Trần Trung Đạo (Danlambao) - Sự sụp đổ của hệ thống Cộng Sản trong phạm vi thế giới từ cuối thập
niên 1980 đã tạo điều kiện cho các dân tộc vùng Đông Âu tìm về bản sắc
văn hóa và cội nguồn lịch sử của mình. Sự phục hưng và phát triển vượt
bực của Slovakia, Estonia, Czech, Slovenia, Latvia và Lithuania hiện nay
cho thấy yếu tố văn hóa không những là động lực chính của phong trào
độc lập mà còn là nguồn thúc đẩy cho phát triển kinh tế dù đó là những
nước chật hẹp về đất đai và rất ít về dân số. Sức sống dân tộc và đôi
cánh tự do dân chủ đã giúp cho các quốc gia này ngày càng thịnh vượng.
Nhưng không phải lãnh đạo nào cũng đức độ như Vaclav Havel của Czech
hay tài ba như bà Vaira Vīķe của Latvia, từ Hitler với đảng Quốc Xã Đức
đến Đặng Tiểu Bình với đảng CS Trung Quốc, nhân loại đã chịu đựng nhiều
tai họa chỉ vì giới lãnh đạo độc tài tại các quốc gia này đã sử dụng chủ
nghĩa dân tộc như một phương tiện phục vụ cho mục tiêu bành trướng bá
quyền.
Khi Đặng Tiểu Bình chết, 17 tháng Hai, 1997, nhiều lãnh đạo quốc gia,
chính khách ca ngợi y như là một thiên tài kinh tế, nhà chính trị lỗi
lạc, can đảm và cũng là người giúp ngăn Trung Quốc khỏi rơi vào hố thẳm.
Tuy nhiên, các thành tựu kinh tế của Trung Quốc được đổi bằng sự chịu
đựng, hy sinh, mồ hôi, xương máu của nhiều dân tộc khác và ngay tại
Trung Quốc hàng trăm triệu dân thiểu số vẫn phải tiếp tục sống trong độc
tài, nghèo đói, bất công và bạc đãi. Nhiều học giả so sánh giữa Hitler
và Statin, Hitler và Mao nhưng rất ít người so sánh giữa Hitler và Đặng
Tiểu Bình bởi vì họ chỉ nhìn những điểm sáng của Đặng Tiểu Bình mà bỏ
qua phía tối của y.
Các điểm giống nhau giữa Hitler và Đặng Tiểu Bình
Hitler và Đặng Tiểu Bình có nhiều chủ trương rất giống nhau: (1) Cả
hai đều dùng yếu tố chủng tộc để khích động lòng yêu nước cực đoan; (2)
cả hai đều triệt để khai thác hận thù trong quá khứ giữa các quốc gia
(3) cả hai đều tận dụng các kỹ thuật tuyên truyền tinh vi để tẩy não,
đầu độc, vận dụng và điều khiển nhận thức người dân; (4) cả hai đều chủ
trương bành trướng, mở rộng biên giới để chiếm đoạt tài nguyên nhằm phục
vụ cho các mục đích kinh tế và bá quyền nước lớn.
1. Yếu tố chủng tộc ưu việt: Giống như quan điểm của Hitler đề cao chủng tộc Aryan, Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo kế thừa y đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đại Hán. Edward Friedman, một chuyên viên về Trung Quốc tại đại học Wisconsin phát biểu “Khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền 1977, chủ nghĩa dân tộc và tinh thần chống Nhật đã trở thành chất keo giữ chặt xã hội lại với nhau”. Ngoài 1.2 tỉ người gốc Hán đang sống tại lục địa còn có 22 triệu người gốc Hán tại Đài Loan, 6 triệu người gốc Hán tại Hong Kong, 10 triệu người gốc Hán tại Nam Dương, gần 4 triệu người gốc Hán tại Singapore và hầu như khắp nơi trên thế giới nước nào cũng có người gốc Hán. Đặng Tiểu Bình khi đề cao chủng tộc Hán, y cũng không chỉ nhắm tới nhân dân Trung Hoa lục địa mà ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Theo họ Đặng “bất cần người Hoa mặc áo quần màu gì hay có quan điểm chính trị gì” mà chỉ cần “yêu Trung Quốc”.
2. Khai thác hận thù trong quá khứ giữa các quốc gia: Giống như chủ trương của Hitler khai thác nội dung trừng phạt Đức nặng nề trong hiệp ước Versailles, Đặng Tiểu Bình từ 1977 đã đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan bằng cách khích động lòng thù hận với các nước Tây phương qua các hiệp ước bất bình đẳng dưới thời nhà Thanh. Đặng Tiểu Bình nhiều lần nhắc đến “100 năm sỉ nhục”, thời gian Trung Quốc bị các đế quốc khinh thường. Y nói: “Tôi là người Trung Hoa, và tôi quen thuộc với lịch sử chịu đựng dưới sự xâm lược của ngoại bang”. Phần dẫn nhập của hiến pháp Trung Quốc 1982 nhấn mạnh đến những vết nhục trong thời gian bị nước ngoài chia năm, xẻ bảy và công lao thống nhất đất nước của đảng CS. Quá khứ “100 năm sỉ nhục” đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nhận thức của người dân và đã được đảng CS khai thác tận tình. Bất cứ hành động nào trong quan hệ ngoại giao quốc tế, bất lợi cho đảng CS Trung Quốc, câu chuyện “100 năm sỉ nhục” lại được nhắc đến. Ngay cả việc chính phủ các nước tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma, bán võ khí cho Đài Loan, chỉ trích chính sách ngăn chận Internet của Trung Quốc, cũng được bộ máy tuyên truyền CS giải thích cho nhân dân Trung Quốc đó những hành động khơi dậy “100 năm sỉ nhục” và xúc phạm đến danh dự của Trung Quốc.
3. Tận dụng các kỹ thuật tuyên truyền để đầu độc nhân dân: Giống như Hitler chủ trương “Một dân tộc, một quốc gia, một lãnh tụ”, bộ máy tuyên truyền của đảng CS Trung Quốc lập đi lập lại rằng chỉ có đảng CS mới là cứu tinh Trung Quốc, phục hồi Trung Quốc như một cường quốc vốn từng vang danh năm ngàn năm. Một trong những lý luận quan trọng trong Lý Thuyết Đặng Tiểu Bình là việc thay đổi khái niệm từ “trung thành với giai cấp” sang “trung thành với quốc gia” nhưng “trung thành với quốc gia” trước hết phải “trung thành với đảng Cộng Sản”. Thực chất của chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong quan điểm họ Đặng là một hình thức khác của chế độ độc tài toàn trị Cộng Sản trong thời đại toàn cầu.
Tại Trung Quốc không có báo chí đúng nghĩa để chuyển tải tin tức giữa
hai nguồn một cách khách quan nhưng chỉ là phương tiện tuyền truyền độc
quyền của đảng. Không giống như giai đoạn đầu của chính sách đổi mới
chỉ có vài tờ báo đảng, năm 2005, Trung Quốc có trên hai ngàn tờ báo,
chín ngàn tạp chí nhưng tất cả tập trung vào mỗi một mục tiêu là củng cố
vai trò lãnh đạo của đảng CS. Trang đầu của các báo gần như giống nhau
với khuôn mặt tươi cười của các lãnh đạo đảng và nhà nước CS, với những
thành tựu kinh tế chính trị. Không có tờ báo nào có bộ phận tin quốc tế
độc lập và tất cả đều trích từ bản tin thế giới tổng hợp hàng ngày của
Tân Hoa Xã. Bản tin quan trọng quốc nội và quốc tế lúc 7 giờ tối của hệ
thống truyền hình cũng đọc lại tin của Tân Hoa Xã. Để tiết giảm chi phí,
sau này nhà nước đã tư hữu hóa các đài truyền hình, tuy nhiên, các tin
tức quan trọng ảnh hưởng đến chính sách đối nội và đối ngoại vẫn bị kiểm
duyệt và chi phối bởi một cơ quan thông tin trực thuộc trung ương đảng
CS.
4. Bành trướng, mở rộng biên giới để chiếm đoạt tài nguyên nhằm phục vụ cho các mục đích kinh tế và bá quyền nước lớn: Giống như Hitler chiếm các nguồn tài nguyên năng lượng để nuôi dưỡng bộ máy chiến tranh, Đặng Tiểu Bình mở rộng biên giới, độc chiếm tài nguyên để nuôi dưỡng sự phát triển kinh tế. Song song với phát triển kinh tế, Trung Quốc, nơi cư ngụ của một phần năm nhân loại, cũng chuyển mình từ một một nền kinh tế tự túc xã hội chủ nghĩa để dần dần trở thành một xã hội tiêu thụ. Nhu cầu năng lượng, vì thế, trở nên bức thiết.
Tại Phi châu, Trung Quốc khai thác mọi bất đồng giữa các nước phương
Tây và các quốc gia nghèo nhưng giàu tài nguyên. Trung Quốc ngày nay đã
thay thế vai trò của các đế quốc Anh, Pháp, Bồ Đào Nha đã từng đóng tại
Châu Phi thế kỷ 19. Để hút cạn nguồn dầu hỏa châu Phi, Trung Quốc không
những nuôi dưỡng các tầng lớp lãnh đạo độc tài mà còn tiếp tay cho chúng
để đàn áp các thành phần đối lập, tàn sát các tầng lớp nhân dân da đen
thiếu học, không một tấc sắt trong tay bằng những phương tiện vô cùng ác
độc. Giống như chế độ thực dân đế quốc trước đây, Trung Quốc bao che
giới lãnh đạo, cung cấp cho chúng tiền bạc, súng đạn, che chở an ninh cá
nhân và bảo vệ chế độ bằng quyền phủ quyết trong các cơ quan quốc tế
như Liên Hiệp Quốc.
Đối với các nước Á Châu, trong giai đoạn từ 1979 và sau chiến tranh
biên giới với Việt Nam, Trung Quốc tập trung mọi nỗ lực để theo đuổi Bốn
Hiện Đại Hóa. Cuối thập niên 1980, Đặng Tiểu Bình thực hiện chính sách
hòa hoãn và quan hệ ngoại giao tốt đối với các nước láng giềng Á Châu
qua việc tái lập quan hệ ngoại giao với hàng loạt quốc gia như Ấn Độ
(1988), Mongolia (1989), Indenosia (1990), Singapore (1990), Brunei
(1991). Trung Quốc cũng tái lập quan hệ với Cộng Sản Việt Nam năm 1991.
Như vậy vào thời điểm 1991, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao
với cả mười quốc gia thuộc khối ASEAN.
Về mặt ngoài, Đặng Tiểu Bình chủ trương mở rộng quan hệ láng giềng
tốt chỉ vì y không muốn các quốc gia nhỏ cảm thấy bị đe dọa và kết thành
một khối chung quanh Mỹ như họ đã làm trước đây trong thời kỳ Chiến
tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, nhưng đối với từng quốc gia, Đặng Tiểu
Bình áp dụng một chính sách riêng biệt tùy thuộc vào điều kiện chính
trị, thế mạnh thế yếu của quốc gia đó. Phía sau của chính sách hòa hoãn,
ổn định để phát triển, giới lãnh đạo CS Trung Quốc luôn xem các nước
nhỏ trong vùng thuộc vòng đai kiểm soát của họ. Trung Quốc cũng dùng các
nước Á Châu nhỏ như là hàng rào an ninh bao bọc lục địa Trung Hoa và
sẵn sàng dùng võ lực để bảo vệ vòng đai an ninh này như trường hợp đối
với Việt Nam từ 1974 đến nay.
Đặng Tiểu Bình và quá trình xiển dương chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc
Giai đoạn đổi mới 1978: Sau khi nắm toàn bộ quyền
hành sau Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lần vào tháng 12, 1978,
Đặng Tiểu Bình vận dụng chủ nghĩa dân tộc để đẫy mạnh Bốn Hiện Đại Hóa
(Công Nghiệp, Nông Nghiệp, Quốc Phòng, và Khoa Học Kỹ Thuật). Từ sau hội
nghị Lư Sơn và rõ nhất là sau Hội Nghị Trung Ương Đảng tại Bắc Kinh
1961, quan điểm của Đặng Tiểu Bình gần giống với Lưu Thiếu Kỳ, dùng mọi
cách để nâng cao sản xuất bất chấp các nguyên tắc kinh tế xã hội chủ
nghĩa tập trung. Câu nói “Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng miễn là
nó bắt được chuột” của Đặng Tiểu Bình thật ra chỉ lập lại một câu châm
ngôn trong văn hóa Trung Quốc nhưng phản ảnh không những về đường lối,
chính sách hiện đại hóa mà cả quan điểm của y về học thuyết Mác. Theo
Bác sĩ Lý Chí Thỏa, bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông, giai đoạn kinh
hoàng 1959 đến 1962, Đặng Tiểu Bình chủ trương “không quan tâm mèo đen hay mèo trắng, công khai ủng hộ cho bất cứ chính sách gì miễn là gia tăng sản xuất nông nghiệp”.
Đặng Tiểu Bình nổi tiếng qua câu nói lịch sử này nhưng cũng nhiều lần
khổ sở vì nó. Cây gậy “mèo đen mèo trắng” được phe Giang Thanh và Khang
Sinh dùng để đánh họ Đặng trong Cách Mạng Văn Hóa khi Mao còn sống, đã
được cánh tả khuynh dùng để đánh y lần nữa sau khi Mao qua đời.
Sau cái chết của Mao, Đặng Tiểu Bình lần nữa đối đầu với một thử
thách có tính quyết định không chỉ sự nghiệp chính trị mà cả mạng sống. Y
đã liên minh với Hoa Quốc Phong và các lãnh đạo thuộc thế hệ già trong
nội bộ đảng để chống lại “Bè lũ bốn người” gồm Giang Thanh, Trương Xuân
Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn. Họ Đặng đã thắng. Sau khi dẹp
tan “Bè lũ bốn người”, cô lập Hoa Quốc Phong, nhận sự ủng hộ trung thành
của thành phần lãnh đạo mới lên như Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, lôi
kéo được nhóm lãnh đạo thời Vạn Lý Trường Chinh như Diệp Kiếm Anh, Bành
Chân, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng, Đặng Tiểu Bình không còn đối thủ nào
đủ tầm vóc, thâm niên đảng tịch và tài năng hơn y. Trong cương vị Chủ
tịch Quân Ủy Trung Ương, họ Đặng trong thực tế là lãnh tụ tối cao của
đảng Cộng Sản và nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Chiến dịch Mùa xuân Bắc Kinh và Bức tường dân chủ:
Đặng Tiểu Bình phát động chiến dịch Mùa xuân Bắc Kinh trong đó cho phép
hình thành một diễn đàn chưa bao giờ có trong xã hội Cộng Sản: Bức tường
dân chủ. Bức tường dân chủ là bức tường gạch ở phố Tây Đơn, quận Tây
Thành, Bắc Kinh. Đây là nơi để người dân nêu lên các ý kiến có tính phản
biện các chính sách của nhà nước. Nhiều bài thơ ca ngợi tự do dân chủ
cũng được dán lên đây. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan được họ Đặng khơi dậy
trong giai đoạn này nhằm lôi kéo quần chúng về phía mình, thu hút sự
tham gia của các tầng lớp nhân dân gia tăng sản xuất, tấn công vào tầng
lớp tả khuynh bảo thủ đang cản trở các thay đổi kinh tế chính trị của y.
Bức tường dân chủ của Đặng là con dao hai lưỡi. Những người góp ý
kiến trong Bức tường dân chủ không chỉ tấn công vào tàn dư của phe nhóm
Giang Thanh hay tham vọng tôn thờ cá nhân của Hoa Quốc Phong mà dần dần
tiến đến việc phê bình các chính sách của họ Đặng. Nhà vận động dân chủ
Wei Jingsheng vào ngày 5 tháng 12 năm 1978 đã dán lên bức tường lời kêu
gọi "Hiện đại hóa thứ năm" tức Dân Chủ Hóa.
Ý thức sự đe dọa của ngọn lửa dân chủ bắt đầu nhen nhúm trong dân
chúng, Đặng Tiểu Bình chỉ thị di chuyển Bức Tường Dân Chủ vào bên trong
một công viên nhỏ, và cuối cùng hủy bỏ. Dù sao, các ý kiến được dán lên
Bức Tường Dân Chủ đã cho thấy sự hiện diện của hai trường phái tư tưởng
đối lập tại Trung Quốc: dân chủ và độc tài, Mác và không Mác. Đây là
nguồn gốc sâu xa dẫn tới phong trào Thiên An Môn mười năm sau đó.
Mùa xuân Bắc Kinh đã tàn nhưng hạt mầm dân chủ gieo trồng vào ý thức
người dân Trung Hoa, nhất là giới trẻ đã dần dần lớn lên. Các cuộc biểu
tình của sinh viên đã xuất hiện từ 1985, 1986 tại các thành phố lớn như
Thượng Hải, Bắc Kinh với các khẩu hiệu “Dân chủ muôn năm”, “Luật pháp
chứ không phải độc tài lãnh đạo”. Lễ tưởng niệm dành cho Hồ Diệu Bang,
lãnh tụ CS có đầu óc đổi mới qua đời ngày 15 tháng Tư, 1989 đã biến
thành cuộc tuần hành đòi dân chủ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện
đại. Sáng 22 tháng Tư, hàng trăm ngàn người thuộc nhiều giới, trong đó
có các đảng viên Cộng Sản trẻ, các nhóm Cộng Sản có khuynh hướng cải
cách tập trung để thương tiếc cựu tổng bí thư và phản đối chính sách
trung ương tập quyền của đảng, đòi hỏi các cải cách chính trị, kinh tế.
Dù gây một tiếng vang lớn, phong trào Thiên An Môn của sinh viên
Trung Quốc đã không đạt được mục đích như đã đề ra trong tuyên bố bảy
điểm và để lại cho các phong trào dân chủ trẻ thế giới nói chung và tại
các quốc gia Cộng Sản nói riêng. Chế độ CS lần nữa sống sót sau trận bão
dân chủ thổi qua Liên Xô và các nước Đông Âu đầu thập niên 1990.
Những cây cột chống đỡ chế độ Cộng Sản tại Trung Quốc hiện nay
Tiếp tục củng cố tính chính danh của đảng CS: Đặng
Tiểu Bình và các lãnh đạo CS tại Trung Quốc biết rõ hơn ai hết, cây cột
duy nhất có thể giữ chế độ CS khỏi sụp đổ trước mắt là xây dựng tính
chính danh lãnh đạo của đảng CS. Giáo sư Peter Hays Gries, một chuyên
gia về Trung Quốc, viết “Thiếu vắng tính hợp luật dựa theo thủ tục
để bầu ra các chính phủ theo các nguyên tắc dân chủ, và đối phó với sự
sụp đổ của hệ tư tưởng Cộng Sản, đảng Cộng Sản Trung Hoa gia tăng phụ
thuộc vào các tiêu chuẩn dân tộc để cai trị đất nước.”
Đặng Tiểu Bình bảo vệ yếu tố chính danh: “Hình ảnh một Trung Quốc
hiện đại không phải được tạo ra bởi nhà Thanh hay bởi các lãnh chúa
quân phiệt, và cũng chẳng phải do Tưởng Giới Thạch hay con trai của ông
ta. Chính là do Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã thay đổi hình ảnh của
Trung Quốc”. Khác với lý thuyết kinh điển CS trong đó giải thích
các yếu tố giai cấp là nguyên nhân của hình thành đảng CS và đấu tranh
giai cấp, các quan điểm CS ngày nay giải thích sự có ra đời của đảng CS
Trung Quốc, trước hết phát xuất từ lòng yêu nước. Giáo sư Liu Kang, Duke
University, nhận xét rằng hiện nay tại Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc
trở thành một yếu tố chính danh mạnh mẽ.
Giới lãnh đạo CS Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội để tiêm nhiễm chủ
nghĩa dân tộc cực đoan vào nhận thức người dân. Trong các sách vở, tài
liệu, kể cả trong đại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Hoa hay trong lễ khai mạc Thế Vận Hội, tinh thần Đại Hán được biểu
dương đến mức cao nhất. Việc tổ chức vô cùng rầm rộ Thế Vận Hội 2008 về
mục đích cũng chỉ là một cách bắt chước dụng ý của Hitler trong việc tổ
chức Thế Vận Hội 1936 với cả hệ thống truyền hình và truyền thanh đạt
tới 41 quốc gia. Cả hai đều là cơ hội để chế độ độc tài củng cố quyền
lực và hợp thức hóa vai trò cai trị của họ.
Để tập hợp toàn dân sau lưng đảng và hoán chuyển đối tượng đấu tranh
của tuổi trẻ sang mục tiêu khác hơn là cơ chế độc tài đảng trị, bộ máy
tuyên truyền của đảng CS luôn nhấn mạnh đến các “thế lực thù địch” đe
dọa sự sống còn của Trung Quốc. Bộ máy tuyên truyền cũng làm tất cả
những gì cần thiết để “thế lực thù địch” luôn hiện diện không chỉ trong
suy nghĩ, nhận thức mà cả trong đời sống của người dân.
“Thế lực thù địch” là ai?
Trước hết là Mỹ: Đối với Mỹ, mặc dù giữa hai quốc gia có một mối quan hệ kinh tế phụ
thuộc vào nhau một cách phức tạp và sâu xa, Trung Quốc, về đối nội, luôn
vẽ một hình ảnh Mỹ đầy đe dọa trong nhận thức của nhân dân Trung Hoa.
Mỹ là thị trường lớn nhất cho hàng hóa Trung Quốc, tuy nhiên trong thống
kê do BBC thực hiện vào 2009, 58% dân Trung Quốc có cái nhìn tiêu cực
về Mỹ. Trong Sách Trắng Quốc Phòng Trung Quốc 2002 (China Defense White
Paper 2002), Trung Quốc cho rằng việc tăng cường đồng minh giữa Mỹ với
các nước đồng minh Á Châu là “yếu tố của bất ổn” trong khu vực này.
Ngày 8 tháng Năm, 1999, một máy bay Mỹ ném bom lầm vào tòa đại sứ
Trung Quốc tại Belgrade làm thiệt mạng 3 nhân viên tòa đại sứ và bị
thương một số người khác. Biểu tình bùng nổ khắp Trung Quốc để tố cáo Mỹ
“xâm phạm thô bạo chủ quyền Trung Quốc”. Trên internet, các hacker tấn
công trang web của tòa đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh và dán ngay trong trang
đầu hàng chữ “Đả đảo bọn người dã man”. Tức khắc sau tai nạn, chính phủ
Mỹ làm tất cả những gì họ nghĩ ra để chứng tỏ sự hối tiếc kể cả việc hạ
cờ thấp nửa cột tại tòa đại sứ Mỹ ở Belgrade. Trung Quốc cũng từ chối
cho phép Đại Sứ Mỹ Sasser tham dự lễ tiễn đưa cũng như không cho phép
một phái đoàn cao cấp của chính phủ Mỹ đến tận Bắc Kinh để xin lỗi.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cố tình trì hoãn việc công bố lá thư xin lỗi
của Tổng Thống Clinton để nhân dân Trung Quốc có dịp trút căm thù lên
“thế lực thù địch” đế quốc Mỹ. Các trường đại học cung cấp xe bus để chở
sinh viên đến bao vây tòa đại sứ Mỹ. Tất cả mười ngàn tờ báo tại lục
địa Trung Hoa đăng những bài bình luận có tính khiêu khích lòng tự ái
dân tộc và kết luận tai nạn làm chết ba người Hoa tại Belgrade là “hành
động cố ý”. Ba người chết trong tai nạn thâm chí còn được là ba “thánh
tử đạo”. Các báo đảng được tự do kết tội Mỹ. Vài tờ báo so sánh hành
động máy bay Mỹ ném bom lầm tàn ác không thua gì tội ác chiến tranh do
Đức Quốc Xã gây ra. Trang đầu của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận
chính thức của nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, phân tích các điểm
giống nhau giữa việc Mỹ ném bom với cuộc tấn công của các đế quốc sau
Loạn Quyền Phỉ (Boxer Rebellion). Nhưng quá khích nhất là tờ Tuổi Trẻ
Bắc Kinh với những bài bình luận với nội dung khích động bầu máu nóng
của thanh niên. Ban Tuyên Huấn Trung Ương Đảng sau đó đã trao giải
thưởng đặc biệt cho tờ báo này. Các phản ứng mang tích kích động hận thù
Mỹ cũng được thể hiện qua nhiều biến cố khác như trường hợp máy bay
thám thính U.S. EP-3 có thể bay lạc vào không phận Trung Quốc vào tháng
Tư 2001 chẳng hạn.
Thái độ quá khích của giới lãnh đạo CS Trung Quốc phát xuất từ một lý
do khác: nỗi sợ bị bao vây. Từ thập niên 1990 đến nay, Trung Quốc luôn
chống đối mọi sự liên minh theo dạng “khối quân sự” ám chỉ sự liên kết
giữa Mỹ và các nước Đông Á cũng như sự có mặt của quân đội Mỹ tại Nhật
Bản, Nam Hàn và mới đây tại Trung Á. Hiện nay, các quốc gia Đông Á vẫn
là đồng minh với Mỹ về mọi mặt, từ kinh tế chính trị và cả quân sự. Do
đó, mối lo lớn nhất của Trung Quốc là bị bao vây và thật sự nước Cộng
Sản này đang bị bao vây. Để đối phó lại các liên minh quân sự khối,
Trung Quốc cố gắng phát triển mối quan hệ đa phương với Nga và các quốc
gia nhỏ khác vùng Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan,
Uzbekistan qua Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (SCO), tuy nhiên tổ chức này
chưa phải là đối lực của các khối thân Mỹ. Tuy mặt ngoài thân thiện, các
cơ quan truyền thông của đảng CS Trung Quốc cho rằng Mỹ và các nước Tây
Phương âm mưu làm cản trở đà tiến của Trung Quốc. Một số lãnh đạo Trung
Quốc còn tố cáo rằng Mỹ đang lừa Trung Quốc vào cuộc Chiến Tranh Lạnh
như Mỹ đã từng áp dụng với Liên Xô để cuối cùng dẫn đến cả hệ thống Liên
Xô tan rã.
“Thế lực thù địch” thứ hai là Nhật: Không thể và cũng không ai phủ nhận chính sách hà khắc của các chế độ
quân phiệt Nhật với Trung Quốc và Triều Tiên. Những biến cố như vụ Tàn
Sát Nam Kinh (Nanking Massacre) hay còn gọi Hiếp Dâm Nam Kinh (Rape of
Nanking) sau khi thành phố này rời tay Nhật trong chiến tranh Hoa Nhật
lần thứ hai (1937 – 1945) đã được thế giới biết qua nhiều sách vở, phim
ảnh. Từ 1950 đến 2010, lãnh đạo các chính phủ Nhật đã 52 lần xin lỗi về
các tội ác do quân đội Nhật gây ra.
Thái độ chống đối hay ngay cả thù ghét, căm hận Nhật trong tình cảm
của nhân dân các nước bị xâm lăng trước đây là một phản ứng tình cảm tự
nhiên. Theo thống kê 2010, 24 phần trăm người dân Nam Hàn nghĩ rằng Nhật
chưa bao giờ xin lỗi và 58 phần trăm tin rằng Nhật không xin lỗi một
cách thành thật. Tuy nhiên, chánh phủ Nam Hàn không trộn lẫn các tình
cảm chống Nhật vào các chính sách kinh tế, chính trị và bang giao quốc
tế. Tại Trung Quốc thái độ chống Nhật là một loại vũ khí tuyên truyền
của đảng CS.
Giới lãnh đạo CS Trung Quốc kiểm soát tuyệt đối không chỉ đời sống
vật chất mà cả đời sống tình cảm, tinh thần thương ghét của người dân.
Quá nhiều phim ảnh, sách báo tập trung vào một cuộc chiến đã chấm dứt 60
năm trước. Một đứa bé Trung Quốc khi mới bắt đầu tập đọc sách đã được
dạy căm thù Nhật Bản. Việc đi thăm viếng và học hỏi tư liệu từ các viện
bảo tàng tội ác Nhật là một phần trong chương trình học của học sinh
trung học. Phóng viên tạp chí Time đã phỏng vấn một nữ sinh 15 tuổi sau
khi em vừa viếng thăm Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Chống Nhật và em đã trả
lời “Xem xong, em thù Nhật hơn bao giờ hết”.
Năm 2005, khi Nhật Bản vận động để trở thành hội viên thường trực của
Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo CS Trung Quốc lại lần nữa xúi
giục hàng vạn sinh viên Trung Quốc xuống đường phản đối. Các thành phố
lớn, sinh viên tấn công các tòa lãnh sự, các cơ sở thương mại, siêu thị,
nhà hàng Nhật kể các công ty hàng hóa Nhật do người Hoa làm chủ. Giới
lãnh đạo CS biết, tội ác của Nhật càng nặng bao nhiêu thì vai trò cứu
rỗi dân tộc của đảng CS Trung Quốc càng to lớn bấy nhiêu. Hầu hết các
nhà phân tích chính trị thế giới đều đồng ý việc tuyên truyền công lao
của đảng CS trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chỉ nhằm biện hộ
cho vai trò lãnh đạo lâu dài của đảng.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đe dọa sự sống còn của đảng CS
Chủ nghĩa Đại Hán là con dao hai lưỡi: Giáo sư Susan
L. Shirk, nguyên Phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao đặc trách Trung Quốc nhận
xét, trong lúc ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng mạnh trên trường quốc
tế, quốc gia này lại rất mong manh trong nội bộ. Sau biến cố Thiên An
Môn, để mua chuộc giới trung lưu có quyền lợi mâu thuẫn với đảng, giới
lãnh đạo đảng CS đã gia tăng tiền lương, nâng cao mức sống của giới này,
cung cấp công ăn việc làm trong hệ thống nhà nước, thu hút họ gia nhập
đảng CS. Mức lợi tức bình quân đầu người tại Thượng Hải vào khoảng 9000
đô la, cách quá xa so với các khu vực ngoại ô nghèo nàn. Sự khác biệt
giàu và nghèo, thành phố và thôn quê đang báo hiệu một tai họa. Ngoài
ra, như lịch sử đã chứng minh sự phát triển của giai cấp trung lưu là
nguồn thúc đẩy của cách mạnh dân chủ vì đó là giai cấp có học thức, có
phương tiện và có nhiều nhu cầu vật chất cũng như tinh thần cần được
thỏa mãn. Tại Trung Quốc, giới lãnh đạo đảng CS đến nay đang thành công
trong việc cầm chân giới trung lưu nhưng không thể nào giữ được lâu dài.
Đối với các dân tộc thiểu số, chỉ riêng ba tháng đầu năm 2009, Trung
Quốc đã có 50 ngàn vụ xung đột có tính bạo động lớn nhỏ giữa dân thiểu
số và lãnh đạo CS tại địa phương. Các cuộc nổi dậy chống chính sách Hán
hóa tại 5 khu vực tự trị Tân Cương (Xinjiang), Ninh Hạ (Ningxia), Nội
Mông Cổ, Tây Tạng và Yining (thủ phủ khu tự trị dân tộc Kazakh Ili) cũng
như với 50 nhóm thiểu số khác khắp Trung Quốc ngày càng gia tăng. Lợi
thế của các dân tộc thiểu số tuy ít về dân số nhưng sở hữu những vùng
đất rộng mênh mông rất dễ gây khó khăn cho chính quyền trung ương.
Cũng trong tác phẩm Trung Quốc, siêu cường dễ vở (China Fragil Superpower), Giáo sư Susan
L. Shirk nhận xét giới lãnh đạo CS Trung Quốc luôn sống trong tình
trạng bất an khi nghĩ về ngày vĩnh biệt không thể tránh khỏi của chế độ
CS tại lục địa Trung Hoa. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát triển đến một
giai đoạn không còn kiểm soát được đang trở thành mối đe dọa cho sự tồn
tại của đảng CS và bộ máy độc tài.
Chủ nghĩa Đại Hán làm gia tăng bất hòa, thù địch với các nước
láng giềng và sẽ đẩy các nước nhỏ không có chọn lựa nào khác hơn là
liên minh quân sự: Từ thập niên 1990 đến nay, Trung Quốc luôn
chống đối mọi sự liên minh theo dạng “khối quân sự” ám chỉ sự liên kết
giữa Mỹ và các nước Đông Á cũng như sự có mặt của quân đội Mỹ tại Nhật
Bản, Nam Hàn và mới đây tại Trung Á. Phần lớn các quốc gia vùng Đông Á
vẫn là đồng minh với Mỹ về mọi mặt, từ kinh tế chính trị và cả quân sự.
Mối lo lớn nhất của Trung Quốc là bị bao vây và thật sự nước Cộng Sản
này đang bị bao vây. Để đối phó lại các liên minh quân sự khối, Trung
Quốc cố gắng phát triển mối quan hệ đa phương với Nga và các quốc gia
nhỏ khác vùng Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan
qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tuy nhiên tổ chức này chưa phải
là đối lực của các khối thân Mỹ. Tuy mặt ngoài thân thiện, các cơ quan
truyền thông của đảng CS Trung Quốc được chỉ thị phải liên tục tố cáo Mỹ
và các nước Tây Phương âm mưu làm cản trở đà tiến của Trung Quốc. Một
số lãnh đạo Trung Quốc còn nghĩ rằng Mỹ đang dẫn dắt Trung Quốc vào cuộc
Chiến Tranh Lạnh như Mỹ đã làm với Liên Xô để cuối cùng dẫn đến cả hệ
thống Liên Xô tan rã.
Chiếc mặt nạ chủ nghĩa dân tộc sớm muộn sẽ rớt xuống: Trung Quốc mặt ngoài rất hung hăng, cứng rắn, ăn hiếp láng giềng qua
các đụng độ quân sự nhỏ nhưng rất sợ chiến tranh quốc tế hay khu vực bởi
vì như nhà ngoại giao kỳ cựu Ngô Kiến Dân cảnh cáo “Rất nhiều người
cho rằng cứ tiến hành chiến tranh để giành chiến thắng là ổn. Thực ra
không phải vậy, mà ngược lại, sẽ chỉ làm tình hình xung quanh Trung Quốc
rơi vào hỗn loạn.” Nhà ngoại giao Ngô Kiến Dân cũng so sánh giữa
chủ nghĩa dân túy của Hiter và chủ nghĩa dân tộc cực đoạn tại Trung Quốc
hiện nay “Hitler có yêu nước Đức không? Dĩ nhiên có, nhưng hắn theo
chủ nghĩa dân túy. Thanh niên ngày nay cần có tầm nhìn rộng mở, phải có
trái tim bao dung thiên hạ. Thứ chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc
cực đoan, chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi là không thể được. Một quốc gia chỉ
biết cái lợi riêng mình thì sẽ mất hết bạn bè, sẽ bị cô lập. Thời nay,
cô lập là tai họa....Trong thời đại toàn cầu hóa, tin học hóa khiến lợi
ích các nước gắn kết chặt chẽ với nhau như hiện nay, đã đến lúc chúng ta
không thể đóng cửa lại để tuyên truyền thứ chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi.”
Giới lãnh đạo CS Trung Quốc không phải không ý thức hiểm họa đó, tuy
nhiên, để kéo dài sự sống, giới lãnh đạo CS Trung Quốc không có chọn lựa
nào khác hơn là tiếp tục giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc và xoay
xở bằng mọi cách để phát triển kinh tế. Cả hai điều kiện đầu bất khả
thi. Không một nền kinh tế nào có thể duy trì được mức phát triển cao
một cách liên tục và không sự thật nào được che giấu mãi mãi. Sự phẫn nộ
của dân chúng trước các suy thoái kinh tế xã hội sẽ trút lên đầu đảng
CS. Sắc dân Hán tuy đông nhưng sẽ không cứu được đảng CS. Lịch sử đã
chứng minh, không phải ngày nay sắc dân Hán mới chiếm đa số mà đã là đa
số trong nhiều ngàn năm trước nhưng vẫn bị các sắc dân nhỏ uy hiếp, tấn
công và ngay cả cai trị. Sự suy yếu bên trong và áp lực bên ngoài là
những mối đe dọa thường trực và trực tiếp cho quyền cai trị của đảng CS.
Bài học Tiệp Khắc trước chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đại Hán ngày nay
Chủ trương bành trướng về phía Đông Âu của Hitler để làm bàn đạp
chinh phục Âu châu cũng không khác gì nhiều so với chủ trương bành
trướng Đông Nam Á làm bàn đạp chinh phục Á châu của giới lãnh đạo CS
Trung Quốc hiện nay.
Sau khi sáp nhập Áo không có một phản ứng mạnh nào từ phía các cường
quốc Âu Châu, Hitler đòi vùng Sudelenland trù phú với đa số dân nói
tiếng Đức từ Tiệp Khắc. Anh Pháp nhượng bộ. Hiệp ước Munich được ký kết
bất chấp sự chống đối của chính phủ Tiệp. Không lâu sau đó, Hitler chiếm
luôn Tiệp Khắc. Tháng Chín 1939, Đức tấn công Ba Lan. Anh và Pháp cam
kết ủng hộ Ba Lan và tuyên chuyến với Đức. Thế chiến thứ hai thật sự
bùng nổ. Hậu quả, khoảng 60 triệu người trên thế giới đã chết trong sáu
năm kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.
Trường hợp Tiệp Khắc là bài học lớn cho dân tộc Việt Nam và sẽ được
phân tích trong bài viết đầy đủ hơn sau này. Tuy nhiên một cách vắn tắt,
lý do chính làm Tiệp Khắc bị xóa tên trên bản đồ thế giới ngay cả trước
khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, chưa hẳn vì Anh và Pháp đã bán đứng cho
Hitler tại hội nghị Munich như nhiều sử gia đồng ý. Chính sách nhân
nhượng (appeasement policy) của các lãnh đạo chủ hòa châu Âu đứng đầu là
Thủ tướng Anh Neville Chamberlain chỉ là nguyên nhân khách quan, nằm
ngoài vòng kiểm soát chủ động của chính phủ và nhân dân Tiệp. Tiệp Khắc
rơi vào tay Hitler nhanh chóng chỉ vì Tiệp Khắc là một quốc gia ô hợp,
phân hóa, suy yếu, có nhiều chính khách làm tôi mọi ngoại bang và không
có quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước. Hitler nhắm vào Tiệp Khắc vì y
biết Tiệp Khắc là một quốc gia nhưng không có nội lực của một dân tộc
thống nhất. Như người xưa nhắn nhủ muốn thắng kẻ thù trước hết phải
chiến thắng chính mình. Trong phạm vi dân tộc cũng thế, trước khi thắng
được ngoại xâm một dân tộc phải biết vượt qua mọi bất đồng, biết hy
sinh, biết đoàn kết thành một mối, và nếu cần phải biết chết cho các thế
hệ tương lai của dân tộc được sống còn.
_______________________________________
Tham khảo:
- Susan L. Shirk, China Fragil Superpower, Oxford University Press, 2007.
- Center for Strategic and International Studies and the Peter G. Peterson Institute for International Economics, China: The Balance Sheet, Public Affairs 2007
- Wenfang Tang and Gaochao He, Separate but Loyal: Ethnicity and Nationalism in China, East-West Center 2010, Hawaii University 2010.
- Roderick MacFarquhar, Michael Schoenhals, Mao's Last Revolution, Cambridge, MA, Belknap Press of Harvard University
- The Democracy Wall Movement and the Variations of Socialist Democracy, Department of Contemporary History. The 7th Biennial Nordic Conference on Chinese Studies, Helsinki 7-9 June 2005
- Jayshree Bajoria, Nationalism in China, Council on Foreign Relations, April 23, 2008
- Wei Jingsheng: China's Spirit of Democracy
- Tiananmen Square, 1989.The Declassified History
- Robert Kagan, The End of History, The New Republic, April 23, 2008
- Joshua Kurlantzick, Nonstop party, The surprising persistence of Chinese communism, Boston Globe, November 22, 2009.
- Maria Hsia Chang, Thoughts of Deng Xiaoping, The Regents of the University of California 1996
- Peter Hitchens, How China has created a new slave empire in Africa, Mail, 28th September 2008
- Trần Trung Đạo, Từ Olympic đến Darfur, đế quốc đỏ trên lục địa đen, Talawas, 19th August 2008
- Matthew Forney, Why China Loves to Hate Japan, Time, Dec 10 2005
- Austin Ramzy, Bao Tong on Deng Xiaoping, ON THE WEB, 30 December 2008
- Ngô Kiến Dân Vũ lực không giải quyết được tranh chấp ở Biển Đông Tiền Phong, 15/07/2012
- Robert L. Worden, Andrea Matles Savada and Ronald E. Dolan, China: A Country Study. Washington: GPO for the Library of Congress, 1987