Báo Hà Nội mới “quan liêu” tiếp tay suy tôn liệt sĩ giả - Dân Làm Báo

Báo Hà Nội mới “quan liêu” tiếp tay suy tôn liệt sĩ giả

Thanh Hoa (Danlambao)Ngày 27//7//2012 là kỷ niệm lần thư 65 Ngày thương binh, liệt sĩ, chính quyền thành phố Hà Nội đang rầm rộ tổ chức các hội nghị tri ân các liệt sĩ, thương binh, người có công với nước. Báo Hà Nội mới – tiếng nói của thành ủy đảng cộng sản Hà Nội liên tục đăng tin vinh danh các liệt sĩ, thương binh. Nhưng số báo Hà Nội mới ra ngày 5-7-2012, đăng bài Hồ sơ suy tôn liệt sĩ là đúng quy định” lại là bài báo mà Ban bạn đọc báo Hà Nội mới đã quan liêu, tiếp tay cho quan chức thành phố Hà Nội suy tôn liệt sĩ giả. Nội dung bài báo Hà Nội đăng tin là: 

“Báo Hà Nội mới nhận được Văn bản số 1064/LĐTBXH-TTr ngày 20-6-2012 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội do phó giám đốc Hoàng Thành Thái ký trả lời đơn của ông Nguyễn Văn Sơn. Nội dung như sau: 

Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội đã xác minh và ban hành Kết luận số 1867/ LĐTBXH-TTr ngày 5-11-2009 với nội dung ông Nguyễn Văn Nhật, sinh năm 1927, quê quán phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) nhập ngũ ngày 6-6-1946, đơn vị C753, D275, E675, F351 bị thương ngày 14-3-1954 tại đồi Độc Lập, Điện Biên Phủ. Tình trạng thương tật: Vết thương đầu, thỉnh thoảng đau buốt; vết thương tay trái mất tác dụng 8/1. Ngày 24-4-1984, ông Nguyễn Văn Nhật chết do vết thương cũ tái phát được suy tôn theo quy định tại điểm 1, khoản 1, Thông tư số 03/TBXH ngày 4-31983 của Bộ Thương binh và Xã hội hướng dẫn vận dụng giải quyết một số điểm về chính sách đối với thương binh, bệnh binh, quân nhân phục viên, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ. 

Không đồng ý với Kết luận số 1867/ LĐTBXH-TTr ông Nguyễn Văn Sơn tiếp tục gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng. Ngày 25-8-2010, Thanh tra thành phố có Báo cáo 1664/BC-TTTP(P5) nêu rõ: Theo hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ đối với ông Nguyễn Văn Nhật, lưu tại Sở LĐ-TB&XH, ý kiến của các cơ quan chuyên môn, Thanh tra thành phố cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, vì: ông Nhật là thương binh chống Pháp, có vết thương ở đầu, thỉnh thoảng tái phát, trước khi chết ông Nhật được Bệnh viện huyện Từ Liêm cấp cứu và ghi nguyên nhân chết: vết thương sọ não tái phát xuất huyết. Tại Văn bản số 938/NCC ngày 29-10-2009 của Cục Người có công – Bộ LĐ-TB&XH đã khẳng định việc lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông Nguyễn Văn Nhật là đúng quy định. 

Ban Bạn đọc” 

Bài báo này khi vừa phát hành, đã bị ông Nguyễn Văn Sơn (người viết đơn) phản bác về việc phóng viên viết bài quan liêu, tiếp tay cho các quan chức làm công tác chuyên môn thẩm tra hồ sơ làm sai lệch hồ sơ suy tôn liệt sĩ giả làm mất lòng tin của người dân vào chính sách của nhà nước. 

Ông Nguyễn Văn Sơn trình bày: ông là cán bộ LĐTBXH của UBND phường Dịch Vọng, Năm 2004 khi xây nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Xiển – vợ LS Nhật (ở số 6 ngách 29/27 tổ 30 phường Dịch Vọng) nhiều người dân đã chỉ mặt ông: “Bao nhiêu gia đình LS còn chưa được xây nhà, sao ông lại đi xây nhà cho LS giả?” Với trách nhiệm một bộ LĐTBXH ở phường, ông Sơn đã kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ LS Nguyễn Văn Nhật và thấy rằng tố cáo của người dân là hoàn toàn có cơ sở. 

Theo quy định tại điểm 1, khoản 1, Thông tư số 03/TBXH ngày 4-31983 của Bộ Thương binh và Xã hội: Hồ sơ của thương binh chết vì vết thương cũ phải có giấy xác nhận lý do chết của bệnh viện cấp cứu thương binh và giấy đề nghị xác nhận liệt sĩ của cơ quan, đơn vị quản lý thương binh cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên. Riêng đối với trường hợp thương binh chết ở gia đình thì phải có giấy chứng nhận về lý do chết của y tế xã, phường, có xác nhận của UBND xã, phường và phải đính kèm sổ y bạ hoặc giấy chứng nhận của y tế về quy trình điều trị, cấp cứu vết thương của thương binh ấy”. 

Hồ sơ suy tôn liệt sĩ cho ông Nguyễn Văn Nhật nêu lý do ông Nhật chết do vết thương tái phát, nhưng trong sổ Đăng ký khai tử - quyển 01, số 18 của UBND xã Dịch Vọng ngày 25-4-1984 lại ghi rõ: “Nguyễn Văn Nhật, sinh năm 1927, thường trú xóm Hà. Nguyên nhân chết: Cảm chết. Người báo tử: Nguyễn Văn Dương (con trai ông Nhật). Vậy để suy tôn liệt sĩ cho ông Nguyễn Văn Nhật với lý do ông Nhật chết do vết thương tái phát thì các cơ quan lập hồ sơ bắt buộc phải bác bỏ nguyên nhân ông Nhật chết là bị cảm bằng cách chứng minh sổ Đăng ký khai tử của UBND xã Dịch Vọng là tài liệu giả. Và ông Dương (con trai ông Nhật) người báo tử khai rõ nguyên nhân cha ông chết là do Cảm chết, là sỹ quan công an, không có thể ông Dương lại báo tử sai nhầm được. Vậy tại sao các cơ quan chức năng lập hồ sơ lại làm sai lệch đi vì vụ lợi gì? 

Trong Biên bản cuộc họp ngày 02-01-1986, xét duyệt suy tôn liệt sĩ cho ông Nguyễn Văn Nhật có ghi ý kiến của cụ Tý thôn Trung: “Phải có giấy chứng nhận lý do chết của bệnh viện là chết vì bệnh gì”. Ý kiến này chứng tỏ 21 tháng sau khi ông Nhật chết vẫn không hề có bệnh án của bệnh viện xác định nguyên nhân chết như báo Hà Nội mới đưa tin là bệnh viên xác nhận chết do vết thương cũ tái phát. 

Hơn nữa ông Sơn còn cung cấp: bệnh án của ông Nguyễn Văn Nhật do giám đốc Bệnh viện Từ Liêm Hoàng Thị Vinh lập (khẳng định thương binh Nguyễn Văn Nhật chết tại bệnh viện vì vết thương cũ tái phát- tài liệu y tế để suy tôn LS Nguyễn Văn Nhật) là giả mạo khi sử dụng cùng một lúc hai loại dấu. Trang đầu, các con dấu có dòng chữ “Bệnh viện Từ Liêm” trong lòng và “Cộng hòa XHCNVN” vành ngoài; trong khi trang cuối con dấu lại có dòng chữ “Bệnh viện Từ Liêm” và “VN dân chủ Cộng hòa”. Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Tôi đã cho đoàn xác minh Sở LĐ-TB&XH Hà Nội biết về dấu hiệu vi phạm hình sự nghiêm trọng do làm giả tài liệu nhưng đoàn xác minh đã cố tình bỏ qua”. 

Vậy việc ông Nhật mất tại nhà riêng vì nguyên nhân thông thường như con trai ông đã báo tử và giấy chứng tử của UBND xã Dịch Vọng cấp khẳng định ông Nhật chết không do vết thương cũ tái phát thì theo quy định pháp luật, không thể công nhận ông Nhật là liệt sĩ. 

Vụ Hồ sơ suy tôn liệt sĩ giả ở Cầu Giấy – Hà Nội đã được nhiều cơ quan báo chí lên tiếng, như: 

- Ngày 9-4-2009, Báo Đời sống pháp luật có bài: “Về vụ hồ sơ liệt sĩ bị tố cáo làm giả ở Cầu Giấy (HN): Cơ quan chức năng “án binh bất động” của tác giả Hà Vũ. 

- NGÀY 12-6-2009, Báo Bảo vệ pháp luật có bài: “Xung quanh hồ sơ suy tôn liệt sĩ cho ông Nguyễn Văn Nhật (Cầu Giấy – Hà Nội): “Những vấn đề cần làm rõ…” tác giả Đức Hiếu 

- Ngày 16-11-2009, Báo Lao động có bài: “Vụ tố cáo hồ sơ suy tôn liệt sĩ giả ở Cầu Giấy – Hà Nội: “Kết luận không khách quan” 

- Ngày 28-12-2009, Báo Lao động đăng tiếp bài: “Thông tin thêm về vụ hồ sơ suy tôn liệt sĩ giả ở Cầu Giấy – Hà Nội: “Dấu hiệu giả mạo trong hồ sơ suy tôn” của nhóm PV 

- Ngày 5-12-2009, Báo Lao động Thủ đô cuối tuần có bài: “Phường Dịch Vọng – Cầu Giấy “Suy tôn liệt sĩ... giả”. Tác giả Vĩnh Nam 

Vậy việc báo Hà Nội mới ngày 5-7-2012 vừa qua lại quan liêu, tiếp tay cho các cán bộ ngành thương binh xã hội lập hồ sơ suy tôn liệt sĩ giả là việc làm tổn hại hình tượng các thương binh liệt sĩ trong lòng nhân dân. Thành phố Hà Nội nên nhanh chóng làm rõ vụ lập hồ sơ suy tôn liệt sĩ giả nêu trên để ngăn chặn những kẻ tự tung tự tác muốn làm hồ sơ sai lệch kiểu gì cũng được. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo