Trịnh Kim Tiến - "Thời gian trôi quá chậm đối với những ai đang chờ đợi, trôi nhanh đối với ai sợ hãi, qúa dài đối với ai phiền não, qúa ngắn đối với ai hân hoan". Trước những bất công và gian dối, tôi đã lớn dần theo thời gian.
Không còn bất ngờ như trước khi nhận được thông báo về phiên xử phúc thẩm vụ án của bố tôi bị Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh cùng dân phòng phường Thịnh Liệt đánh và mất ngày 8/03/2011. Tôi đọc thông báo với cái tên “giấy triệu tập” với một thái độ bình tĩnh hơn rất nhiều so với lần trước đó.
Trong phiên tòa sơ thẩm đầu tiên, gia đình chúng tôi có nhận được 4 giấy mời thông báo về phiên xử. Khác với lần trước, lần này Tòa án dùng giấy triệu tập. Giấy triệu tập những người liên quan đến sự việc đến dự phiên xử phúc thẩm thì cũng là điều hợp lý và không có gì sai với quy định pháp luật. Nhưng ở đây, điều khiến tôi ngạc nhiên là giấy triệu tập đó chỉ triệu tập mình cụ già đã 90 tuổi là bà nội tôi đến tham dự phiên tòa. Trong khi mẹ tôi, tôi, cùng em gái lại không có nhận được bất cứ thông tin nào về phiên xử phúc thẩm. Triệu tập là một điều bình thường nhưng triệu tập một mình cụ già 90 đến nghe xử án là một điều lạ lùng mà tôi chưa hình dung ra được tại sao.
Ngay sau khi phiên tòa sơ thẩm ngày 13/01/2012, ngày 20/1/2012, bốn người trong gia đình chúng tôi đã đồng thời gửi đơn kháng cáo đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, phản đối mức án 4 năm tù giam cho một mạng người, kháng cáo toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm ngày 13/01/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử bị cáo Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó Công an phường Thịnh Liệt về tội Làm chết người trong khi thi hành công vụ theo Khoản 1, Điều 97 Bộ luật hình sự. Đề nghị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với dân phòng và các cán bộ trực ban Công an phường Thịnh Liệt trong ca trực ngày 28/2/2011.
Không có một lý do gì để Tòa án tối cao có thẩm quyền hủy đi quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của chúng tôi, vợ và con người bị hại. Chúng tôi có quyền tham gia tố tụng trong phiên tòa xử liên quan đến việc bố tôi bị công an đánh chết.
Sau khi nhận được giấy triệu tập bà tôi ngày 02/05/2012, triệu tập đúng 8h ngày 14/05/2012 có mặt tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao Hà Nội- số 262 phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, phòng xử III để tham gia tố tụng trong phiên tòa phúc thẩm, chúng tôi đã chờ đợi 2 ngày là đến hôm nay, ngày 04/05/2012 nhưng vẫn không có thêm thông báo nào khác. Đường bưu điện không thể có sự trục trặc, chậm trễ trong việc chuyển phát đến tận 2 ngày.
Tôi lo ngại cũng như phiên Tòa sơ thẩm trước, một lần nữa chúng tôi có thể bị hụt hẫng chăng? Lại một lần nữa chúng tôi tiếp tục chờ đợi một thông báo từ Tòa. Nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng cho phiên xử dù bất cứ lúc nào và trước mắt là ngày 14/05 sắp tới đây.
Hành trình đi tìm công lý đúng là có những gian nan, có lúc mệt mỏi, nhưng tôi chưa một lần có ý định dừng lại ở phiên sơ thẩm. Dù còn một chút hi vọng tôi cũng gắng sức bởi bản án 4 năm tù giam đó là một sự chà đạp lên công lý. Bởi không chỉ có mình bố tôi là một nạn nhân bị công an đánh chết. Bởi sau đó tôi đọc thấy được, biết được còn rất nhiều, rất nhiều trường hợp tương tự. Bởi sau lá thư gửi ông Nguyễn Tấn Dũng- Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam, sau lá đồng đơn tố cáo và yêu cầu Quốc hội lên tiếng về việc công an lạm quyền đánh chết dân, tội ác vẫn còn hoành hành vì công lý chưa được thực thi. Bởi ổ dịch vẫn đang lan tràn mà không có một biện pháp nào ngăn chặn, hình ảnh thương tâm của những người dân bị chết oan trong đồn công an vẫn lặp lại liên tục.
Con đường công lý dài lắm, dài như một chặng đường hành quân của người lính biên phòng. Nếu không kiên quyết, nếu không quyết tâm khó mà có thể đi trên con đường đó. Tôi tự nhủ rằng, cố gắng lên. Tôi hiểu rằng, khó khăn là một phần của cuộc sống và chúng tồn tại là để tôi vượt qua.
Trịnh Kim Tiến