Đinh Phương (danlambao) - Cả xã hội mắc chứng liệt não khi những người có trí tuệ không lên tiếng trước cái chướng. Việt Nam hôm nay đang âm ỉ chịu đựng sự tàn phá nội tạng của một quá trình liệt não, của xã hội không phát huy đối lập - xã hội bám theo lề và giương khẩu hiệu...
*
Wikipedia: Trí thức: "thông thường họ rất say mê, đầy nhiệt huyết và cũng đầy trách nhiệm với cộng đồng."
Những ngày vừa qua lại rộ lên việc luận bàn về "trí thức". Thêm một lần nữa, chúng ta thấy không đơn giản để thống nhất định nghĩa toàn bộ cụm từ này, mặc dù nó là câu chuyện (xem ra có vẻ) đơn giản. Không khó để định nghĩa "trí thức là gì?", nhưng thật phức tạp khi đề cập đến chức năng của nó ngoài xã hội, vai trò của "trí thức" có khi bị ùn đẩy, thậm bị chí phủ định hoàn toàn.
Khác với quan điểm "trí thức là cứt" của Lenin, cụm từ "trí thức" mang tính lạc quan và tích cực - có nghĩa là được con người trọng vọng - thì hiển nhiên nó phải dung chứa ít nhất mục đích là đem đến lợi ích cho xã hội (theo quan điểm Chân-Thiện-Mỹ). Trí thức hơn trí tuệ chính ở điểm này, và "người (có) trí thức" cũng khác với "người có trí tuệ" chính là ở đây. Định nghĩa người trí thức là người có trí tuệ thì đúng, nhưng chưa đủ. Trí thức và trí tuệ còn cách nhau cả một cái mặt người!
Đưa ra mệnh đề: "Người trí thức này có nhân tính" hoặc "Người trí thức kia không có nhân tính" quả là bất bình thường. Bởi, đã gọi là người trí thức thì chúng ta hiển nhiên đặt họ lên một giá trị là họ phải là những người tốt, tức là có nhân tính. Vì thế, ở mệnh đề đầu, đính vào những chữ "có nhân tính" là thừa, còn ở mệnh đề thứ hai thì bị "ngược óc", vì đã là người trí thức thì lẽ tất nhiên phải có nhân tính, không thể không có nhân tính, nên, và cùng lắm, chúng ta chỉ gọi họ là những người có trí tuệ là vừa đủ.
Ai cũng biết về khả năng khoa học của giáo sư Ngô Bảo Châu, anh là người có trí tuệ, nhưng anh định nghĩa "người trí thức là người lao động trí óc" là không có ý thức, là không hoàn chỉnh ở cơ bản, vì nó chỉ diễn tả một cách "tầm thường" hành động và công việc của người có trí tuệ (có lẽ anh Châu nhầm lẫn giữa hai cụm từ trí tuệ và trí thức?). Người ta đề cao trí thức, và ở người trí thức người ta cũng đòi hỏi một tầm ý thức cao hơn, đó là nhân cách với chính mình và với cả xã hội. Nói một cách trần trụi hơn thì đó là việc tham gia chính trị, đóng góp sự hiểu biết và tư duy của mình để xã hội mỗi ngày trở nên tích cực hơn. Thế giới cũng đã thế, từ những bộ tộc, mường, mán, mọi da đỏ… nay đã có những tổ chức xã hội, những quốc gia với sự điều tiết của luật pháp mà khả năng của "cường hào" gần như bị triệt tiêu, con người được sống trong sự tôn trọng và được xã hội bảo vệ v.v…. Loài người mỗi ngảy mỗi tự từ bỏ quyền cai trị mang tính bạt mạng của mình, nếu không -với sức ép của cộng đồng- nó (sẽ) không thể tồn tại.
Trong bối cảnh quân-quyền ở Việt Nam hiện nay, nhiều người - thậm chí ngay cả những người có trí tuệ - vẫn còn cho rằng chính trị là dơ bẩn, là tham lam. Điều này ở góc nhìn "văn minh" thì hoàn toàn lạc hậu. Tham gia chính trị (tức sinh hoạt xã hội) là đem công sức và trí tuệ của mình để làm sạch, làm đẹp, làm lợi cho mình và cho người, làm cho xã hội công bằng. Tham gia chính trị cũng không nhất thiết là phải tham gia quyền lực, trở thành chính khách. Người góp ý, người phản biện từ bản chất đã là người tham gia chính trị tích cực, trừ những trường hợp như bóp méo sự thật, bẻ cong chân lý, đánh lừa công lý. Người trí thức chỉ cần có thế, cũng không cần phải bằng nọ chức kia để rồi phải mua bán hàng nhái.
Người viết cho rằng việc anh Châu nhận quản lý Viện Nghiên Cứu (toán học) Cao Cấp với sự rộng tay của nó: tự do trong kinh phí (được giao là 650 tỷ ĐVN), và tự do trong mục đích (không có tiêu đề rõ ràng) là đang tham gia vào công ích xã hội, nhận một trọng trách trong một thời điểm rất quan trọng, rằng xã hội sau khi tụt hậu về nhân cách đang cần những bước đi đột phá của những người trí thức đúng bản năng, những lãnh tụ anh minh đúng nghĩa. Con đường anh Châu đang đi còn dài ở phía trước, và cũng khó để hình dung ra được những bước đi vững chãi của riêng anh trong guồng máy chính quyền hiện tại. Điều rõ ràng là trong thời gian qua, anh Châu đã có biểu hiện chập choạng trong cách ứng xử ở ngoài xã hội, nhưng là con người - và trẻ như anh - ai cũng cần thời gian để học hỏi và thích ứng. Không đủ cơ sở để quy kết anh Châu lúc này, và chúng ta có thể yên tâm để nói: "Giáo sư Ngô Bảo Châu là người có trí tuệ". Đặt câu hỏi: Anh có phải là người trí thức không? và để trả lời câu hỏi này chúng ta cần phải… chờ, ở các hành động của anh Châu!
Xét như thế trí thức không có "tiêu chí" này nọ, trí thức chỉ là bản thể có trí tuệ và chỉ cần có một thái độ sống mang tính xã hội, dứt khoát trung thành với chính tư tưởng của mình (không phải loại "đối lập trung thành" mà nhà văn Phạm Thị Hoài đã chỉ ra, hay được nhà văn Võ Thị Hảo lái sang cụm từ khác là "phản biện trung thành").
Cả xã hội mắc chứng liệt não khi những người có trí tuệ không lên tiếng trước cái chướng. Việt Nam hôm nay đang âm ỉ chịu đựng sự tàn phá nội tạng của một quá trình liệt não, của xã hội không phát huy đối lập (xã hội bám theo lề và giương khẩu hiệu).
Người trí thức vừa tự gắn cho mình, vừa bị/được xã hội đòi hỏi một hữu tính là "vì người" (nói theo khái niệm đạo đức) hay "vì dân" (nói theo khái niệm chính trị). Chúng ta đã (và cũng đang) có những nhà trí thức. Người viết xin được nhắc đến những con người trong Nhân Văn Giai Phẩm, họ đã từng bị cỗ máy chính quyền quy kết là phản động, nhưng cũng chính cỗ máy chính quyền này sau đó đã "phục hồi nhân phẩm" cho họ thì chẳng còn ai (từ cả hai lề) có thể phủ nhận rằng họ không phải là những người trí thức. Hồ Chí Minh có phải là người trí thức không? Người thì bảo có, vẫn có người bảo không.
Hiện tại xin mời: "AI LÀ NGƯỜI TRÍ THỨC HÃY NGỒI XUỐNG".