Kết luận điều tra vụ nhà báo Hoàng Khương chưa thuyết phục - Dân Làm Báo

Kết luận điều tra vụ nhà báo Hoàng Khương chưa thuyết phục

TTO - Ngày 23-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt kết luận điều tra vụ án đưa, nhận và làm môi giới hối lộ đối với các bị can, trong đó có nhà báo Hoàng Khương, báoTuổi Trẻ.

Nhà báo Hoàng Khương (tên thật Nguyễn Văn Khương) bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ.

Với nhận định rằng vai trò của nhà báo Hoàng Khương trong vụ án này là “xuất phát từ lợi ích cá nhân, vượt quá mục đích tác nghiệp báo chí vì thông tin đơn thuần”, bản kết luận điều tra đề nghị truy tố nhà báo Hoàng Khương về tội “đưa hối lộ”.

Cùng bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ với nhà báo Hoàng Khương là hai chủ phương tiện giao thông có vi phạm gồm Trần Anh Tuấn (46 tuổi, chủ xe đầu kéo), Trần Minh Hòa (21 tuổi, chủ xe gắn máy) và bị can Nguyễn Đức Đông Anh (23 tuổi, em vợ nhà báo Hoàng Khương, bạn của Trần Minh Hòa).

Thượng tá Nguyễn Minh Thông, phó trưởng Phòng PC46 Công an TP.HCM (người đứng), trao đổi thông tin với báo chí về vụ án liên quan đến phóng viên Hoàng Khương trong cuộc gặp gỡ ngày 9-2 - Ảnh: TÂN TIẾN
Bị can Huỳnh Minh Đức (36 tuổi, nguyên cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Bình Thạnh) bị đề nghị truy tố về tội “nhận hối lộ” và Tôn Thất Hòa (57 tuổi, giám đốc DNTN Duy Nguyên) bị đề nghị truy tố về tội “làm môi giới hối lộ”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho nhà báo Hoàng Khương, khẳng định cơ quan điều tra đã không xem xét bối cảnh xảy ra vụ án này xuất phát từ chính hai bài báo của nhà báo Hoàng Khương đăng trên báo Tuổi Trẻ, chủ trương của ban biên tập báo Tuổi Trẻ trong việc thực hiện tuyến bài ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Kết luận đã “cắt khúc” mối quan hệ giữa nhà báo Hoàng Khương, Nguyễn Đức Đông Anh và Trần Minh Hòa đơn thuần là quan hệ gia đình, cá nhân trong việc nhờ lấy xe đua vi phạm mà không đặt trong tổng thể các biện pháp tác nghiệp báo chí của nhà báo Hoàng Khương.

Theo ông Hoài, có thể khẳng định toàn bộ diễn biến sự việc liên quan đến Huỳnh Minh Đức và Tôn Thất Hòa trong việc nhờ giải quyết lấy xe vi phạm của Trần Minh Hòa vào thời điểm tháng 6-2011. Nhà báo Hoàng Khương xuất phát từ sự kiện có thực liên quan hành vi sai phạm của Trần Minh Hòa, từ đó đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ báo chí để nắm bắt thông tin, bằng chứng và đã sử dụng các thông tin, bằng chứng để góp phần làm rõ những hiện tượng tiêu cực trong việc xử lý vi phạm giao thông nêu trong hai bài báo đăng trên báo Tuổi Trẻ. 

Bản kết luận điều tra cho rằng do yêu cầu Huỳnh Minh Đức trả giấy chứng nhận đăng ký xe nhưng không được nên nhà báo Hoàng Khương đã viết bài trên báo Tuổi Trẻ là một nhận định chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, đi ngược lại toàn bộ quy trình xử lý và biên tập hai bài báo của ban biên tập báo Tuổi Trẻ.

Ông Hoài nhìn nhận khi đề cập đến một vụ án phức tạp, có sự quan tâm của dư luận xã hội, nhưng bản kết luận điều tra cũng không hề nhắc đến những kết quả hoạt động tác nghiệp báo chí của nhà báo Hoàng Khương nói riêng và báo Tuổi Trẻ nói chung trong việc phản ánh những tấm gương điển hình, tận tụy hi sinh của lực lượng công an trong công cuộc bảo vệ trật tự an toàn xã hội, sự yên bình của người dân, dẫn đến việc hiểu không đầy đủ bản chất hành vi của nhà báo Hoàng Khương và những đóng góp của báo Tuổi Trẻ thời gian qua. 

Bản kết luận điều tra cũng không có một đánh giá nào liên quan việc nhà báo Hoàng Khương đã đăng tải công khai hành vi tiêu cực của cảnh sát giao thông trên báo chí như là một kênh thông tin tố giác tội phạm. Từ đó Cơ quan điều tra mới có căn cứ để xem xét, xử lý vụ án này.

“Đây là một bản kết luận điều tra thiếu tính thuyết phục cả về pháp lý và thực tế, chúng tôi sẽ kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM và TAND TP.HCM xem xét”, luật sư Phan Trung Hoài cho biết.

GIA MINH - CHI MAI



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo