Trần An Lộc (Danlambao) - Thông thường, khi khát, được cho một ly nước, thì người ta cám ơn. Khi đói, được cho ăn, thì người ta nhớ ơn. Khi đau ốm, hoạn nạn được đùm bọc, cứu chữa thì người ta tri ơn. Những con người bình thường, những người gọi là có văn hóa, kể cả những người ở trong các xã hội man dã, ánh sáng văn minh cơ khí chưa đến với họ, thì người ta vẫn có cách hành xử như vậy. Các tôn giáo đều dạy như vậy. Các nhà hiền triết, các danh nhân của nhân loại cũng đều đã làm và sống như vậy.
Trong chúng ta ai mà không vui khi nhìn hình ảnh một em bé bưng cho mẹ ly nước, và người mẹ vừa âu yếm vừa cảm động nói lời “Mẹ cám ơn con”. Đẹp làm sao khi một học sinh mẫu giáo, tặng cô trong lớp đóa hồng hái vội từ vườn nhà, và rồi nghe cô dịu dàng: “Cô cám ơn em”. Tuyệt vời làm sao khi một học sinh, đứng lên nhường chỗ cho cụ bà trên chuyến xe buýt đông người và nghe được giọng bà cụ run run “Bà cám ơn cháu”.
Những câu cám ơn như trên không phải chỉ có trong tiểu thuyết. Nó xảy ra hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, ở mọi nơi, mọi lúc, mọi không gian và mọi thời gian. Nó là biểu tượng của văn minh và văn hóa. Nó có ở các thành phố Paris, Tokyo, Luân Đôn, Ma Mã, New York, Sài Gòn, Hà Nội, Huế... và cũng có trong tận những khu ổ chuột, những sa mạc hoang vu, và trong rừng sâu, núi non bí hiểm. Nơi nào có con người là có nó. Câu cám ơn và lòng biết ơn.
Vượt lên trên việc cám ơn, mang ơn hay tri ơn, người ta luôn có khuynh hướng trả ơn, bằng cách này hay cách khác. Bằng những việc làm trực tiếp hay gián tiếp. Và việc trả ơn này cũng vượt không gian và thời gian. Nó trở thành những điều bình thường như khí trời.
Vậy mà có một nơi không có.
Không tin, bạn thử một lần ghé thăm bất kỳ một nghĩa trang liệt sĩ nào ở Việt Nam.
Vâng, bỏ qua tất cả sự hoành tráng và thẩm mỹ hay không thẩm mỹ của những nghĩa trang này, người ta thấy gì?
Người ta thấy nổi bật trên các đài tưởng niệm hàng chữ “Tổ Quốc Ghi Công”.
Chỉ “Ghi Công” thôi sao?
Vâng, chỉ thế.
Có người đã nói rằng, Tổ quốc vượt lên trên tất cả. Tổ quốc là linh thiêng, làm con dân thì có bổn phận phải đóng góp vô điều kiện cho Tổ quốc. Kể cả mạng sống, cuộc đời, máu và tương lai của mình. Tổng thống Kenedy của "Đế quốc" Mỹ đã chẳng từng tuyên bố một câu để đời “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc” (ask not what your country can do but what you can do for your country), đó sao? Vì thế Tổ quốc không phải cám ơn bất kỳ một con dân nào sống trên dãi đất này. Khi đòi Tổ quốc phải cám ơn là xấc láo. Khi nói “Tổ Quốc Ghi Ơn” là đã miệt thị Tổ quốc.
Vâng, tôi đồng ý là Tổ quốc vượt lên trên tất cả. Tổ quốc là linh thiêng. Nhưng, Tổ quốc là gì? Là ai? Thì cho dù Tổ quốc là gì, là ai, dù có linh thiêng cỡ nào, Tổ quốc cũng không thể vượt ra khỏi phạm trù con người. Nghĩa là Tổ quốc phải gắn liền với con người. Phải gắn bó với con người. Gắn bó với quá khứ, hiện tại và tương lai của con người sống trong Tổ quốc đó.
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi
........
Tôi yêu bác nông phu,
Đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai mầu
Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, bé ơi
Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi
Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai .....” (Phạm Duy, Tôi yêu tiếng nước tôi)
Thế đó, từ “nước tôi” trong bài hát trên (cũng như từ “nation” trong câu nói của Kenedy) là gì nếu không phải là Tổ quốc. Tổ quốc tuy linh thiêng nhưng không xa lạ. Tổ quốc cũng biết vui biết buồn, biết xót thương. Tổ quốc không phải là cái gì vô hồn, trừu tượng, vô cảm và không có chất người.
Trái lại Tổ quốc là đất mẹ. Tổ Quốc của chúng ta là mẹ Việt Nam nhân từ, nhẫn nhục, hy sinh, yêu dấu đàn con của mình như tất cả các bà mẹ Việt Nam khác.
Nước mắt luôn luôn chảy xuôi, con người bình thường đã thế, nói gì đến Tổ quốc, đến mẹ Việt Nam, tấm lòng như biển, tình thương như lá trên rừng.
Như vậy thì Tổ Quốc không thể vô tình, không thể vô cảm với con cái của mình, đặc biệt với những người con đã hy sinh thân xác, cuộc đời và tương lai mình cho Tổ quốc.
Do đó mà Tổ quốc không thể chỉ “ghi công” sự hy sinh mạng sống của con cái giống như hợp tác xã ghi công, tính điểm rồi sau đó trả lại bằng thóc, gao, khoai sắn cho các tổ viên.
Như vậy thì vô cảm quá, tính toán quá, bạc bẽo quá!
Mà ngay cả đến việc “ghi công” theo cách trên, thì cũng không song phẳng.
Vì rằng, đã “ghi Công” thì phải trả công.
Nhưng Tổ quốc đã trả như thế nào?
Hãy nhìn những gì đang xảy ra tại Việt Nam ngày nay thì khắc biết.
Chưa có con số chính xác các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước, nhưng chỉ riêng tại tỉnh Quảng Trị thôi, đã có 72 nghĩa trang lớn nhỏ. Hai cấp quốc gia là nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9. Bảy nghĩa trang cấp huyện và 63 nghĩa trang cấp xã. Đi thăm Quảng Trị thấy đâu đâu cũng có nghĩa trang. Và ai cũng biết rằng, con số nghĩa trang hãi hùng này cũng chỉ là con số nhỏ. Hơn 3 triệu thanh niên miền Bắc đã vùi xác đâu đó trong cuộc chiến nay vẫn chưa có phần mộ. Họ vẫn chưa được ghi công một cách cụ thể.
Người chết đã thế, người sống thì sao?
Có bao nhiêu thương binh tật nguyền đủ tiền mua được một căn hộ hạng bét trong khu Đô thị sinh thái Văn Giang của dự án Ecopark do bọn tham quan và công ty Việt Hưng cướp đất của nông dân xây dựng và đem ra rao bán?
Có bao nhiêu cựu đại tá, cựu sĩ quan, cựu chiến sĩ QĐND đã hành nghề trên vỉa hè như vá xe, bán vé số để mưu sinh?
Có bao nhiêu con em các gia đình tử sĩ, cựu chiến binh QĐND được đi du học tại Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đức hay Úc Châu?
Trong tổng số hàng triệu dân oan bị cướp đất, đuổi nhà thì bao nhiêu người là cha mẹ, anh em, vợ con của những người đã được Tổ quốc ghi công?
Con số có thể lên tới hàng chục triệu.
“Tôi yêu bác nông phu,
Đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai mầu”
Khi bọn phong kiến, bọn thực dân chiếm đóng đất nước này, nông dân vẫn có đất để cầy, vẫn “vài ngàn năm đứng trên đất nghèo – đội sương nắng bên bờ ruộng sâu – Mình đồng da sắt không phai mầu” vậy mà đến thời cộng sản làm chủ nhân ông, thì ruộng đất họ bị cướp sạch. Họ không còn được đứng trên đất nghèo, mà đã bị nhà nước xuất khẩu, khom lưng quì gối làm công cho Đài Loan, cho Hàn Quốc, cho Mã Lai, hoặc đi ở đợ, hoặc nô lệ tình dục nếu là các em gái...
Như vậy có sòng phẳng với người đã chết không?
Tôi tin rằng Tổ quốc chẳng những đã “Ghi Công” mà còn luôn luôn “Ghi Ơn” những người con yêu của Tổ quốc. Bởi vì cái “công” đã hy sinh mạng sống vì yêu quê hương dân tộc thì không thể nào, không có gì có thể đền bù tương xứng được. Cái “công” ấy to lớn quá, linh thiêng quá, hào hiệp quá nên đã biến thành cái “ơn”. Do đấy Tổ quốc phải biết “ghi ơn” để làm gương cho con dân mình cũng phải đời đời “ghi ơn” những người đã xả thân cho đất nước, giống nòi và đời đời con cháu mai sau.
Tôi không bao giờ tin rằng Tổ quốc là vô cảm. Rằng Tổ quốc chỉ biết ghi công mà không biết ghi ơn.
Tôi biết hàng chữ “Tổ Quốc Ghi Công” chỉ là sản phẩm của đảng cộng sản Việt Nam.
Cả việc nhượng đảo Hoàng Sa, một phần Trường Sa, hàng ngàn km2 biển Vinh Bắc Bộ, Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, hàng trăm km2 biên giới phía bắc, các cánh rừng nguyên sinh, các dự án Bauxit Tây Nguyên, các công trình trọng điểm cũng là những cống phẩm mà đảng CSVN đã dâng cho thiên triều Trung Quốc để giữ vững địa vị độc tôn cai trị Tổ quốc của đảng.
Ở xã hội Việt Nam từ năm 1954 tại miền Bắc, và sau 1975 trên cả nước, đã dần dần thiếu vắng từ “cám ơn” vì ngay đến người hy sinh xương máu cho chế độ còn chưa được “cám ơn” thì nói gì đến những giao tiếp thông thường hàng ngày.
Chính đảng CSVN, đảng độc tôn cai trị Tổ quốc này bằng bàn tay sắt, đã không bao giờ biết đến từ “cám ơn”, đối với cả người chết lẫn người sống. Do đó mà những hình ảnh đẹp đẽ được mô tả ở phần đầu bài viết này đã dần dần biến mất, và thay vào đó là những câu nói tục tằn, đê tiện kiểu “ăn thì ăn không ăn thì xéo!” hoặc “biết, nhưng đéo chỉ!”
Có thời nào trên mảnh đất hình chữ S này, có thứ văn hóa như thế?, ngoài trừ thời cộng sản.
Hãy đời đời ghi nhớ ơn đức của những người đã đánh đổi mạng sống, hy sinh cuộc đời cho dân tộc này được tự do, an lạc và phú cường.