Sự cố chấp của hèn mọn - Dân Làm Báo

Sự cố chấp của hèn mọn

Hoàng Thanh Trúc (danlambao) Khi mà cái ngành “nhạy cảm” CSGT không năm nào là không “ì xèo” trên mặt báo những chuyện CSGT “làm đủ loại luật” trên các cung đường để sách nhiểu đòi hối lộ từ người vi phạm giao thông và khi lãnh đạo ngành này tuyên bố đang nỗ lực vận dụng mọi “đòn phép” để phòng trừ, thì một phóng viên điều tra của báo chí đã xắn tay áo vào cuộc, vạch mặt, lôi ra một con “sâu” ăn hối lộ trong ngành này, dư luận cứ ngỡ sự tích cực ấy như một tín hiệu tốt lành từ báo chí mang đến cho lãnh đạo ngành CSGT. Nhưng bất ngờ thay, người nối gót theo sau Thượng Úy Huỳnh Minh Đức (CSGT nhận hối lộ) vào trại giam lại là phóng viên Hoàng Khương người đứng ra tố giác vụ việc nhận hối lộ ấy?

Thông tin 2 chiều nóng hổi đầy trên mạng từ hai luồng chính kiến khác nhau, nhưng kinh nghiệm rút ra qua những “vỡ kịch” luật là ta,ta là luật của pháp quyền CS/XHCN trước kia và gần đây cho thấy, không sáng sủa gì thêm để chúng ta cố rọi những tia sáng quang minh chính trực của chân lý vào những cánh cửa bảo thủ, cố chấp, cực đoạn… gần như là lộng quyền khép kín ấy. 

Có chăng về phía người dân, những người đang góp từng giọt mồ hôi nuôi dưỡng hình thành nên bộ máy nhà nước quản lý điều hành xã hội, trong đó có ngành CSGT. Chúng ta thử nhìn sự việc này ở một góc nhìn khác, góc nhìn của nhân cách và đạo đức là hai trong số những tố chất rất cần thiết có thể làm cao lên hay thấp xuống thang điểm trong sạch và hình ảnh mẩu mực của một nhà nước, chính phủ hay cơ quan công quyền trong vị trí gọi là lãnh đạo nhân dân. 

Không hẳn là méo mó! để so vài ẩn dụ: Khi anh chào hàng đưa ra thị trường những sản phẩm mà anh định chuẩn là khá tốt, nhưng khi người tiêu dùng “thử qua” thì phát hiện khuyết tật, chỉ cho anh thấy, không lẽ anh phỉ báng hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người ta? Giống như vậy, anh cưng chiều con, thiếu sâu sát, người hàng xóm phát hiện nó thiếu giáo dục chỉ cho anh thấy cái nhược điểm rất cụ thể của nó, không lẽ anh cũng muối mặt sỉ vả người ta? Và khi cảnh sát hình sự cũng hóa trang thành những “con mồi” rủng rỉnh vòng vàng, lượng lờ trên phố, thu hút các phần tử cướp giật xuất đầu lộ diện để chủ động triệt hạ. Biến hóa hơn, CSHS cũng vào vai những con bạc nhà nghề với những xấp tiền dày cộm để xâm nhập hòa mình vào các sòng “đỏ đen” có máu mặt để bắt tận tay day tận trán…... 

Thì liệu có ổn không? Khi: “Quyết định khởi tố bị can: Ông Nguyễn Văn Khương (PV Hoàng Khương) “đã có hành vi thông qua Tôn Thất Hòa đưa 15 triệu đồng cho Thượng Úy Huỳnh Minh Đức - cán bộ Đội CSGT Công an quận Bình Thạnh để giải quyết xe vi phạm giao thông trái quy định ”.(QĐ của CA/TP/HCM). 

Thói thường, bất cứ ai nếu không biết qua sự việc, khi đọc xong cái quyết định này, trực giác tiếp theo làm người ta liên tưởng tới một cái “biên bản ghi nhận quả tang hành vi hối lộ của ông Hoàng Khương” đi kèm do Thượng Úy Huỳnh Minh Đức lập nên, bởi 100% ai cũng nghĩ rằng khi ông Hoàng Khương đưa 15 triệu để hối lộ, Thượng Úy Đức rất trong sạch đã lập biên bản ngay hành vi hối lộ ấy, nó sẽ hợp “logíc” theo nội dung thể hiện trên tờ quyết định, vì có như thế thì mới có tang chứng để khởi tố. 

Nhưng không, trái lại, sự việc nó chỉ phơi trần vào ngày 10/7/2011, khi báo Tuổi Trẻ đăng bài "Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép" mà tác giả Hoàng Khương là người chủ động tường thuật hành vi (có cả hình ảnh) của Thượng Úy Đức nhận tiền hối lộ trực tiếp để giải tỏa trả lại xe máy vi phạm. 

Tới đây thì có một câu hỏi đặt ra hơi khôi hài “Có ai tự nguyện đi hối lộ rồi rồi cũng tự tố cáo chính mình không?và hành vi gọi là hối lộ ấy có mang lợi ích gì cho cá nhân PV Hoàng Khương không? hay là nó chỉ duy nhất mang đến lợi ích chống tiêu cực cho ngành CSGT và Xã Hội? 

Tiên trách kỹ hậu trách nhân, trong khi báo CAND mới đây tôn vinh hàng trăm lượt CSGT cả nước nói không với hối lộ trong năm 2011 thì việc một một bài báo lột trần một cá thể CSGT tiêu cực, nó sẽ càng giúp ích, cảnh báo nhiều hơn cho nhân viên ngành này thấy rõ áp lực xã hội ngày càng giám sát đa dạng hơn cái tệ nạn xấu xa ấy để mọi CSGT phải tự hoàn thiện chính mình. Nói một cách khác, vô hình chung, lãnh đạo ngành CSGT đã hàm ân bài báo ấy của PV Hoàng Khương. Chỉ có tự ái, cố chấp hay bảo thủ cục bộ vì lợi ích nhóm mới nghĩ khác đi. 

Nếu ta để ý, tại pháp đình, mọi quan tòa trước khi kết án bị can thường có câu nói: “Xét về nhân thân lý lịch tiền sử của bị cáo...” Cơ quan CA điều tra dù chưa có thẩm quyền, nhưng ít nhất trong quá trình hoàn tất hồ sơ cũng phải xem xét cẩn trọng phần này, cân nhắc trước khi có quyết định khởi tố nếu trái tim còn tròn trịa tính người. Qua các dữ liệu thông tin từ báo Tuổi Trẻ và mạng truyền thông thì PV Hoàng Khương là một cây viết trẻ năng nổ trong mảng phóng sự điều tra những tiêu cực của xã hội, đã đạt được những thành tích chứng minh năng lực và phẩm chất chuyên nghiệp của một PV, nhà báo, và khi mọi động cơ vụ lợi được loại trừ chỉ còn duy nhất là vì mục đích chống tiêu cực cho xã hội thì ngành CSGT nên xem hành vi của PV Hoàng Khương như là “lấy lửa thử vàng” đôi khi, có lúc cũng cần phải có trong cái ngành rất “nhạy cảm” với hối lộ như CSGT, chứ chẳng thể nào là hình sự hóa bằng một quyết định khởi tố không chính danh và thiếu thuyết phục. Làm sao để diễn giải cho hợp lý với nhân dân và công luận một quyết định khởi tố hành vi “hối lộ bất vụ lợi để chống tiêu cực cho xã hội” khi mà cơ quan điều tra không thể chỉ ra được sự tác hại của hành vi này trên cơ sở pháp luật? 

Trong đối nhân xử thế, người có nhân cách, dù rất tự tin vẫn ngại sự hiểu lầm, họ tránh phải đặt mình vào hoàn cảnh... “đi qua ruộng dưa mà dép lỡ đứt” bởi họ không thuộc tuýp người tiểu nhân lừa lọc, gian manh, vì vậy để bảo vệ nhân cách, nếu lỡ đứt dép, thà đi chân không chứ không cuối xuống nhặt dép giữa ruộng, bởi tiếc chi một chiếc dép đứt, đôi khi vô tình khó biện minh giữa “nhĩ mục quan chiêm” dù rằng cây ngay không sợ chết đứng. 

Viêc bắt tạm giam và khởi tố PV Hoàng Khương nó bộc lộ rất rõ cái nhân cách của người chủ trương, có một cái Tâm rất “bệnh hoạn” trong phạm trù đạo đức và một cái Tầm rất “ấu trĩ” trong năng lực của kẻ cầm quyền. Họ sẵn sàng làm mọi cách để tiêu hủy cái thẻ nhà báo và đẩy PV này vào tù, họ không muốn có nhiều “Lục Vân Tiên” hiện diện giữa đời thường trong lòng xã hội. Họ như dị ứng với từ Liêm Sĩ để hài lòng với từ “Thù Vặt”. Họ thu mình vào cái võ ốc tiểu nhân để tránh cái hổ thẹn trước đại dương bao la của Chính Nhân Quân Tử. 

Hình như lần này cái bánh xe của cơ quan CA điều tra nó lại lăn bánh cũng chính trên con đường mang tên “Thù Vặt” chỉ về hướng bảng hiệu Cù Huy Hà Vũ có treo tòng teng hai cái bao OK đã qua sử dụng! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo