Nguyễn Thanh Sơn - “Hai mươi năm trước, từ cửa miệng (của khu vực Đông Nam Á) là tăng trưởng. Mấy năm trở lại đây là phát triển bền vững. Còn hiện nay, theo tôi từ đó là cân bằng”- Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Tài chính Thái Lan, ông Kittirat Na-Ranong, chia sẻ tại buổi tọa đàm về “Mô hình Đông Á cho chuyển đổi kinh tế thế giới” nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh về Đông Á của Diễn đàn kinh tế Thế giới tổ chức tại Bangkok tuần vừa rồi. Không khó để nhận thấy, mặc dù được gọi là “mô hình Đông Á”, nhưng sự vắng mặt của các đại biểu thuộc Nhật Bản, Hàn Quốc đã khiến cho buổi tọa đàm chủ yếu tập trung vào việc tìm kiếm mô hình phát triển cho các nước Đông Nam Á- những nền kinh tế đang lúng túng tìm kiếm mô hình thay thế cho mô hình phát triển chủ yếu dựa vào xuất khẩu hiện đang sa lầy khi những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Vậy các nước Đông Nam Á có thể đi tìm mô hình phát triển kinh tế ở đâu khi mà những mô hình kinh tế phát triển như châu Âu và Mỹ đang chứng tỏ những bất cập của nó? “Tôi không nghĩ quí vị có thể học được nhiều từ mô hình của các nền kinh tế được coi là tiên tiến như châu Âu và Mỹ”- một cử tọa phát biểu-“ngược lại, tôi nghĩ rằng, các nền kinh tế đó có thể học được nhiều điều từ cái cách mà các nước Đông Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia đã đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế của châu Á vào thập kỷ trước”. Với vẻ nhún nhường cố hữu của người châu Á, Phó thủ tướng Thái Lan Na- Ranong nói “chúng tôi không nghĩ mình là mô hình để người khác có thể học hỏi, nhưng chúng tôi nghĩ rằng, những vấn đề của nền kinh tế Mỹ và châu Âu có thể có gốc rễ từ sự thiếu cân bằng trong phát triển kinh tế. Có lẽ, nếu chúng tôi thành công trong việc tìm ra mô hình phát triển cho mình thì cũng có nghĩa là chúng tôi đóng góp vào cho sự chuyển đổi của nền kinh tế thế giới” (“help us to help them”)
“Có thể tóm tắt chung như sau cho tình trạng kinh tế thế giới hiện nay: đó là mong manh và khó lường”-ông Pascal Lamy, Tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phát biểu. Trước những bất ổn tiềm ẩn của nền kinh tế châu Âu với cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp và nền kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu hồi phục, nguy cơ của sự quay về của chủ nghĩa bảo hộ sẽ tiếp tục đe dọa kinh tế Đông Nam Á. Ngoài ra, “Đông Nam Á phải đối mặt với bốn thách thức chính: ổn định kinh tế, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và qui hoạch đô thị”- ông Gerald Mestrallet, chủ tịch của tập đoàn GDF SUEZ, Pháp, bổ sung.
Vậy các nước Đông Nam Á phải làm gì để phát triển? Dựa vào nội lực của chính mình-ông Pascal Lamy đề xuất- bằng cách minh bạch hóa nền kinh tế, tăng cường hội nhập kinh tế bên trong khối ASEAN và tiến hành mạnh mẽ các cải cách nội bộ.
Đề xuất khá chung chung của ông Pascal gặp phải phản ứng, nói nhẹ ra là hờ hững của các quan chức ASEAN. Trong khi thống nhất về việc cần thiết có các cải cách nội bộ, bộ trưởng Kinh tế Indonesia Gira Wirjawan cho rằng mỗi một nước ASEAN có những vấn đề nội bộ khác nhau, do đó khó có công thức chung cho các cuộc cải cách. Về vấn đề minh bạch hóa nền kinh tế và chống tham nhũng, ông kiên quyết hứa “Indonesia sẽ xử lý vấn nạn tham nhũng trong vòng 5 năm tới. “Vấn đề là chúng ta nhận thức được những thách thức mà chúng ta đang gặp phải và đối mặt với nó. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề chỉ trong một ngày một tháng, nhưng chúng ta sẽ giải quyết chúng”.
Tranh cãi lớn nhất nổ ra trong vấn đề hội nhập khối, và một trong những thách thức được đặt ra là liệu ASEAN đã sẵn sàng cho việc di trú tự do trong khối. Trong khi ông Malvider M.Singh, chủ tịch của tập đoàn Fotis Healthcare, cổ vũ cho việc cạnh tranh nội tại trong khối về nguồn nhân lực (“các nền kinh tế yếu kém phải chấp nhận việc nhân lực cao cấp dời sang những nền kinh tế phát triển tốt hơn. Điều đó sẽ tạo áp lực buộc họ phải thay đổi, phải cải cách để giữ chân nhân tài và nhân lực cần thiết cho sự phát triển kinh tế”) thì giáo sư Joseph Stiglitz lại khuyên nên thận trọng với việc di trú tự do. “Cộng đồng ASEAN không phải như các bang của Mỹ, vấn đề di trú tự do trong khối không phải là vấn đề có thể xem nhẹ”. Còn Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cảnh báo“ hội nhập khối không phải chỉ có cơ hội, khi tiến hành hội nhập, các nước cũng “phơi nhiễm” với những vấn đề và thách thức của nước khác”. “Có một điều có thể khẳng định, chúng ta không phải cộng đồng chung châu Âu- ông Gita Wirjawan, bộ trưởng kinh tế Indonesia kết luận-vấn đề một đồng tiền chung không có chỗ trong chương trình nghị sự”
Có vẻ ASEAN không tin rằng nội lực của mình là đủ để có thể chuyển đổi nền kinh tế đang trì trệ hiện nay. Trong nỗ lực tìm kiếm một mô hình phát triển mới cho Đông Nam Á, hàng loạt các cuộc hội thảo khác đã được tổ chức: từ việc phát triển kinh tế qua du lịch và lữ hành- vốn là thế mạnh của Đông Nam Á, đến quản lý chuỗi cung ứng cho Đông Á, phát triển nông nghiệp bền vững, cung cấp tài chính cho phát triển tương lai, xây dựng cơ sở hạ tầng cho Đông Nam Á, đến tăng cường khả năng “kháng cự” với khủng hoảng, thảm họa thiên nhiên hay xóa đói giảm nghèo, tăng cường vai trò của phụ nữ. “Có những tiềm lực trong khối ASEAN chưa được khơi thông”- bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ phong trào dân chủ Miến Điện nói-“ ví dụ như vai trò và tiềm năng của phụ nữ trong nền kinh tế. Ở nhiều nước Đông Nam Á, ngay cả phụ nữ cũng tin rằng họ không cần phải đòi hỏi thêm quyền lợi, vì họ đã khá bình quyền trong việc tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế hay văn hóa xã hội. Tôi cho rằng chưa đủ. Phụ nữ cần phải được giải phóng hơn nữa, tham gia vào các hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn. Thách thức này phải được giải quyết thông qua giải quyết văn hóa “trọng nam khinh nữ” của Đông Nam Á chứ không thể giải quyết thông qua việc phát triển của nền kinh tế, vì nếu như vậy, bình đẳng giới ở Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn sẽ tốt hơn các nước Đông Nam Á, mà thực tế không phải như vậy”. Bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của giáo dục phổ thông và giải quyết vấn đề thất nghiệp ở thanh niên, vấn đề mà bà cho rằng đang là một quả bom hẹn giờ đối với kinh tế Miến Điện.
Phản ứng của các doanh nghiệp Việt Nam ra sao đối với các cuộc thảo luận về mô hình kinh tế mới của Đông Nam Á. Chủ tịch một tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam nhún vai “ tôi chỉ có thể nói một điều, khẩu hiệu Một Đông Nam Á vẫn chỉ là khẩu hiệu, và chúng ta chẳng thể trông chờ vào ai ngoài chính chúng ta”.
Có lẽ, đó là nhận định ngắn gọn và chính xác về kết quả của các cuộc thảo luận này…