Lãi cắt cổ ngân hàng ăn, nợ khó trả nhân dân chịu? - Dân Làm Báo

Lãi cắt cổ ngân hàng ăn, nợ khó trả nhân dân chịu?

Lập Xuân (Sống Mới) - Chính phủ đang tìm cách giải quyết nợ xấu của các ngân hàng, trong khi còn bỏ ngỏ việc xử lý nguyên nhân của tình trạng này. Về nguyên tắc, kinh doanh là lời ăn lỗ chịu, chính các ngân hàng là chủ của những khoản nợ xấu và quản trị lỏng lẻo để chúng ngày càng phình to, họ phải tự gánh chịu hậu quả này. Khi họ đã làm hết phận sự và khả năng, lúc đó nhà nước mới tham gia hỗ trợ tái thiết.

Trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay, NHNN không thể dùng ngân sách để mua nợ xấu của một nhóm các ngân hàng, mà cần xử lý tận gốc nguyên nhân gây ra nợ xấu, áp dụng các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường. Không thể để các ngân hàng cứ đè cổ các doanh nghiệp ra thu lãi suất cao cho dù họ sắp chết hoặc đã chết, quản lý yếu kém cho đến khi bị ngập trong nợ xấu thì lại muốn đổi rủi ro này lấy tiền nộp thuế của nhân dân. Cách làm này chỉ hà hơi tiếp sức cho nhóm lợi ích ngân hàng mà thôi. Trong khi đó, căn bệnh tiềm tàng trong hệ thống tài chính ngân hàng không được chữa khỏi, còn nhóm doanh nghiệp đã mất khả năng trả nợ thì chẳng thể làm gì hơn, ngoài việc tuyên bố phá sản.

Trong Dự thảo Nghị quyết Chất vấn và Trả lời Chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 3, khóa XIII, đại biểu đã đề nghị bổ sung một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề nghị Chính phủ trực tiếp thực hiện. Trong đó, việc Chính phủ nên tiếp thu ý kiến của một số đại biểu Quốc hội để chỉnh sửa, hoàn thiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, nhằm đảm bảo tính khả thi, đúng pháp luật, không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu ngân hàng thương mại.

(Gafin)

"Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đây chính là cục máu đông trong cơ thể, nếu không xử lý thì không thể lưu thông tiền tệ được. Phải phẫu thuật để đưa cục máu đông này ra khỏi cơ thể, chứ không thể dùng biện pháp uống thuốc để tiêu dần. Nếu tình trạng này kéo dài thì hậu quả để lại sẽ rất lớn. Giả sử, nợ tồn đọng hiện nay vào khoảng 10% GDP, nếu nút thắt giữa ngân hàng và doanh nghiệp không được tháo thì sẽ cần khoảng 8 – 10 năm để giải quyết vấn đề này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc suốt khoảng thời gian này ngân hàng sẽ không cho vay ra, đồng thời lãi suất sẽ phải tăng lên đề bù vào khoản nợ xấu đó. Chính vì thế việc tăng trưởng và an sinh xã hội sẽ không thể thực hiện".

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia (Tầm Nhìn)

Nếu chính phủ dùng ngân sách (tiền thu thuế từ dân) để cứu ngành ngân hàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, căn nguyên và hậu quả của tình trạng này sẽ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng xấu lâu dài và cực kỳ khó chữa. Tổng nợ xấu thực tế có thể lên đến 400.000 tỷ, vậy thì 100 nghìn tỷ có giúp giải quyết triệt để nợ xấu, hay đảm bảo sự ổn định cho hệ thống ngân hàng? Vẫn biết là số tiền dùng để xử lý chỉ cần bằng nửa con số tuyệt đối của tổng nợ xấu, phần lỗ ngân hàng phải chịu, nhưng dù nhìn nhận theo cách nào thì con số 100 nghìn tỷ vẫn thiếu và trở thành lãng phí khi không giải quyết được tận gốc tình trạng này.

Như vậy, trong khi nghiên cứu thành lập một định chế tạm thời nào đó để xử lý nợ xấu, vẫn cần xử lý các quan hệ tài chính - thương mại của Ngân hàng và doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, phân xử công bằng theo nguyên lý kinh tế thị trường. Trước khi được cứu, hệ thống ngân hàng phải tự sàng lọc và điều chỉnh để loại bỏ các căn nguyên phát sinh nợ xấu, tự cân bằng ổn định dựa trên điều kiện, trình độ và thực lực của mình. Những ngân hàng quá yếu cần phải hợp nhất, nhượng quyền cho nhà đầu tư đủ năng lực (kể cả nước ngoài), thậm chí tuyên bố phá sản.

Lập Xuân


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo