Ông Bút (Danlambao) - Nhà tôi có 3 anh em trai, cha mẹ chúng tôi trước khi đi làm thường chia phiên cho con cái vừa học bài vừa túc trực bên ông nội, ông cần gọi phải có mặt, để ông sai khiến vì ông bị mù. Công việc xoàng thôi, như nấu nước pha trà, chế ra ly mời khách, mài mực xạ viết (1) chữ Nho. Ông tôi bị mù nhưng nhà thường có khách, khách đến xin liễn, đối hoặc đàm đạo về Phật, Khổng, Mạnh,... Bàn chuyện thời cuộc và các cụ cũng thường kể chuyện quê hương, giai đoạn bị Cộng Sản chiếm đóng 1945 - 1954.
Một đứa bé lên chín, lên mười, nghe người lớn "kể chuyện đời xưa" về quê hương mình, tôi hiểu Cộng Sản từ đó, hiểu và tóm tắt về Cộng Sản như sau:
1- Cộng Sản không chấp nhận tôn giáo, trí thức.
2- Người giàu có là kẻ thù của họ.
3- Gây hận thù và nghi ngờ trong mọi quan hệ.
4- Cộng Sản có toàn quyền giết người và tịch biên gia sản.
Đây là bài học vỡ lòng về Cộng Sản, bài học đáng tin cậy vì người lớn nói chuyện thản nhiên nhưng họ không ngờ nó ăn sâu vào tiềm thức của đứa bé. Hơn thế nữa bậc ông bà, cha mẹ không bao giờ nói dối con cháu, nói dối để làm gì? Họ chẳng phải cán bộ Thông tin, với xã hội miền Nam, họ không có một trách vụ nào hết, chỉ đơn thuần những người cao niên gặp nhau nói chuyện cho vui mà thôi. Một bài học đầu tiên, cũng có thể duy nhất, sau đó học hết trung học, không thấy sách vở, thầy cô nào dạy mình chống cộng. Ngay như cuốn Việt Sử - Thế Giới Sử lớp 12, viết Hồ Chí Minh, chỉ có một dòng, trong phần toát yếu:
"Ông Hồ Chí Minh, lãnh tụ VNDCCH, đã qua đời ngày 2 tháng 9 năm 1969".
Sách Công Dân Giáo Dục, những bài dạy về Hiến Pháp và tổ chức chính phủ VNCH.
"Ông Hồ Chí Minh, lãnh tụ VNDCCH, đã qua đời ngày 2 tháng 9 năm 1969".
Sách Công Dân Giáo Dục, những bài dạy về Hiến Pháp và tổ chức chính phủ VNCH.
Sách Văn Học, dạy những áng văn thơ hay, bất kể tác giả là ai, ví dụ: Học trò phải đốt đèn học thuộc Lưu Trọng Lưu, Huy Cận, Xuân Diệu,... Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan,... Học thơ văn của những tác giả này chưa đủ, phải thuộc luôn tiểu sử cùng những tác phẩm của họ đã xuất bản.
Tôi nhớ không lầm, trước 1975, suốt chương trình trung học đệ nhất và đệ nhị cấp Bộ Quốc gia Giáo dục không có chương trình dạy cho học trò hiểu Cộng sản, nếu có chẳng đáng là bao so với nhu cầu thời cuộc. Tuổi học trò vì tò mò chuyền tay nhau "ngoài luồng", nắn nót viết mấy bài thơ của Trần Dần, Phùng Quán, Quang Dũng,…
Rời trường học, vào trường lính. Sáu tháng quân sự, tại Nha Trang, chỉ duy nhất học 2 giờ chính trị nhưng kể chuyện tiếu lâm hết 45 phút. Sáu tháng học chuyên môn Tân Sơn Nhất, không có một phút học chính trị!
Từ tuổi thơ lớn lên, quan niệm Chống cộng cũng như làm việc thiện, đại khái như đánh một con rắn hoặc giết một con chuột tránh hoạ dịch hạch,... Và tôi tự bổ sung cho kiến thức chống cộng nghèo nàn của mình bằng cách đọc thêm sách báo. Năm 17 tuổi, được hai người bạn giới thiệu vào Việt Nam Quốc Dân Đảng, một đảng phái không đội trời chung với Cộng sản nhưng thực chất ở hành động, nhiều hơn học hỏi kiến thức tìm hiểu Cộng sản. Từ cái vốn liếng không giống ai này, tôi chống cộng mang tính nghệ sĩ, nhiều hơn chiến sĩ. Nghệ sĩ về mặt đối nhân xử thế với thời gian rất đàng hoàng.
Thời gian suốt 16 năm tỵ nạn tại Hoa Kỳ, tôi thường để dành vacation đợi những người cầm quyền Cộng sản hoặc đoàn Văn công đến Hoa Kỳ mới lấy phép nghỉ, nhờ vậy bất kể ngày nào tranh đấu cũng hiện diện.
Đối nhân xử thế: Không ghét người Cộng sản chung chung, trái lại gặp trường hợp đáng thương, tôi sẵn sàng giúp đỡ. Năm 1982, trên đường từ Long Thành đi Bình Long, dừng chân ở bến xe Sài Gòn, gặp một anh Thượng úy quân đội, anh gom tiền bạc của xóm làng, từ Bắc vào Nam để tìm một vùng đất khai khẩn. Gần tới Sài Gòn, anh bị mất sạch sẽ, còn mỗi bộ đồ bộ đội với chiếc nón cối và đôi dép râu. Tôi đưa anh vào Suối Quýt, Cẩm Đường cưa củi ba tháng trời, tình anh em thắm thiết, đến tết chúng tôi chia tiền, ai cũng tranh nhau lấy phần ít hơn! Ngày anh về Bắc, tôi chở mẹ tôi đi chợ, làm bửa cơm tiễn chân, lúc về đến nhà, thấy anh xoay mặt vào vách, xe đạp thắng ở cửa, anh bật dậy hai mắt đỏ hoe, ngấn lệ. Tôi nói như nửa đùa: "Khóc gì anh? Vài hôm thôi anh về gặp chị và mấy cháu rồi." Kéo vạt áo lau mắt, anh nói: "Có phải đâu chú, chú xem đây! Cái ông Nguyễn Khuyến này này. Người làng của tôi, thế mà tôi nào hay biết." - anh vừa nói, vừa giở trang sách Văn Học Sử, anh tiếp "Chúng nó dạy tụi tôi toàn những điều khốn nạn! À à, còn cái này nữa!" - anh chỉ trang album, hỏi: "Hình chú đây chứ ai.", tôi: "Dạ đúng!", "Ối giời ơi! Chúng nó bảo lính ngụy thế này, thế kia! Ba tháng nay tôi gặp chú, các bạn của chú trong Suối Quýt, toàn những người tử tế cả... Không giống một tí nào so với lời tuyên truyền láo khoét." (2)
Pha ấm trà, hai anh em ra gốc cây vú sữa tâm sự, tôi nói: "Chúc mừng anh tìm được đồng hương (cụ Nguyễn Khuyến) trên xứ Đồng Nai này. Còn việc lính Sài Gòn, anh chưa cần hiểu họ tốt vội. Cộng sản tuyên truyền thường nhắm vào vài điều cụ thể. Khi hành quân vào làng CS chiếm đóng, đôi lúc anh em không giữ kỷ luật, bắn trâu bò, heo gà, CS lấy đó tuyên truyền. Các anh và người dân không thấy cấp trên trừng phạt những quân nhân vô kỷ luật này. Hơn thế nữa, bộ đội các anh tử tế hết mực với người dân, cây kim sợi chỉ không đụng tới. Đúng là các anh đã làm như thế thời chiến tranh. Nhưng khi miền Bắc chiếm được Miền Nam, người dân mất tất cả, còn miền Nam thì không vì chính quyền miền Nam tôn trọng quyền tư hữu của con người."
Anh bộ đội về xứ, chúng tôi thường viết thư cho nhau. Những tháng ngày tiếp theo, gia cảnh khó khăn quá sức, nhiều lần phải dời nhà (thật ra cái chòi lá), tôi cố giữ những thư từ kỷ niệm nhưng không sao còn, nhớ và tiếc hoài. Năm 1982, anh bộ đội 43 tuổi, cấp bậc Thượng úy, một vợ hai con - tôi 28 tuổi, độc thân, cấp bậc Hạ sĩ nhất QLVNCH.
Tôi nghĩ, mình đem lòng chân thành đối đãi sẽ hoán chuyển được tư duy thâm căn, cố đế của một con người.
Ông Bùi Tín
Nhà báo Bùi Tín nguyên là Đại tá Quân đội Nhân dân và Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân
Người dân và cán bộ sống với chế độ Cộng sản không khác một diễn viên trên sân khấu, tuồng diễn càng lâu, con người càng thâm nhập vai diễn. Do đó khi mới rời vai diễn, bước xuống cuộc đời, lắm lúc điệu bộ và lời nói đôi khi còn vướng vất. Thỉnh thoảng nhiều bài viết của ông Bùi Tín làm người "bên này chiến tuyến" bực mình. Phô diễn sự bực mình có nhiều cách, tùy thuộc về trình độ và sự giáo huấn từng gia đình. Một số ít "bên này chiến tuyến" cũng đòi hỏi thái quá, muốn ông Bùi Tín phải "tròn trịa như hòn bi!" (Chữ trong thơ Nhân Văn Giai Phẩm). Thiết nghĩ không cần thiết như vậy! Điều nào ông viết đúng, chúng ta ghi nhận, điều nào chưa đúng nên viết bài phân tích trên tinh thần tương kính giống như thầy cô từng dạy mình, viết văn theo thể loại bình giảng thời đệ nhất cấp thì hay hơn. Đọc những bài chửi ông Bùi Tín, tôi nghi: Ngoài "bên này chiến tuyến", còn có bàn tay "lạ"? Chắc ông Bùi Tín, hơn ai hết đã nhận ra. Hy vọng ông không buồn và nản lòng. Khi dùng ngòi bút và vốn liếng của mình chia sẻ lại cho hậu thế những hệ lụy của Cộng sản - một khổ nạn dân tộc và quê hương đang gánh chịu.
Ông Bùi Tín hoặc bất cứ ai khác đều phải chán chường, mòn mỏi vì đã quá lâu sống trong sợ hãi và dối trá. Khi họ có thiện chí bước ra khỏi nơi tăm tối, dù chỉ mới một bước thôi, chúng ta có quyền mừng vui, hân hoan đón chào. Số bước còn lại, thuộc về trách nhiệm của những trái tim có lòng nhân ái biết chân thành yêu thương.
Mới đây báo Cộng sản viết bài đề cập ông Bùi Tín!
Đề tài: Bùi Tín tuổi xế chiều ở Paris - Tác giả Nguyễn Đăng An (NĐA), bài viết có thể chia 4 phần:
Phần 1: Tác giả muốn đưa trái bóng Bùi Tín cho hải ngoại đập, NĐA nhắc lại lời ông Bùi Tín ca ngợi Võ Nguyên Giáp - Thưa ông An, chuyện bình thường thôi! Hơn hai trăm ngàn tù cải tạo sau 1975 ai không ca ngợi Bác và Đảng? Ông Bùi Tín cũng chỉ là một tù nhân "tự giác" chứ hơn kém gì!
Phần 2: NĐA được nhà nước cử đi Paris làm thông tấn xã. Nhân chuyến công tác, NĐA có ý tìm gặp ông Bùi Tín, như một nhu cầu cá nhân. Nhưng ở đoạn gần kết thúc NĐA lộ ra cái đuôi "Mời ông Bùi Tín về nước", lấy tư cách một công dân nước CHXHCNVN đảm bảo an toàn cho ông Bùi Tín với điều kiện: Buộc ông Bùi Tín phải viết bài phản tỉnh, ăn năn.
Như vậy NĐA nói đi công cán cho TTXVN nhưng thực chất Đảng sai anh ta đi kêu gọi ông Bùi Tín làm một anh hề già. Đây mới chính là nhiệm vụ đảng giao cho NĐA, chuyến đi hồi tháng 1/1997. Đời nào ông Bùi Tín chịu, NĐA và Đảng mất công toi.
Phần 3: NĐA trách cứ ông Bùi Tín chửi bác Hồ, "vì sao dám xúc phạm đến niềm tin thiêng liêng của dân tộc?". Thật ra chính đảng CSVN, Nguyễn Đăng An và ông Bùi Tín biết rất rõ: Hồ Chí Minh chẳng dính dáng gì đến "niềm tin thiêng liêng của dân tộc". NĐA viết đoạn này chỉ dụng ý tuyên truyền, mà tuyên truyền thì kệ... Mẹ nó, ai nghe thì nghe, không nghe kể huề cả làng!
Phần 4: Cố hữu muôn đời của CS, bất cứ ai chửi Bác, chống đảng cũng vì tiền của ngoại bang. Đây là lối tuyên truyền quá cổ điển, một người từng đi Paris như NĐA hẳn biết!? Thể hiện được một bài viết tốn nhiều công sức, thực hiện một cuộc tranh đấu rất tốn kém, người tham dự phải tự túc, dốc túi. Ngoại bang nào dễ cho như vậy? Riêng ông Bùi Tín viết bài cho các cơ quan ngôn luận lớn của quốc tế (BBC & VOA) họ trả tiền nhuận bút, điều này là đương nhiên. Nhưng NĐA nên nhớ, ông Bùi Tín đặt lương tri, sự thật đi trước và trên hết mọi giá tiền. Bằng chứng NĐA không mua chuộc được Bùi Tín viết bài phản tỉnh. Ai dám cho rằng NĐA và đảng CSVN mời suông ông Bùi Tín?
Tóm lại tôi rất mến mộ, kính trọng ông Bùi Tín! Đọc những bài của ông, tôi như ngắm được người Cộng sản từ phía sau lưng.
Cũng nhờ bài NĐA, biết ông đang sống ở Paris, biết ông 85 tuổi. Kính chúc ông tăng thêm tuổi thọ và dồi dào sức khỏe. Hy vọng có dịp mời ông đến Atlanta, Hoa Kỳ - Nơi đây có hơn năm chục ngàn đồng hương sinh sống. Lúc rày thời tiết Atlanta mát mẻ, hoa cỏ xanh tươi, vui lắm, vật giá sinh hoạt rất bình dân, mời ông đến một nơi đầy ắp tình người. Chứ không phải mời vào hang cọp, miệng sói, do đó không cần phải mang bất cứ thứ gì ra để "đảm bảo".
Atlanta, 1/4/2012.
__________________________________
Chú thích:
(1) Ông tôi đọc câu liễn, đối cho người khác viết.
(2) Bài: "Kỷ niệm về một anh Bộ đội" đăng trên báo Tổ Quốc & báo Hồn Nước.