Bùi Tín (VOA) - Sẽ vẫn là như hồi «quyết tâm» phòng chống tham nhũng, cả Bộ Chính trị và ông thủ tướng đều thề thốt «sẽ quyết liệt ra tay, không khoan nhượng, đẩy lùi kẻ thù nội xâm này», nhưng rồi tham nhũng vẫn hoành hành táo tợn hơn, rộng khắp hơn, lộng hành ở cả Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ… mà kẻ tội phạm đã rõ đích danh và hành vi phạm pháp vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tổng bí thư có ý kiến ra sao? Bộ Chính trị có thái độ thế nào? Ban Kiểm tra trung ương, toà án, thanh tra đã làm gì? Bao giờ mới giải quyết để trả lời cho các nước liên quan?...
*
Bộ Chính trị đang triệu tập một cuộc họp rất đặc biệt. Như một mini đại hội đảng. Hội nghị có hơn 1000 người tham gia, toàn là cán bộ đảng đương tại chức, gồm toàn thể ủy viên Ban chấp hành trung ương khóa XI, Ban bí thư, Bộ Chính trị, Uỷ ban kiểm tra trung ương, cán bộ chủ chốt ở cơ quan trung ương, trong chính phủ, trong Quốc hội cũng như của 63 tỉnh thành trong toàn quốc.
Chương trình nghị sự chỉ có một vấn đề cấp bách cực kỳ hệ trọng là ngăn chặn đà suy thoái của đảng CS, khôi phục đạo đức cách mạng và lối sống lành mạnh, nhằm tránh nguy cơ sụp đổ của chế độ.
Những người đã và sẽ đăng đàn tại cuộc hội nghị này là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, trưởng ban Tổ chức trung ương Tô Huy Rứa, trưởng ban Kiểm tra trung ương Ngô Văn Dụ và trưởng ban Tuyên huấn trung ương Đinh Thế Huynh.
Theo nghị quyết của cuộc Hội nghị trung ương lần thứ 4 vừa qua về vấn đề trên đây, xem ra biện pháp để chấn chỉnh tình hình không có gì mới, vẫn là đường mòn xưa nay thiếu hiệu quả. Vẫn là thực hiện tự phê bình và phê bình, từ trên xuống và từ dưới lên, vẫn là giúp nhau tu dưỡng và rèn luyện, là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, là thực hiện nghiêm kỷ luật và pháp luật, là tiếp thu ý kiến của quần chúng…
Tất cả những cán bộ theo dõi tình hình được hỏi ý kiến như luật sư lão thành Trần Lâm, như ông Nguyễn Thanh Giang… đều cho rằng hội nghị này khó có tác dụng chấn chỉnh tình hình, rằng vẫn là «đánh trống bỏ dùi», «giơ cao đánh khẽ », nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận hơn là làm chuyển biến thật sự tình hình.
Sẽ vẫn là như hồi «quyết tâm» phòng chống tham nhũng, cả Bộ Chính trị và ông thủ tướng đều thề thốt «sẽ quyết liệt ra tay, không khoan nhượng, đẩy lùi kẻ thù nội xâm này», nhưng rồi tham nhũng vẫn hoành hành táo tợn hơn, rộng khắp hơn, lộng hành ở cả Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ… mà kẻ tội phạm đã rõ đích danh và hành vi phạm pháp vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tổng bí thư có ý kiến ra sao? Bộ Chính trị có thái độ thế nào? Ban Kiểm tra trung ương, toà án, thanh tra đã làm gì? Bao giờ mới giải quyết để trả lời cho các nước liên quan?
Rồi việc kê khai tài sản của cán bộ lúc đầu có vẻ nghiêm cách với đủ thứ quy định, nhưng có ai thực hiện đâu, dưới nhìn lên trên, noi gương trên, thế là hòa cả làng, mọi người đều bất động. Chuyện nhà nước mà cứ như là chuyện đùa.
Thật ra còn có một vấn đề còn quan trọng hơn, sinh tử hơn cho đảng CS và chế độ so với vấn đề suy thoái tệ hại về đạo đức, nhân cách, lối sống của đảng viên, đó là đường lối chính trị cực kỳ sai lầm được Đại hội XI thông qua, đó là «kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin», «kiên định chủ nghĩa xã hội», «kiên định chế độ độc đảng » và «kiên định quốc doanh là chủ đạo nền kinh tế»; nghĩa là kiên định những thứ mà nhân loại đã vứt bỏ từ lâu. Chính đường lối sai lầm, cổ hủ ấy là nguyên nhân trực tiếp làm cho chế độ pháp quyền không sao có tác dụng kiềm chế, răn đe, thúc đẩy sự suy thoái đạo đức, khuyến khích tệ tham ô hoành hành không hạn độ, gây bất công xã hội ở khắp nơi, nạn cướp đất của nông dân diễn ra rộng khắp, có đến hàng trăm, hàng ngàn vụ Tiên Lãng.
Xưa kia nông dân còn quý trọng lời hứa công - nông liên minh. Họ gọi đảng CS là «đảng ta», nay họ gọi đảng CS là «bọn họ», là «bọn cường hào mới».
Hội nghị quan trọng hiện nay cần lắng nghe ý kiến của biết bao trí thức yêu nước, đó là nhất thiết phải đổi mới hệ thống cầm quyền, từ độc đoán sang dân chủ, từ độc đảng sang đa đảng trong trật tự, sang một chế độ pháp quyền nghiêm minh, trên cơ sở vững chắc như thế mà xây dựng đạo đức làm người và lối sống trong sạch, lành mạnh, thanh liêm, thanh bạch, theo truyền thống dân tộc coi trọng nghĩa tình, tránh xa bả vật chất bất chính.