Thái Bá Tân - Năm bốn mươi mốt thế kỷ trước, hắn sung lính để tránh khỏi chết đói, mà lại sung lính cho phe Trục Phát Xít. Ba năm sau hắn bị quân Pháp bắt làm tù binh. Chiến tranh kết thúc, cũng vì miếng ăn, thay cho việc trở về quê hương, hắn tình nguyện làm lính lê-dương sang Việt Nam.
Vừa chân ướt chân ráo đến mảnh đất nhiệt đới này, hắn bị tống vào chiến trường Khu Năm và chẳng bao lâu sau bị Việt Minh bắt trong một trận càn. Ở với Việt Minh, lúc đầu hắn sợ, sau quen dần và cuối cùng thì thấy thích. Thích những con người nhỏ bé, hiền lành. Thích cái không khí yên ả ở căn cứ. Thích cái tiếng Việt kỳ lạ nhưng hay hay mà hắn học rất tấn tới. Rồi hắn quyết định ở lại với họ, chiến đấu trong hàng ngũ của họ. Trước kia cũng như lúc này, hắn chẳng bao giờ có khái niệm chính nghĩa hay phi nghĩa. Lý tưởng lại càng không. Hắn nghĩ đơn giản đã cầm súng thì phải bắn, bắn thật mạnh vào phía bên kia, nếu không sẽ bị bắn lại và tiêu diệt.
Như những anh phổi bò khác, hắn chiến đấu dũng cảm, nhiều lần lập chiến công, được đề bạt làm tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Rồi người ta bảo hắn vào Đảng. Hắn hỏi: Đảng là gì? Người ta bảo thế này, thế này. Thế là hắn thành đảng viên, chẳng hiểu và cũng chẳng mấy quan tâm đến lý tưởng của nó.
Năm năm mươi tư, chiến tranh kết thúc, hắn cùng đơn vị tập kết ra Bắc. Khác với những người cùng cảnh ngộ, hắn không về nước mà ở lại Việt Nam, sống và làm việc như một người Việt Nam bình thường.
Ở Hà Nội, hắn hay lui tới Khâm Thiên, phố ả đào nổi tiếng trước giải phóng. Một hôm, mặt ngời ngời hạnh phúc, hắn báo với bạn bè hắn sắp lấy vợ, lấy một cô đào hát ở đấy. Thời đó đào hát cũng na ná như đĩ điếm bây giờ. Trong khi lặng lẽ chuẩn bị cho lễ cưới của mình, hắn không biết người ta đang điều tra nhân thân cô vợ tương lai của hắn. Cuối cùng, hắn được ông bí thư đảng bộ xí nghiệp nơi hắn đang làm việc mời lên gặp.
“Đồng chí không được lấy cô L. làm vợ!” ông này nói.
“Vì sao?” hắn hỏi.
“Vì đồng chí là đảng viên...”
“Thì sao?”
“Quy định của đảng không cho phép đảng viên kết hôn với những người thuộc tầng lớp không tương xứng. Trong trường hợp của đồng chí là lấy đĩ điếm”.
Dẫu đã Việt hóa khá nhiều, nhưng chất bộc trực của người Âu vẫn còn, hắn phải vất vả lắm mới không đấm và mặt ông kia vì sự xúc phạm ghê gớm ấy. “Đ. m. cái quy định của mày!” hắn nghĩ. Hắn cũng rất giỏi chửi thề những lúc tức giận.
“Nhưng bây giờ chế độ mới, cô ấy không hành nghề nữa, nếu trước kia cô ấy từng làm nghề này”.
“Không được.”
“Thì tôi cưới, coi như cứu cô ấy khỏi bùn nhơ...”
“Không được.”
“Vậy tôi phải ra khỏi đảng mới được lấy cô ấy?”
“Cũng không được”.
“Vì sao?”
“Vì cán bộ nhà nước không được lấy người ngoài biên chế”.
Đấy là một cú đòn rất mạnh đánh vào hắn, một người đang yêu và quyết tâm bảo vê tình yêu của mình. Đầu óc chậm chạp của hắn không thể nào hiểu nổi vì sao lại có những qui định kỳ cục như thế.
Một tuần sau, hắn trả thẻ đảng và bỏ việc. Ba tháng sau nữa, hắn đưa “con đĩ” của mình về nước.
*
Nhiều năm đã trôi qua kể từ ngày ấy. Thỉnh thoảng báo chí trong nước lại có bài viết về hắn, một chiến sĩ quốc tế trung kiên, tình nguyện tham gia cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc. Hắn được tặng huân, huy chương, được lãnh đạo nhà nước tiếp và mời sang Việt Nam tham dự các dịp lễ long trọng.
Tôi, tác giả truyện này, cũng nhờ những bài báo ấy mới biết đến hắn, từ giờ xin được gọi là ông. Năm 1994, nhân một chuyến công tác, tôi cất công tìm đến nhà ông tận châu Âu xa xôi. Ông sống trong một chung cư cao tầng. Tôi đứng phía dưới, bấm chuông chờ gần ba mươi phút không thấy ai xuống đưa lên nên đành bỏ đi. Mấy tháng sau, gặp ông trong một khách sạn nhỏ ở phố Mai Hắc Đế, ông bảo tôi lúc ấy khi xuống đến nơi thì không thấy ai nữa. Chả là ông đã già, chân lại đau nên đi đứng chậm chạp.
Chuyện trò với nhau cả buổi trong khách sạn, ông đã kể tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình.
“Vợ tôi là một người đàn bà tuyệt vời!” Ông nói khi nhớ lại chuyện vợ chồng ông phải vất vả thế nào những ngày đầu về nước. “Bà ấy không hé răng kêu ca một lời. Một sự chịu đựng nhẫn nhục và dịu dàng tôi nghĩ chỉ phụ nữ Việt Nam mới có. Nhờ bà ấy mà cả khu phố chúng tôi ai cũng yêu quí Việt Nam!”
Ông cũng hào hứng kể lại những kỷ niệm xưa. Tôi chăm chú lắng nghe, thầm xấu hổ nghĩ mình người Việt mà có lẽ không yêu đất nước mình bằng ông già người Tây này.
“Nếu phải làm lại từ đầu, tôi vẫn sẽ làm như mình đã làm!” ông nói chắc như đinh đóng cột khi chia tay tôi.
“Tiếc lần này bà nhà tôi không thể về cùng. Một người đàn bà tuyệt vời! Thế mà người ta nhất quyết không cho tôi lấy bà ấy! Kỳ thật.” Rồi ông quay sang hỏi tôi: “Ông, người Việt, ông có hiểu nổi không?”
“Không,” tôi đáp. “Cái nước mình nó thế! Và cả nhiều điều khác nữa.”
Ông thở dài:
“Ừ, cái nước mình nó thế. Ừ, và cả nhiều điều khác nữa”.
14. 9. 2011
Thái Bá Tân