Đau đầu vì tiền, vì đâu? - Dân Làm Báo

Đau đầu vì tiền, vì đâu?

Trịnh Kim Tiến - Dạo gần đây, tôi thường hay bị "phê bình" là người thực tế quá, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền. Mở mắt ra đã nghĩ đến tiền, trước khi đi ngủ cũng nhắc đến tiền. Đồng ý rằng tiền là phương tiện để sống chứ không phải sống vì tiền. Nhưng không có phương tiện ấy thì con người sống thế nào đây nhất là ở thời buổi lạm phát gia tăng, mọi loại thuế má, mọi loại chi tiêu – tất cả đều cần đến tiền.

Nói chi xa, nạn đói ở Thanh Hóa ngay hồi năm ngoái, người dân nghèo không có đủ nổi tiền mua gạo ăn, khiến hơn 24.000 người dân chịu đói. Đâu phải ai cũng biết đến điều đó và thường thường thì họ sẽ thốt lên "Ủa thời này rồi mà còn có người chết đói ở Việt Nam  nữa à?". Người thành phố thường không biết đến nạn đói, nạn mù chữ ở các tỉnh vì trước đây các tin thuộc dạng này ít được đăng tải trên các trang báo chính thống. Và nếu có thì mấy người quan tâm để ý đến, khi cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền  cũng đang đè nặng lên chính đôi vai họ.

Ba ngày thì giá xăng tăng, bốn ngày thì giá gas lên, năm  ngày thì đến lượt giá điện, giá nước… Gạo, mắm muối, cá, rau, thịt… cứ thế cũng tăng theo. Giá cả cứ nối đuôi nhau tăng một cách tự nhiên và không chịu đi xuống. Người dân chỉ biết kêu ca than vãn mà không biết nguyên nhân  nằm ở đâu? Cái điệp từ tiền-tiền-tiền nó ngấm vào máu hầu hết người dân thường Việt Nam.

Cơ chế quản lý yếu kém, nạn tham nhũng bao trùm thì việc lạm phát là điều tất yếu xảy ra nhưng người dân nước tôi rất lạc quan mà nói với nhau rằng "Chúng nó tham nhũng thì kệ m... chúng nó, hơi đâu mà đi lo việc chúng nó bây giờ, việc của mình là lo mà làm ăn kiếm tiền cho đủ sống". Người khác lại cười hì hì "Thôi, hơi đâu mà phản đối,  thấp cổ bé họng thì phải chịu, có phải một mình mình đâu, tăng là tăng là tăng chung, đứa nào cũng phải chấp nhận hết..." Nhiều khi nghĩ lại những phản ứng của nhiều người mà tôi vừa thấy buồn lại vừa thấy buồn cười.

Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm chúng ta đều phải đối mặt với các loại thuế, thuế nhà, thuế đất, thuế tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, thuế giá trị gia tăng… Mỗi loại thuế tính riêng nhìn vào cũng không nhiều, nhưng gộp chung lại thì nó lại là một con số khủng đối với túi tiền, với thu nhập của người dân.

Nhiều khi người ta được nhận từ chính những đồng tiền mình đóng ra mà không hay biết. Các cụ già khác luôn hăm hở, vui vẻ chờ có dịp gì đó để được hội của phường tặng 100- 200 ngàn, bà tôi cũng vậy nhưng họ không biết được rằng, số tiền đó được trích ra từ đâu? – Từ tiền thuế của chúng ta cả đấy.

Dường như chưa đủ đau đầu với các loại thuế, loaị phí, người dân còn phải gánh thêm một loại phí mới được gắn nhãn "quyên góp, ủng hộ".

Hôm trước đang ở công ty làm việc, người của bên đoàn phường đến kỳ kèo, đòi công ty phải mua ủng hộ đoàn thanh niên hộp bút bi với giá 150k đắt hơn nhiều so với thị trường. Công ty đang đông khách mà người này cứ năn nỉ, bắt không ra bắt, mà xin không ra xin, ép người ta phải mua. Nghĩ về mấy bạn thanh niên, ở tỉnh lên thành phố ăn học, không có tiền trang trải, tôi đồng ý mua hộp bút bi. Sau đó thì tôi đã hối hận vì điều này. Dù không đáng bao nhiêu nhưng thật bức xúc khi mà sử dụng không được bao nhiêu thì chiếc bút bi đã hết mực, một cảm giác thật khó chịu, cảm thấy tôi như đang bị lừa gạt.

Hôm nay đọc được cái stastus của một người bạn làm cùng ở Sài Gòn, nói về việc tổ dân phố đến đòi thu tiền phòng chống lũ lụt, 5000đ/1 người và cô ấy cảm thấy vô lý quá nên không đóng. Nếu là tôi lúc trước, chắc tôi cũng nghĩ là đóng cho xong, có 5000đ/1 người. Nhưng suy nghĩ của tôi đã khác đi khi nhìn nhận lại, đúng là 5000đ/ 1người không đáng bao nhiêu, nhưng nhân lên với số cư dân trong thành phố thì nó lại là con số  không hề nhỏ. Năm nào cũng kêu gọi đóng góp, ủng hộ bằng hình thức thu phí như vậy mà lũ lụt vẫn ngang nhiên đe dọa tính mạng và tài sản người dân. Nguy cơ thủy điện Sông Tranh lù lù thấy rõ trước mắt trước những dư chấn của động đất mà người ta còn không quan tâm chặt chẽ thì phòng tránh lũ lụt ra sao? Người dân Quảng Nam đang mỗi ngày phải sống trong sự hoang mang lo sợ trước những lời khẳng định an toàn của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cùng các cơ quan chức năng – những người không sống cùng, không bám trụ, không trải sinh mạng mình ra đánh cược với đập thủy điện Sông Tranh.

Khi lũ lụt xảy ra, nhìn vào những năm qua có được bao nhiêu người nhận được cứu trợ? Hầu hết người dân miền lũ đều trắng tay sau mỗi trận bão càn quét. Số tiền ủng hộ lũ lụt cũng đâu còn là 5000đ/ 1người nữa, mà có khi còn là 50000đ, 100000đ/ người, vậy thì số tiền đó đã đi về đâu? Nó có thực sự được sử dụng đúng với mục đích "ủng hộ" của nó hay không?

Từ "ủng hộ" đã bị lạm dụng rất nhiều lần với đủ các loại hoạt động của phường xã. Lúc thì ủng hộ hội phụ nữ, khi thì ủng hộ quỹ thể thao phường…Dần dần người dân cũng không còn muốn biết đó là loại quỹ gì, đóng góp cái gì, đóng góp cho ai, chỉ biết bảo đóng là đóng.

Thiết nghĩ việc ủng hộ là phải từ tâm, người dân Việt luôn có truyền thống yêu nước thương nòi, cũng không thiếu những người có tấm lòng.

Nếu như sự đóng góp mà thu được gía trị và ý nghĩa tích cực thực sự thì tôi nghĩ ai cũng sẽ không tiếc gì mà ủng hộ hết mình, nhưng nếu quá lạm dụng việc "ủng hộ" và "quyên góp" để ép buộc người dân phải đóng tiền, không rõ ràng trong việc thu chi trong các khoản quỹ thì đó là sự vô lý, bất minh.

Giả dụ như việc đóng tiền quỹ bảo vệ an ninh khu phố cũng vậy, năm nào cũng đóng tiền  mà trộm vẫn ngang nhiên vào khoắng sạch đồ trong nhà. Trình báo công an bị mất trộm vẫn không thể tìm lại được tài sản thì tự khắc số tiền đóng góp đó dù ít cũng không ai muốn bỏ ra, đóng loại quỹ vô ích nữa.

Qúa nhiều khoản tiền mà không kể sao cho hết. Thật là khó cho các bà vợ khi không nghĩ đến tiền. Trách là trách người dân quá lạc quan và thỏa hiệp với những sai trái bất công. Chỉ khi nào có đủ cái ăn, cái mặc thì có lẽ lúc đó đồng tiền mới thực sự được coi là phương tiện sống.






Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo