Mặc Lâm (RFA) - Vụ án anh Đoàn Văn Vươn cho thấy sự lộng hành của những cán bộ cấp xã, cấp huyện đối với người nông dân hiền lành. Dư luận xã hội tiếp tục lên án gắt gao các thành phần cuờng hào ác bá mới này. Tuy nhiên không phải chỉ ở Tiên Lãng mới có tình trạng cưỡng bức, hà hiếp người dân mà hằng trăm nơi khác trên toàn quốc nhiều vụ còn bi thảm hơn Tiên Lãng nữa.
“Quan xã, quan huyện” còn lộng hành đến bao giờ
Bà Phạm Thị Sửu một nạn nhân chất độc da cam cũng không được các cán bộ cấp xã tha cho, họ cấu kết lấy đất của gia đình bà và gian dối cả những trợ cấp mà các nước viện trợ nhân đạo cho nạn nhân dioxin tại Việt Nam. Trước tiên bà Sửu cho Mặc Lâm biết tình trạng của gia đình bà:
Chị Phạm Thị Sửu: Em là Phạm Thị Sửu ở Bàn Chàm, xã Tân Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Bây giờ em đang ở nhà cũng chỉ vì do em bị nhiễm chất độc của chiến trường cho nên em không làm ăn được gì, chỉ ở nhà trông nhà cho các con các cháu thôi, anh ạ.
Thế mà bây giờ cái chế độ mang tiếng là có chính sách đãi ngộ cho chúng em bị nhiễm chất độc, nhưng bản thân em bây giờ về chính ra cái thằng bí thư đó, em ruột của nó cướp đất của em đấy anh ạ. Nó bưng bít thông tin hết. Vừa rồi em có làm đơn tố cáo nó đấy.
Mặc Lâm: Vâng. Chị nói rằng chị cũng là nạn nhân của chất độc da cam thì chính quyền có trợ cấp gì cho chị hay không?
Chị Phạm Thị Sửu: Dạ, chưa anh ạ. Mà em thì em đau đớn rất nhiều. Hàng ngày nói chung là em sống chung với bệnh thế mà chưa có cái gì gọi là trợ cấp vì chất độc cả. Nếu em đau đớn thì em chỉ được cái là xuống viện tiêm thuốc được miễn thôi. Ngoài ra thì tiền nong chả được cái gì anh ạ.
Người dân huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang bị mất đất kéo lên tỉnh biểu tình (ngày 18 tháng 1, 2012)
Mặc Lâm: Còn vấn đề đất đai của chị tranh chấp với chính quyền thì họ đã giải quyết cho chị thế nào rồi?
Chị Phạm Thị Sửu: Tranh chấp chính quyền đâu, anh! Chính em ruột của thằng bí thư xã đấy ăn cướp của em đấy , thế thì bây giờ mới giải quyết thằng em họ của nó giả (trả) em thôi, nhưng mà đến mùng 1 tháng 5 này không trả thì bị cưỡng chế. Còn đứa em ruột của nó bây giờ tỉnh chưa có ý kiến gì đâu, anh ạ. Nhà em đang đề nghị thế mà tỉnh nó không chấp nhận, anh ạ.
Mặc Lâm: Ngoại trừ trường hợp của chị thì chung quanh bà con có bị chung tình trạng như vậy không?
Chị Phạm Thị Sửu: Không. Chỉ mỗi của em thôi, còn dân làng không ai bị như thế. Nó biết hoàn cảnh của em ở Thái Bình lên trên này lấy chồng ở gia đình chồng thì chồng lại chết nên không có ai nương tựa, chỉ có mấy mẹ con với nhau thôi, chớ còn xã hội nói chung là em không được nhờ anh em nào ở xã hội cả, anh ạ.
Nó biết là em thân cô thế cô, nó cậy có thằng em và thằng anh của nó làm bí thư là ô dù to, thấy em tật nguyền, nó tổ chức nó cướp của em. Thế mà bây giờ em đề nghị thì vô lý, không lý nào mà giải quyết trả em một nửa còn một nửa không trả em được. Cái nửa ngoài đường cái thì không trả em, còn nó trả em một nửa trong phía rừng thôi, anh ạ.
Mặc Lâm: Tất nhiên là đất của chị gồm hai phần, mà một phần ở sát đường và một sát bìa rừng, thì họ chỉ trả miếng đất ở bìa rừng không thôi.
Chị Phạm Thị Sửu: Vâng. Thế còn cái ngoài bìa đường này thì là nó cậy thần thế nó bắt địa chính xã lập sổ đỏ cho em nó để em nó bán, anh ạ. Thế nhưng mà chủ tịch huyện nói là nếu như nó bán mà cấp tỉnh giải quyết thì vẫn có quyền thu hồi lại được, mà tỉnh có giải quyết cho em đâu!
Những người dân ở xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang
bị mất
đất kéo lên tỉnh biểu tình nhằm phản đối lại việc cưỡng chế.
Chính quyền làm ngơ cho Xã, Huyện thi nhau lấn chiếm đất?
Mặc Lâm: Tình hình dân chúng ở chung quanh khu vực thị trấn Thượng Giang chị thấy có nhiều người giống trường hợp bị mất đất đai như chị hay không?
Chị Phạm Thị Sửu: Có đấy anh ạ. Cũng có nhiều người đấy. Riêng ở huyện em có trên chục người anh ạ. Bây giờ em thấy như nhà chị Nhiên đấy, đất đai ông cha nhà chỉ để lại đùng một cái xã lấy. Bị lấy xong thì cuối cùng chị đi kiện, đi kiện thì được trả lại một góc, song xã lại bắt chị mua lại một góc.
Em thấy cái đó thật là vô lý. Và nếu như chị không mua thì coi như bỏ đất luôn, cái đó cũng vô lý quá. Chúng em bây giờ nói thì không nói được mà chúng em điều kiện thì không thể nào làm được cái gì bây giờ, chỉ biết kêu giời. May được nhờ các anh, các anh có phần nào giúp đỡ chúng em thôi, chứ còn chúng em bây giờ như là ếch ở đáy giếng, anh ạ.
Mặc Lâm: Dạ vâng. Chị có thể nhắc lại 5 người bị bắt gồm những ai và lý do nào bị bắt hay không, thưa chị?
Chị Phạm Thị Sửu: Chúng em đều là mỗi người một huyện, không ai giống ai. Như hôm đó là về đấy vô tình gặp nhau ở đấy thì là có chị Lệ Hằng thì bản chất của chị có nói to thôi. Chị nói to nên bọn nó cho là quấy nhiễu, xong rồi nó lợi dụng cái đấy nó bảo chúng em là về đây quấy nhiễu làm ảnh hưởng đến hành chính rồi nó bắt chúng em thôi.
Trong đó có em là một, chị Hòa là hai, chị Hằng là ba, chị Hanh là bốn, chị Ngát là năm. Riêng cái hôm nó bắt nhốt rồi đến buổi sáng chị Ngát chỉ đi ra mua bánh mì cho chúng em thì chị không bị tống lên xe. Còn nó tống 4 chị em em lên xe thật vô cùng dã man, anh ạ. Đây là nó cậy quyền chức. Em cũng nói trong đơn là họ cậy quyền chức, cậy sức mạnh để dồn ép đày những chị em bị oan ức này, nó mang đi đày.
Em có nói trong cái đơn ấy và trong đó em cũng có nói là tôi là người có công đã đi góp phần để giành lại quyền và nhà cao mát mẻ cho cái lũ phát xít này. Bây giờ nó không mang ơn mà nó lại đày đọa chúng tôi như thế này. Em nói như thế đấy.
Mặc Lâm: Xin chị cho biết là cho tới bây giờ thì chị đã an phận với cái chuyện chính quyền giải quyết rồi hay là chị vẫn còn tiếp tục để mà khiếu kiện nữa để giành lại công lý cho mình?
Chị Phạm Thị Sửu: Em vẫn còn tiếp tục, anh ạ. Em vẫn còn tiếp tục, em dứt khoát nói với thanh tra là anh Thắng – thanh tra trung ương, anh ấy nói là không có lý nào là không giả (trả), đã giả là phải giả hết, mà đã không giả là không giả chứ không có lý nào giả một nửa còn một nửa không giả.
Và anh cũng đã đề nghị về với chủ tịch tỉnh rồi. Thế nhưng mà chủ tịch tỉnh cũng vẫn như thế là một, cái thứ hai nữa là đợt chúng em bị bắt đấy, em đề nghị là phải đền, đền sức khỏe cho chúng em theo đúng pháp luật của Việt Nam. Thế nhưng bây giờ nó lại bày biện ra là nó khai man chữ của em, khai man chữ ký của em ra, trong nội dung đó không biết là em viết những cái gì của nó.
Thế là nó khai man ra để trốn tránh cái trách nhiệm nó làm sai, anh ạ. Bọn công an thành phố Bắc Giang đấy. Em đang bảo với bạn bè rằng năm chị em bị bắt là cứ để Tết xong đi rồi chúng em về tận Bộ Công An để chúng em trình bày một lần nữa, anh ạ.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn chị. Và đầu năm cũng chúc cho chị mọi sự tốt lành, ít nhứt cũng được đủ ăn qua ngày để mà tiếp tục tìm công lý, chị Sửu ạ.
Chị Phạm Thị Sửu: Vâng, thì nhờ các anh giúp đỡ để cái lũ ấy trở thành người chứ còn chờ chúng đền bồi cho chúng em thì chưa chắc chúng nó đã đền, nhưng mà cái việc chúng em đòi hỏi thì chúng em cứ đòi hỏi, anh ạ.