2008

Mức án: 26 năm tù giam (2 tội = ‘20 +6’ năm).

Những đồng phạm: Lê Quả- nguyên Phó Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây TPHCM

Một số nguồn tin dẫn chiếu:

Lời bình: Vụ án này cuối cùng đã được xử đúng người đúng tội và mức án sau cùng là nghiêm khắc. Ở VN hiếm có vụ án tham nhũng nào như thế. Vì sao ánh sáng công lý có thể soi rọi vào một vụ án tham nhũng lớn ở VN? Không phải bởi tòa án nghiêm minh đâu nhé, mà chính là nhờ Nhật Bản, một quốc gia không dung túng tiêu cực, trước đó phía Nhật Bản đã xử án hai nhân vật đưa hối lộ là Sakano và ông Sakashita, vì vậy phía tòa án VN không thể bao che cho quan tham được trong vụ án này. Cám ơn nước Nhật.

9) Lê Minh Hoàng
Chức vụ lúc ăn tham: Giám đốc công ty điện lực Tp.HCM

Năm phát hiện: 2007      

Sai phạm: “cố ý làm trái”, hậu quả 312.000 điện kế điện tử (ĐKĐT) mà Công ty Điện lực TP.HCM (ĐLTP) tổ chức đấu thầu mua sắm là hàng giả, gây thiệt hại trên 181 tỷ đồng.


Mức án: 4 năm tù giam.


Những đồng phạm:
+ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”:+ Lê Văn Hoành – nguyên Phó Giám đốc Cty Điện lực TPHCM; + Phạm Kim Hưng - nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán Cty Điện lực TPHCM; + Nguyễn Ngọc Hồ – nguyên Trưởng Phòng kinh doanh Cty Cty Điện lực TPHCM; + Lê Ngô Hữu Thiện Tâm- nguyên Trưởng phòng hợp tác quốc tế và xuất nhập khẩu Cty Điện lực TPHCM; + Huỳnh Ngọc Thành– nguyên Phó Phòng kinh doanh;  + Lê Văn Tinh - nguyên cán bộ Cty Điện lực TPHCM; + Thái Minh Dương– nguyên Trưởng phòng hợp tác quốc tế và xuất nhập khẩu Cty Điện lực TPHCM; + Nguyễn Văn Hiệp– nguyên Trưởng phòng kỹ thuật; + Thiều Túc – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thí nghiệm điện;  + Võ Thành Long– nguyên Quản đốc phân xưởng Điện kế; + Nguyễn Trung Thảo-  nguyên Phó phòng Tài chính kế toán.
+ Sản xuất, buôn bán hàng giảtrong vụ án điện kế điện tử: + Trần Thị Liên - nguyên  Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Linkton Vina; + Trần Công Điền– nguyên  Phó Tổng Giám đốc Cty Linkton Vina; + Phan Hữu Quang-  Quản đốc phân xưởng Cty Linkton Vina; + Nguyễn Trọng Hiếu – nguyên Trưởng phòng kinh doanh Cty Linkton Vina; + Đặng Thị Kim Liên - nguyên Kế toán trưởng Cty TNHH Linkton Vina.

Một số nguồn tin dẫn chiếu:

Lời bình: Ngành điện lực thời gian này “ăn bớt ăn xén” vật tư, thiết bị kinh lắm, ăn hàng chục vụ mới phát hiện 1 vụ. Riêng vụ phát hiện thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mà xử thế này thì nhẹ quá.

10) Lương Cao Khải

Chức vụ lúc ăn tham: Trưởng đoàn thanh tra – Vụ phó vụ tranh tra kinh tế 2, Thanh tra Chính phủ.

Sai phạm: “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, “nhận hối lộ” và “đưa hối lộ” xảy ra tại Thanh tra chính phủ.


Mức án: 17 năm tù (phúc thẩm).

Những đồng phạm: Bùi Xuân Bảy, Dương Văn Lực

Một số nguồn tin dẫn chiếu:

Lời bình: Thanh tra đồng lõa tội phạm. Thanh tra đi kiểm tra sai phạm mà lại sai phạm, đồng tiền đã khiến ông này ‘hết’ thanh liêm.

Còn ứng cử viên nào sáng giá hơn?

Quan tham đông đúc, tại sao?

Ở VN, chỉ 10% quan tham bị phát hiện. Riêng đối với những ông bị phát hiện, trung bình chỉ có 10% số tiền tham nhũng được phơi ra ánh sáng.

Ông bà ta nói “1 lần phát hiện 10 lần không” là vậy.

Cá biệt, có những ông rút ruột công trình nhiều lần với số tiền vài trăm tỷ, nhưng khi bị bắt chỉ kết tội ông này sai phạm có vài trăm triệu.

Còn điều tra, xử án: ô dù che nhau, bỏ lọt tội, xử nhẹ tay.

Làm phép nhân 10% x 10% = 1%. Vâng, tính trên tổng thể quan chức gồm những ông bị phát hiện và những ông không bị phát hiện, chỉ 1% số tiền tham nhũng được phơi ra ánh sáng.

Như vậy khi ai thăng tiến, ngồi vào ghế quan, họ đứng trước lựa chọn ‘ăn bẩn hay không ăn bẩn’, xác xuất chỉ có 1% xui rủi đến với họ. Số quan ‘ăn bẩn’ chiếm áp đảo là cái chắc.

Đó là nguyên nhân của ‘quốc nạn’ tham nhũng ở VN.

Tham nhũng nhiều hơn kể từ sau vụ án EPCO-Minh Phụng, và nở rộ trong thập niên đầu của thế kỷ 21, mặc cho pháp lệnh chống tham nhũng được ban hành, mặc cho luật phòng chống tham nhũng ra đời, tham nhũng vẫn tăng lên gấp bội. Bị tham nhũng càn quét, đất nước nghèo xơ xác. Những ngôi nhà xiu dẹo, những lớp học tạm bợ thiếu thốn vẫn chứ tồn tại từ năm này qua năm khác do thiếu tiền. Tiền đâu? Bọn quan tham ăn hết rồi.

Tham nhũng ở VN gắn liền với ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN’ thống trị bởi một đảng duy nhất là Đảng CSVN.

Tham nhũng xảy ra ở hai môi trường chính: chi tiêu ngân sách và hệ thống DNNN.

Tham nhũng nhiều nhất dưới hai hình thức: nhận hối lộ (ăn hoa hồng, tiền bồi dưỡng, nhận tiền chạy án…) và rút ruột công trình.

Thủ tướng chính phủ đã từng tuyên bố “ năm 2010 cơ bản hoàn thành cổ phần hóa DNNN” nhưng thực tế thì DNNN vẫn chưa cổ phần hóa xong và đang tiếp tục gây nhức nhối, điển hình nhất là vụ Vinashin. Ai tin không có tham nhũng ở Vinashin?

Đấy là mới nói đến tham nhũng theo nghĩa hẹp, tức là tham nhũng ‘trực tiếp’.

Còn loại tham nhũng ‘gián tiếp’ thì khó mà đo lường mức độ, ví dụ như cấp phép khai thác tài nguyên cho người thân, cán bộ đầu cơ đất trước khi ký quy hoạch dự án, biến nhà công vụ thành nhà riêng một cách hợp pháp, cấp nhà đất bạc tỷ cho cán bộ cấp cao, ký hợp đồng kinh tế với công ty ‘gia đình’ của lãnh đạo….Loại tham nhũng gián tiếp tạo ra những đặc quyền đặc lợi, kéo vây kéo cánh ‘phất’ lên nhưng không ai bị phạm pháp, không ai ngồi tù.

Cán bộ cấp cao muốn cấp dưới mình ít tham nhũng nhưng lại muốn bản thân mình ‘được’ tham nhũng nhiều nhất. Bởi vậy, người ta nói chống tham nhũng ở VN như quét rác lừ dưới cầu thang quét lên, đến nửa chừng thì ‘dừng’, còn lâu mới bắt được ông ‘to’ nhất.

Tham nhũng là nguyên nhân của sự mất niềm tin trong nhân dân, nhưng suy cho cùng tham nhũng chỉ là ‘hệ quả’.

Muốn chống tham nhũng phải có dân chủ, dân chủ không phải do những kẻ thống trị tự giác tạo ra, dân chủ là thành quả của sự đấu tranh mà có.

Tham nhũng tạo ra sự rạn nứt, bất ổn từ bên trong. Nhưng chuyện đấy là chuyện của ‘quốc gia’, còn quan thì lo tư túi trước đã.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo