Lại nói về sự thỏa hiệp chính trị - Dân Làm Báo

Lại nói về sự thỏa hiệp chính trị

Huỳnh Thục Vy (Danlambao) - Cuộc đấu tranh để đạt được một thể chế chính trị tốt đẹp hơn, bản thân nó là một cuộc đấu tranh chính trị. Dù những người đấu tranh không phải là những người làm chính trị đúng nghĩa; họ thuộc đủ mọi thành phần xã hội, từ sinh viên, những người hoạt động xã hội thiện nguyện, nghệ sĩ, trí thức khoa bảng, nhà văn, nhà báo, luật sư... với những ưu thế sẵn có, họ lên tiếng cho Dân chủ Tự do, nhưng với một thái độ chính trị nhất định và với sự phản kháng chính trị dành cho nhà cầm quyền độc tài, cuộc đấu tranh ấy của họ là một cuộc đấu tranh chính trị và mang đầy đủ tính chất của sự đấu tranh chính trị.

Trong những người đấu tranh cho Tự do Dân chủ hôm nay, có nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Có một nhóm người chủ trương không đối thoại với Cộng sản; còn số khác thì ngược lại, lại cổ vũ cho một sự thỏa hiệp mà họ tự cho là nhân bản và thích đáng trong một thế giới văn minh hôm nay. Bản thân người viết dù chỉ là một người thiếu kinh nghiệm, với tất cả những khiếm khuyết của mình, tôi thiết nghĩ, một cách nhìn nhận trung dung là thỏa đáng hơn cả. Cả Đức Phật, Khổng Tử của Đông Phương đến Socrates của văn minh Hy La Tây phương đều cổ vũ cho một sự trung dung cần thiết. Bởi bất cứ sự cực đoan nào cũng dẫn ta tới thái cực kia, theo chiều ngược lại. Tôi không cổ vũ cho sự thỏa hiệp chính trị với nhà cầm quyền độc tài nhưng cũng không phủ nhận hoàn toàn cái gọi là “sự thỏa hiệp” trong chính trị (miễn sao nó có lợi). Tha thiết xin quý độc giả kiên nhẫn lắng nghe những chia sẻ của một người trẻ như tôi.

Điều mà hôm nay tôi muốn lạm bàn trong giới hạn tri thức của mình, đó là sự đối thoại và thỏa hiệp chính trị, cũng như tính cần thiết nếu có của chúng. Sự thỏa hiệp chính trị theo nghĩa đơn giản nhất của nó là sự tiến lại gần nhau, đứng cùng nhau trong một sự đồng ý chung giữa hai phe đối lập về lập trường tư tưởng chính trị. Đã nói đến thỏa hiệp là nói đến một khế ước về ý chí giữa hai phía khác biệt quan điểm hoặc thậm chí là đối lập, thù nghịch. Mà nhắc đến khế ước thì phải có một điều kiện tất yếu để đảm bảo tính chất của nó, đó là cả hai bên cùng tiến đến một điểm ở giữa, để chính ở đó, họ chấp nhận được nhau như trong bất cứ khế ước dân sự nào. Thế nhưng, đấu tranh chính trị không đơn giản như hoạt động kinh tế - dân sự. Các hoạt động kinh tế dân sự được điều chỉnh và chế tài trong những chế định luật pháp minh bạch, sẵn có và được thông báo trước. Dù hoạt động đó diễn ra trên phạm vi quốc tế thì tư pháp quốc tế vẫn điều chỉnh được hoạt động này. Đấu tranh chính trị quốc gia và quốc tế thì phức tạp và hàm ẩn nhiều bất trắc hơn gấp bội. Chúng ta có bao giờ tự hỏi, sự thỏa hiệp trong chính trị có thể đạt được hay không, mà dù có đạt được thì việc thực hiện nó có hiệu quả hay không?

Trong thế giới liên lập và cởi mở ngày hôm nay, những thỏa hiệp chính trị có vẻ minh bạch và ít bất trắc hơn. Vì tư duy chính trị hôm nay là “cùng thắng” (win-win) là hai bên cùng có lợi. Nhưng điều đó không có nghĩa là khả năng win-win là hoàn toàn chắc chắn và không thể đảo ngược. Các mâu thuẫn chính trị càng lớn, khả năng “cùng thắng” này càng nhỏ; hai phía càng đối lập sâu sắc về quyền lợi thì hy vọng “cùng có lợi” lại càng hiếm. Thế giới hôm nay không phải là nơi “cá lớn nuốt cá bé” nữa, nhưng mọi ưu thế trong đàm phán và thỏa hiệp chính trị luôn thuộc về kẻ có sức mạnh về quân sự, kính tế, chính trị trên trường quốc tế.

Thỏa hiệp là phía này cho phía bên kia một thứ, để đổi lại, sẽ nhận được một thứ có giá trị tương đương. Trong những khó khăn riêng về nội bộ và về thế lực của phe nhóm mình, thiển nghĩ một sự nhượng bộ thích đáng trong từng tình hình cụ thể là có khả năng được đặt ra. Nhưng nhượng bộ là để tiến về phía trước để đạt được mục đích chính, để tiếp tục đấu tranh; chứ không phải nhượng bộ đánh mất quan điểm chính trị cố hữu, để hòa tan và tự làm mình biến mất. Giữa sự thỏa hiệp và đầu hàng có biên giới rất mong manh mà chỉ cần sự bất cẩn và không giữ được thăng bằng, tất cả những giá trị đấu tranh mà mình đang cổ vũ sẽ là vô nghĩa. Vì thế, thỏa hiệp với phe đối địch là một trò chơi nguy hiểm của những người có “cold head”, không phải là những toan tính ngây thơ của những người chỉ có trái tim nóng nhưng thiếu kinh nghiệm. Bởi vậy, quan điểm của tôi, với tất cả những cẩn trọng cần thiết của một người thiếu kinh nghiệm, tôi chưa bao giờ nghĩ đến đối thoại hay thỏa hiệp với chính quyền Cộng sản Việt Nam, bởi điều đó là quá nguy hiểm.

Trong đấu tranh chính trị nói chung, không phải là hoàn toàn không có khả năng đối thoại hay thỏa hiệp. Một sự đấu tranh không có sự ngừng lại và nhượng bộ sẽ là cứng nhắc mà không tận dụng những điều kiện thuận lợi bên ngoài như một cây cao không biết uốn mình trong gió bão sẽ khó có thể vươn cao, nếu không muốn nói là sẽ bị bẻ gãy. Cả thực tế lẫn lý luận đều cho thấy, thỏa hiệp chính trị là không thể không có, nhưng đồng thời nó cũng không thể là chân thật. Hiệp định Geneve, hiệp định Paris, Mao Trạch Đông thỏa hiệp với Tưởng Giới Thạch để kháng Nhật…và tất cả những sự thỏa hiệp chính trị khác, không thể nào mang lại cho chúng ta một cảm quan tin tưởng khả dĩ về tính chân thật và hiệu quả của các thỏa hiệp. Thỏa hiệp trong đấu tranh chính trị vì thế, không thể là thỏa hiệp chân thật, bởi ngay từ khi thỏa hiệp chưa hình thành, những âm mưu và khả năng xóa bỏ nó đã tồn tại và tất nhiên được giấu trong bí mật. Chúng ta đều có thể thấy, hai phía có quyền lợi đối lập, không thể nào có những đồng ý thực sự với nhau về một điểm nào đó. Những ai trông mong vào sự thỏa hiệp thật trong cuộc đấu tranh hôm nay sẽ sớm nhận thấy nguy cơ và thiệt thòi cho mình.

Hơn nữa, không phải lúc nào cũng có thể thỏa hiệp, ngay cả thỏa hiệp giả. Vậy khi nào thì hai phía đối lập (ví dụ như hai bên: những người đấu tranh cho Dân chủ và chính quyền Cộng sản) có thể thỏa hiệp? Đương nhiên, ngay từ đầu, chúng ta có thể nhận thấy: thỏa hiệp là cùng dừng lại ở một điểm cân bằng, rồi cho và nhận. Vậy thì chúng ta phải có thứ gì đó mới có thể mang ra mà trao đổi, nên phải có thực lực mới có thể thỏa hiệp. Thứ nữa, khi cả hai bên đều tiến vào tình trạng “dẫm chân tại chỗ” trong một điều kiện cụ thể nào đó, cả hai không thể tiếp tục chiếm thêm bất cứ ưu thế nào nữa, thì người ta sẽ cùng ngồi lại với nhau để có một sự đồng ý chung về một câu chuyện cụ thể. 

Vậy trong tình thế hiện nay, khó có thể, nếu không muốn nói là không thể có sự đối thoại hay thỏa hiệp giữa những người đấu tranh cho Tự do và chính quyền Cộng sản. Bởi lẽ những người đấu tranh chưa thực sự tập trung được thành một lực lượng chính trị đủ mạnh có đủ thế và lực để cạnh tranh với chính quyền cộng sản. Nhà cầm quyền cộng sản lại đang nắm trong tay tất cả quyền lực chính trị, kinh tế, xã hội và kể cả bạo lực nhà nước. Trong khi lực lượng đối lập chỉ là những nhóm người chưa có sự phối hợp hoạt động và chưa có người lãnh đạo, chưa có được vị thế vững vàng trong xã hội. Có chăng là chúng ta đang thủ đắc chính nghĩa đấu tranh phù hợp với các giá trị mà nhân loại đang hướng tới, nói khác hơn chúng ta có được “công đạo”. Nếu chúng ta không có gì để trao đổi với chính quyền thì không bao giờ có thể thỏa hiệp với họ, vì họ không có nhu cầu phải đối thoại và thỏa hiệp vợi một lực lượng mà họ đang có khả năng chặn đứng và đàn áp bất cứ lúc nào. Sự thỏa hiệp trong điều kiện này, không khác hơn là sự tự đánh mất lập trường và giá trị của mình, tạo ra khả năng bị lợi dụng và gia tăng sự chính danh cho nhà cầm quyền. Còn nếu khi chúng ta có đủ sức mạnh như một lực lượng đối trọng với họ thì không có lý do gì để chúng ta phải thỏa hiệp với họ khi điều này đồng nghĩa với việc phải từ bỏ một ưu thế vốn có của mình. 

Cũng phải nói thêm một điều, khi xảy ra một trường hợp, cả hai phe phải đương đầu với một lực lượng thứ ba, mà lực lượng này là kẻ thù chung của hai phía, là trở ngại khiến hai phía chẳng thể tiến lên thêm một bước nào nữa thì có khả năng dẫn đến sự thỏa hiệp. Nhưng trong tình hình Việt Nam hiện nay, khả năng này khó xảy ra, vì ngay đối với ngoại xâm (lực lượng thứ 3 nguy hiểm) những người cộng sản Việt Nam cũng chỉ muốn hợp tác, ngược lại, họ lại coi những người đối lập là kẻ thù không đội trời chung. Thậm chí, họ còn dựa vào ngoại bang để có ưu thế và thời gian đàn áp lực lượng Dân chủ.

Nói chung, sự thỏa hiệp nằm trong trang thái cân bằng động mà một động thái nhỏ cũng có thể phá vỡ sự cân bằng này. Trong đấu tranh chính trị, một là ưu thế thuộc về phe này, hai là thuộc về phe kia và khi một phía vẫn chiếm thế thượng phong không ai dại gì thỏa hiệp. Thỏa hiệp là một câu chuyện ở xa phía trước, nên đặt ra vấn đề đó lúc lực lượng dân chủ còn yếu hôm nay là không phù hợp. Còn trong tương lai có nhiều biến chuyển không thể nói trước, rất khó để có thể đưa ra dự phóng. Nhưng có một điều quan trọng là, với những gì người Cộng sản đã gây ra đối với dân tộc này, bất cứ sự thỏa hiệp nào với họ cũng dễ dẫn đến sự giảm sút uy tín của những người đấu tranh dân chủ. Ấy là chưa kể đến khả năng chúng ta tặng họ sự chính danh để rồi sau đó họ đẩy chúng ta ra bên lề. Thỏa hiệp giữa Hồ Chí Minh và những người Quốc gia trong chính phủ Liên hiệp là một ví dụ sáng giá mà những người đấu tranh chính trị cần nhớ mãi.

Trong thời gian này, quả thực khi nói đến sự thỏa hiệp, tôi luôn nghĩ đến một cụm từ "bình mới rượu cũ” . Kẻ yếu thỏa hiệp với kẻ mạnh thì chỉ có một cách là làm cho mình tan biến đi thôi: mà dù là giữa hai kẻ có sức mạnh ngang nhau thì cũng không có gì đảm bảo là một trong hai phía, thậm chí là cả hai vi phạm thỏa hiệp. Là một người luôn mong muốn một sự đổi thay với kịch bản tốt nhất cho đất nước, tôi luôn đề cao một sự hòa giải trong lòng người, hòa giải văn hóa, hòa giải lịch sử. Nhưng muốn có hòa giải thực sự phải có Công lý. Vì bản thân Công lý là một giá trị mang lại sự hài hòa trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ chính trị-xã hội. Công lý chưa được thực thi, tội ác chưa bị trừng phạt, công lao chưa được vinh danh, hòa giải chỉ là giả.

Đối thoại cũng được, thỏa hiệp cũng chẳng sao, nhưng trước tiên cả hai phía phải cùng đứng trên một võ đài trong vị thế bình đẳng cùng với sự tương xứng về thực lực; và những ai muốn đối thoại phải đảm bảo mình đủ sáng suốt và khôn ngoan để không bị đưa vào bẫy, bị đẩy vào tình thế “thả con rô bắt con tép”. Lại nói một lần nữa, thiết nghĩ cũng không thừa, đối thoại hay thỏa hiệp là một trò chơi nguy hiểm không dành cho những người thiếu tư duy chiến lược và thiếu khả năng nhạy bén vượt trội về chính trị.

Buôn Hồ, ngày 11 tháng 9 năm 2012




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo