Bảo Giang (Danlambao) - Chuyện kể rằng: Một con chuột nhắt ngồi co rúm thân hình trong vòng kềm tỏa của con mèo gìa ở góc sân. Mật đã bị vỡ nên con chuột có đôi mắt lờ đờ như chờ chết. Tuy thế, thỉnh thoảng nó cố gượng nhướng lên để nhìn ra ngoài. Thảm thay, đôi mắt không còn thần khí ấy chỉ nhìn thấy đôi chân trước của con mèo hình cánh cung cao như đỉnh núi. Đã thế, đôi chân ấy còn hung bạo làm sao chứ? Nó cứ như sẵn sàng thu nhỏ cái vòng cung lại, hoặc nâng lên, đặt nhẹ lên thân mình vốn đã bị bầm dập vì những vết thương của con chuột nhắt.
Đến khi con chuột cố nghểnh cả cái cổ đau nhức lên cao hơn trên bề mặt cái chân con mèo, nó cũng chỉ nhìn thấy những chòm lông ở dưới cổ hay quanh mồm con mèo như đang hạ thấp xuống xát trên mình nó. Rồi nó nom thấy cái bóng đen của con mèo đổ xuống đất mới vĩ đại và ghê gớm làm sao. Bóng đen không chỉ bao trùm lên cái vị trí ngồi như nằm của nó, mà còn che phủ cả một khoảng rộng mênh mông! Nó rụt cổ lại. Trong cảnh sống ấy, con chuột nhắt chỉ nghe hơi thở mạnh của con mèo là toàn thân co rùm lại. Nó có sống, không bằng chết!
Nhìn từ ngoài là thế, phần con chuột nhắt. Tuy nằm trong cảnh sống không bằng chết, nhưng xem ra nó cũng có lắm tự hào. Nó vẫn vênh vênh váo váo theo cái đỉnh cao nô lệ của Hồ Chí Minh, mà huyênh hoang về cái tình đồng chí thắm thiết tình nghĩa ruột thịt, môi hở răng lạnh của nó với con mèo. Để từ đó, thay vì biết uất hận, tủi nhục khi làm kiếp chuột lọt bẫy, nó lại tự hào vì được nâng niu trong vòng tay con mèo. Nó cho đó là một vinh quang tuyệt đối. Một thứ ân huệ riêng, một che chở cần thiết để nó an tâm ngồi nuốt cho gọn vài hột gạo, miếng khoai, còn xót lại quanh mình.
Trong khi đó, con mèo biết rõ những gì nó cần làm. Lúc thì nó kéo cái chân trước cho cái vòng cung nhỏ lại, khi thì đuổi thẳng như mở rộng ra. Hoặc giả, có lúc nó ngủ gục cho các chòm lông trước ngực nó phủ đè xuống trên con chuột. Tất cả những động tác ấy đều nhịp nhàng, khi mạnh, lúc yếu theo một mục đích có sẵn. Buộc con chuột nhắt, phải nóng, lạnh tùy theo mọi động tác của nó. Hoặc làm cho con chuột không còn một chút ý chí nào để vượt thoát ra ngoài vòng kềm tỏa của nó. Nói cách khác, nó coi con chuột như một thứ đồ chơi trong mắt để thư giãn trước khi nó nuốt chửng con chuột vào bụng, hoặc dương oai ra bên ngoài.
Bỗng một ngày, cả hai củng giật mình. Bởi lẽ, trên cái sân rộng kia, tưởng là chỉ có cảnh mèo vờn chuột, hay cảnh chuột nép mình dưới chân con mèo để tìm sống. Không ngờ lại xuất hiện bóng dáng một con chó kiểng nom kiêu sa, thảnh thơi đi tới, đi lui. Đã thế, có lúc đã giẫm lên cả cái bóng đen của con mèo. Nóng mặt, đôi mắt con mèo nhíu lại, hàm răng nhe ra những răng nhọn như có ý báo cho con chó kiểng kia biết rằng: Đây là vùng lãnh địa của ta, nhà ngươi không nên tìm đến để gây ra phiền hà cho nhau. Kết quả, con chó kiểng làm như không nghe biết tiếng mèo. Hơn thế, nó còn khinh khỉnh nhìn cảnh mèo vờn chuột rồi vẫy vẫy cái đuôi…
Sự kiện này, làm cho con chuột nhắt mở bừng đôi mắt: A, ta sợ nó, ta tôn thờ nó, nhưng thằng chó kiểng kia chẳng coi cái con mèo này ra gì! Tại sao ta không nhân cơ hội để thoát cảnh bị bao vây? Nghĩ thì thế, nhưng thực tế, nó cũng biết, con chó kia cũng chẳng thương gì nó. Đã thế, chó mèo vẫn thường chẳng ưa nhau. Nhưng có nên lợi dụng lúc chúng tranh giành nhau để giống chuột dễ thở hơn chăng?
Diễn biến là thế, nhưng khốn nỗi, lửa hào khí của con chuột vỡ mật chỉ có bấy nhiêu. Rồi thay vào đó là sự thuần thục trong kiếp sống ăn bám bằng gian dối và nô lệ đã thành nề nếp từ lúc Hồ Chí Minh tạo ra cái ổ chuột cho chúng nương nhờ. Nên thay vì phải tìm cách vận dụng toàn sức mạnh để vượt thoát ra khỏi vòng tay con mèo. Nó lại mơ đến một cái lỗ để chui xuống trốn con mèo, và rồi tìm cách đến bên con chó bằng đường ngầm, tự lừa dối.
Đó là hình ảnh toàn cảnh “Môi hở răng lạnh". Mỹ có nhảy vào đổ vỏ hay không? Tàu cộng toan tính gì? Việt cộng và người dân Việt Nam sẽ ra sao?