Lươn hay trạch đều xắt ra tiền - Dân Làm Báo

Lươn hay trạch đều xắt ra tiền


Hoàng Đức Doanh (Danlambao)Cậu Mạnh con bà Kha học hết lớp 12, cậu không thi đại học mà lại đi tu. Ông, bà Kha không đựơc vui, còn hàng xóm thì bàn tán mỗi người mỗi phách. Mấy người già thì chặc lưỡi: Nó theo nghiệp thầy cúng của ông nội nó đấy!

Cũng phải đến mấy năm dân làng không ai nhìn thấy cậu, có hỏi thăm thì gia đình cho biết: Cậu đang tu ở cái chùa gì trên Sóc Sơn, làm môn đệ cho một vị cao tăng nghe đâu là Sa môn, Tỳ kheo gì đó. Cả nhà bà Kha hết buồn, dường như có niềm tự hào đang nảy nở, thời cuộc đổi thay, đạo Phật đang hưng thịnh, chả bù cho mấy năm trước, nói về cậu làm cả nhà đều buồn.

Đột nhiên cậu về thăm quê, trông người khác hẳn, cao giàn, đẹp trai đầu trọc xúng xính trong bộ trang phục tu hành. Chào cậu bây giờ thì không ổn nên có người thì chào bằng Thầy, có người thì chào bằng Bác - Sư bác.

Tối đến Bác không ngủ ở nhà mà ra chùa làng. Trụ trì chùa làng lại là sư nữ, bà Kha ái ngại nhưng Bác đã giải thích cho mẹ trước mặt sư làng rằng: Đây là giới luật nhà Phật, khi đã xuất gia không được ngủ ở nhà bố mẹ, thụ lễ phát tóc đã thề trì giới, không thể sao nhãng được.

Cũng vì thế mà bà Kha có dịp thân mật với sư làng, kể từ đó bà chủ tâm lắng nghe những xì xào về sư, về chùa, có việc gì cần nói lại bà tức tốc ra chùa nhỏ to tâm tình, chia sẻ, tự nhiên bà coi là công việc của bà.

Một hôm dân làng đi làm đồng, vì trời nắng quá nên ngồi nán lại gốc đa chuyện gẫu. Chuyện gần chuyện xa, rồi chuyện dừng lại ở nhà ông Chất phó giám đốc công an tỉnh vừa làm lễ bốn chín ngày cho mẹ. Lúc còn sống cụ theo con ra thành phố, khi quy tiên con đưa mẹ về quê, rồi làm lễ thất tuần cho cụ.

Khoá lễ này nhờ sư làng thu xếp, đến ngày, giờ thấy có thêm bốn vị sư nữa tổng là 3 tăng, 2 ni. Khoá lễ kéo dài 3 ngày, 3 đêm, những già làng có tâm tiếp phúc dù là lâu hay mau khi ra về đều có lộc tươm tất, ai lấy vào xem như xem hội. Tốn kém bao nhiêu ai mà biết được? Những người tò mò ước tính không thể dưới năm chục triệu, chắc sư làng cũng bỏ túi mươi triệu, các sư bạn năm triệu một người.

Câu chuyện nói ra nói vào, khen thì ít mà chê thì nhiều. Bà Kha tuy không liên đới nhưng đã cảm thấy đang bóng gió đến bà. Bao nhiêu người nói bà cố làm thinh, đến khi bà Liên vợ ông chủ tịch xã chỉ có một câu là bà bốp chát, bà Liên nói: Ối dào! Thời buổi sư làm kinh tế mà. Cứ núp bóng Phật, dựa vào Phật hét bao nhiêu trả được. Phật tử nào dám cãi, có phải chợ đâu mà mặc cả. Các bà thấy đấy, lễ giải hạn đầu năm, mỗi con hương năm mươi ngàn cứ gọi là nhân với 500 đi có phải là 25 triệu rồi không mà hương đăng, giấy sớ có đáng bao nhiêu, để đâu cho hết tiền?

Lập tức bà Kha phản chiến:

- Sư thì dựa vào Phật để kiếm tiền, còn cán bộ thì dựa vào ai để tham nhũng? Không dựa vào đảng, vào bác thì dân vặn cho hết mọi cái răng, quen thói chỗ nào cũng gặm, tiền cứu trợ người nghèo cũng không tha!

Nếu chỉ có hai bà chắc là to chuyện, ông Mạc phải lên tiếng dàn hoà:

- Lươn có ngắn đâu mà phải chê trạch dài? Cứ bỏ vào nồi bung mùng mẻ thì chẳng có ai xấu cả, xắt ra tiền ấy chứ! (?)

Hoàng Đức Doanh
http://danlambaovn.blogspot.com/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo