“Tà đạo” và “nhọn đạo” - Dân Làm Báo

“Tà đạo” và “nhọn đạo”

Người Miền Trung (Danlambao) - Cùng là đạo giáo, cùng có thánh, có kinh, có người thờ thánh và có người truyền tụng kinh, nhưng đạo giáo nào chính quyền cấm đoán thì họ gọi là “tà đạo”. Còn đạo giáo nào Chính quyền ra sức truyền tụng để phát triển, trái ngược với “tà đạo” nên gọi là “nhọn đạo”.

Chữ “tà” theo chính quyền đó là “gian tà”, nhưng thật ra không phải vậy. Chữ “tà” có nghĩa là “cùn”, tức là đạo giáo đó “cùn” đi chứ không phát triển được 

Còn “nhọn đạo” là đạo giáo “mũi nhọn” do chính quyền tự “phong lên một vị thánh”, tự “giảng kinh” Người, sử dụng bộ máy truyền thông khổng lồ của Nhà nước để truyền đạo, sử dụng cả ngân sách Nhà nước để xây đền thờ, tượng thờ khắp nơi, và phát triển nó như một “mũi nhọn”. 

“Nhọn đạo” đó chính là “đạo Hồ”, cách gọi khác là: “Hồ Giáo”, tức là đạo giáo thờ vị thánh Hồ Chí Minh do chính quyền cất công truyền tụng và phát triển. 

Đôi nét về “tà” đạo: 

Báo CAND ngày 27/07/2010 đăng tin về một tà đạo ở Tây Nguyên của đồng bào dân tộc thiểu số như sau: Sự lừa mị trắng trợn - Y Gyin (SN 1942), còn tên gọi khác là Y Ên, hành nghề thầy cúng trú ở làng Kơ Tu, xã Hà Mòn, huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum tự dựng lên một câu chuyện hết sức ngớ ngẩn nhằm để lừa bịp nhiều người, đó là việc hắn cho rằng đã nhìn thấy "Đức Mẹ Maria hiện hình" và được "Đức Mẹ" chọn làm "sứ điệp" để phán truyền cho loài người. 

Đạo giáo đem đến cho con người đức tin chứ không phải là sự thật. Nhìn lại sự ra đời của đạo Hồi đang thịnh hành trên thế giới ngày nay thì có khác gì như thế: Nhà tiên tri Mohamah cũng cho rằng ông ta nhìn thấy thánh Ala, và cũng được thánh Ala chọn làm sứ điệp để phán truyền cho loài người. Cùng là vậy nhưng sao đạo Hồi không là tà đạo mà Chính quyền Việt Nam công nhận phát triển ở đất nước Việt Nam.

Cái ích lợi của đạo giáo là đem lại đức tin cho con người, người theo đạo tin rằng có Chúa, có Thánh luôn luôn phù hộ cho nên họ rất vững vàng về tinh thần trong cuộc sống. Xã hội hiện nay đang rối loạn, nếp sống truyền thống gia đình bị thay đổi cùng với kinh tế gia đình luôn bấp bênh, cho nên ở Tây Nguyên năm nào cũng có người dân tự tử treo cổ trên cây muồng mà chết. Thế nhưng cộng đồng dân theo đạo Thiên chúa giáo ở đây không bao giờ có cảnh đau thương như thế. Những lúc tinh thần bị khủng hoảng, dân theo đạo họ tin ở Chúa, họ được Cha và cộng đồng những người theo đạo giúp đỡ chia sẻ nên mới không xảy ra chuyện đáng tiết đau thương.


Báo CAND cho rằng vì niềm tin mơ hồ đó mà những người dân ở đây bỏ sản xuất. Có thật vậy không? Bỏ sản xuất thì lấy gì họ sống? Có chăng là ảnh hưởng đến sản xuất mà thôi. Nay đất nước không còn chiến tranh, đâu cần nhiều gạo cho tiền tuyến mà chính quyền phải đốc thúc dân làm ra nhiều gạo. Với người dân nếu như họ bưng bát cơm đầy mà không thấy hạnh phúc bằng ăn khoai sắn mà được kính cẩn cầu lạy Chúa thì Chính quyền nghĩ sao? Cái tự do của niềm tin ấy là quyền của mỗi người dân, đó là quyền tự do tín ngưỡng đã được luật pháp công nhận.

Năm 2010, hàng chục tín đồ theo đạo Thiên Chúa được cho là “tà đạo” ở Tây Nguyên đã bị chính quyền bắt với tội danh chống lại chính quyền, nhưng chứng cứ được cho là chống lại chính quyền không phải là vũ khí, là súng ống mà là “kích động mọi người không được nhận các mặt hàng chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước”

Cho không nhận thì gọi là chống và bị bắt. 

Rồi đến “nhọn” đạo 

Đạo “Hồ” hay “Hồ giáo” được chính quyền phát triển như là mũi nhọn, khắp nơi trên đất nước Việt Nam giăng đầy các khẩu hiệu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, suy xét cho kỹ đó là một kiểu “tụng kinh Người”. Rồi tượng đài và đền thờ Người được xây dựng khắp những nơi có dấu chân Cộng sản đến chứ không phải là dấu chân Người thánh đến. Gia Lai, Kon Tum là nơi mà Người chưa bao giờ đặt chân đến mà cũng xây cái bảo tàng Người. Nhà nước xây bảo tàng Hồ Chí Minh ở Gia Lai là để cho đồng bào các dân tộc Tây nguyên đến tôn thờ và học tập đạo đức tư tưởng Người, cho nên chính xác hơn và nói thẳng ra đó là “đền thờ” Người và để cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đến “tụng kinh” Người chứ không phải là “bảo tàng” Người !


Càng ngày “Đạo Hồ” càng lộ diện là một “đạo giáo” hẳn hoi, ở bên trời Âu người ta đã xây “điện thờ” của đạo này ở các đại sứ quán của Việt Nam chứ không còn trứ danh là bảo tàng như ở Gia Lai. Còn ở Bình Dương người ta còn đưa Hồ Chí Minh vào thờ ở… trong chùa, mà tượng Người ngồi chễm chệ phía trước tượng đức Phật Tổ Như Lai. 

Mục đích tuyên truyền của đạo giáo 

Cộng sản cho rằng: đạo giáo ra đời là nhằm mục đích lừa bịp dân để bảo vệ lợi ích cho giai cấp thống trị, ví như Nhà nước phong kiến châu Âu thời trung cổ dựa vào đạo thiên chúa giáo mà tồn tại được thời gian lâu dài, còn bên Trung Đông cho đến nay Nhà nước vẫn còn dựa vào đạo Hồi để tồn tại. Thế thì ở Việt Nam ta hiện nay có phải cũng đang chơi chiêu bài dựa vào “đạo Hồ” để mị dân, để Nhà nước độc tài Cộng sản tồn tại mà đem lại lợi ích cho giai cấp Đảng đang thống trị hay không?





Bài trên đài BBC sẽ thay cho câu trả lời: 

Bao giờ Đảng thôi núp bóng Hồ Chí Minh? 

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm được giới thiệu nhiều cho du khách 

Một buổi sáng âm u tại Hà Nội, một hàng người trải dài hàng trăm mét. Các phụ nữ bận áo dài, học sinh trong các bộ đồng phục chen nhau, những khuôn mặt đàn ông im phăng phắc bên cạnh một vài khách du lịch phương Tây có vẻ mặt tỉnh táo. 

Họ đều đang chờ đợi để diện kiến lãnh tụ của Việt Nam, ông Hồ Chí Minh - mặc dù ông đã mất được 43 năm. 

Đối với du khách, hình ảnh không phai nhạt của Hồ Chí Minh có thể là điều mà chính ông không bao giờ muốn thế – những hàng người xếp dài lê thê, chậm chạp đi qua các công đoạn kiểm soát an ninh, nhưng rồi lại chỉ có một vài giây đi ngang qua thi hài được ướp của vị lãnh tụ. 

Bản thân Hồ Chí Minh từng mong muốn được hỏa táng. 

Kỷ niệm ngày sinh thứ 122 của vị cố Chủ tịch năm nay, ngày 19 tháng Năm, đã được đánh dấu bằng một cuộc triển lãm các tư liệu về Hồ Chí Minh ở tỉnh Thái Nguyên và việc ra mắt một cuốn sách dịch về tiểu sử của ông khẳng định vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản. 

Cuốn sách mang tên "Hồ Chí Minh – Ông tiên sống mãi." 

Cuốn sách gồm 16 chương là một biên niên sử về cuộc đời và sự nghiệp của vị cố Chủ tịch. Sách do nhà hoạt động xã hội Thái Lan Suprida Phanomjong viết. 

Ông là con trai của một cựu Thủ tướng Thái Lan được cho là có quan hệ gần gũi với Hồ Chí Minh. 

Trang mạng của nhà nước - Vietnam News nói tác giả đã "xúc động khi thấy nhân dân Việt Nam tôn thờ Hồ Chủ tịch như thế nào". 

Dự lễ công bố bản dịch tiếng Việt của cuốn sách vốn ra đời lần đầu tiên 6 năm trước trước đây bằng tiếng Thái, có đại diện lãnh đạo Ban khoa giáo Trung ương Đảng, Vụ phó Vụ Báo chí - Xuất bản, Nguyễn An Tiêm. 

Trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam nói ấn phẩm đã được "kỳ vọng giúp nâng cao nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức của Người, qua đó góp phần cho phong trào Học tập và Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh." 
"Đảng hiện vẫn đang muốn núp bóng ông càng lâu càng tốt. Và chính sự thiếu công khai và minh bạch này đang làm cho họ gặp rắc rối." 
Nhà nghiên cứu Sophie Quinn-Judge 
"Sự thể rằng ông đã sống một cuộc sống khá đạm bạc và rằng ông đã dành cả đời mình cho sự nghiệp của đất nước, tất cả những điều đó chính là những đức tính mà tất cả những người cộng sản muốn chia sẻ," bà Sophie Quinn-Judge, một học giả và người viết tiểu sử về Hồ Chí Minh nói. 

"Nhưng vấn đề là tất cả có vẻ đạo đức giả và lỗi thời một chút vì ngày nay Đảng Cộng sản trong mắt của nhiều người Việt Nam không đại diện cho những phẩm chất đó. 

"Nhiều người cộng sản đang trở nên giàu có, tham nhũng tiếp tục sinh sôi, nảy nở và lan tràn: nếu đây là thứ đảng lãnh đạo mà ông Hồ Chí Minh đại diện, thì nhân dân sẽ không thực sự muốn nhìn thấy nó nữa. " 

'Núp bóng' 

Đảng Cộng sản hiện nay vẫn dùng hình ảnh cố lãnh tụ để củng cố tính chính danh 

Mỗi em học sinh Việt Nam vẫn còn được giảng dạy về người đàn ông mà các em gọi là Bác Hồ. Ảnh chân dung của ông – với vẻ thanh thản và nhân từ, có ở khắp mọi nơi, ngay cả ở miền Nam, nơi vẫn còn sự cay đắng trong nhiều người thua trận. 

Theo giới quan sát Việt Nam, hình ảnh của vị cố lãnh tụ vẫn không được phép là chủ đề biếm họa hay nhạo báng. 

Ở phương Tây, và trong nhiều người Việt tỵ nạn, Hồ Chí Minh thường được coi như là một người theo chủ nghĩa Stalin cứng rắn và một người chống chủ nghĩa đế quốc. 

Nhưng ở Việt Nam, thậm chí những người gièm pha ông cũng thừa nhận rằng Hồ Chí Minh ít cực đoan hơn những nhà lãnh đạo Cộng sản khác - và rằng ông trong một số tình huống còn bị những người khác trong Đảng coi là quá sẵn sàng thoả hiệp. 

"Ông không quan tâm quá nhiều đến đấu tranh giai cấp," bà Sophie Quinn-Judge nói. 

"Về cơ bản, ông là một người tin vào công bằng xã hội nhưng không tin vào một thứ cộng sản chủ nghĩa thiêu đốt mọi thứ. 

"Đảng hiện vẫn đang muốn núp bóng ông càng lâu càng tốt. Và chính sự thiếu công khai và minh bạch này đang làm cho họ gặp rắc rối," bà nói. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo