'Tôi chịu trách nhiệm khi nói thủy điện Sông Tranh 2 an toàn' - Dân Làm Báo

'Tôi chịu trách nhiệm khi nói thủy điện Sông Tranh 2 an toàn'


Hoàng Lan Trong cuộc họp báo chiều 28/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, chắc chắn không xảy ra sự cố nào làm nguy hại tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ lưu sông Tranh 2.
- Các chuyên gia cho rằng, tuyệt đối không cho phép nước từ lòng hồ rò rỉ qua khe nhiệt của thân đập, còn theo EVN, nước chảy ra từ khe tản nhiệt là bình thường. Bộ Công Thương nhận định thế nào về mâu thuẫn này? 

- Phải khẳng định việc thấm nước từ hồ chứa ra mặt đập là không được phép theo thiết kế. Nước thấm qua thân đập ở mức khoảng 30 lít mỗi giây. Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã chỉ đạo nhà máy triển khai các biện pháp để hạn chế việc rò rỉ nước. Hiện nước thoát ra đã được hạn chế tối đa. Tôi cho rằng, các giải pháp thực hiện vừa qua đã tỏ ra hữu hiệu. Qua kiểm tra công trường, chưa phát hiện các vết nứt khác ngoài thân đập khi quan sát bên trong và bên ngoài. Không thấy các vết nước bên trong khe nhiệt ở trong thân đập. 

Tất nhiên, nếu tiếp tục để nước chảy về hạ lưu như vừa qua, về lâu dài sẽ ảnh hưởng độ bền của bê tông, làm nới rộng khe nhiệt. Vì vậy, chúng tôi đang rất khẩn trương khắc phục để dòng thấm chảy về hành lang thoát nước chứ không về hạ lưu. Sau khi triển khai các biện pháp chống thấm, Bộ Công Thương sẽ tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá toàn diện về tình trạng đập sông Tranh 2, đảm bảo công trình vận hành đúng thiết kế. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: 
"Chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về tuyên bố của mình. Ảnh: Hoàng Lan

- Vậy đến bao giờ, EVN sẽ xử lý xong hiện tượng thấm nước? 

- Dự kiến hết tháng 3, các đơn vị sẽ xử lý chấm dứt triệt để tình trạng thấm nước qua các khe nhiệt của đập ra hạ lưu. Thời hạn muộn nhất là sẽ cố gắng hoàn thành trước 15/4. Chúng tôi sẽ quyết tâm hoàn thành các giải pháp xử lý thấm tổng thể nhằm giảm lưu lượng lượng thấm về nhỏ nhất có thể, chắc chắn sẽ xong trước mùa lũ 2012. 

- Thấm nước thủy điện sông Tranh phát hiện từ tháng 2 nhưng không khắc phục ngay và để xảy ra hiện tượng như hiện nay. Vậy theo ông, trách nhiệm này thuộc về ai? 

- Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban quản lý dự án thủy điện 3 trực tiếp quản lý. Tôi cho rằng, một nhà máy chất lượng tốt hay không, đầu tiên phải nói tới chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi có hiện tượng bất thường xảy ra, phải nghiên cứu nguyên nhân tại sao, trên cơ sở đó mới đưa ra giải pháp khắc phục. Tất nhiên, việc rò rỉ có nguyên nhân của nó. Kết luận vừa qua cho thấy tắc đường ống thu nước. Lý do tắc do việc xử lý của nhà máy không đúng quy trình, không đúng thiết kế, chưa được thông qua. Chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan và cá nhân. 

- EVN liên tục khẳng định công trình vẫn an toàn, nhưng UBND tỉnh Quảng Nam vẫn lo lắng vì "các nhà khoa học nói khác". Vậy Bộ Công Thương làm thế nào để người dân tin tưởng? 

- Qua giám sát tại công trường, ngoài các khe nhiệt, chưa phát hiện các vết nứt trên thân đập kể cả khi quan sát bên ngoài hay từ phía trong. Điều này cho phép khẳng định rằng, đập thủy điện sông Tranh 2 vẫn an toàn, ổn định. Chắc chắn không xảy ra sự cố nào làm nguy hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân sống ở vùng hạ lưu sông Tranh. Khi đã khẳng định đập sẽ an toàn, ổn định, chúng tôi chịu trách nhiệm về tuyên bố này của mình. Điều này cũng không có nghĩa, là chúng tôi chủ quan. Các giải pháp khắc phục đang được triển khai rất tích cực. 

Khi xây dựng một công trình, trong mọi trường hợp, chúng tôi đều nói phải đảm bảo độ an toàn cao nhất theo quy định. Tất nhiên, đòi hỏi đảm bảo độ an toàn tuyệt đối thì không ai dám nói. Việc này cũng giống như xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Khi xây dựng điện hạt nhân, không ai dám nói là đảm bảo an toàn tuyệt đối cả. 

Trước đây, tình trạng thấm nước đã xảy ra ở thủy điện Plei krong. Khi đó, đập này đã bị thấm nước với lưu lượng 25lít mỗi giây, là tương đối lớn so với cho phép của thiết kế. Chủ đầu tư, nhà thầu đã xử lý bằng khoan bê tông. Sau một mùa lũ, lưu lượng nước htấm vào hành lang đập Pleikrong giảm chỉ còn có 3 lít mỗi giây, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Cho đến nay, đập đang vận hành an toàn và ổn định. 

- Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận nguyên nhân tiếng nổ trong lòng đất là động đất kích thích do hoạt động hồ chứa tích nước thủy điện Sông Tranh 2. Vậy trước khi xây dựng công trình, Bộ Công Thương xét hệ thống trắc địa thế nào? 

- Việt Nam đã xây dựng 14 đập bê tông đầm lăn. Về nguyên tắc, tất cả các dự án thủy điện của Việt Nam đều có phương án phòng chống thiên tai, bão lũ, động đất. Thủy điện Hòa Bình đã xảy ra động đất kích thích năm 1983 với cường độ 5,5 richter. Sông Tranh 2 có động đất 3,3 độ richter. Hiện tượng xảy ra động đất kích thích trong quá trình hồ chứa tích nước là bình thường và sẽ giảm dần trong vòng 5 năm. Mặt khác, công trình thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế với động đất cấp VII, tương đương 5,5 độ richter nên các đợt động đất kích thích cuối năm 2011 không ảnh hưởng đến độ an toàn đập.

Ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1, đơn vị tư vấn thiết kế Thủy điện Sông Tranh 2, khẳng định, rung trọng khi nghiệm thu công trình là 2,45 tấn/m3, vượt chỉ tiêu thiết kế nên trọng lượng đập rất an toàn. Tuy nhiên, khiếm khuyết là nước thấm hơi lớn. Sông Tranh 2 chưa ở trong giai đoạn nghiệm thu cuối cùng mà đang ở giai đoạn tích nước. Ông Sơn khẳng định, nếu không đảm bảo an toàn thì không ai cho vận hành đập. "Kết cấu các khe nhiệt có khiếm khuyết và việc khắc phục làm chưa bài bản, dẫn đến hiện tượng phun nước, gây phản cảm trong dư luận", ông Sơn thẳng thắn.

Cũng theo ông Sơn, lưu lượng nước thấm 30 lít mỗi giây là không bình thường, vì nó tập trung ở 4 khe nhiệt. "Giờ phải tập trung xử lý tốt 4 khe nhiệt này, sẽ phải mất một vài tháng. Tuy nhiên, việc xử lý không ảnh hưởng tới ổn định của đập", ông Sơn nói.

Trong khi đó, ông Đoàn Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thì chia sẻ: "Nhân dân quảng Nam, chính quyền Quảng Nam vẫn còn nhiều lo lắng, nhất là các việc liên quan vừa qua như động đất rồi lại thấm nước. Lo lắng của người dân là đúng vì nó liên quan tới khoa học".

Theo ông Thu, các chuyên gia, nhà khoa học và EVN chưa có sự thống nhất. "Hôm nay ngồi đây, chúng ta nói thế này, nhưng các nhà khoa học lại nói khác", ông Thu băn khoăn.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, cần sớm có đánh giá chính thức bằng văn bản của cơ quan chịu trách nhiệm về việc này để tỉnh Quảng Nam tuyên truyền cho nhân dân hiểu vấn đề. "Cần có đánh giá một cách tổng thể lại, xem xét lại toàn bộ công trình đập sông Tranh 2 để có một giải pháp căn cơ hơn, xử lý các tình huống liên quan, trong đó có vấn đề động đất, làm sao đảm bảo công trình an toàn chắc chắn", ông Thu nói.

Hoàng Lan

http://www.baomoi.com/Home/DauTu-QuyHoach/vnexpress.net/Toi-chiu-trach-nhiem-khi-noi-thuy-dien-Song-Tranh-2-an-toan/8163523.epi

*

Bộ Công thương họp báo về thủy điện Sông Tranh 2: 

"Bêtông có khuyết tật, nhưng công trình vẫn… an toàn"

Cầm Văn Kình (TTO) - Chiều muộn hôm nay 28-3, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và EVN đã họp báo về việc thấm nước tại đập của Công trình thủy điện Sông Tranh 2. Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định đập vẫn an toàn… 

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo, nhiều quan chức công nhận việc nước thấm qua các khe nhiệt ra hạ lưu là không được phép, bêtông có khuyết tật...

Khẳng định không cần di dời dân! 

Theo Bộ Công thương, hồ chứa Sông Tranh có dung tích 729,2 triệu m3, chiều cao đập 96m, chiều rộng đỉnh đập 8m và chân đập rộng 75m. 

Qua đánh giá của các chuyên gia và kết quả kiểm tra khảo sát ban đầu, Bộ Công Thương chính thức nhận định nguyên nhân thấm qua đập và rò rỉ nước ra phía hạ lưu do các nguyên nhân: 

- Thấm qua kết cấu chống thấm tại khe nhiệt phía thượng lưu đập (khóa Omega) và một số vị trí khác. 

- Biện pháp khoan phụt chống thấm cục bộ trong hành lang chưa phù hợp đã làm tắc dòng nước chảy vào hành lang thu nước dẫn đến làm tăng lượng thấm về hạ lưu… 

Trả lời trực tiếp phóng viên, ông Lê Quang Hùng, cục trưởng Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, công nhận “tất nhiên bêtông phải có khuyết tật nước mới rò”. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng có nhiều kiểu khuyết tật và nên bình tĩnh xem xét, nếu chỉ thấm qua khe nhiệt thì không đặt ra phải khoan lại bêtông lấy mẫu. Tùy tình hình, nếu cần thiết mới làm điều này. Còn đập có nguy hiểm, phải di dời dân không, ông Hùng khẳng định là “không”! 

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết đến nay, lượng nước chảy về hạ lưu chỉ còn 7-8lit/giây, giảm rất đáng kể so với người dân thấy trên truyền hình mấy ngày trước. Ông Vượng tái khẳng định chưa phát hiện vết nứt trên thân đập. “Với lưu lượng nước đo được và quan trắc cho phép khẳng định đập tới thời điểm này vẫn an toàn, ổn định. Chắc chắn sẽ không xảy ra sự cố nào có thể làm nguy hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân ở hạ du” - ông Vượng cam kết. 

Nhưng đúng là...không được phép thấm 

Việc để nước thấm qua các khe nhiệt ra hạ lưu, theo báo cáo của Bộ Công thương, đúng là không được phép. Xử lý triệt để vấn đề này cần có thời gian và tiến hành từng bước, đảm bảo việc xử lý thấm có hiệu quả, đúng nguyên nhân gây thấm. Tuy nhiên, Bộ Công thương công nhận không vì thế mà được phép kéo dài, phải tập trung xử lý trong thời hạn ngắn nhất để đảm bảo an toàn đập ngay trước mùa mưa lũ năm 2012. 

Về trách nhiệm, theo ông Vượng, chất lượng nhà máy thủy điện không tốt, nếu truy trách nhiệm thì đầu tiên là chủ đầu tư EVN. “Nhưng hiện nay khi có bất thường xảy ra, phải xem nguyên nhân, từ đó có giải pháp. Tùy mức độ bất thường sẽ làm rõ trách nhiệm các bên, cá nhân liên quan” - ông Vượng nói. 

Ông Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết thêm trước đây thủy điện PleiKrong ở Kon Tum cũng đã xảy ra hiện tượng như Thủy điện Sông Tranh 2 nhưng đã khắc phục xong. 

Tình đề nghị có văn bản giải thích cho dân 

Sau phần trả lời của các bộ ngành, Phó chủ tịch UBND Quảng Nam Đinh Văn Thu nói có tin tưởng nhưng cho rằng người dân, chính quyền Quảng Nam vẫn… lo lắng. Ông Thu đề nghị phải có văn bản chính thức để giải thích cho dân. Tuy nhiên, ông Vượng lại cho rằng đã đủ văn bản chính thức rồi, UBND Quảng Nam đã hoàn toàn có thể giải thích cho dân… 

Vấn đề ảnh hưởng của động đất kích thích tới đập, Bộ Công thương cũng khẳng định hiện tượng xảy ra động đất kích thích trong quá trình hồ chứa tích nước là bình thường và sẽ giảm dần trong vòng 5 năm. Mặt khác, công trình thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế với động đất cấp VII (MSK-64) tương đương 5,5 độ richte nên các đợt động đất kích thích cuối năm 2011 không ảnh hưởng đến độ an toàn đập. Tuy nhiên, Bộ Công thương vẫn yêu cầu EVN phối hợp chặt chẽ với Viện Vật lý địa cầu và các cơ quan chức năng liên quan giám sát, theo dõi các diễn biến về động đất kích thích khu vực lòng hồ Sông Tranh 2 để cập nhật số liệu đánh giá sự làm việc ổn định của đập. 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới Bộ Công thương cho biết sẽ cùng Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng cử đoàn giám sát việc xử lý thấm của EVN. 

Cầm Văn Kình

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/484412/Betong-co-khuyet-tat-nhung-cong-trinh-van%E2%80%A6-an-toan.html


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo