“Bác” sợ cháu, cháu sợ “bác” (phần 2) - Dân Làm Báo

“Bác” sợ cháu, cháu sợ “bác” (phần 2)

Gs. Nguyễn Hữu Chi (Danlambao)Dưới chế độ cộng sản, ai cũng biết là người dân đều sợ các tên độc tài khát máu. Như nhà trí thức Nguyễn Tuân đã từng hùng dũng tuyên bố một câu để đời: “Tôi còn sống đến ngày nay vì tôi biết sợ!” Trái lại, ít ai nghĩ rằng những tên cai trị cầm toàn quyền sinh sát trong tay lại sợ người bị trị. Thiệt là kỳ cục! Sau đây, tôi xin trình bày chi tiết về vấn đề kỳ cục này. 

Trước hết, trong tất cả các chế độ cộng sản trên thế giới từ trước tới giờ, các lãnh tụ độc tài – kể cả “Bác” lẫn ba sư phụ của “Bác” (Lê-Nin, Sì-Ta-Lin và Mao) – đều là những “ngụy quân tử”, tự vỗ ngực là con người Mác-Xít, nhưng thực ra không làm theo đúng những giáo điều mà “Thánh Hiền Các-Mác” đã dạy. Ai cũng biết, có người Mác-Xít nào theo đúng lý thuyết của Các Mác đâu? Ngay cả Các-Mác cũng chê bai những người mang danh “Mác-Xít” khi ông thanh minh rằng ông là Các-Mác chứ không phải là người Mác-Xít. [5] Vì thế, “Bác” và tất cả những lãnh tụ “Mác-Xít” khác đều rất sợ bị lộ tẩy, nên tìm đủ mọi cách tiêu diệt những đồng chí sáng suốt đã nhận ra những cái sai lầm của mình. 

Thí dụ như “Bác”, cũng như Mao-Trạch Đông, đã đi ngược với lối suy luận về “diễn tiến lịch sử” trong lý thuyết mà Các-Mác đã sáng tác ra, khi những lãnh tụ độc tài này đã phong chức đám bần cố nông lên địa vị “giai cấp tiến bộ”, thay thế giai cấp thợ thuyền để làm cách mạng lao động. Lê-Nin cũng làm một cuộc cách mạng lao động cưỡng ép, vì ông ta muốn đốt giai đoạn, nên đã làm một cuộc đảo chánh tiêu diệt toàn thể phe Men-Sơ-Vích để lên ngôi nắm độc quyền thống trị. Nói tóm lại, không một chế độ cộng sản nào được dựng lên sau một vụ tổng khởi nghĩa “long trời lở đất” bởi giới thợ thuyền! (như Các-Mác đã tiên đoán). 

Hơn nữa, “Bác” cùng với các lãnh tụ cộng sản khác đều là thừa biết là các “cháu” của “Bác” cũng không kém gì "Bác", bất cứ “thằng phải gió” nào cũng thèm cái địa vị độc tôn của “Bác”. Trong đám này, thế nào mà chẳng có thằng quá ư “đồi trụy” và liều lĩnh (tức là không biết sợ “Bác”), nên hễ có dịp may là “lật tẩy” “Bác,” và có thể cho “Bác” về hưu non, hoặc cho “Bác” đi “mò tôm” như “Bác” đã từng ra lệnh dìm xuống sông nhiều người yêu nước (trong đó có nhà văn hào Khái Hưng). Vì vậy “Bác” cũng sợ chúng lắm. 

Nói tóm lại, “Bác” sợ các “cháu” nên “Bác” phải dùng mọi phương pháp để làm cho các “cháu” sợ “Bác” (sẽ trình bày trong phần sau). Cuối cùng, cả “Bác” lẫn “cháu” đều sợ lẫn nhau. Những tên thừa kế “Bác” cũng bị dằn vặt bởi lo âu và sợ hãi như “Bác”. Vì thế gần đây ở Việt Nam, các lãnh tụ cộng sản ngăn cản người Việt Nam yêu nước biểu tình chống đối Trung Quốc, một phần vì sợ làm mất lòng Trung Quốc, và một phần vì sợ cuộc biểu tình tuần hành có thể trở thành một cuộc tổng nổi dậy lật đổ chế độ cộng sản. 

Nói chung, bất cứ tên độc tài khát máu nào cũng bị dằn vặt bởi hai nỗi sợ: (1) sợ bị chỉ trích là đã sai lầm, và (2) sợ đám đàn em nổi lên cướp quyền sinh sát của mình. Đến đây, tôi xin dựa trên những định lý về sợ hãi liên quan đến đạo đức đã trình bày ở trên, để đưa ra một số định lý về sợ hãi liên quan đến quyền lực như sau: 

Định Lý 1a: Lãnh tụ nào càng có nhiều quyền lực bao nhiêu, thì lại càng sợ mất quyền lực bấy nhiêu: 

a. Quyền lực tuyệt đối tạo ra nỗi lo sợ tuyệt đối trong thâm tâm tên lãnh tụ độc tài 

Trái lại, người ít quyền lực (như Tổng Thống Mỹ) lại không lo âu sợ mất quyền lực bằng các tên độc tài toàn trị. 

b. Lo sợ tuyệt đối bồi dưỡng thêm cho quyền lực tuyệt đối (feedback). 

Định Lý 2a: Độc quyền sinh sát tạo ra sự tranh giành nội bộ tàn bạo và những cuộc thanh trừng đẫm máu. 

Định Lý 3a: Những người sợ mất quyền lực thường rất ghét những kẻ không biết sợ quyền lực. 

Dựa vào Định Lý 1a, ta đều thấy trong các chế độ dân chủ pháp trị, người lãnh đạo không có toàn quyền thống trị (vì bị ràng buộc bởi luật pháp), nên không mấy lo sợ dân nổi loạn, hoặc đám cận thần tạo phản. Trái lại, những tên độc tài khát máu thì ngày đêm lo sợ đến mức khiếp đảm (paranoia), nhìn ở đâu cũng thấy “thế lực thù địch”. Do đó, chế độ độc tài nào cũng áp dụng triệt để chính sách “nhổ cỏ phải nhổ tận rễ,” đi đôi với chính sách “thà giết nhầm còn hơn thả nhầm.” Những trại cải tạo được thiết lập ra sau 30/4/1975 cũng vì lý do khiếp đảm này! 

Định Lý 2a đã được chứng minh bằng lịch sử các đảng cộng sản trên thế giới. Thí dụ như Sì-Ta-Lin lúc còn sống đã dùng tên chúa chùm công an Bê-Ria-A tiêu diệt hàng trăm ngàn đảng viên trung kiên bị nghi ngờ là thuộc thành phần chống đối. Đến lúc Sì-Ta-Lin qua đời, Bê-Ri-A được mời đến họp Bộ Chính Trị, thế là các đồng chí sợ tên đao phủ này lên nắm quyền lãnh đạo, bèn xúm nhau vào giết hắn ngay trong phòng họp. Mao Trạch Đông cũng không thoát khỏi định lý này, nên trước khi nắm được quyền toàn trị đã tìm cách thanh toán những người ở địa vị cao hơn mình để chiếm quyền lãnh đạo đảng; đến khi leo lên tới địa vị chúa tể, Mao lại tìm cách loại bỏ những tên “công thần” manh nha muốn hất cảng mình [6] Ở Việt Nam cũng vậy: chuyện nội bộ thanh toán nhau nhiều người đã biết rõ, nên tôi khỏi cần phải trình bày chi tiết ở đây [7]. 

Tiện đây, ta cũng nên biết nguyên do bè phái thối nát phát triển vì nỗi sợ hãi: Sống trong môi trường tranh giành tàn bạo vô giới hạn này, bất cứ tên nào nắm được quyền lực trong tay (dù ở thứ vị cao hay thấp) cũng đều phải giữ thế thủ: “xây thành đáp lũy” bằng cách kéo bè bạn hoặc thân thuộc vào guồng máy đảng để làm hậu thuẫn cho mình, rồi cho đám đàn em “ngồi dưới dù” được hưởng lợi nhuận bất chính của quyền lực. 

Vì thế, tuyên bố “chỉnh đốn Đảng” hoặc “loại trừ đám sâu bọ” không có giá trị gì. Tuy vậy, “Đảng và Nhà Nước” vẫn cứ lâu lâu lại mang câu thần chú này ra khoe trương ầm ĩ. Tạo sao vậy? Có lẽ vì 2 lý do sau đây: 

(a) hoặc đó chỉ là một lối tuyên truyền, thoa son phấn vào mặt “Đảng” ra cái điều “chúng ông rất trong sạch”; 

(b) hoặc đó là một báo hiệu mở đầu một cuộc tranh giành quyền lực trong nội cung của tập đoàn lãnh đạo đảng. 

Sau hết, theo Định Lý 3a, những người không có một chút quyền lực nào, kể cả quyền sinh sống, thì không còn sợ chính quyền tước quyền của mình, vì thế chính quyền rất sợ nên thẳng tay đàn áp và bóc lột. Chẳng hạn như ở Việt Nam, hiện nay, “Đảng và Nhà Nước” rất sợ nông dân nổi lên “thí mạng cùi” sau khi họ bị trưng thu hết ruộng đất không còn chỗ sinh nhai. Do đó, “Đảng và Nhà Nước” phải điều động lực lượng võ trang hùng hậu để chặn đứng manh nha làm loạn trong đám nông dân tuyệt vọng. 

Trong những trường hợp này, Đảng cũng như người dân đều bị đẩy vào bước đường cùng. Tuy nhiên có một điều khác biệt trong giai đoạn này: đám dân bị trị không sợ hãi bằng tập đoàn cai trị, vì 2 lý do: 

(a) hoặc đám dân bị trị đã bị bóc lột cùng cực trong nhiều năm, nên không còn cái gì để sợ mất; 

(b) hoặc đám dân bị trị đã bị đàn áp trong nhiều năm thành “quen đòn”, nên không còn sợ hãi như trước nữa. 

Tuy vậy, ta cũng nên biết rằng, tập đoàn lãnh đạo đảng bắt buộc phải đàn áp tàn bạo vì muốn nhằm hai mục đích chính: 

(a) Để tự chứng mình là mình hãy còn nắm đủ quyền lực dẹp loạn, tức là còn có khả năng “hù đời” (power testing: “chúng bay phải coi chừng tao: tao khỏe hơn chúng bay”). 

(b) Để biểu dương quyền lực tàn bạo với mục đích dọa nạt các người yếu thế khác, nhất và các cán bộ thuộc hạ có thể “chao đảo”, rồi muốn “trở cờ” (power demonstration: “đứa nào vội vã đầu hàng địch thì chỉ có chết”). 

Trong chế độ nào cũng vậy, nếu người dân biết sợ hãi chính quyền thì đời sống yên ổn hơn. Thật vậy, ngay cả trong những chế độ tự do pháp trị, người dân nào bị cảnh sát công lộ chặn hỏi mà tỏ vẻ lễ độ với điệu bộ sợ hãi, thì dễ được khoan hồng hơn là người có vẻ mặt “xấc láo, đáng ghét”. Nếu can phạm nào bị điệu ra tòa mà biết sợ hãi và tỏ vẻ hối hận (plead guilty) thì quan tòa cũng không nỡ mạnh tay trừng phạt. Trái lại, những tên can phạm nào đã có bộ mặt “cô hồn,” rồi lại còn không biết đóng vở kịch “Em lỡ trót dại, xin quan tòa khoan hồng” thì tất nhiên sẽ được “lãnh đủ”. Hơn nữa, khi bị bắt vào tù rồi mà can phạm vẫn không có vẻ sợ hãi đám cai ngục thì sẽ bị hành hạ (biệt giam), và còn có thể bị xếp vào loại người “bất trị” nên mất luôn quyền được tạm tha trước khi mãn hạn tù (parole). 

Nói tóm lại, người có quyền lực thường sợ người yếu thế coi thường mình. Trong chế độ độc tài, tên lãnh đạo nào cũng sợ dân, nhiều khi còn sợ dân hơn là dân sợ hắn. Hãy nhìn vào lịch sử nhân loại từ Đông sang Tây, ta đều thấy những tên nắm toàn quyền trị dân trong tay luôn luôn ngấm ngầm sợ hãi. Thời xưa thì có Tần Thủy Hoàng. Tên bạo chúa này bắt toàn dân đổ mồ hôi nước mắt ra xây bức Trường Thành chỉ vì hắn sợ đám man rợ miền Bắc tiến quân sang làm rung chuyển ngai vàng của hắn. Sau khi lập được công thống nhất đất nước, hắn lại sợ đám Nho gia giở trò “hư đốn”, bèn ra lệnh đốt những sách “đồi trụy” và chôn sống những người nào không biết sợ. Hắn đã thoát nhiều vụ mưu sát chỉ vì hắn biết sợ, và biết dùng đủ mọi cách làm toàn dân run sợ, nên không ai đụng được tới lông chân của hắn (Kinh Kha định vào giết hắn, nhưng khi nhìn thấy hắn thì đã run sợ đến nỗi đánh rơi thanh đoản đao, nên không làm được trò trống gì). 

Cuối cùng tên bạo chúa chỉ còn biết sợ Trời bắt chết, nên đã chi rất nhiều vàng bạc cho các danh lang đi tìm thuốc “tràng sinh, bất tử” cho hắn. Nhưng “người trần mắt thịt” làm sao mà có thể cướp được quyền sinh sát của Trời? Thế là dân Tàu tạm thoát nạn độc đoán. Sau khi Tần Thủy Hoàng thảnh thơi đi thăm “Suối Vàng,” thì lúc đó các sĩ phu mới được dịp ngồi viết hàng ngàn trang sử chửi bới thậm tệ tên bạo chúa đáng ghét này. Hành động hiên ngang của các sử gia Khổng-Mạnh cũng không giúp gì cho dân Tầu thoát khỏi cảnh cùm kẹp thường xuyên xảy ra, vì các vị Nho sĩ khả kính vẫn tiếp tục dạy dân Tầu phải có bổn phận quỳ lạy hết đời Thiên Tử này sang đời Thiên Tử khác. Nhờ vậy, văn hóa “Văn hóa quỳ” lại được duy trì cho đến ngày này (như tác giả Nguyễn Gia Kiểng đã trình bày trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn).


Gs. Nguyễn Hữu Chi - Ts Tâm lý Chính trị học 

_________________________________________________


_________________________________________________

Chú thích:

[5] Nguyễn Hoài “Những Ngộ Nhận Về Học Thuyết Marx”, Thế Kỷ 21, số 194, June 2005, tr. 80-86.

[6] Clare Hollingworth, Mao and the Men Against Him, (London, Johnathan Cape, 1985), Chương 12, “Final Purge of Liu”, pp 196-213; Chương 13 “The Fall of Lin Biao”, pp. 214-255, Chương 19, “Notes on the Ten Men Who Rose Against Chairman Mao” pp. 345-357.

[7] Hoàng Văn Chí, Trăm Hoa Ðua Nở Trên Miền Bắc (Sài-gòn: Mặt Trặn Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa, 1959); Trần Gia Phụng, Án Tích Cộng Sản Việt Nam, op. cit. tr. 149-216. 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo