Vũ Thị Phương Anh - Phải chăng cái “thế lực thù địch” mà Đảng hay nhắc tới, nó chính là sự khao khát hướng về chân lý của mỗi con người, kể cả các đảng viên – dù tất nhiên chưa ai biết chân lý là gì và có bao giờ con người có thể đạt được đến chân lý tuyệt đối hay không. Chính sự khao khát ấy nó làm cho người ta có thể suy nghĩ (và sau đó là hành động) khác đi với những “tín điều” mà người ta đã được truyền dạy...
*
“Sức mạnh của thảo dân” là tựa dịch của một bài nghị luận chính trị (tựa tiếng Anh là “The power of the powerless” mà có người dịch là “Quyền lực của không quyền lực”). Tác giả bài nghị luận này là Vaclav Havel, vị tổng thống của xã hội dân chủ đầu tiên của Tiệp Khắc, vừa qua đời tháng 12/2011 vừa qua. Bài nghị luận này được Havel viết từ năm 1978, và được xem là một bài viết rất quan trọng trong phong trào dân chủ của đất nước này. Có thể tìm đọc bài viết bằng tiếng Anh tại đây: http://vaclavhavel.cz/showtrans.php?cat=eseje&val=2_aj_eseje.html&typ=HTML.
Còn chỉnh đốn Đảng thì hiện đang là một cuộc vận động lớn trong Đảng theo lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi không phải là đảng viên, lại cũng đã rời hệ thống công lập rồi, nên chẳng quan tâm gì mấy, nếu báo chí và các phương tiện truyền thông không đưa tin dày đặc, tới tấp như thế. Toàn là những tít lớn trên trang nhất của các tờ nhật báo lớn của cả nước, nên tôi không thể không liếc qua. Và vì đã đọc qua những thông tin trên báo chí, nên tôi cũng (đâm ra) chia sẻ một số những ưu tư, trăn trở của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, đó là làm sao cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Bởi vì hiện nay theo cơ chế của VN mà mọi người dân đều phải tuân theo dù muốn hay không muốn, đó là VN chỉ có duy nhất một Đảng Cộng sản Việt Nam mới được phép có vai trò lãnh đạo toàn diện và triệt để trên mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa vv của đất nước VN vào đầu thế kỷ 21, thời đại của Internet và của các mạng xã hội với tốc độ thông tin thần tốc này mà thôi.
Vậy chứ tôi chia sẻ những gì, và điều đó thì có liên quan gì đến “sức mạnh của thảo dân” mà tôi đã nhắc đến ở trên? À là như thế này, tôi cảm thấy rất rõ ràng (chẳng biết có đúng không) là các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng ta đang thực sự mong muốn Đảng được chỉnh đốn, tức nói theo kiểu “nôm na là cha mách qué” bình dân như tôi là “gột đi cho sạch hết những nhơ bẩn” của Đảng (ấy chết, tôi nói thế có nghĩa là của những đảng viên xấu ấy ạ, chứ theo đúng quan điểm và đường lối của Nhà nước ta mà tôi luôn quán triệt vì là một công dân tốt thì Đảng làm sao mà xấu được, chỉ có những ĐV làm sai nên Đảng mới bị mất niềm tin từ dân chúng như hiện nay mà thôi).
Sự chân thành của các vị lãnh đạo cấp cao thì đã rõ, tôi nghĩ không cần phải chứng minh, các vị lãnh đạo Đảng – mà lại là Đảng lãnh đạo – thì trước hết phải bảo vệ uy tín của Đảng là đương nhiên rồi. Cũng như các vua chúa thời xưa cần phải bảo vệ vương triều của mình ấy mà, chắc là không ai có thắc mắc gì nếu ai đó nói rằng các vị ấy đã xả thân bảo vệ vương triều của mình phải không, vì đó là lợi ích thiết thân của chính các vị ấy trước. Tôi chỉ thắc mắc là không hiểu các phương pháp đang được đưa ra để “chỉnh đốn Đảng” liệu có hiệu quả hay không, vì tôi thấy chúng chủ yếu vẫn là những phương pháp cũ đã sử dụng từ rất lâu rồi, đó là phê và tự phê, ngay ở trong nội bộ Đảng.
Là một người không phải là ĐV và có lẽ rất ngô nghê về chính trị, tôi trộm nghĩ việc phê và tự phê cũng hơi giống như trong Đạo Thiên chúa có “bí tích” hòa giải với Thiên chúa, tức là tự xét mình rồi đi xưng tội với linh mục, để rồi nhận được sự thứ tha của Chúa và quyết tâm không làm điều xấu nữa. Quả là hay, nhưng... có rất nhiều người Công giáo vẫn cứ có đủ loại trọng tội như thường, vì tất cả mọi việc đều dựa vào tinh thần tự giác, nên nếu không tự giác thì đến linh mục hay cả thượng đế có lẽ cũng phải... bó tay chấm com.
Là một người ngoài đảng (và hẳn là suốt đời vẫn sẽ ngoài Đảng, vì hiện nay tôi đã ở cuối cuộc đời làm việc rồi, mà hình như người ta vào Đảng trước hết cũng chỉ vì công việc, hay nói đúng hơn là sự thăng tiến trong công danh, sự nghiệp mà thôi), tôi cứ băn khoăn mãi về việc, liệu có phải tất cả đảng viên đều tuyệt đối tin vào những “tín lý” của chủ nghĩa cộng sản hay không? Vì tôi nghĩ, lý thuyết của Karl Marx ra đời trong một bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với hiện nay, nên chắc chắn là có nhiều điều cần phải xét lại lắm, và chắc chắn là còn nhiều tranh cãi, như bất kỳ một lý thuyết nào về chính trị - xã hội. Vì vậy, hẳn là có khá nhiều, nếu không nói là toàn bộ, các đảng viên không thực sự tin vào hệ thống lý luận mà họ được trang bị; họ chỉ tuyệt đối trung thành, chấp hành mệnh lệnh của Đảng, của cấp trên mà thôi, dù trong bụng họ có tin hay không tin.
Mà nếu vậy, chẳng lẽ các đảng viên của chúng ta đang không sống thực với những điều mình suy nghĩ? Nếu điều này là đúng, thì quả là một tình trạng đáng lo ngại cho Đảng, vì đây chính là chỗ để cho các “thế lực thù địch” nó tấn công vào đấy, dù nó là ai thì tôi cũng chưa hình dung được. Vì không lẽ một đất nước VN hòa bình, thống nhất, tuyệt đối an toàn không có khủng bố, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng, lại có lắm “thế lực thù địch” đến thế hay sao nhỉ?
Quả thật, cứ nghĩ đến đây là trong đầu (thực ra tôi định nói là trong bụng, nhưng sửa lại vì thấy nếu chỉ suy nghĩ trong bụng thì chắc là không nghĩ được nhiều) tôi lại thấy rối rắm không biết giải quyết ra sao. Nhưng hôm nay thì may quá, tôi lại vớ được bài viết của Havel nói về đất nước ông thời còn chủ nghĩa cộng sản, trong đó có những đoạn rất đáng suy nghĩ và dường như là có liên quan đến những gì tôi đề cập ở đây. Xin trích dưới đây một đoạn có liên quan đến “sống trong sự thực” và “sống trong dối trá”. Các bạn đọc ở dưới đây:
Các cá nhân bị vong thân với chính mình là vì trong họ có một cái gì đó cần phải bị loại ra khiến họ trở thành vong thân. Đối tượng của sự áp bức chính là cuộc sống chân thật của họ. Vì vậy mà “sống trong sự thật” được đan cài trực tiếp vào tấm thảm “sống trong dối trá”. Nó là lựa chọn đã bị đè nén, là mục tiêu thực sự, còn sống trong dối trá chỉ là phản ứng giả tạo thôi. Chính trên cái nền ấy mà sống dối trá mới có ý nghĩa: nó tồn tại chỉ vì có cái nền như thế. Sự bắt rễ đầy đầy chống chế và ảo tưởng của nó trong trật tự của loài người chỉ là phản ứng trước thiên hướng tìm về chân lý của con người mà thôi. Dưới bề mặt có vẻ trật tự của đời sống dối trá luôn ẩn giấu cuộc sống thực với tất cả những mục tiêu chính đáng vẫn còn đang ngủ say, luôn mở lòng để đón nhận chân lí.
Quyền lực chính trị phi thường, mãnh liệt và khó lường trước được của “sống trong sự thật” chính là ở đây: sống một cách thẳng thắn trong sự thật bao giờ cũng có đồng minh, tất nhiên là đồng minh vô hình nhưng mạnh mẽ vô song, đó chính là cái không gian đã bị ẩn giấu ấy. Chính từ không gian này mà cuộc sống cởi mở trong sự thật mới có thể phát triển, tiếng nói của nó là nhắm đến không gian này, và nó tìm được sự cảm thông ở đó. Chỉ có ở nơi này người ta mới có thể mong đợi khả năng có sự giao tiếp thực. Nhưng đây lại là nơi bị giấu kín, và vì vậy, nhìn dưới góc độ quyền lực thì nó rất nguy hiểm. Sự lên men phức tạp ở không gian này diễn ra trong cảnh tranh tối tranh sáng; sau một thời gian nó sẽ xuất hiện giữa thanh thiên bạch nhật với một chuỗi những bất ngờ gây chấn động cho hệ thống, và thường thì lúc ấy mọi việc đã quá muộn, không thể che đậy bằng những biện pháp thông thường được nữa. Chính vì vậy, nó luôn làm cho hệ thống lúng túng, hoảng loạn và buộc phải phản ứng bằng những biện pháp không thích hợp.
Khá là khó đọc, phải không các bạn, lý luận chính trị mà. Tôi chỉ rút ra ở đó có một điều thôi, dù mơ hồ, và nó là như thế này: phải chăng cái “thế lực thù địch” mà Đảng hay nhắc tới, nó chính là sự khao khát hướng về chân lý của mỗi con người, kể cả các đảng viên – dù tất nhiên chưa ai biết chân lý là gì và có bao giờ con người có thể đạt được đến chân lý tuyệt đối hay không. Chính sự khao khát ấy nó làm cho người ta có thể suy nghĩ (và sau đó là hành động) khác đi với những “tín điều” mà người ta đã được truyền dạy. Mà theo Havel thì sự khao khát ấy đã nằm ngay bản chất của mỗi con người rồi, là bản năng cơ bản của loài người, và vì thế thì rất khó, nếu không nói là không thể, loại trừ nó đi. Và nếu thế, nếu những người nghĩ khác – và làm khác – với những gì mà Đảng chỉ đạo (tuyệt đối và toàn diện) đều bị xem là những kẻ chống đối, thù địch, thì cái lực lượng ấy xem ra sẽ đông như quân Nguyên, vì nó có khả năng là toàn bộ tất cả chúng ta – có thể loại trừ một thành phần rất ít ỏi những người cốt cán nhất và “cuồng tín” nhất. Dường như đó cũng là thông điệp mà Havel muốn đưa ra trong bài viết với cái tựa “sức mạnh của thảo dân” đấy.
Quay lại cuộc vận động chỉnh đốn Đảng, chắc hẳn nó sẽ còn lâu dài và vất vả lắm, có thể sẽ mãi kéo dài song song với lịch sử tồn tại của Đảng. Tức là, nếu còn Đảng, thì sẽ còn phải “chỉnh đốn Đảng”. Sẽ rất mệt mỏi, tốn kém, tổn hao sức lực ghê gớm. Mà đó là sự tổn hao sức lực của toàn xã hội, của cả một dân tộc, một đất nước, một thời đại. Vì ở VN ta, Đảng là người đại diện chân chính và duy nhất của toàn dân tộc, là đỉnh cao của mọi thời đại, mà lại.
Là một kẻ ngây ngô về chính trị (như đã nói ở trên), tôi trộm nghĩ rằng, sao Đảng cứ phải nhọc công như thế nhỉ? Cả như tôi, thì tôi cứ làm như thế này, như tôi vẫn đã làm với các con tôi: Thì mình cũng giáo dục, cũng uốn nắn, cũng chỉ dạy, cũng “indoctrinate”, nhưng mà nó thấm vào được đến đâu thì vào. Còn thì cũng phải để cho chúng nó tự nghĩ, tự trải nghiệm, tự chịu hậu quả của những sai lầm của chúng, hoặc hưởng thành quả của những quyết định đúng đắn của mình. Chứ hơi đâu mà tôi can thiệp mãi như thế; phải để cho cây đời mãi mãi xanh tươi được mọc lên chứ nhỉ?