Lê Văn Xiếng (danlambao) - Năm 1990 ảnh hưởng từ cách mạng Đông Âu, văn nghệ Việt Nam bỗng dưng khởi sắc trong thời gian ngắn. Người ta biết đến các tác phẩm như "Cái đêm hôm ấy - đêm gì?" của Phùng Gia Lộc, "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Tướng về hưu" của Nguyễn Huy Thiệp. Trong kịch nghệ thì có Lưu Quang Vũ xuất sắc với các kịch bản: "Tôi và chúng ta", "Hồn trương ba, da hàng thịt"... Sự rạng rỡ dù thoáng chốc nhưng dấu ấn hiện thực đậm nét trong tâm trí người thưởng ngoạn. Nhà văn Nguyên Ngọc có công đầu trong thời kỳ bừng sáng nầy. Sau khi báo Văn Nghệ bị thay Tổng biên tập vì đi "chệch hướng", văn chương nói chung lại trở lại con đường cũ. Kịch nghệ cũng cùng chung số phận.
Văn chương không nhất thiết hư cấu hay bóng bẫy mới làm phong phú cuộc sống, mà đi vào hiện thực để ghi lại những bi kịch của đời người. Nếu không có Ngô Tất Tố, chúng ta không biết thân phận bi đát của người nông dân dưới thời thực dân và phong kiến. Chị Dậu đã bán khoai, bán bầy chó và bán cả con của mình để nộp sưu thuế cho chồng. Nếu không có Phùng Gia Lộc, chúng ta cũng không biết cảnh bắt sưu thuế tàn bạo thời bao cấp dưới "chính quyền nhân dân" và bọn cường hào mới ác ôn không thua bọn thực dân phong kiến.
Trong truyện "Tướng về hưu" (*), chi tiết gây ấn tượng với tôi nhất là chuyện dùng thai nhi chết nuôi đàn chó berger. Cô dâu là bác sĩ phụ khoa ở một bệnh viện sản, hàng ngày nạo phá thai cho hàng chục bệnh nhân. Những thai nhi nhiều tháng có hình hài con người thì càng giá trị về nguồn đạm để nuôi đàn chó mau lớn. Thứ thực phẩm đầy chất bổ ấy hẳn không cần chế biến, cứ để nguyên xi vào phích đá cho khỏi thối rữa, chiều mang về nhà là xong. Sự sung túc của gia đình không hẳn nhờ sáng kiến kinh doanh chó quí trong thời bao cấp, mà là tận dụng nguồn "thịt" không tốn tiền để nuôi lớn loại chó kén ăn. Cô con dâu nhà tướng Thuần mặc nhiên xem xác thai nhi là một loại thịt. Ông tướng về hưu dù quen với chết chóc vẫn thấy ghê tởm việc làm thiếu nhân tính bằng câu nói: "Khốn nạn, tao không cần sự giàu có nầy."
Nhưng có điều ông tướng không nghĩ ra, xã hội sau lưng ông đã trở thành khốn nạn không phải vì kiệt quệ "hạt gạo cắn đôi" giải phóng miền Nam, cũng không phải vì thời đại tân tiến con dâu ông đang sống, mà chính lý tưởng vô thần ông đang phục vụ gây ra. Nhân danh lý tưởng ấy, người ta đã đày đọa con người trong xã hội thiếu vắng mọi thứ kể cả đạo đức. Đành rằng không nhất thiết thánh hóa những vong linh sinh non chết yểu như nhiều người đã làm, nhưng việc vứt bỏ không thương tiếc những sinh mạng kém may mắn ấy đã làm lương tâm chúng ta nhức nhối. Đạo đức ở đâu khi con người coi xác đồng loại mình như một loại thịt?
Chuyện không chỉ xảy ra trong quá khứ, chuyện đang xảy ra mỗi ngày chung quanh chúng ta. Ngày 24/01/2012 trên báo RFA có bài viết "Không có Tết cho nhóm bảo vệ sự sống" (**) của Tường An nói về công việc thầm lặng của nhóm thanh niên công giáo Nghệ An. Trưởng nhóm J.B Nguyễn Hữu Chắc kể lại như sau:
"Tháng 6 năm 2007 chúng tôi về Vinh để chơi cùng với 1 số anh em bạn, trong đó có anh Frăng-xi –cô Phạm Xuân Diệu mà hiện giờ đang bị cầm tù. Trong lúc anh em đi chơi, thì đi ngang qua một bãi rác của thành phố Vinh, tôi thấy có mấy con chó nó lằng nhằng, lằng nhằng nó tha… Nhìn từ xa thì mình thấy nó giống hình một đứa trẻ thì anh em chúng tôi chạy tới, dừng lại.
Thì quả đúng đó là một đứa trẻ sơ sinh mà người ta đẻ hay người ta phá thai gì đó mà người ta vất ở bãi rác... Thế thì khi thấy thảm cảnh đó thì anh em chúng tôi tìm cách chôn đứa bé đó và sau đó chúng tôi đi hỏi thăm thì biết được đó là vấn đề phá thai. Và anh em chúng tôi bàn với nhau là phải làm một cái gì đó"
Công việc của anh chị em làm là lén lấy các thai nhi chết trong các đống rác y tế đem về chôn cất. Việc làm nhân ái như thế đã gặp sự khó khăn từ chính quyền và cả những người không phải chính quyền như thày cô giáo, nhân viên y tế, bác sĩ các bệnh viện. Người ta gắn cho các anh chị là "phản động", là "thù địch". Phía chính quyền sợ những việc làm phơi bày mặt trái của xã hội mà họ đang trách nhiệm là điều hiểu được, nhưng những người không dính dáng gì tới chính quyền cũng a dua nói theo thì thật đáng trách. Cái hiệu ứng áp bức - sợ hãi của chế độ toàn trị nầy đã lên tới đỉnh điểm. Nó không chỉ chủ động tàn nhẫn mà còn bắt người khác cũng hành động tàn nhẫn như mình.
Trong thủ thuật phá thai bằng sinh non (Kovac's), có khi em bé vẫn còn sống khi bị vứt ra đống rác y tế. Vẫn theo lời của JB Nguyễn Hữu Chắc: "Có những bào thai vẫn còn thoi thóp sống nhiều giờ sau khi đưa về, được họ rửa ráy, khâm liệm rồi mới chôn cất."
Bào thai nhiều tháng tuổi không thể nạo nên phải dùng thủ thuật sinh non. Sinh non bình thường em bé được chăm sóc trong lồng kính, còn "sinh non" kiểu phá thai là phải vất đi, dù nó đã chết hay còn thở. Hành động vất đứa trẻ như thế thật tàn nhẫn. Người mẹ, vì nhiều lý do, có thể không hiểu hết mọi chuyện, nhưng bác sĩ y tá là những người chuyên môn lẽ nào không ý thức được những tình huống gần như giết người nầy. Nhưng nếu buộc phải làm, bệnh viện không có cách nào khác thay vì vứt những bào thai như thế vào rác y tế?
Cá nhân tôi không suy nghĩ cực đoan trong vấn đề phá thai và quyền phá thai hợp pháp, vì cho rằng người phụ nữ có quyền chọn lựa phá thai nếu họ không muốn nuôi con bất đắc dĩ. Về mặt kinh tế toàn dân, hạn chế sinh đẻ để giữ dân số ở mức ổn định là cần thiết và đúng đắn. Nhưng sự thật đang xảy ra trên đất nước ta hẳn làm nhức nhối mọi người về đạo đức và trách nhiệm. Phá thai được công nhận hợp pháp ở hầu hết các nước trên thế giới, nhưng vứt bỏ thai nhi còn thoi thóp thở có lẽ chỉ có ở Việt Nam.
Những nỗ lực của anh chị em công giáo trẻ thật đáng trân trọng. Vai trò của tôn giáo và những đoàn thể xã hội thiết tưởng không thể thiếu nếu muốn phát triễn một xã hội hài hòa bền vững. Tôn giáo giúp con người hướng thiện và xa lánh điều ác, tổ chức xã hội điều chỉnh sự phát triển theo khuynh hướng lành mạnh. Triệt tiêu hoặc vô hiệu hóa những hoạt động xã hội độc lập với chính quyền là một việc làm nguy hiểm. Xã hội nào cũng cần có những hoạt động của các nhóm thiện nguyện, không ăn lương chính quyền, không bị chính quyền khống chế và hoạt động theo lương tâm. Họ là cái thắng để sự vận động của xã hội không quá đà, lệch hướng.
Chủ nghĩa vô thần khiến con người xa rời những giá trị căn bản về đạo đức. Cách coi xác hài nhi là "rác y tế" của các bệnh viện có nạo phá thai hiện nay là sự thể hiện vô trách nhiệm nhất. Một trong những sai lầm phản động của chủ thuyết Mác là coi tôn giáo như thuốc phiện, để từ đó những tên đồ đệ vô thần mặc sức tạo ra những xã hội vô thần, mất nhân tính. Xin mượn lời của trưởng nhóm Bảo Vệ Sự Sống thay lời kết cho bài viết ngắn nầy:
"Tôi nghe kể lại là đã có một thời là con cái tự hào, hãnh diện vì giết được cha mẹ, gọi cha mẹ bằng thằng, bằng con, rồi đem ra đấu tố rồi giết. Rồi bây giờ cha mẹ mang con cái ra giết, tự hào hãnh diện vì chuyện mình làm. Nó nguy hiểm quá, nó ghê gớm quá. Tôi chỉ gửi đến bà con cái tâm huyết thật sự từ đáy lòng tôi như vậy."
Nhóm Bảo Vệ Sự Sống - Tổng Giáo phận Hà Nội và mộ bia các thai nhi
_____________________________
(*) http://www.vietnammonpaysnatal.fr/net/tuongvehuu.pdf - Tướng về hưu - Nguyễn Huy Thiệp
(**) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/no-tet-f-protect-life-gr-ta-01242012155642.html - Không có Tết cho nhóm bảo vệ sự sống - RFA