Tổng hợp tin Văn Giang - Dân Làm Báo

Tổng hợp tin Văn Giang


RFI - Công an bắt giữ 20 người trong vụ cưỡng chế tại Văn Giang

Thanh Phương - Hôm qua 24/04/2012, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã huy động hàng ngàn người, gồm an ninh, công an và dân phòng, cùng nhiều xe ủi đất để thi hành lệnh cưỡng chế thu hồi đất tại xã Xuân Quang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Những khu đất này được thu hồi để thực hiện dự án Ecopark (Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang). 

Nông dân Văn Giang phản đối vụ trưng thu đất đai cho dự án thương mại du lịch Ecopark (REUTERS) 

Hơn 1000 dân làng đã chống lại việc cưỡng chế, khiến cảnh sát đã phải bắn hơi cay và lựu đạn khói để giải tán. Nhưng cuối cùng, trước một lực lượng quá đông đảo, người dân Văn Giang đã không thể ngăn chận được việc cưỡng chế. 

Theo báo chí chính thức, chiều hôm qua, ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, thông báo là “đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao 72,6 hecta cho chủ đầu tư theo đúng kế hoạch”. Ông Bùi Huy Thanh cũng thông báo là công an tỉnh đã tạm giữ 20 người bị coi là “có hành vi quá khích”, cũng như đang điều tra “những đối tượng cầm đầu tổ chức chống đối người thi hành công vụ.” 

Người dân bị trưng thu đất cho dự án Ecopark đã khiếu kiện từ 8 năm nay, một phần vì giá đền bù quá thấp và một phần vì họ không công nhận tính hợp pháp của dự án này, đòi trả lại đất canh tác cho họ. 

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ hôm nay, một người dân ở một trong ba xã bị cưỡng chế ở huyện Văn Giang ( xin được giấu tên vì lo ngại cho tính mạng ), cho biết họ có cảm tưởng như vừa bị ngoại xâm vừa trải qua một trận đại hồng thủy hay vừa bị một trận càn quét trong chiến tranh. 

Những người dân vừa bị cưỡng chế thu hồi đất vừa rất căm phẫn trước hành động của chính quyền và chủ đầu tư, vừa lo ngại cho cuộc sống tương lai, vì số tiền đền bù chỉ đủ sống cho vài tháng, và nay họ không còn phương tiện nào khác để sinh sống.


*

BBC - Cưỡng chế Văn Giang ‘quá nặng tay’?


Video lưu truyền trên mạng xã hội cho thấy chính quyền Hưng Yên 
dùng vũ lực mạnh với dân trong đợt cưỡng chế đất.

Sau vụ cưỡng chế đất ở diện rộng tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm thứ Ba ngày 24/4 khiến hàng chục nông dân bị bắt giữ, BBC tìm hiểu phản ứng và ý kiến của người dân và một số nhà quan sát. 

Chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đã huy động lực lượng hùng hậu gồm hàng ngàn cảnh sát cưỡng chế các nông dân kiên quyết bám trụ không giao đất để xây dựng khu đô thị thương mại-du lịch Ecopark.

Chỉ là nhóm nhỏ

Ngay sau vụ cưỡng chế thì đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên là ông Bùi Huy Thanh, chánh văn phòng, khẳng định với báo chí trong nước là quá trình cưỡng chế ở Văn Giang ‘không hề có quân đội tham gia’, ‘không hề có nổ súng’ và ‘dưới sự chứng kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân’. 

Ông Thanh cho biết là công an địa phương chỉ dùng hai quả lựu đạn cay để giải tán nông dân tụ tập. 

Tại cuộc họp báo trước khi diễn ra vụ cưỡng chế, ông Thanh cũng nói rằng con số hơn 160 hộ nông dân chống đối chỉ là ‘một nhóm nhỏ’ so với gần 90% số hộ nông dân có đất bị thu hồi đã ‘nhận tiền đền bù và bàn giao đất’. 

Lý do những hộ nông dân này không chịu giao đất, theo ông Thanh, là ‘chưa thoả mãn với phương án đền bù’. 

Ông nói là trước khi thực hiện cưỡng chế thì chính quyền tỉnh Hưng Yên đã thực hiện đầy đủ mọi quy trình tuyên truyền, giải thích, vận động và đền bù hỗ trợ cho người dân. 

Mức đền bù cho các hộ dân chấp hành giao đất đúng tiến độ là 135.000 đồng/ mét vuông vào năm 2008, theo ông Thanh, và đó là mức đền bù cao nhất tỉnh vào thời điểm đó. 

Ông cũng giải thích việc nông dân khiếu kiện đòi hủy dự án Ecopark là không thể thực hiện được vì dự án này đã được thủ tướng chính phủ bật đèn xanh và ra quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án vào năm 2004. 
'Dân sẽ trắng tay' 

Tuy nhiên, một số hành ảnh video được đưa lên mạng sau đó cho thấy đã có hành động bạo lực mạnh tay của lực lượng cưỡng chế đối với những người nông dân phản kháng. 

Trong một video gần 10 cảnh sát và những người mặc thường phục đeo băng đỏ đã xông vào dùng dùi cui và tay chân đánh hội đồng một nông dân không vũ khí. 

Lê Hiền Đức, một người vận động cho dân quyền có tiếng tại Việt Nam cho biết, đêm 22/4 bà đã có mặt tại Văn Giang. 

“Tôi không có gì phải giấu diếm, tôi về để bảo vệ dân tôi.” 

Bà cũng cho biết, trước đó, chính quyền đã tìm cách ngăn cản không cho Lê Hiền Đức có mặt với dân.” 

“Tôi nhìn thấy cảnh sát cơ động chi chít. Cảnh sát địa phương áo xanh lá mạ cũng đầy ra.” 

"Tôi đứng đấy, tôi gặp tất cả bà con. Bà con đang khóc ầm ĩ kêu gào. 

Nghe những tiếng khóc của các cụ già tám, chín mươi tuổi, thương lắm. Chỉ có súc vật mới không động lòng thôi." 

Bà Hiền Đức mô tả về những gì bà chứng kiến hôm 24/4 là trận chiến đấu ác liệt. 

“Tôi cảm tưởng như đang trong trận chiến đấu ác liệt cách đây nửa thế kỷ mà tôi đã từng phải chiến đấu …lửa cháy ngút trời.” 

Bà cho biết các lực lượng đã dùng súng hơi cay, “đánh đập dân rất dã man”. 

"Đây rõ ràng là lực lượng ấy đang cưỡng chế dân." 

"Tôi ngồi tôi khóc. Tôi ức quá mà tôi khóc vì tại sao tôi không bênh vực được những con người như thế. 

"Tôi gọi đó (thanh niên bị đánh) là những thanh niên dũng cảm, dám đối mặt với lực lượng công an." 

"Họ đàn áp vô cùng tệ hại. Bắn súng, đánh đập một cách rất dã man." 
Tuy nhiên, do tiếng nổ quá to, bà không phân biệt được là súng gì. 

Công an dàn quân trước khi tiế̃n vào cưỡng chế 

Bà tâm sự. “Tôi nhục nhã đến mức là, thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tôi đã từng hy sinh tuổi thanh xuân của tôi, tôi đã chiến đấu đủ mọi hình thức, mọi ngả đường nhưng bây giờ hoà bình rồi, mà tôi phải cải trang.” 

“Hôm qua, tôi phải mượn cái nón rách, cáo áo nâu, quần sắn móng lợn để trà trộn vào với nhân dân. Nếu không nó nhìn thấy mình, nó thay đổi thái độ ngay.” 

“Có như thế thì mới chứng kiến được hành động của họ đối với những người dân lành.” 

“Có những người ngày hôm qua là trắng tay rồi, không còn gì cả, thì cuộc sống ngày mai đây họ sẽ ra sao?.” 

“Đây là dấu hỏi rất to, tôi mong công luận sẽ đánh dấu hỏi cho những người dân Văn Giang hôm qua.” 

Xâm phạm thân thể 

Trao đổi với BBC, luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân nói ông tin rằng chính quyền địa phương đã có ‘vi phạm nghiêm trọng’ khi ‘sử dụng vũ lực trái pháp luật’ trong hành động cưỡng chế. 

Qua các hình ảnh video mà ông xem được, ông Quân cho biết lực lượng công cả mặc đồng phục lẫn không mặc đồng phục và đeo băng đỏ ‘cùng nhau vây dân lại bắt dân và đánh dân’. 

LS Quân cho biết ông không nắm trong tay các hồ sơ, thủ tục thu hồi và cưỡng chế đất của chính quyền Văn Giang nên không biết rõ liệu các quyết định này có hợp pháp hay không, tuy nhiên ông đặt câu hỏi về hành vi của công an. 

“Họ đánh rất nặng và dã man,” ông nói, “Điều này hoàn toàn sai pháp luật vì pháp luật quy định quyền tự do thân thể rất rõ.”

Ông nói những nông dân bị đánh đập hoàn toàn có thể kiện lực lượng cưỡng chế về tội ‘cố ý gây thương tích’. 

Luật sư Quân viện dẫn logic luật pháp để giải thích điều này: “Nếu tôi gặp một kẻ cắp thì việc ăn cắp có thể bắt giữ hoặc tri hô nhưng nếu đánh người ăn cắp đó thì tôi cũng phạm tội.” 

Ông cũng không cho rằng người dân Văn Giang phản kháng chống đối người thi hành công vụ vì theo như ông thấy qua hình ảnh được quay lại thì có đến hàng chục cảnh sát mặc quân phục lẫn không mặc quân phục vây vào đánh chỉ một người. 

“Nói họ (nông dân Văn Giang) chống (người thi hành công vụ) là hoàn toàn sai vì họ chỉ có một (đối đầu với công an) và họ rất hiền lành,” ông nói. 

Ông cho biết pháp luật không quy định số lượng người tham gia cưỡng chế nhưng trong vụ việc ở Văn Giang thì chính quyền ‘đã huy động lực lượng quá sức’. 

Ông cũng nhận thấy một điểm ‘sai’ trong quyết định thu hồi đất của chính quyền Văn Giang là đã không cho phép người dân thương thảo trực tiếp với chủ đầu tư để bồi thường theo giá thị trường vì đất đai của họ bị thu hồi cho mục đích thương mại của tư nhân chứ không phải mục đích an ninh quốc phòng.


*

RFA - Văn Giang một ngày sau cưỡng chế

Quỳnh Chi, phóng viên RFA 

2012-04-25 

Tình hình bà con tại ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang ra sao sau khi chính quyền thực hiện cưỡng chế xong đối với 6 hecta đất nằm trong tổng số diện tích 72 hecta? 

Photo courtesy of danlambao - Người dân huyện Văn Giang trong ngày bị cưỡng chế đất 

Sợ sệt, không tin tưởng

Như tin đã đưa, để có thể giao 72 hecta vào đợt hai cho chủ thầu xây dựng, chính quyền các cấp tỉnh Hưng Yên thực hiện san phẳng cả khu vực và cưỡng chế 5,8 hecta đất của 166 hộ dân thuộc xã Xuân Quan – là những hộ dân không chịu nhận bồi thường. Theo bà con cho biết, việc cưỡng chế được chuẩn bị từ đêm 23 tháng 4 và bắt đầu thực hiện vào rạng sáng ngày 24 tháng 4. Hình ảnh quay lại từ vụ cưỡng chế được truyền đi trên mạng cho thấy rất đông cảnh sát mặc cảnh phục và thường phục được trang bị dùi cui, đạn cay đến thực hiện cưỡng chế. Nhiều nguồn tin giấu tên chứng kiến vụ cưỡng chế cho biết nhiều người đang hoảng sợ trước vụ cưỡng chế đầy quyết tâm của chính quyền. Một người dân giấu tên cho biết từ Phụng Công:

“Nói chung bà con đang hoảng sợ quá trước sự cưỡng chế của chính quyền”.

Người đàn ông này còn cho biết, có trên 20 người bị bắt về tỉnh khi chính quyền thực hiện cưỡng chế. Riêng bản thân gia đình ông có 2 người thân bị bắt cho đến chiều ngày 25 vẫn chưa được gặp mặt thăm hỏi.

Báo chí trong nước trích lời ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết vào chiều ngày 24 tháng 4 rằng “Công an tạm giữ 20 người có hành vi quá khích”. Tuy nhiên, theo một nguồn tin khác, có 26 người bị bắt, trong đó đa số là bà con tại xã Phụng Công. Hiện tại, RFA chưa xác định được chính xác chi tiết này.

Sau khi cưỡng chế một ngày, nhiều người dân ở đây đã hạn chế tiếp xúc báo chí và người ngoài, Thậm chí, nhiều người đã thẳng thừng từ chối khi tiếp xúc với người lạ:

“Nói thật với chị, mấy ngày nay từ các nơi gọi đến cho bà con nhưng bà con cũng nghi ngờ các vị không phải đứng về phía sự thật. Cho nên nhiều người đã thay số điện thoại hoặc không nghe. Nói thật khi trả lời chị, tôi cũng đắn đo. Nhưng tôi quyết định trả lời vì tôi muốn nói tiếng nói của sự thật. Nói thật là người ta quá đau xót khổ sở vì chỉ có một mảnh ruộng mà cũng bị ủi hết, người dân kêu cứu mà biết kêu ai”.

Bức xúc

Công an tham gia cưỡng chế đất ở Văn Giang hôm 24/4/2012. 

Sau khi tỉnh Hưng Yên thực hiện cưỡng chế xong, nhiều tờ báo trong nước đồng loạt loan tin về vụ cưỡng chế, trong đó trích lời ông Bùi Huy Thanh cho rằng vụ cưỡng chế đã “thành công và an toàn tuyệt đối” khi không có công an hay người dân bị thương. Theo các nguồn tin này, có khoảng “500 cảnh sát tham gia thực hiện cưỡng chế, không có quân đội tham gia”. Báo VNexpress cũng trích lời ông Thanh nói rằng lực lượng cảnh vụ đã dùng hai quả đạn khói để giải tán những người tụ tập. Tuy nhiên, các clip quay được từ vụ cưỡng chế cho thấy lực lượng chính quyền khá đông đảo. Chia sẻ với đài RFA sau khi vụ cưỡng chế được thực hiện xong, bà Lê Hiền Đức cho biết con số đó là 2 ngàn người. Một người dân Văn Giang cho biết:

“Họ dùng rất nhiều đạn hơi cay. Trên phần đất thuộc xã Phụng Công là họ bắn xối xả hơi cay, mù mịt. Họ bắn thẳng vào những người đang ngồi để giữ đất. Xong thì họ dùng lực lượng xua đuổi hết. Chứ không phải dùng chỉ hai quả đạn cay như họ nói. Còn tại khu vực cánh đồng bị cưỡng chế thì khói bay mù mịt không nhìn thấy gì”.

Theo hình ảnh quay và chụp được từ vụ cưỡng chế, cánh đồng hơn 70 ha được phủ khói mù mịt cho thấy nhiều đạn khói đã được sử dụng. Một blogger chứng kiến sự việc còn đăng tải trên Facebook của mình là có lúc lực lượng cưỡng chế sử dụng hết đạn khói nên phải chờ tiếp viện. Một clip khác được đăng tải trên mạng cho thấy một nhóm công an và người mặc thường phục đeo băng đỏ xúm vào đánh một người dân như một bằng chứng cho thấy cảnh sát dùng bạo lực quá mức cần thiết khi cưỡng chế. Các tin tức trái chiều làm nhiều người bức xúc, nhất là những người chứng kiến sự việc:

“Người ta là chính quyền, là chế độ một đảng nên họ nói như thế. Ví dụ chúng tôi đi khiếu kiện thì Trung ương cho biết Tỉnh làm như thế là sai luật nhưng Tỉnh vẫn cưỡng chế thì Trung ương có làm gì đâu?”.

Tiếp tục giữ đất

Người dân huyện Văn Giang. 

Hiện tại, cánh đồng hơn 70 hecta đã được san phẳng để giao cho nhà đầu tư. Phần đất bị cưỡng chế gần 6 hecta nằm trong vùng qui hoạch cũng bị phá sạch và đa số người dân không thể mang cứu được các cây trồng của mình. Cánh đồng rộng 5,8 hecta của khoảng 166 hộ bị cưỡng chế đa phần được dùng để trồng cây cảnh. 

Theo ước tính của một người dân chia sẻ với đài RFA, tổng thiệt hại của bà con từ vụ cưỡng chế lên đến nhiều tỉ đồng. Trước tình hình hiện tại, nhiều người quyết tâm canh tác tiếp và trồng lại cây. Một người dân cho biết:

“Những người có trồng cây cảnh thì có thể họ trở lại cánh đồng cưỡng chế, còn tôi thì chỉ trồng lúa nên vẫn đang chờ xem chính phủ giải quyết đơn kiện như thế nào”.

Một người dân khác nói thêm rằng, gia đình ông vẫn sẽ tiếp tục canh tác và kêu gọi chính quyền:

“Gần 100 máy ủi hôm qua phá cả cánh đồng 72 hecta. Bà con xót xa cánh đồng của mình thì vẫn phải ra làm để giữ đất chứ làm sao để cho người ta làm đất của mình? Việc cưỡng chế là của chính quyền, còn người dân thì vẫn tiếp tục ra đồng làm chứ làm sao bỏ được. Vẫn phải tiếp tục đến các cơ quan nhà nước để đòi hỏi quyền lợi của bà con.”

Mỗi hộ gia đình tại đây có khoảng hơn 1 sào ruộng để canh tác. Số tiền bồi thường mà công ty chủ quản dự án đưa ra là 36 triệu đồng một sào ruộng. Nhiều người phản đối và kiên quyết không nhận tiền bồi thường vì với số tiền ấy họ không thể tái lập cuộc sống mới. Chính vì thế, hiện tại, phương án của bà con là quyết tâm bám đất để sống:

“Tôi vẫn phải đi làm (ngoài đồng) chứ không thì chết đói à? Tôi vẫn đi làm vì vẫn có gia đình, con cái. Nếu người ta có quyền lực trong tay, người ta thực hiện cưỡng chế thì chúng tôi là dân đen phải chịu. Cũng căm phẫn lắm nhưng không biết phải làm thế nào? Một bên là chính quyền đa cấp từ trung ương đến địa phương. Một bên là người dân đen. Người dân mỗi người chỉ có hơn 1 sào ruộng. Chúng tôi chỉ mong muốn giữ được đất để làm ăn”.

Dư án khu đô thị Văn Giang được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt và cấp phép rồi giao cho công ty Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ dầu tư, diện tích khoảng 500 ha. Toàn bộ vùng đất này thuộc sở hữu của khoảng 4 ngàn hộ dân. Trong đó, còn khoảng 1 ngàn 800 của ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao chưa nhận tiền bồi thường.

Báo người cao tuổi số ra ngày 20 tháng 4 cũng cho biết quyết định cưỡng chế của tỉnh Hưng Yên là trái pháp luật vì theo luật đất đai, chỉ những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh… Nhà nước mới thu hồi đất. Còn những dự án khác, Nhà nước chỉ làm trung gian để nhà đầu tư thỏa thuận.



*

VOA - Việt Nam bắt giữ 20 người trong vụ tranh chấp đất đai ở Hưng Yên

Hình: REUTERS - Dân làng đối mặt với cảnh sát chống bạo động 
ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, ngày 24/4/2012

Công an Việt Nam đã bắt giữ 20 người có liên quan đến một cuộc biểu tình ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. 

Vụ tranh chấp bắt đầu hôm thứ Ba khi hàng trăm dân làng đã đụng độ với khoảng 3.000 cảnh sát và nhân viên an ninh. 

Các giới chức Việt Nam cho biết cảnh sát đã dùng hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán đám đông mà họ nói là đã tấn công cảnh sát bằng gạch đá. 

Trong khi, một người dân làng trong số những gia đình bị tịch thu đất đai thuật lại cho đài VOA biết về vụ việc này như sau:

“Một tập đoàn quan tham, từ trung ương đến địa phương, mang vũ khí tối tân như lá chắn, súng hơi cay, nã thẳng vào dân, rồi đàn áp dân để họ tiếp tục vào khu đất cưỡng chế. Dân chúng tôi là dân đen thì làm gì có gì đâu, chúng tôi chỉ đòi hỏi quyền lợi của chúng tôi, chúng tôi muốn giữ cái sào ruộng của chúng tôi thôi. Chúng tôi phải tản mát vào những ruộng cây. Đoànquân hàng hơn 3.000 người và khoảng 80 xe, vừa xe xích vừa xe ủi, xe xúc, họ nườm nượp tiến vào cứ như chiến dịch Điện Biên Phủ. Nó dùng dùi cui, những cái tuýp sắt khoảng hơn 1 mét, nó phang, nó đánh. Và nó bắt khoảng 19 người của cả 3 xã. Bây giờ họ đưa gần 100 máy xúc, máy ủi vào xúc bốn xung quanh chỗ trồng cây cảnh của huyện Xuân Quan, sâu khoảng 5, 6 mét, rộng khoảng 5 mét. Họ xúc như thế để tách biệt hẳn hoi. Dân thì chỉ có tay trắng thôi, thì làm gì được. Họ đưa công an vào bảo vệ, trực để cho máy làm. Máy dàn hàng ngang hàng dọc, họ làm như thế, kìn kìn luôn. Dân chỉ có người như thế này, không thể vào được.”

Một đoạn video đăng trên trang YouTube cho thấy hình ảnh cảnh sát đã đánh một dân làng, nhưng hiện không thể kiểm chứng độc lập được video này. Trong đoạn video, có thể nghe thấy cả tiếng súng nổ, song chưa rõ ai là người nổ súng và đây là loại vũ khí gì. 


Các dân làng nói rằng giới hữu trách đã tìm cách chiếm đất của nông dân một cách bất hợp pháp để xây dựng Khu đô thị thương mại - dịch vụ Văn Giang (Ecopark), một dự án đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện từ năm 2003, và giao cho Công ty đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. 

Báo Thanh Niên hôm nay trích lời ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh, nói rằng “công an tỉnh đã tạm giữ 20 người có hành vi quá khích; thu giữ nhiều bao tải gạch đá, chai xăng và đang điều tra những đối tượng cầm đầu tổ chức chống đối người thi hành công vụ”. 

Cũng theo báo Thanh Niên, vụ tranh chấp đã kéo dài từ năm 2004 đến nay. Ban đầu người dân kiến nghị về giá vì cho rằng đây là khu vực giáp Hà Nội, nhưng mức đền bù thấp. Về sau một số người dân chuyển sang khiếu nại về tính pháp lý của dự án. 

Ông Bùi Huy Thanh nói rằng “hiện nay một nhóm người không còn yêu cầu nào khác ngoài việc đòi dừng không thực hiện dự án, trả lại đất canh tác cho người dân. Đây là đòi hỏi không thể chấp nhận được vì dự án do Thủ tướng phê duyệt và chỉ đạo thực hiện, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu rất chín muồi về pháp lý và giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân.”

Những vụ tranh chấp đất đai với chính quyền địa phương là một vấn đề ngày càng trở nên căng thẳng ở Việt Nam, nơi toàn bộ đất đai do nhà nước làm chủ trong khi quyền sử dụng đất của người dân không phải lúc nào cũng rõ ràng hoặc được bảo vệ.

Chính phủ Việt Nam nói rằng họ bồi thường thỏa đáng cho những người phải di dời, nhưng nạn tham ô của các giới chức, những người bị tố cáo là lấy tiền đến bù bỏ vào túi riêng, đã khiến cho tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng.

Nguồn: VOA, AP, Thanh Nien




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo