Đỗ Thị Minh Hạnh: Sinh nhật trong tù - Dân Làm Báo

Đỗ Thị Minh Hạnh: Sinh nhật trong tù


Ngô-an (Danlambao) Hôm nay - ngày 13 tháng 3 - sẽ là một ngày rất bình thường nếu tôi không biết Hạnh. Tôi còn nợ cô bé ấy nhiều lắm. Có nhiều điều còn nhớ mãi, có những chuyện sẽ không thể nào quên. Thế nhưng, Hạnh vào tù đã được 3 năm, tôi chưa bao giờ viết được một bài trọn vẹn cho em. Có lẽ, tình càm tôi dành cho Hạnh đã bão hòa, đã đầy ắp để mỗi con chữ về Hạnh cũng là thừa. Có lẽ, tôi nhìn thấy sự thừa thãi trong những dòng chữ của mình vì đã có nhiều người viết về Hạnh mặc dù họ chưa được gặp em một lần. Mặc dù họ chưa được một lần nghe Hạnh hát, những bài hát do em tự đặt lời, giọng tự nhiên, trong sáng, không chải chuốt. Nhưng, quả thật, những dòng chữ họ dành cho Hạnh thật ấm áp, thật nghĩa tình như đã quen Hạnh từ lâu.

Như một Nguyệt Quỳnh đã dành cho Hạnh một chỗ đứng thật đẹp trong lòng dân tộc: "tôi nhìn thấy tuổi trẻ đang vịn vai Hạnh đứng dậy, dân tộc tôi đang cần vịn vai em để bước đi cùng nhân loại" (1)

Như một Bác 8 Bến Tre đã dành cho Hạnh một phần trang trọng trong lịch sử: "Giai đoạn hậu Cộng sản ở nước ta, lịch sử sẽ được chép lại để vinh danh các anh thư hào kiệt Việt nam, trong đó chắc chắn có tên Đỗ thị Minh Hạnh" (2).

Như một Vũ Đông Hà, chưa gặp Hạnh bao giờ những ông cũng đã viết về Hạnh bằng những ngôn từ chuẩn xác về một cô gái bình dị, nhưng không bình thường ở xã hội hôm nay: "Hạnh đã cùng với Hùng lên đường, phẫn nộ nhưng không hận thù, hiền hòa nhưng dũng cảm, chông gai nhưng không khiếp nhược, thất bại nhưng không sờn lòng" (3) 

Quả thế, trong một xã hội mà tầm nhắm của mọi người chỉ ngừng lại ở tất cả những cụm từ có chữ "khủng" và "siêu" đi cùng thì có lẽ Hạnh là người không bình thường khi can đảm từ bỏ tuổi 20 để dấn thân cho lý tưởng của mình. Có lẽ Hạnh đã không bình thường khi dám dứt khoát từ bỏ cuộc sống ấm êm bên cạnh người Mẹ và Cha yêu thương em hết lòng để lên đường đi vào một xã hội đã bị đời bỏ quên, để cuối con đường đó là một nhà tù giam lại tuổi thanh xuân, nhốt chặt bao nhiêu hoài bão của em. 

Bỏ gia đình ra đi, Hạnh sống tự lập để có thể giúp đỡ cho dân oan, cho người lao động mà không phải liên lụy đến Ba Mẹ bởi những hoạt động của mình. Ngay cả trong tù, Hạnh cũng chỉ nghĩ đến người khác: nhờ gửi quà cho Hùng, cho Chương trong ngày sinh nhật. Thăm hỏi bác Giang, bác Truyển, papy Liêm. Nhịn ăn sáng để mua mì gói cho một cặp vợ chồng già không có người thăm nuôi trong tù, xin những xuất công quả của Mẹ để cho hai anh em đang bị giam cùng trại, nhường thuốc của mình cho người tù khác v.v... Có lẽ cuộc đời của Hạnh chỉ nghĩ đến người khác, chỉ sống vì người khác. Viết đến đây tôi tưởng chừng như ngửi lại mùi dầu khuynh diệp một buổi chiều ở ML. Hạnh ơi, có nhớ không? 

Những ai đã có lần biết Hạnh, có lẽ sẽ nhớ mãi đôi mắt long lanh sáng của em chứa cả một bầu tâm huyết, Hạnh tin ở con người, cuộc sống, Hạnh tin mãnh liệt ở lý tưởng và điểm đến trên con đường chông gai mà em đã chọn. Bởi đó là hoài bão của em. Hoài bão của Hạnh không phải là một người chồng giàu, một căn nhà đẹp mà là một cuộc sống công bằng, cơm no cho người nghèo, áo ấm cho kẻ không nhà. Và em đã chọn một lối đi riêng cho mình - không giống những cô gái đồng trang lứa - để thực hiện hoài bão đó. 

"Con đã bán cái xe honda và xin tiền của Mẹ để đi Thái Lan" Hạnh kể và cười rất tự nhiên. Nhưng không ai biết đó là cái vốn liếng cuối cùng của cô để có thể gặp Hùng, lúc đó Hùng đã sang Thái Lan trước. Không ai biết cô đã phận gái một mình đi qua nhiều chặng đường, qua nhiều ngõ gian nan để gặp những người lao động. Không ai biết những vũng lầy đất đỏ cô đã trải qua trên Bauxit Tây Nguyên, những buổi cơm hẩm với công nhân Trà Vinh. Và còn nhiều điều không ai biết được về sự can đảm đến độ gan lì của cô bé này. Tất cả cũng chỉ vì điều mà cô vẫn ước ao, điều mà cô vẫn la to ngay cả trước mặt quan tòa trong tòa án ở Trà Vinh, đó là: "tôi chỉ muốn thực hiện hoài bão của mình"

Ngay cả trong tù, Hạnh vẫn luôn lạc quan với niềm tin trong sáng vào chân lý, công bằng và sống với những "hoài bão" mà em ấp ủ: 


Hạnh thích hát, những bản nhạc do Hạnh tự sáng tác lời, tiếng hát tự nhiên, không gọt giũa, trong sáng vút cao. Hạnh có thể ca bất cứ lúc nào: hát bên vỉa hè cho bạn bè; hát trong trại tù những lời gửi gấm đến công an, quản giáo (với những lời Hạnh tự sáng tác mà một "bạn tù dân chủ" nhốt chung với Hạnh cũng phải suỵt khẻ), hát trên đường đi đến tòa án, tiếng hát vươn lên trên mọi sự sợ hãi đã làm Hùng và Chương cũng cất tiếng hát theo và đã khiến công an phải bịt miệng Hạnh lại. Tấm ảnh bịt miệng cha Lý đã vượt đại dương để đến thế giới tự do, rất tiếc chúng ta thiếu một tấm hình "không ai ngăn nỗi lời ca" của Hạnh.

Hôm nay, sẽ là một ngày rất bình thường nếu tôi không biết Hạnh. 27 tuổi, 3 lần sinh nhật trong tù. Hạnh chọn con đường vượt lên tất cả những mơ ước đời thường, nhưng có lẽ đâu đấy Hạnh cũng ao ước một mái ấm gia đình khi em đọc trong mắt Ba Mẹ nỗi mong đợi đó. Mong cho con mình có một đời sống như mọi đời sống bình thường khác: một tấm chồng, một mái nhà, những tiếng cười trẻ thơ. Có lẽ, em chưa đáp lại được sự mong đợi của Ba Mẹ, nhưng tình yêu thương em dành cho Ba Mẹ thật tràn đầy. Tình yêu thương mà em đã gửi gấm qua những nét chữ kẻ dòng gửi từ trại tù Bình Thuận: 


Trong tù, một lần bị biệt giam, Hạnh suýt chết khi bồn nước trong nhà giam bị bể, Hạnh bị nước cuốn trôi đi. Bị giam chung với bệnh nhân HIV trong khi thân thể bị ghẻ lở. Bị bịt miệng, bị trói tay chân và đánh, thế nhưng Hạnh vẫn không chịu gọi công an trại giam là cán bộ và vẫn rất nhiều lần viết vào tờ tự khai bằng những dòng chữ to: TÔI KHÔNG CÓ TỘI! 

Can cường như thế, cứng rắn là thế, nhưng Hạnh vẫn là một phụ nữ với tất cả những thường tình nhi nữ, Hạnh vẫn có những mơ ước bình dị là được cuộn tròn trong hạnh phúc của Ba Mẹ: 


Hôm nay, em, người con gái sinh ra lầm thế kỷ đã tròn 3 tuổi tù, 27 tuổi đời. Những hoài bão chưa trọn, những giấc mơ còn dang dở sau chấn song tù. Tôi sẽ tặng em gì đây để đôi mắt em mãi sáng, để nụ cười em mãi tươi bên cạnh những buổi cơm tù? 

Hôm nay, ngày 13/3, sinh nhật Hạnh, tôi sẽ không tặng em một bó hoa vì hoa không thể nở trong chốn lao tù. Mượn lời của nhà thơ Trần Trung Đạo, tôi muốn tặng em niềm hy vọng ở một ngày hội lớn của dân tộc. Ngày đó sẽ có Ba Mẹ và mọi người yêu thương em, ôm em trong vòng tay với những hoài bão đã vung đầy:

Giữa quê người còn một bài thơ
Viết cho em bằng những dòng hy vọng
Đừng gục xuống, đừng than thân trách phận
Hãy mỉm cười như một chuyến đi xa
Mẹ sẽ chờ em dù năm tháng trôi qua
Sông núi chờ em trong ngày hội lớn (4) 

Thay một bó hoa cho ngày sinh nhật trong tù của Hạnh 



13/3/2012 


___________________________________

Chú thích:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo