Đại Nghĩa (Danlambao) - Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi hình thành đến nay chưa bao giờ mất tự tin nhiều cho bằng lúc này. Họ cảm thấy “Lòng tin của nhân dân lung lay đã từ lâu chứ có phải hôm nay mới lung lay. Mất lòng tin vào đảng, mất lòng tin đảng viên. Chính đảng viên cũng không tin lãnh đạo." (Trần Lâm-BBC online ngày 28-2-2012)
Vì thế ông TBT Nguyễn Phú Trọng đang ra sức kêu gào “chỉnh đốn đảng”, nhưng thực chất là chỉ mới nói chung chung để đối phó với tình hình, chớ ông không làm điều gì thực tế ngoài những cuộc hội họp và tuyên bố lung tung.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nói với BBC rằng hội nghị tuần này cho thấy:
“Đảng đã suy thoái quá mức. Đảng không thể chấp nhận nhân dân và nhân dân cũng không thể chấp nhận được đảng. Các bài nói, công văn, chỉ thị bây giờ luôn đặt hàng đầu các thế lực thù địch, ám chỉ các thế lực ấy nằm cả từ trong trí thức đến công nhân, nông dân…
“Nhiều đảng viên kêu gọi đảng phải ‘lấy lại lòng tin yêu của nhân dân’, nhưng nói thật, hy vọng ấy rất mong manh và nhiều người không tin đảng làm được…
“Nếu cứ giật gấu vá vai, đảng không thể nào chỉnh đốn và tồn tại được”. (BBC online ngày 27-2-2012)
Một sự việc long trời lở đất, nơi đang chôn vùi uy tín đảng CSVN dưới đất bùn huyện Tiên Lãng, thuộc tp Hải phòng xảy ra gần 2 tháng nay, cả dân, cả chính phủ, cả thế giới đều chú tâm và lên tiếng, ấy vậy mà ông Lê Anh Hùng thắc mắc không biết: “Vì sao ông Nguyễn Phú Trọng không lên tiếng vụ Tiên Lãng?”
“Một vụ việc gây xôn xao dư luận như thế, đặt ra những vấn đề hệ trọng liên quan đến nền tảng của chế độ như thế mà ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư BCH TW đảng CSVN, lại im như thóc, tuyệt hiên không hề hé răng lấy nửa lời, mặc dù ông vẫn đang kêu gào thống thiết về cái gọi là “chỉnh đốn đảng”. (Bauxite Việt Nam online ngày 18-2-2012)
Ai cũng biết rằng cái đảng này bây giờ “nó thối lắm rồi”, do vậy ông TBT Trọng nói chỉnh đốn là việc “cần làm ngay”. Tuy nhiên, ông ta nói vậy chớ không phải vậy, hảy nhìn kỷ những gì ông Trọng làm. Thực ra việc chỉnh đốn đảng mới đưa ra thảo luận trong hội nghị thôi, vụ việc nghiêm trọng ở Tiên Lãng, Hải Phòng, điều làm cho ông TBT Trọng mất hứng, vì nếu muốn thực hiện việc chỉnh đốn đảng thì phải bắt tay ngay vào chỉnh đốn đảng bộ Hải Phòng.
Qua sự việc bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành có thái độ thách thức thủ tướng và nhân dân, hổn hào với các vị lãnh đạo cao cấp “đã về hưu”, láo xược với gọi người dân Đoàn Văn Vươn bằng “ thằng” (cán bộ là đày tớ của nhân dân). Tại sao ông Nguyễn Văn Thành dám bẻ nạn chống trời, có ai chống đỡ sau lưng ông ta? Có phải là bàn tay ông Trọng? Ông Thành phát biểu:
“…Còn tác động về chính trị, khi xảy ra một cái, là ý kiến các đồng chí như đồng chí Lê Đức Anh, đồng chí Đặng Hùng Võ, và một số người hùa vào thằng Vươn, lập tức các bài báo xuất hiện, phải thế nọ thế kia, “phải, phải..” liên tục “phải” cho đến ngày hôm qua là 1343 bài báo và 5 triệu lượt người vào mạng Gool.tiên lãng”. (RFA online ngày 24-2-2012)
Này nhé, vụ cưỡng chiếm ở Tiên Lãng, Hải Phòng là việc làm cho dân không còn tin đảng vì đã tha hóa một cách trầm trọng cần phải chỉnh đốn ngay, ấy thế mà ông Trọng đang há miệng mắc quai, chỉ để cho Hải Phòng “tự phê bình và phê bình” và xử lý mấy con tép riêu tế thần bằng hình thức cảnh cáo, cách chức cho về vườn hưởng của “hồi môn”, thế là xong. Xin hỏi nhỏ ông Trọng từ trước đến bây giờ có ông đảng viên cộng sản nào tự phê bình bằng cách “lấy đá ghè vào chân mình không?” Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cảnh cáo:
“Ví dụ như ‘tiếng bom Đoàn Văn Vươn’, họ phải thấy gốc tích là sai lầm trong đường lối của đảng chứ không chỉ là sai lầm của mấy anh cấp huyện hay thành phố. Nếu cứ giật gấu vá vai, đảng không thể nào chỉnh đốn và tồn tại được”. (BBC online ngày 27-2-2012)
Nói chuyện trong cuộc họp với câu lạc bộ Bạch Đằng, ông Thành khiến cho các đảng viên lão thành ất bình, phản đối ngay tại diễn đàn đồng thời gửi kiến nghị lên TBT đảng CSVN, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội:
“Chúng tôi chờ đợi, hy vọng sự nghiêm túc phê bình của lãnh đạo thành phố, nhưng không ngờ vô cùng ngạc nhiên, đồng chí Thành không hề nêu sai sót nào của thành phố, chính quyền, cơ quan liên quan của thành phố Hải Phòng. Có những trình bày trái với kết luận của thủ tướng như: “Báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác vào chứ đâu có chuyện xe ủi nhà ông Vươn, không ca ngợi công an, bộ đội, có biểu hiện bôi nhọ, các bậc lão thành nói không chuẩn…”
“Buổi nói chuyện của đồng chí Thành đã ồn lên, mọi người không muốn nghe nữa, “kiến nghị tường thuật”. Kết thúc buổi nói chuyện, một hội viên lên bục nói ngắn gọn: “Đồng chí bí thư thành ủy đã nói sai sự thật, trái với kết luận của thủ tướng, đồng chí ấy đã coi thường tất cả chúng ta. Tôi là một đảng viên kiến nghị cách chức đồng chí ấy đi”. (BBC online ngày 19-2-2012)
Ông bí thư Thành đã giương lưỡi gỗ cố nói lấy được, lấp liếm bao che, chối tội cho cấp dưới cũng như chối tội cho chính mình, tuy nhiên nhân chứng là ông Lê Văn Kết đã có cuộc gặp gỡ báo chí và lên tiếng rõ ràng:
“Anh Khanh, anh Hoan và anh Liêm nhờ tôi gọi hộ máy xúc để cho ban cưỡng chế giải tỏa mặt bằng. Tôi nhận lời và điện thoại cho anh Thái (chủ máy xúc ở xã Hồng Thắng) nhưng do anh Thái bận nên tôi gọi cho chủ máy xúc khác là anh Đỗ Văn Đoàn (xã Tiên Hưng)…
“Anh Đặng Văn Tài cũng cho hay, sáng 6-1, anh được ông Đoàn ủy quyền, giao lái xe xúc cưỡng chế khu vực đầm nhà ông Vươn lúc 7 giờ sáng, 8 giờ ông Hoan, ông Liêm và nhiều người trong ban cưỡng chế có mặt tại khu vực nhà ông Vươn. Tôi làm theo sự chỉ đạo của ban cưỡng chế mà trực tiếp là ông Hoan, ông Liêm. Đến 11 giờ thì xong, tôi đưa đề nghị thanh toán cho ông Hoan, với tiền công 1,5 triệu đồng cho 3 giờ”. (VNEpress online ngày 8-2-2012)
Qua sự việc trên cho thấy rằng lãnh đạo tp Hải phòng không còn đủ tư cách để giải quyết vụ cưỡng chiếm ở Tiên Lãng vì họ đã cố tình bao che, thành phố binh huyện, xã. Ba con “sâu bự” tại thành ủy Hải Phòng đang gậm nhấm, làm sói mòn lòng tin của dân với đảng, ông Thành thì nói không có dùng xe ủi nhà ông Vươn, ông Thoại thì nói dân phá nhà ông Vươn, còn ông Ca thì nói chỉ có chòi của ông Vươn. Như vậy những người này làm sao giải quyết vụ việc cho đến nơi đến chốn. Theo ý kiến của các bậc lão thành cách mạng đề nghị như:
“Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, trong bài trả lời phỏng vấn Tuần Việt Nam hôm 20-2 nói đích thân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thanh tra chính phủ, ủy ban giám sát kiểm tra đảng phải về Tiên Lãng trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc vì lãnh đạo Hải Phòng ‘chưa thực sự tự phê bình’…
“Thiếu tướng Phạm Chuyên, cựu giám đốc công an Hà Nội hôm 10-2 cũng đã cùng một số nhân sĩ, trí thức xuống hiện trường vụ cưỡng chế để thăm khu nhà bị tàn phá của nhà ông Đoàn Văn Vươn. Tướng Chuyên được trích lời trên một trang mạng tự do đề nghị ‘cách chức ngay bí thư, chủ tịch và giám đốc công an thành phố Hải Phòng và tiếp nữa là tha ngay, tha bổng cho Đoàn Văn Vươn’. (BBC online ngày 20-2-2012)
Nhờ tiếng bom của Đoàn Văn Vươn huyện Tiên Lãng, Hải Phòng mà ngày nay người ta được biết thêm “Nhiều chủ đầm ở Tiên Lãng từng bị cưỡng chế”. Theo tin VNExpress thì trước vụ ông Đoàn Văn Vươn, huyện Tiên Lãng đã cưỡng chiếm 70 ha đầm của ông Lê Đình Thảo chia nhau ‘đớp’ một cách êm thắm và sau đến đầm của ông Nguyễn Thế Đọc thì cưỡng chiếm bất thành.
“Anh Lê Văn Tân, con trai chủ đầm Lê Đình Thảo (* đã chết) chia sẻ, 4 năm trước, gia đình cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như ông Đoàn Văn Vươn. Năm 1992, được giao 70 ha đất trong vòng 12 năm gia đình đã vay mượn ngân hàng và nhiều nơi khác để có tiền thuê nhân công đắp gần 3 km đê quay chống bão. Bãi đất triều ven cửa sông Văn Úc sau nhiều năm sóng gió trở thành một vùng đất màu mỡ. Theo anh Tân, sau 12 năm, UBND huyện đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích trên, không bồi thường cho gia đình. Gia đình đã có nguyện vọng được giao lại để tiếp tục canh tác nhưng không được chấp thuận.
“Trao đổi với VNExpress ông Lương Văn Trong, phó chủ tịch Hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng cho biết, 4 năm trước, khi diễn ra vụ cưỡng chế khu đầm của gia đình ông Thảo, số lượng người kéo đến khu đầm hôm đó đông không kém số lượng kéo đến nhà ông Vươn sáng 5-1. Tuy nhiên, gia đình ông Thảo đã tuân theo những bản án đã kết luận của tòa trước đó và không có bất cứ sự chống đối hay phản kháng nào…
“Trong khi đó, với trường hợp đầm tôm của chủ đầm Nguyễn Thế Đọc trú xã Nam Hưng, vụ cưỡng chế của huyện Tiên Lãng bất thành. Đầu năm 1998, UBND huyện ký quyết định cho hộ ông Đọc thuê 30 ha đất đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại khu vực xã Đông Hưng-Tây Hưng.
“Do thời hạn thuê chưa hết, quyết định thu hồi ghi rõ “không đền bù”, ông Đọc không bàn giao. Ngay sau đó, ông Đọc viết đơn kiến nghị huyện tiếp tục cho thuê đất khi chưa hết hạn sử dụng…không được giải quyết. Đến ngày 18-2-2008, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ông Lê Văn Hiền mời ông Đọc lên trụ sở huyện làm việc và khẳng định sẽ thực hiện cưỡng chế nếu gia đình không bàn giao đầm.
“Sáng 22-8-2008, tôi thấy đài truyền thanh của xã đọc nội dung thông báo huyện sắp cưỡng chế thu hồi đất của gia đình mình. Một ngày sau, cả trăm dân quân, tự vệ, công an viên, lực lượng liên ngành của 4 xã và từ huyện kéo xuống đầm nhà tôi”.
“Tuy nhiên, theo chủ đầm này, khi máy xúc được điều đến để phá đầm, gia đình ông đã huy động gần 50 người ra, quyết làm căng, yêu cầu lập biên bản về việc tại sao phá đầm. “ Biên bản lập xong, có chữ ký đầy đủ của ban ngành. Sau khi lập, lực lượng thực hiện cưỡng chế cũng tự rút lui”. (VNExpress online ngày 16-2-2012)
Qua sự việc trên cho chúng ta thấy được tại huyện Tiên Lãng không chỉ có ba vụ cưỡng chiếm mà còn nhiều nữa, chỉ tội cho những người thấp cổ bé họng không dám chống lại bọn cường hào ác bá như gia đình ông Thảo đã bị thiệt thòi. Những vụ việc này đã xảy ra biết bao lâu rồi làm sao mà chính quyền Hải Phòng không hay biết, hẳn là phải có sự ăn chia. Đây là hậu quả của chính sách “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” hay còn gọi là “sở hữu toàn dân… trá hình”.
Để kết luận bài này tôi xin tóm lược lại bài “Chống người thi hành công vụ” của thông tín viên Định Nguyên đài RFA nói về ông Biện Toại ở Nọc Nạn, Bạc Liêu dưới thời thực dân bị chiếm đất để thấy được cái khác nhau giữa Thực dân và Cộng sản, ai cường hào ác bá hơn ai.
“Biện Toại, người thừa kế 73 ha ruộng do tổ phụ khai khẩn từ trước năm 1900…một Hoa kiều giàu có và nhiều thế lực của đất Bạc Liêu âm mưu chiếm đoạt đất của Biện Toại qua con đường buôn bán gian xảo…
“Ngày 16 tháng 2 năm 1928 máu đã đổ trên cánh đồng Nọc Nạn. Một cuộc chiến không cân sức giữa những lương nông quyết tâm bảo vệ thành quả đổi bằng mồ hôi và nước mắt với lực lượng cướp bóc của bọn Phú Lang Sa cầm quyền. Kết quả, 4 cái chết…Về phía chính quyền có tay cò Tournier chết sau đó một ngày tại bệnh viện Bạc Liêu vì bị Mười Chức đâm…
“Tòa Đại hình Cần Thơ mở phiên xử vào ngày 17-8-1928. Gia đình Biện Toại được hai luật sư người Pháp là Tricon và Zévaco bào chữa miễn phí.
“Công tố viên Moreau trước phiên tòa công bố rằng: “Những người không tình cảm đến giựt đất, rồi bọn quyền thế lại tiếp tay với bọn người sang đoạt”. Công tố viên yêu cầu tòa tha bổng Biện Toại.
“Luật sư Tricon thì cho rằng: “Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ sở này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của tình cảm cao đẹp”.
“Còn luật sư Zévaco thì đề nghị mạnh mẽ hơn: “Đuổi cổ tên (quan) bất lương cấp dưới cũng chưa đủ, phải đuổi những người ở cấp cao hơn mà bấy lâu nay nhà nước đã tin cậy”.
“Cuối cùng Tòa tuyên án: tha bổng Biện Toại (và gia đình)”. (RFA online ngày 24-2-2012)
Trước kia Thực dân Tây như thế, bây giờ Cộng sản ta thì sao?