Tản mạn Tháng Tư - Anh hàng xóm - Dân Làm Báo

Tản mạn Tháng Tư - Anh hàng xóm

TĐL (Danlambao) - Gần bốn mươi năm đi qua nhưng anh chưa nguôi say men chiến thắng. Cứ mỗi độ cuối xuân, khi những con ve bắt đầu cất tiếng ca đưa đất trời vào hạ, các anh cũng bắt đầu ca bài ca “hào hùng”. Những thước phim chớp nháy như mưa rào, đầy người, đầy xe và đầy súng đạn. Giọng sang sảng. Cờ và hoa. 

Khi anh đội nón cối từ miền Bắc tập kết trở về làng cũng là lúc anh hàng xóm kia- người sĩ quan miền Nam ngẩn ngơ xoa đầu thằng con để vào trại cải tạo nơi rừng xanh núi đỏ.

Anh bảo đã giải phóng cho chúng tôi khỏi ách kềm kẹp của mỹ ngụy, tôi vội tin, mặc dù trước đó tôi không thấy bị kềm kẹp gì, có chăng là cái hàng rào ấp chiến lược mà kể từ khi có nó những chiếc xe đò chở bà con qua làng ít bị dính mìn bẫy hơn. 

Anh bảo thằng hàng xóm kia là ngụy, là ôm chân đế quốc, là bán nước và có tội với nhân dân. Tôi phân vân. Anh ta về phép lúc nào cũng tới lui thăm bà con, đến Niệm Phật đường sinh hoạt cùng đoàn sinh Gia đình Phật tử; anh ta cùng bạn lính làm Lễ đài Phật đản hay dựng cây thông Giáng sinh; thỉnh thoảng mang cho bọn con nít tụi tôi mấy lon chè trái cây, mấy lon thịt hộp “ba lát” quân tiếp vụ... như thế là có tội với nhân dân sao? 

Thế rồi, trong một thời gian ngắn anh đã làm cho cả cái làng này thay đổi. Tất cả những ai dính dáng đến Mỹ, đến thể chế miền Nam anh đều gọi là thằng: “thằng mỹ”, “thằng thiệu”, “thằng ngụy quân”, “thằng ngụy quyền” và thậm chí có lần tôi nghe anh gọi là “thằng cha cố” khi nói đến một Linh mục. Những cụm từ khinh mạn đó bắt đầu từ cán bộ “ủy ban lâm thời” của anh rồi lây sang tụi con nít và thanh niên choai choai. Lá Quốc Kỳ trước đây giờ anh gọi là “cờ ba que”, các anh đem may quần đùi, mặc vào coi bộ hể hả. Tôi tự hỏi có người anh hùng chiến thắng nào trên trái đất này xử sự như anh? 

Anh bắt đầu mâu thuẫn giữa nói và làm. Trong các cuộc họp triền miên đêm này qua đêm khác, anh đả kích gay gắt những thanh niên mặc quần tây hip-pi ống “bat”, những cô gái mặc áo cổ trái tim hay cổ thuyền; anh chửi bới thậm tệ và gọi họ mặc áo “cổ đợi chờ”. Người ta xì xầm mãi sau mới hiểu ra ý anh: “đợi chờ” tức là chờ đợi Mỹ quay trở lại. Nhưng tôi phát hiện ra một điều, quá bất ngờ. Những áo quần, đồ đạc của đế quốc ấy nếu thấy ai dùng anh “trị cho trắng máu” nhưng nếu được ai đó lặng lẽ biếu cho, hoặc anh kiếm được bằng cách nào đó thì anh có vẻ sướng lắm, cực sướng. Anh nói đùa nửa nạc nửa mỡ là “thấy Mỹ thì ghét, thấy US thì ham”. 

Lại nữa, anh răn dạy đất nước đang quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, phải “bỏ chợ đông đồng, tăng công sản xuất” và lùa bà con ra ruộng, trong khi người vợ anh đưa từ miền Bắc vào lại lén lút móc ngoặc cửa sau, đổi chác tem phiếu, áp phe với nhân viên quốc doanh mậu dịch. Ngay đền miếu trong làng, là phần hồn làm nên dân Bách Việt, anh cũng cho du kích đập phá tan tành; đình làng anh biến thành kho lúa, ngôi chùa thành trụ sở thôn. 

Anh gọi tất cả sách báo trước tác của miền Nam là văn hóa đồi trụy, thu gom đốt sạch, nhưng sách trong nhà tôi là những cuốn “cổ học tinh hoa”, dạy cách làm người, sách viết về tình yêu quê hương và lòng hiếu thảo. Vậy ra hơn hai mươi năm đi kháng chiến anh đã khác chúng tôi đến vậy sao, tình yêu quê hương và lòng hiếu thảo là đồi trụy phải đốt bỏ đi! 

Anh cấm người ta đi xe Honda, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn mượn ngay chiếc Honda 67 ấy kéo ga một vòng quanh làng với nét mặt cực kỳ rạng rỡ. Còn chuyện này chắc không thể hỏi anh, vì nó thuộc lĩnh vực anh gọi là “nhạy cảm”. Cái anh sĩ quan hàng xóm tôi đã nói trên kia đi cải tạo không hẹn ngày về, không hay sống chết nhưng vợ anh ta tự nhiên có bầu rồi đẻ ra thằng cu giống anh như đúc. Anh hấp dẫn đến độ người phụ nữ kia đã hiến thân bất chấp tai tiếng với xóm làng hay anh đáng sợ đến độ người phụ nữ kia không còn lựa chọn? chỉ có anh biết, người phụ nữ đáng thương kia biết, nhưng nỗi đau thì có thêm một người chia sẻ, nếu anh sĩ quan có tội với nhân dân kia còn sống sót trở về từ Cổng Trời, Suối Máu. 

Anh muốn kiểm soát người dân đến tận cái vung nồi, năm ấy, cha tôi dậy lúc bốn giờ sáng, âm thầm làm con heo còi giỗ ông nội, nào ngờ anh đã bí mật cho du kích phục sẵn, tịch thu con heo đem treo ở trụ sở khi chưa kịp cạo sạch lông. Đây gọi là “được giải phóng khỏi ách kìm kẹp” sao anh? 

Lời anh nói, việc anh làm có điều gì đó mờ ám, tiền hậu bất nhất; cái sự vừa bỉ vừa tham đã làm cho mọi người nghi ngờ tư cách của anh. Anh không có tư cách của người đi giải phóng, vậy anh chính nghĩa ở chỗ nào?! 

Tháng Tư về, anh lại đeo nhiều hàng huân chương rủng rẻng trên ngực. Các anh tụ tập, tự sướng và bốc thơm nhau. Dân làng nhìn các anh đi cà rèng, cà rèng… thấy nó ngố, có cái gì đó bất bình thường. Nếu anh là anh hùng của họ chắc chắn họ đã ngưỡng mộ, đã tỏ thái độ kính trọng mỗi khi anh mang những tấm huân chương trên người. Nhưng trớ trêu thay, nếu hỏi bất kỳ một người dân nào chợt gặp rằng anh đeo huân chương gì chắc chắn người ta không biết; nếu hỏi vì sao không chịu biết, người ta sẽ dửng dưng trả lời biết để làm gì. Chiến công của anh không cần cho họ, vậy xin hỏi anh: anh là anh hùng của ai? 

Sau gần bốn mươi năm, anh không quay đầu nhìn lại để thấy anh đã làm những gì. Anh biện minh và dẫn chứng: chỉ cần anh “lệnh” một tiếng sẽ có ngay vài ngàn dân sắp hàng đứng trong sân ủy ban; anh hô “nhiệt liệt”, người ta sẽ lặp lại “nhiệt liệt” ba lần; anh hô “vinh quang” hay “muôn năm” người ta cũng lặp lại như thế. Anh kết luận hùng hồn toàn dân một lòng theo anh. Tôi không nghĩ vậy. Khi anh không đủ tư cách làm chính nghĩa; khi người dân không coi anh là anh hùng của họ thì tất cả những gì anh có được chỉ là từ họng súng mà thôi. Anh mãi gặm nhấm men chiến thắng đến bao giờ. Anh mãi say nguội và ngỡ tất cả đã ngủ yên dưới đáy dòng đời vội vã, nhưng không, đâu đó trong lòng người dường như cơn tao loạn chưa dễ đi qua. 

* Đêm 29/4/2012 


TĐL 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo