Giá trị cuộc sống mới - Dân Làm Báo

Giá trị cuộc sống mới

Hoàng Liên Sơn (Danlambao) - Maria Ozawa là một diễn viên khiêu dâm Nhật Bản tiếng tăm nổi như cồn không những quen thuộc với người Nhật mà còn lan xa đến tất cả các quốc gia châu Á khác trong đó có Việt Nam. Tài khoản hay những bức ảnh trên Facebook của cô này thu hút số lượng view khủng đến mức hơn cả một diễn đàn về kinh tế hay nghề nghiệp đáng ra phải là vấn đề quan tâm hàng đầu. Những gì người trẻ ngày nay quan tâm là gì khi chúng ta ngày ngày lướt qua những tờ báo hàng đầu của Việt Nam và bắt gặp những dòng tít được giật như sau: “Ngôi sao A lộ hàng trong khi đi mua sắm", "Ngôi sao B muốn sống sao cho khỏi cạp đất"...


Ngành giải trí V biz bị chỉ trích thậm tệ khi hàng năm không sản xuất được những bộ phim cho xứng đáng với kinh phí được bỏ ra làm dân ta cứ kêu ca phàn nàn về nỗi giải trí không đủ lành mạnh. Tuy nhiên những nhân vật trong làng giải trí đó không vì những chỉ trích trên báo đài đó mà nghèo đi. Những cô gái bán dâm theo mức giá cả nghìn đô còn dương dương tự đắc coi mình là mang số mệnh phú quý và coi đó là một nghề nghiệp chẳng có gì đáng phải xấu hổ. Có lẽ các cô không xấu hổ thật, có xấu thì chăng là những người đàn ông không muốn lộ danh tính là kẻ mua dâm vì lý do "nhân đạo". 

Sự xuống cấp nghiêm trọng của giá trị đạo đức trong xã hội đã đến mức báo động khi trẻ con thấy những thứ hàng ngày chúng nhìn, nghe xem trên báo đài được coi là bình thường. Những cái tên ngày càng trở nên trơ tráo và quen thuộc hơn bao giờ hết cùng sự giàu có nhanh chóng của họ như một cái tát vào những gia đình nông dân khổ ải gắn bó với ruộng đất mà mãi không thoát cảnh nghèo còn vướng phải nạn cướp đất khiếu kiện. Tôi không dám khẳng định nhưng thực sự đây là một dấu hỏi cho cái xã hội thực sự đang ngày càng trở nên vô nghĩa lý hơn bao giờ hết này. 

Vậy giá trị cuộc sống mới sẽ ra sao nếu giới trẻ tiếp tục ưa lối sống hưởng lạc đồi trụy và ngủ quên trước nỗi đau của cả một dân tộc đang quằn lên dưới sự bóc lột kiểu xã hội đen đang hiện hữu?

Một dân tộc dám đứng lên trong máu lửa, bao xương máu của cha ông đã ngã xuống nay tiếp tục đặt lên vai những cụ phụ lão đang gánh cả giang sơn cùng tấm băng rôn biểu tình chống kẻ thù ngoại bang đang từng bước xâm lăng. 

Giới trẻ đang sa đà ngày vào vũng bùn ngu dốt của những trò game online đến nỗi mà những sinh viên trong các trường đại học đáng ra phải ngày đêm đèn sách dùi mài thì lại thường xuyên bị đưa lên các trang báo vì vấn nạn… ngủ nướng và lười biếng. 

Công nghệ cao nhằm giúp việc học ngày càng hiệu quả trong ngoại ngữ hay khoa học nhưng thương thay tình trạng ngoại ngữ của xã hội mãi không có nhiều bước tiến như sự mong chờ của việc hội nhập và phát triển. 

Đất nước trên con thuyền ra biển lớn dưới sự lèo lái của Đảng cộng sản cần biết bao những sự tôn trọng pháp luật và minh bạch trong ngành tư pháp nhưng nhân quyền lại đang bị vùi dập một cách thẳng thừng và rừng rú đến như ngày nay. Luật Việt Nam liệu đến bao giờ mới hết mịt mù, quy chụp và áp đặt một cách tùy tiện đến mức ngột ngạt khiến những người có tâm với đất nước đến nỗi phải sống dở chết dở. 

Đến khi nào dân ta mới biết đến sử ta. Năm nào kết thúc kỳ thi đại học xong cũng thấy ngập tràn trên các báo những tấm gương thủ khoa chăn lợn hay thủ khoa đóng gạch, nhưng những thủ khoa trước đây và những đóng góp của họ ngày nay sao chưa thấy báo đài nhắc nhở?

Đội ngũ hùng hậu những sinh viên thất nghiệp và làm trái ngành vẫn ngày càng đông lên đánh một dấu chấm than cho ngành giáo dục trước vấn nạn của bài toán nhân lực không đủ để đáp ứng được yêu cầu của những tập đoàn doanh nghiệp quốc tế đến làm ăn ở xứ ta. Những sinh viên được đưa đi du học có bao nhiêu nhân tài đã quay trở lại phục vụ quốc gia trong công cuộc xây dựng và phát triển? 

Dân ùn ùn kéo nhau đi thi và xong xuôi tất cả lại về bỏ mặc một xã hội nhốn nháo vì những tệ nạn, tắc đường hay khủng hoảng về nghề nghiệp, kiến thức, chuyên môn... để rồi lại có một lớp người trẻ mới đến tìm nhà, tìm phòng trọ ở đất đô thành phục vụ cho sự nghiệp giải trí trên các trang web đen, game và đủ các trò mà những người "trẻ" cần phải nếm mùi cho đủ. 


Trong khi các căn nhà nghỉ chật ních khách trọ hàng đêm kia cùng những khoái lạc đê mê bất kể đêm ngày thì ngoài kia mỗi sáng chủ nhật là những ông phụ lão với chòm râu bạc phơ đang cất tiếng đàn vì quê hương đất nước, những người bà can đảm bất chấp mưu hèn kế bẩn của những quân ăn cướp đang hô hào trong chiếc nón rách cùng cái tuổi 80 đáng ra phải được nghỉ ngơi của cụ, những người chị từng bị đưa đi cải tạo không văn bằng luật pháp và bị khủng bố cùng phân và mắm tôm chỉ vì một nỗi chị đã quá yêu nước, yêu công lý tự do, và còn những người em gái của tôi với đôi mắt trong trẻo đã từng khóc hết nước mắt vì người cha bị đánh chết dã man không thương tiếc tại cơ quan công quyền "của dân do dân và vì dân". 

Những người trẻ còn làm gì ngoài hèn nhát, sợ hãi chỉ lăm lăm hưởng thụ những nhục dục, ái ố tầm thường. Cụ Phan Bội Châu đáng kính khi xưa từng dạy chúng ta rằng những người trẻ tuổi thì "đừng ham chơi, đừng ham mặc, đừng ham ăn""Đạp tan hai cánh càn khôn, đem xuân về lại trên non nước nhà". Nước Việt Nam cần lắm những tâm hồn, những tấm lòng yêu và xây dựng đất nước. 

Tuổi trẻ ngắn lắm, đến đấy rồi đi ngay đấy! Chúng ta sử dụng cuộc sống của chúng ta để làm gì nếu không phải để đem lại cho non nước Việt Nam những mùa xuân tươi đẹp và nhất là luôn độc lập, tự do theo đúng nghĩa của nó.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo