Bùi Hoàng Tám (TranNhuong.com) - Nếu được thông qua, đề án thu Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sẽ đươc coi là… đẹ nhất kỳ phí bởi sự bất hợp lý trong mọi khía cạnh. Nó có thể sẽ lưu lại trong lịch sử vẻ vang nước nhà với cái tên cũng rất… vẻ vang: Phí ông Thăng!
Đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân được Bộ GT-VT trình Chính phủ đang gặp phải rất nhiều ý kiến không đồng thuận của dư luận. Người thì cho rằng mức thu phí như vậy là quá cao so với thu nhập của người dân Việt Nam tại thời điểm hiện nay. Người thì tỏ ra bất bình bởi quá nhiều loại thuế, phí đè lên các phương tiện giao thông cá nhân. Không ít người còn tỏ ý bất bình vì những thất thoát trong quản lý của ngành Giao thông từ trước đến nay giờ dồn lên đầu bắt người dân gánh chịu. Nhiều người còn phân tích khá cặn kẽ sự bất hợp lý, thậm chí bất công giữa người sử dụng phương tiện nhiều và người sử dụng phương tiện ít. Có người còn đặt vấn đề tại sao ùn tắc ở các thành phố lớn mà người dân nông thôn, người dân miền núi cũng phải gánh chịu? Cũng không ít ý kiến yêu cầu phải công khai việc sử dụng các khoản thu đó cho nhân dân được biết và phải có cam kết sau một khoảng thời gian thu tiền cụ thể nào đó, đường phải thông thoáng, nếu không ai sẽ phải chịu trách nhiệm… Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến có tính xây dựng đã gợi mở ra các giải pháp.
Qua ý kiến của đông đảo bạn đọc và theo quan điểm của cá nhân mình, đề án này chắc chắn sẽ được các vị lãnh đạo xem xét rất kỹ bởi mấy lẽ.
Thứ nhất, đây là đề án được xây dựng một cách khá vội vã nên còn nhiều bất hợp lý như đã nêu ở trên. Thứ hai, đề án này chắc chắn sẽ tác động không tốt đến hai chủ trương hàng đầu của Chính phủ hiện nay là kiềm chế lạm phát và phát triển kinh tế. Thứ ba, những người xây dựng đề án đã chạm đến một vấn đề hết sức tế nhị là tâm lý “đánh” vào người giàu!? Câu hỏi đặt ra là những người có ô tô phải chăng đều là những người giàu? Và tại sao lại “đánh” vào họ khi họ làm giàu chính đáng và lương thiện. Cái tư tưởng “bài giàu” tưởng đã chìm lấp mãi mãi vào quá khứ giờ đây sao còn khơi lại?
Thế nhưng điều thư tư, theo mình mới là quan trọng. Đó là tâm lý của quần chúng nhân dân. Bao nhiêu năm nay người dân luôn có một mong ước là đời sống ấm no, hạnh phúc, mỗi cá nhân dần dần được tiếp cận với đời sống vật chất hiện đại. Nhớ lại những năm 70 của thế kỉ trước, Hà Nội được coi là Thành phố xe đạp. Từ khi Đổi mới, đời sống kinh tế khá lên đôi chút, thành phố tràn ngập mô tô, xe máy và Hà Nội trở thành Thành phố xe gắn máy. Gần đây kinh tế phát triển, đã có một số lượng ô tô đáng kể xuất hiện tuy chưa phải là số nhiều. Người dân bước đầu được hưởng cuộc sống văn minh hiện đại. Con số 600 ngàn xe/90 triệu dân chưa phải là tỉ lệ cao, thậm chí thấp, rất thấp so với các nước tiên tiến nhưng cũng là điều đáng phấn khởi. Tuy kinh tế thế giới những năm qua gặp rất nhiều khó khăn nhưng điều đáng mừng là kinh tế Việt Nam, dù lạm phát vẫn ở mức cao nhưng kinh tế cả nước vẫn không ngừng tăng trưởng. Đây cũng là một thành công rất đáng ghi nhận từ Chính phủ. Vì vậy, tâm lý người dân dẫu đôi lúc còn băn khoăn nhưng nhìn chung đều hào hứng, phấn khởi. Hà Nội – TP. HCM và các thành phố lớn đang ngày càng xuất hiện nhiều ô tô. Các vùng sâu, vùng xa lượng xe máy tăng lên từng ngày, đang làm thay đổi diện mạo cả nước. Vì vậy, đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân không chỉ tạo sự bất công giữa người đi nhiều, người đi ít, vùng nông thôn với thành phố lớn; ảnh hưởng đến chủ trương lớn là kiềm chế lạm phát và phát triển kinh tế; khơi lại tư duy “bài giàu” mà còn như dội nước lạnh vào niềm vui chớm nở ở một đất nước đang phát triển.
Bùi Hoàng Tám