Văn Vũ (Danlambao) - Tròn một năm trôi, nhưng dư âm của 11 cuộc biểu tình Chủ nhật, mở đầu bằng ngày 5-6-2011 quật khởi xuống đường chống Trung Quốc bành trướng ở hai trung tâm chính trị Hà Nội và Sài Gòn vẫn mãi âm vang hào hùng đến hôm nay và mai sau. Bất chấp thực tại đáng buồn: nhiều biểu tình viên bị đàn áp, đánh đập, bắt bớ… sau đó, bị khủng bố bằng mọi biện pháp đê hèn, bẩn thỉu nhất. Những người VN yêu nước nhiệt thành, yêu tự do dân chủ, căm ghét độc tài… vẫn ngẩng cao đầu hy vọng.
Lần đầu tiên dưới thể chế toàn trị, trí thức và người dân vượt qua nỗi khiếp nhược truyền kiếp, để hiên ngang biểu lộ tình cảm yêu nước. Qua đó, gửi đến nhà cầm quyền một thông điệp rất rõ ràng: không ai có quyền ngăn cấm, cản trở quyền biểu lộ tình cảm của người dân – một trong vài quyền đương nhiên cơ bản nhất, đã được minh định tại Hiến pháp - không chỉ của VN mà còn của các quốc gia tiến bộ văn minh trên toàn thế giới.
Đã quen cai trị bằng đầu độc chính trị, bằng dùi cui, súng đạn và nhà tù, quá nửa thế kỷ nay, nhà cầm quyền hắc ám tự cho mình cái quyền người cấm đoán công dân tự ý biểu tình, bỗng một ngày giật mình: người dân giờ đây không cam chịu là bầy cừu nữa, cái nhà tù lớn VN giam cầm gần 90 triệu dân sắp vỡ toang!
Có lẽ phải phân tích thêm về 2 tiếng "biểu tình" (biểu lộ tình cảm).
Khi người dân xuống đường biểu tình, nhà cầm quyền lập tức gắn cho 2 chữ "tự phát", không ít người bập theo một cách vô thức.
Vì sao nhà cầm quyền nói tự phát?
Vì họ quen tư duy độc tài: người dân không tự nhiên có quyền làm bất cứ cái gì, trừ khi nhà cầm quyền yêu cầu hoặc ban phát. Xin thưa, dưới thể chế này, đây không phải lần đầu tiên người dân xuống đường biểu tình. Những năm chiến tranh, nhân dân miền Bắc đã quá quen với hàng nghìn cuộc biểu tình chống Mỹ, chống "ngụy quyền" Sài Gòn, ủng hộ Cu Ba, Liên Xô, Trung Quốc… do nhà nước "đặt hàng" và đứng ra tổ chức. Rồi những cuộc biểu tình ủng hộ cái này cái kia, như kiểu chào mừng bầu cử, thắng lợi đại hội đảng… mà người dân bất đắc dĩ phải tham dự (không đi, vào sổ đen cái chắc!), lòng dửng dưng, miệng hô, tay phất cờ "nhiệt liệt hoan nghênh" mà bụng chẳng có chút tình gì sất (vì chỉ biểu lộ giùm tỉnh cảm của nhà cầm quyền)!
Theo nhà cầm quyền, người dân tự biểu tình là hành động tự phát. Người dân làm theo yêu cầu hay ban phát của họ mới là "tự giác", là "có ý thức"!(?). Kinh nghiệm nhiều thập kỷ ngạt thở dưới thể chế độc tài toàn trị sắt máu và hắc ám, xuống đường biểu tình, người dân đã phải cân nhắc rất kỹ những tai ương, rủi ro sẽ phải đối mặt. Nhưng họ vẫn sẵn sàng chấp nhận. Xin hỏi, đó là hành động "tự phát" (nông nổi, vô thức, trong phút chốc bồng bột) hay "ý thức", "tự giác"?
Trở lại những cuộc biểu tình Chủ Nhật.
Lần đầu tiên, nhà cầm quyền lâm thế lúng túng, bất nhất, luộm thuộm và chia rẽ ở vấn đề hệ trọng sống còn đối với nền độc tài. Lúng túng vì bất ngờ. Lúng túng vì người biểu tình mang khẩu hiệu yêu nước, bảo vệ biển đảo quê hương, phản đối hành động gây hấn và âm mưu bá quyền của Trung Quốc, không lẽ lại dìm trong biển máu? Lúng túng vì nếu mạnh tay thì dễ đổ dầu vào lửa, với hậu quả không thể lường, không mạnh tay thì không biết sẽ đi đến đâu? Lúng túng vì Tổng Bí thư đảng – ngôi cao nhất thể chế - cố tình "ngậm hột thị", ngó lơ như không hay biết, nhất quyết không lên tiếng ủng hộ hay phản đối. Bất nhất vì không tỏ thái độ đàn áp thì Bắc Kinh phật ý, đàn áp lại gây mất lòng tin nơi người dân. Chia rẽ vì ở cấp lãnh đạo nào cũng còn người không vì quá mờ mắt chức quyền bổng lộc mà đang tâm bán rẻ quyền lợi đất nước và nhân dân, cố níu giữ một thể chế phản dân chủ lỗi thời đang kìm hãm đất nước, đè nén nhân dân. Luộm thuộm vì cấp trên ngoài miệng nói biểu tình là yêu nước, là đáng biểu dương, cấp dưới lại thằng tay trấn áp, khủng bố. Đến cái thông báo cấm biểu tình của UBND TP Hà Nội cũng đóng dấu treo, không chữ ký!
Về phía đội ngũ biểu tình, có đủ giai tầng xã hội: trí thức khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, học sinh sinh viên, chủ doanh nghiệp, tiểu thương, lao động bình dân, cựu chiến binh, lão thành cách mạng…
Sự xuất hiện của nhà văn gạo cội Nguyên Ngọc là bằng chứng hùng hồn phản biện, dập tắt cái luận điệu "giới trẻ bồng bột bị thế lực phản động nước ngoài xúi giục". Nguyên Ngọc, tác giả "Đất nước đứng lên", xuống đường, báo hiệu một lần nữa, ĐẤT NƯỚC LẠI ĐỨNG LÊN. Không ai có thể vu vạ nhà văn ngoài 80 tuổi, tham gia cách mạng từ đánh Pháp, tác giả của nhiều tác phẩm lớn về đề tài chiến tranh, xét về cống hiến và trí tuệ và độ già dặn chính trị thì đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không đáng để so sánh… là kẻ nông nổi hay bị phản động xúi giục.
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận, cái tư duy nô lệ, khiếp nhược tâm căn cố đế nhiều thập kỷ còn đè nặng đa số cán bộ, người dân ta.
Bên cạnh đa số người dân còn bàng quan với vận mệnh dân tộc, một tỷ lệ không nhỏ cán bộ, người dân tuy lâu nay trăn trở, khinh ghét cái thể chế tàn mạt, tham nhũng mục ruỗng, độc tài sắt máu, hèn với giặc, ác với dân, nhưng vẫn giữ thái độ "quan sát viên" với các cuộc biểu tình. Nhiều lão thành cách mạng, cựu lãnh đạo, cựu tướng lĩnh, cựu chiến binh, nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia danh tiếng… tuy bằng cách này cách khác tỏ thái độ ủng hộ biểu tình, nhưng bản thân lại không xuống đường. Vì vậy, số lượng biểu tình viên qua 11 cuộc chẳng tăng thêm là bao. Và điều đó cũng tạo điều kiện cho thế lực hắc ám ra tay khủng bố ít ỏi biểu tình viên tiêu biểu.
Điều đáng sợ không phải là hành vi của số ít ỏi kẻ thủ ác, mà là thái độ của đa số dửng dưng với cái ác.
Một tỷ lệ không nhỏ trí thức và người dân luôn cảm thấy ngột ngạt, bức bách, thường phàn nàn than vãn, mong mỏi đổi thay tiến bộ, nhưng chưa dám xuống đường để tự giải phóng. Với những người này, câu nói "nhân dân nào, thì chính phủ ấy" đáng để họ suy nghĩ. Rất nhiều sĩ quan quân đội, công an băn khoăn liệu đổi thay chính trị, họ có còn có việc làm và đồng lương (như thượng cấp trên vẫn đầu độc, dọa dẫm)? Khổ thay, họ chẳng chịu nhìn sang nước Nga và đông Âu sau biến cố cuối thập kỷ 80. Mọi sĩ quan, binh lính đều cần thiết cho bất cứ thể chế nào, để bảo vệ bờ cõi đất nước, giữ gìn an ninh. Chỉ có số rất ít những cái "đầu đất" bảo thủ trì trệ, mới không có chỗ trong lực lượng vũ trang mới. Chẳng phải trung tá cựu sĩ quan KGB Putin đã trở thành Tổng thống Liên Bang Nga và đang tái giữ ngôi vị này hay sao?
Chẳng phải khi xảy ra đổi thay chính trị, nhà cầm quyền Liên Xô đang có trong tay 25 triệu đảng viên cộng sản và 4 triệu sĩ quan binh lính hay sao? Bao nhiêu người trong số đó sau biến động chính trị bị mất việc, mất lương?
Mười một cuộc biểu tình, khởi đầu từ ngày 5-6-2011, bị đàn áp dữ dội và khủng bố nham hiểm, hèn hạ, đến 20-8-2011 thì kết thúc. Công bằng mà nói, chưa phải là thắng lợi như mong đợi của đa số người yêu nước, khát khao tự do, mong mỏi điều tốt đẹp cho nhân dân. Tuy nhiên, cuộc cách mạng nào cũng cần có tập dượt, cũng có trải thất bại, mới đến thành công cuối cùng.
Ngay hiện trạng nhiều biểu tình viên đang bị nhà cầm quyền khủng bố bằng đủ kiểu man rợ (sử dụng cả côn đồ) cũng là điều lợi bất cập hại với nhà cầm quyền.
Như anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực xưa kia từng khẳng định: "bao giờ hết cỏ, mới hết người Nam đánh Tây", bao giờ không còn một người Việt Nam nào yêu nước, yêu tự do, mới hết tư tưởng phản kháng chế độ độc tài bán nước ô nhục. Càng khủng bố, nhà cầm quyền càng lộ rõ bộ mặt xấu xí để ngày càng nhiều người nhận rõ, càng gây thêm bức xúc dồn nén, càng tự đào hố chôn mình.
Một năm đã qua, kể từ ngày 5-6-2011 lịch sử, dân trí bừng thức tỉnh. Còn nhiều việc phải làm nữa để đến được ngày Việt Nam thắng lợi vinh quang nhất – chiến thắng (nỗi khiếp nhược mơ hồ truyền kiếp) chính mình. Nhưng chắc chắn, rồi đây lịch sử dân tộc sẽ ghi chép về những ngày Chủ nhật quật khởi như những trang hào hùng, âm vang nhất - báo hiệu ĐẤT NƯỚC GỌI ĐỨNG LÊN!