Công lý có hiện hữu hay không? - Dân Làm Báo

Công lý có hiện hữu hay không?

Chắc chắn là phải có, bởi nếu không còn tin vào sự hiện hữu của công lý thì mọi nỗ lực đấu tranh hay lên tiếng cũng chỉ là con số không...

Paulo Thành NguyễnTrong thời gian trước đây, khi quan tâm tới vụ án” trung tá công an đánh chết người” tôi đã từng có ý định khuyên Kim Tiến nên dừng lại ở phiên sơ thẩm. Với suy nghĩ của một người Công giáo tôi nghĩ rằng dù sao thì bố của Tiến cũng không thể sống lại, vì thế hãy nên tha thứ và không nên nuôi hận thù... 

Nhưng điều khiến tôi bất ngờ và có nhiều góc nhìn mới hơn khi nghe Tiến nói về quan điểm của mình với tôi rằng: "Em cũng thấy tội vợ ông Ninh, chạy đôn chạy đáo để lo cho chồng, nhưng em phải đấu tranh đến cùng để có một bản án công tâm, để tinh thần những nạn nhân khác thêm hy vọng tiến bước, để làm giảm bớt đi tình trạng công an đánh chết người". 

Tôi bị bất ngờ vì đó là một suy nghĩ quá sức của một người dân bình thường ở một xã hội đầy rẫy sự sợ hãi này, mà đây lại là suy nghĩ của một cô gái 21 tuổi. Điều đó giúp tôi có góc nhìn mở rộng hơn về vụ án này. 

Nếu cái chết của một người bán hàng bị công an đánh chết ở Tunisia châm ngòi cho cuộc "cách mạng hoa nhài" lan rộng đến nhiều nước, thì ở Việt Nam bị công an đánh chết xem như là một chuyện bình thường. Ngoài lý do chính quyền bao che, công lý bị chà đạp thì còn có nhiều lý do, là sự thờ ơ chóng quên của công luận, là sự cam chịu của nạn nhân, sự mệt mỏi tinh thần không đi được đến cùng... 

Có thể nói vụ án công an đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng đánh động dư luận thời gian dài và cũng là vụ hiếm hoi được đem ra xử trong hàng trăm vụ "chìm xuồng". Sự lúng túng trong việc thực thi công lý của chính quyền thể hiện qua nhiều lần hoãn xử, và ngày 17/7 tới đây là phiên tòa thứ tư. 

Cũng có thể gọi đây là “vụ án điểm”, là trọng tâm của vấn nạn "công an đánh chết người" ở Việt Nam. Nó không còn là vấn đề cá nhân của gia đình Kim Tiến mà xa hơn là thái độ của chính quyền, tính nghiêm minh của pháp luật, và nhất là tinh thần đòi công lý cho những người cùng cảnh ngộ. Những người có thể đang, sắp và sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo nếu sự trừng trị đối với kẻ sát nhân chỉ dừng lại ở bản án ở mức cảnh cáo. 

Có quan điểm cho rằng, việc theo đuổi khiếu kiện của gia đình nạn nhân Trịnh Xuân Tùng là vô vọng bởi giấc mơ công lý trong xã hội Việt Nam hiện nay là "ảo tưởng”? 

Tôi nghĩ rằng, thường thì tất cả điều kỳ diệu điều xuất phát từ những "ảo tưởng". Điều quan trọng là chúng ta dám nghĩ và hành động vì nó. 

Trong một cơ chế có thối nát cỡ nào thì công lý vẫn luôn tồn tại nhiều hay ít, dưới dạng này hay dạng khác. Vấn đề là ở chỗ ta thúc đẩy theo hướng nào, vì bản thân những tiêu cực trong xã hội không thể triệt tiêu bằng thái độ cực đoan mà chỉ có thể thay thế bằng một thái độ tích cực. 

Có những giấc mơ, những khát khao công lý mà chúng ta sẽ phải nuôi dưỡng nó bằng những việc làm cụ thể, để chứng minh cho nhiều người xung quanh thấy rằng phải đi đến cùng sự thật bằng hành động. Nếu không tất cả cũng sẽ chỉ là giấc mơ đẹp, không hơn không kém...”. 

Công lý có hiện hữu hay không? Chắc chắn là phải có, bởi nếu không còn tin vào sự hiện hữu của công lý thì mọi nỗ lực đấu tranh hay lên tiếng cũng chỉ là con số không. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo