Cái bất cập "vĩ đại" của nền dân chủ của chúng ta - Dân Làm Báo

Cái bất cập "vĩ đại" của nền dân chủ của chúng ta

Nguyễn Huy Canh (phamviedao blog) - Sau nhiều năm tìm tòi, trải nghiệm, tôi đã nhận ra một nguyên lí bất di bất dịch của lịch sử hiện đại: xã hội có chế độ dân chủ thì Quyền lực chính trị của quốc gia- Quyền được ra chính sách, được quyết định những vấn đề lớn, trọng đại của đất nước; quyền được sử dụng công cụ bạo lực nhà nước để áp đặt, thực thi những kế hoạch, và tư tưởng của mình lên xã hội- nhất thiết phải thuộc về nhân dân, của nhân dân. Và người dân phải trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thiết kế, kiến tạo nên cái cấu trúc quyền lực cao nhất ấy bằng lá phiếu của mình. 

Đó phải được hiểu là sự sinh thành quyền lực của một xã hội có lí tính. Lịch sử của một dân tộc có lí tính là một dân tộc đã trưởng thành. 

Quyền lực chính trị cao nhất của xã hội chúng ta hiện nay không phải là Nhà nước, Quốc Hội theo lí thuyết ghi trong Hiến Pháp mà là BCHTW, BCT. 

Quyền lực này đã biến (hay cũng thế) chỉ xem Nhà nước như một công cụ thể chế hóa, cụ thể hóa, hành động hóa chính sách và nghị quyết của Đảng. Phải chăng đây là cách hiểu của Marx về khái niệm “nửa nhà nước”, khái niệm về nhà nước trên con đường tự tiêu vong mà ông gọi là chuyên chính vô sản, và khái niệm này hiện đang được chúng ta vận dụng, như vẫn nói là một sáng tạo vào trong hoạt động thực tiễn chính trị nước nhà. Nhưng thực ra đó chỉ là một cuộc hôn phối cưỡng bức giữa tư duy chuyên chính vô sản và tư duy về nhà nước pháp quyền tư sản. 

Vì thế, chế độ xã hội của chúng ta vẫn được tự hào là có nền dân chủ gấp vạn lần chế độ tư bản, nhưng lại lộ ra một bất cập vĩ đại nhất của lịch sử: người dân, (và có đến gần) 3 triệu đảng viên thường và hoặc đã nghỉ hưu lại không hề được tham gia trực tiếp vào quá trình kiến tạo, kiến thiết nên cái bộ máy quyền lực ấy.Và nó đã được Đảng tạo ra theo một qui trình khép kín, riêng biệt, nội bộ, và hoàn toàn bí mật với người dân.Người dân như một kẻ xa lạ với đời sống chính trị đang diễn ra trong chính xã hội của mình, đời sống của mình. 

Vì vậy, quyền bầu cử của người dân được thực hiện để tạo lập ra bộ máy nhà nước ở các cấp trên thực tế chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng, và phụ thuộc.Và thứ nữa, nguy hại hơn, cái bất cập vĩ đại này là nguyên nhân đầu tiên, và cuối cùng của những suy thoái nghiêm trọng và phổ biến về đạo đức và chính trị trong Đảng hiện nay. Đó là nạn con ông cháu cha, là chủ nghĩa thân tộc phong kiến tái diễn, là nạn mua bán chức quyền, là những nhũng nhiễu trong thu hồi, cưỡng chế đất đai, là nhiều vụ tham ô, lãng phí tiền tỉ của các quan chức…đó là sự hư hỏng của nhân cách, thờ ơ và vô cảm của không ít cán bộ có chức quyền với nỗi bất công, bất hạnh, nghèo khó cũng như với những nhu cầu bức thiết, hàng ngày của nhân dân. 

Cái bất cập vĩ đại này, và vì thế cũng trở thành lực cản lớn nhất cho con đường đi, cho sự phát triển của đất nước, dân tộc. 

Đảng muốn có một sức mạnh chiến đấu, một tín nhiệm cao trong nhân dân, không muốn bị khủng hoảng, không phụ lòng và xấu hổ với những hi sinh của thế hệ đàn anh, Đảng phải tự ý thức đổi mới hình thức tồn tại quyền lực của mình theo hướng từ bỏ một mô hình đã lạc hậu, có nhiều khuyết tật để đến với Nhà nước được hiểu là hình thức tồn tại quyền lực duy nhất của xã hội và của Đảng. Đó phải là công việc chủ yếu và sống còn của Đảng trong tình thế hiện nay, chứ không phải là việc chỉnh phong, chỉnh đốn- đây chỉ nên xem là công việc thường xuyên của Đảng mà thôi. 

Đã đến lúc cần thấy rằng, không thể cứ lặp đi lặp lại cái kiểu thử nghiệm,cải tiến một cách vụn vặt theo kiểu chủ nghĩa kinh nghiệm mãi được. Cần phải đặt sự vận động của nền chính trị, của lịch sử dân tộc nên trên nền tảng của tư duy logic chính trị. 

Nếu có ai đó nói rằng, lịch sử của một dân tộc có lí tính là một đân tộc đã trưởng thành, thì dân tộc chúng ta đã là một dân tộc trưởng thành chưa mặc dù dân tộc này có Đảng lãnh đạo, và lại có hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước? Suy nghĩ này, câu hỏi này xin được gửi tới các nhà lãnh đạo, các chính trị gia và tất cả những ai quan tâm tới số phận của dân tộc VN đương đại. 

Mồng 3 tết nhâm thìn (2012) 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo